Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Né thịt thối, ăn thịt chuột


AN GIANG (NV) - Hình thành từ hàng chục năm nay, một ngôi chợ chuột “tự phát” ngày càng đông đảo kẻ bán, người mua tụ về. Ðặc biệt trong những tháng gần đây, nhiều người dân quay sang ăn thịt chuột, vì sợ ăn nhằm thịt heo, bò thối; thịt ướp tẩm hóa chất để cho siêu nạc; thịt heo nhiễm vi trùng “liên cầu khuẩn” gây chết người.
Nhóm làm thịt chuột. (Hình: báo Pháp Luật Sài Gòn)
Ðó là một ngôi chợ có một không hai mọc lên giữa vùng đất hẻo lánh của làng Phù Dật thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Theo báo Pháp Luật Sài Gòn, chợ chuột làng Phù Dật hình thành từ sau năm 1975. Vì thiếu ăn, nghèo khó, một số dân làng Phù Dật rủ nhau đi gài bắt chuột đồng ở các vùng khác, rồi đưa về làng bán lại cho dân nhậu hoặc làm thịt dùng cho chính người nhà của mình. Thịt chuột lạ với dân thành thị, nhưng từ lâu đã trở thành món “khoái khẩu” của dân miệt vườn miền Tây.
Thịt chuột có thể chế biến thành những món “đặc sản” của miền Tây, như chuột “quay lu,” chuột “nướng muối ớt,” chuột “xào lăn,” chuột “nấu mẻ,” chuột “khìa”... Một số cư dân miền Tây cho biết, thịt chuột được bầm nhuyễn xào lăn, ăn thơm phức, giòn rụm, cứ tưởng như ăn thịt... gà.

Theo người đàn ông cư dân Phù Dật được mệnh danh là vua chuột, ông Lê Duy Khánh, đã có hàng chục nhóm “săn” chuột hình thành, chuyên sống về nghề gài bẫy chuột. Những người này sống dọc bờ kênh Phù Dật, thường theo ghe đến tận Hòn Ðất và các vùng hẻo lánh của tỉnh Kiên Giang để soi chuột cả đêm. Ðến tờ mờ sáng, họ quay trở lại Phù Dật để bán chuột nguyên con cho thương lái chuyển đi các tỉnh, hoặc bán cho bạn hàng trong vùng làm thịt đưa ra chợ.
Cạnh các vựa mua bán còn mọc lên các nhóm chuyên làm thịt chuột, đa số là phụ nữ. Họ hì hục lột da, mổ bụng, rửa sạch rồi ướp đá thịt chuột, chất vào giỏ chờ bán lẻ. Người ta còn bán đầu, đuôi, da chuột... cho các trại nuôi cá làm thức ăn “sạch” ngon lành. Ông “vua chuột” cho biết đã mua vào mỗi ngày ít nhất 3.5 tấn chuột rồi giao cho nhóm làm thịt, hoặc thương lái chở đi các tỉnh khác như Hậu Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Bạc Liêu...
Chuột được làm sẵn: lột da, mổ bụng, rửa sạch trước khi ướp đá... (Hình: báo Pháp Luật Sài Gòn)
Một số cư dân còn cho biết, nghề soi chuột không tốn chi phí, trong khi thịt chuột mang về bán lại cũng được 60,000 đồng, tương đương 3 đô mỗi ký Nhờ vậy, mỗi gia đình theo nghề đi soi để bán lại kiếm được trung bình khoảng 50 triệu đồng, tương đương 2,500 đô mỗi năm. Ðối với họ, soi chuột đang là nghề sống khỏe.
Báo Pháp Luật Sài Gòn còn cho biết, từ khi xe vận tải có thể vào chợ chuột Phù Dật trên con đường tráng nhựa, ngôi chợ này ngày càng trở nên phồn thịnh, đông đúc. Hầu hết các tỉnh miền Tây đều có thương lái đến mua thịt chuột làm sẵn, phân phối lại cho các nhà hàng, quán nhậu “đặc sản” của tỉnh mình.

____________________

Gà phế thải Trung Quốc tràn ngập Hà Nội  

VIỆT NAM (NV) -Thay vì vào lò chế biến thức ăn gia súc, hàng trăm tấn gà phế thải từ Trung Quốc ồ ạt chạy sang Việt Nam nhờ giá rẻ qua đường nhập lậu. Sáng ngày 18 tháng 11, Hà Nội chính thức tuyên chiến với gà nhập lậu, một chiến dịch xem ra không còn sớm sủa.
Gà thải Trung Quốc nhập lậu về Hà Nội lên đến 50,000 con mỗi ngày. (Hình: báo Dân Trí)
Báo Dân Trí cho biết, Chủ tịch chính quyền Hà Nội Nguyễn Thế Thảo hô hào phải “xử lý nghiêm việc vận chuyển, tiêu thụ gà nhập lậu.” Ông này đồng thời chỉ thị thuộc cấp mở cuộc bố ráp các chợ lớn, nhỏ đang ở Hà Nội để bắt bớ, phạt vạ các chủ sạp bán gà lậu.
Tuy nhiên, theo báo Tiền Phong, việc đối đầu này không phải dễ dàng. Hoạt động của các nhóm mua bán gà lậu diễn ra mạnh nhất tại chợ gà Hà Vĩ ở huyện Thường Tín, Hà Nội thường âm thầm, lén lút. Người ta đổ gà lậu từ những chuyến xe hơi đậu ở ven sông Hồng, sau đó phân tán “mỏng” bằng xe gắn máy đến các khu nhà trọ, vốn được chủ sạp thuê làm kho... chứa gà lậu. Chỉ mất một đêm, hàng chục ngàn con gà lậu mổ thịt xong lại được chuyển đi các chợ, không ai biết gà nuôi ở Việt Nam hay gà lậu từ Trung Quốc đưa về.
Báo Tiền Phong cũng cho biết, hiện có 11 đường dây chuyển gà lậu từ vùng biên giới phía Bắc đến tận trung tâm Hà Nội. Giới buôn lậu gà Trung Quốc ngày càng hoạt động nhộn nhịp vì mỗi ký gà phế thải ở Trung Quốc giá 15,000 đồng/kg, tương đương 75 cent vọt lên 70,000 đồng, tương đương 3.50 đô/kg ở Việt Nam. Cũng theo báo Tiền Phong, số gà lậu Trung Quốc tuồn về Hà Nội không dưới 3 tấn mỗi ngày.
Còn theo Infonet, số gà lậu Trung Quốc tuồn về Việt Nam, được mổ thịt xong xuôi lên tới 170,000 tấn mỗi năm, chiếm một nửa lượng gà nhập cảng chính ngạch. Nếu tính gà sống, người ta có thể đếm được trung bình 50,000 con, được vận chuyển trên hàng chục chuyến xe qua lại biên giới mỗi ngày. Số lượng này gia tăng không ngừng nhờ giá rẻ mạt.
Tại một hội nghị diễn ra ở Sài Gòn hôm 1 tháng 11 vừa qua, phó cục trưởng Cục Chăn Nuôi thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Nguyễn Thanh Sơn cảnh cáo rằng nạn gà lậu đang giết chết các trại gà Việt Nam. Giá gà nội địa bán trên thị trường quá thấp làm người chăn nuôi Việt Nam lỗ khoảng 20 cent mỗi ký.
Infonet cũng cho hay, đó là chưa kể gà lậu Trung Quốc chứa một dư lượng hóa chất rất cao, như kháng sinh ngừa bệnh, màu công nghiệp giúp trứng gà có lòng đỏ đậm màu... Giới chăn nuôi Trung Quốc xác nhận rằng các trang trại Trung Quốc nuôi gà đẻ mỗi chu kỳ kéo dài 48 tuần. Tuy nhiên, chu kỳ này thường kết thúc sớm vài tuần lễ. Thay vì đưa gà thải vào lò chế biến thức ăn gia súc, các thương lái lại mua với giá 75 cent mỗi kg, rồi đẩy gà qua biên giới Việt Nam bán lại với giá gấp đôi. Tại chợ Hà Vĩ, Hà Nội, gà thải được bán với giá 3.5 đô mỗi kg.
Còn theo ông Văn Ðăng Kỳ, trưởng Phòng Dịch Tễ của Cục Thú Y Hà Nội, gà thải xâm nhập thị trường Hà Nội mang theo rất nhiều vi khuẩn, đặc biệt là cúm A, B, C, chưa kể các loại kháng sinh, kim loại nặng, tạp chất...
Người ta còn e rằng, nạn nhập lậu gà thải của Trung Quốc tràn lan sẽ giết chết nền chăn nuôi trong nước một ngày không xa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm