TT Nguyễn Tấn Dũng không còn được Đảng tín nhiệm?
Phụng Việt, viết từ Singapore
2012-10-11
Chỉ có 40 trong số 175 đại biểu chính thức, tham dự Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11, bỏ phiếu tán thành việc TT Nguyễn Tấn Dũng có thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò Thủ tướng.
Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11, diễn ra tại Hà Nội ngày 1 tháng 10 năm 2012.
Tin đồn giữ vai trò dẫn dắt dư luận đang là điều càng ngày càng bình thường trong sinh hoạt chính trị - xã hội tại Việt Nam. Sự kiện Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11 không phải là ngoại lệ.
Hội nghị này khai mạc hôm 1 tháng 10 và được cho biết là sẽ kéo dài cho đến hết ngày 15 tháng 10.
Mâu thuẫn quyền lực?
Trong khi các nguồn chính thức chỉ dẫn ý kiến của ông
Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng CSVN – xác nhận hôm khai mạc, ít hội
nghị nào có nhiều nội dung và thời gian họp kéo dài như Hội nghị lần
thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11 (quen được gọi tắt
là Hội nghị Trung ương 6) và: “Tất cả vấn đề được bàn và quyết định đều rất quan trọng và phức tạp”,
thì nhiều tin đồn loang rộng lại rất giống nhau ở yếu tố, Hội nghị
Trung ương 6 chỉ nhằm giải quyết mâu thuẫn quyền lực giữa những cá nhân
lãnh đạo Bộ Chính trị Đảng CSVN. Theo đó, cả ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng
Bí thư, ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, đều cùng muốn chặn ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng của
Chính phủ Việt Nam gây thêm các hậu quả nghiêm trọng cho chính trị -
kinh tế - văn hóa – xã hội Việt Nam, do những hậu quả này đe dọa gây
nguy hại cho sự tồn tại của Đảng CSVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị TW6 hôm 01-10-2012 tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn
Tin đồn gần đây, liên quan đến Hội nghị Trung ương 6,
được nhiều trang web, trang blog và trang cá nhân trên hệ thống facebook
dẫn lại, do một blog có tên “Quan làm báo” tung ra. Theo đó, tại một
cuộc họp tuy là riêng biệt, chỉ dành cho các thành viên Bộ Chính trị
nhưng vẫn trong khuôn khổ Hội nghị Trung ương 6, diễn ra vào tối Chủ
nhật vừa qua, dẫu cho Thủ tướng đương nhiệm đã “nhũn”, không “tả xung,
hữu đột”, chống lại các cáo buộc như trên hội trường, nơi diễn ra Hội
nghị Trung ương 6, song ông vẫn chỉ nhận được 4 phiếu tín nhiệm từ 14
thành viên Bộ Chính trị. Cũng trong tin đồn vừa nêu, blog “Quan làm
báo” còn đưa ra một chi tiết khác, đó là ông Nguyễn Minh Triết, thành
viên Bộ Chính trị Khóa 10, cựu Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, đã dọa ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư hiện nay của
Đảng CSVN – rằng: “Nếu các anh mà không làm đến nơi đến chốn thì chính tôi sẽ cầm đầu biểu tình chống lại các anh!”.
Có phải là tin đồn?
Đáng ngạc nhiên là trước hiện tượng dư luận đang bị tin đồn dẫn dắt, các nguồn tin chính thức không hề có bất kỳ động thái nào nhằm “định hướng dư luận”. Ngoài luận điểm quen thuộc, thường được lập đi, lập lại là tất cả tin đồn đều do những thế lực, thù địch, phản động tung ra, nhằm phá hoại niềm tin vào Đảng của cán bộ, đảng viên, dân chúng và gây mất ổn định chính trị, vẫn chưa thấy các nguồn tin chính thức cung cấp kịp thời những thông tin chính xác, trung thực để “củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, tăng cường niềm tin trong nhân dân”.
Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 11, hôm 02/10/2012. Photo courtesy of vinhphuc.gov
Tin đồn dẫu sao cũng chỉ là tin đồn. Người ta vẫn phải chờ các nguồn chính thức xác nhận ông Nguyễn Tấn Dũng có còn tiếp tục đảm nhận vai trò Thủ tướng của Chính phủ Việt Nam hay không (?). Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhu cầu thông tin của công chúng và khả năng cung cấp thông tin của các nguồn tin chính thức luôn có khoảng cách rất lớn. Khoảng cách đó đang được các tin đồn lấp đầy. Ít nhất, những diễn biến thông tin liên quan đến Hội nghị trung ương 6, thêm một lẫn nữa cho thấy, hệ thống truyền thông chính thức khó mà có thể làm tròn nhiệm vụ “củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, tăng cường niềm tin trong nhân dân, giữ vững sự ổn định chính trị”.
Bên anh Đại không xài thì để bên Bắc Triều Tiên nó xài anh Ba đi...? Coi là phù hợp nhứt đó...
Trả lờiXóa