Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Việt Nam có nhiều tiến sĩ nhưng ít công trình nghiên cứu






2013-02-17

Tiến sĩ nhiều mà công trình nghiên cứu không nhiều, ngành khoa học không nuôi dưỡng được những công trình nghiên cứu cấp quốc tế, là những điều đáng quan tâm vào khi Việt Nam nhắm đào tạo thêm hai chục ngàn tiến sĩ bước vào năm 2020.



RFA PHOTO
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ảnh chụp ngày 11-11-2011.





Tổng hợp ý kiến đóng góp từ các chuyên gia giáo dục đào tạo trong và ngoài nước, Thanh Trúc có bài chi tiết. Tại Việt Nam mỗi năm nhiều thạc sĩ và tiến sĩ được đào tạo nhưng yêu cầu tốt nghiệp thì chung chung, đánh đồng giữa tạp chí trong nước và quốc tế, trong lúc không có mấy công trình khoa học được công bố. Đó là bài nhận định của nghiên cứu sinh Hoàng Văn Xiêm từ Viện Nghiên Cứu Kỹ Thuật Cấp Cao Bồ Đào Nha, được báo chí trong nước đăng tải lại, và một trong những nguyên nhân khiến khoa học Việt Nam ít có công trình công bố quốc tế là do sự lãng phí chất xám.

Thiếu hỗ trợ

lophoc-citc-edu.vn.jpg
Một buổi học trong lớp MBA tại VN. Photo courtesy of citc.edu.vn
Theo ông Hoàng Văn Xiêm, những người có học vị tiến sĩ, được gọi là các nhà khoa học, bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như Toán, Kinh Tế, Vật Lý, Thiên Văn, Lịch Sử, Địa Lý, Triết Học... Và đã là khoa học gia, nghiên cứu sinh Hoàng Văn Xiêm khẳng định, ngoài việc tìm hiểu tự nhiên xã hội, việc quan trọng thứ nhì là chia sẻ kiến thức và sự tìm hiểu của mình. Chính vì thế, đăng các công trình nghiên cứu không chỉ cần thiết mà còn là điều bắt buộc để xác định người đó là nhà khoa học. Một điều dễ nhận biết là các tiến sĩ ở trong nước, mà thực tế có rất nhiều, chẳng có mấy công trình nghiên cứu thì nói gì tới chuyện đăng bài trên các báo chuyên ngành quốc tế. Dưới mắt giáo sư Hà Tôn Vinh, tổng giám đốc Tổ Hợp Giáo Dục Đào Tạo Stellar Management ở Hà Nội và Sài Gòn, Việt Nam cần rất nhiều tiến sĩ và hiện trạng có nhiều tiến sĩ là điều vui mừng chứ không phải điều đáng lo âu: “Nhưng mà công trình cũng như chuyên môn của các tiến sĩ đó và cái chất lượng là vấn đề khác. Con số tiến sĩ và các công trình nghiên cứu hay khảo cứu có sự khác biệt cần quan tâm.” Tiến sĩ là những người có những công trình nghiên cứu rõ rệt và đặc thù, chuyên đề hay chuyên môn, ông Hà Tôn Vinh giải thích. Nếu chỉ làm những chuyên đề hay những khảo cứu để cho xong bản luận văn tiến sĩ và đáp ứng sự đòi hỏi của đại học đang theo học để được cấp bằng tiến sĩ thì đó là một nửa của vấn đề: “Còn nếu mà gọi là nghiên cứu sâu hơn, nghĩa là nghiên cứu hậu tiến sĩ, thì Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu như thế. Thứ nhất là phải có thời gian, phải có yêu cầu, phải có kinh phí. Và nhất là những công trình đó muốn được đăng trên các tạp chí quốc tế thì rất khó, đòi hỏi sự nghiên cứu rất khoa học, thông tin dữ liệu đầy đủ, phân tích xử lý thông tin rất chính thống. Những cái đó phải có vai trò của nhà nước hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu, cung cấp kinh phí hay có những yêu cầu rõ rệt để nghiên cứu.”

Thiếu khả năng

DHwog250.jpg
Trường Đại học Wollongong - Úc, nơi sinh viên VN thường chọn làm nơi học tập, nghiên cứu. Photo courtesy of vied.vn
Đối với giáo sư tiến sĩ Hồ Sĩ Quí, viện trưởng Viện Thông Tin, Khoa Học, Xã Hội, từng có nhiều bài đăng trên báo ở Hoa Kỳ cũng như quốc tế, nếu cho câu nhận xét nhiều tiến sĩ ít công trình nghiên cứu là một lời chê thì cũng không có gì sai: “Người ta chê thế thì cũng đúng, bảo mình quá xoàng là đương nhiên. Trong điều kiện làm ăn như thế và được bằng ấy bài một mặt nó là quá xoàng so với cái gọi là tiến sĩ hay không tiến sĩ. Nói chung chê cũng có một phần chân lý nhưng mà đại thể cũng không đúng thực chất và cũng không kích thích được ai. Chứ còn nhìn số lượng đầu tiến sĩ ở Việt Nam cũng chẳng phải nhiều đâu, thấy nhiều chứ so với đầu dân thì chắc gì đã nhiều. Còn đúng là bằng cấp như thế mà bài đăng ở các tạp chí quốc tế thì quá ít ỏi nếu so với Thái Lan, so với các nước khác.”
Nhưng mà nói như thế tức là năng lực cũng rất là kém chứ còn những nhà khoa học thực sự có năng lực thì người ta cố gắng thoát ra khỏi môi trường ấy để có được những đóng góp trong lãnh vực chuyên môn.
GSTS Hồ Sĩ Quí
Được hỏi những điều kiện nào để nuôi dưỡng để kích thích tài năng và chất xám nhắm tới những công trình nghiên cứu theo đúng chức năng của một người có học vị tiến sĩ, giáo sư Hồ Sĩ Quí trả lời theo ông nếu nói rằng môi trường hoạt động chưa được như ý muốn hoặc chưa được như điều kiện tối thiểu cho sáng tạo khoa học thì cũng chẳng có gì là quá đáng, thậm chí chê như thế cũng còn nhẹ. Tuy nhiên nói đi thì cũng phải nói lại: “Vin cớ môi trường là điều kiện khách quan cho nên không có được sản phẩm tầm cỡ thì điều ấy là đúng. Nhưng mà nói như thế tức là năng lực cũng rất là kém chứ còn những nhà khoa học thực sự có năng lực thì người ta cố gắng thoát ra khỏi môi trường ấy để có được những đóng góp trong lãnh vực chuyên môn.” Môi trường khoa học là môi trường quốc tế chứ không phải môi trường cục bộ địa phương, giáo sư tiến sĩ Hồ Sĩ Quí nhấn mạnh, nên dù không bước chân ra khỏi nước nhưng môi trường khoa học của nhà khoa học vẫn là môi trường quốc tế. Các tài liệu, thông tin, dữ kiện đầu vào cho đến nghiên cứu khoa học bao giờ cũng phải là thông tin quốc tế. Không đạt đến trình độ ấy thì chưa xứng đáng được gọi là khoa học: “Rõ ràng ở những phương tiện ấy nền khoa học của ta nói chung còn yếu, nhưng mà hiện nay điều kiện thông tin, điều kiện Internet, điều kiện giao tiếp... hoàn toàn anh có thể có được những thông tin dữ kiện mới nhất về chính chuyên ngành của anh. Còn khi anh không biết thì tiên trách kỷ hậu trách nhân, anh không biết, không nắm được những dữ kiện mới nhất của khoa học thì anh là người dốt trước, anh phải phê phán anh trước khi phê phán môi trường chung quanh. Còn đúng là điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện đãi ngộ quan tât của chính sách còn nhiều vấn đề.”

Lạm dụng hệ thống và bằng cấp

csu1-250.jpg
Buổi lễ tốt nghiệp của các Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh trường CSU năm 2005. Photo courtesy of citc.edu.vn
Theo phân tích của tiến sĩ Vũ Quang Việt, trước là vụ trưởng Vụ Tài Khoản Quốc Gia của Liên Hiệp Quốc, hiện là tư vấn tài chính cho Philippines, Trung Quốc, Qatar, Ngân Hàng Thế Giới World Bank, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB, thì: “Có một thời gian những người học ở bên Liên Xô gọi là nghiên cứu sinh, PhD Candidates, đang học để lấy bằng tiến sĩ thì Việt Nam coi họ tương đương với tiến sĩ của Mỹ. Có một thời gian tiến sĩ của Mỹ bên Liên Xô gọi là phó tiến sĩ. Ở Việt Nam thì có lúc đầu tiên người ta gọi là phó tiến sĩ, sau phó tiến sĩ đẩy lên làm tiến sĩ hết, mà những phó tiến sĩ ấy đã chắc gì có những công trình đàng hoàng, so với Mỹ chỉ là bằng Master tức bằng Cao Học. Rồi những tiến sĩ đó bây giờ được dạy học và hướng dẫn cho những người làm tiến sĩ khác.
Thế thì vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam có nhiều tiến sĩ vì họ cho rất dễ dàng. Những người đó làm gì có khả năng nghiên cứu? Họ hướng dẫn sinh viên như vậy thì họ sẽ đẻ ra những người cũng không có khả năng mà chỉ có cái bằng thôi.
TS Vũ Quang Việt
Thế thì vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam có nhiều tiến sĩ vì họ cho rất dễ dàng. Những người đó làm gì có khả năng nghiên cứu? Họ hướng dẫn sinh viên như vậy thì họ sẽ đẻ ra những người cũng không có khả năng mà chỉ có cái bằng thôi." Thành ra bảo Việt Nam phí phạm chất xám là không đúng mà phải nhìn ra Việt Nam lạm dụng hệ thống và bằng cấp tiến sĩ từ thời Liên Xô trước kia cho đến lúc này: “Tại vì cái hệ thống đó tạo ra những người không xứng đáng để hướng dẫn và họ cho rất nhiều bằng tiến sĩ . Đó là một hệ thống mà họ thích có bằng và họ thích cho nhau bằng. Làm sao tạo nhiều tiến sĩ là họ thấy hay rồi.” Vậy thì các tiến sĩ Việt Nam cũng có nghiên cứu, nhưng đó là nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của những ông thầy dở, chả trách không thể nào đào tạo học trò giỏi và cho kết quả nghiên cứu có giá trị được. Đó là ý nghĩa sâu xa của nhận định Việt Nam nhiều tiến sĩ ít công trình nghiên cứu, chuyên gia Liên Hiệp Quốc Vũ Quang Việt kết luận. _________________________

Theo dòng thời sự:

____________________________

Giá trị thật của bằng cấp quốc tế tại VN

2010-08-17
Thời gian gần đây, báo chí trong nước liên tục đưa tin về những trường hợp có bằng tiến sĩ ‘dỏm’ từ các trường nước ngoài.
Photo courtesy of nhansuvietnam.vn
ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội

Gần đây nhất là chuyện khoa quản trị kinh doanh trường đại học quốc gia liên kết với một trường đại học của Mỹ bị coi là một dạng ‘xưởng sản xuất bằng’. Và đây cũng không phải là trường hợp liên kết duy nhất bị báo chí trong nước phanh phui. Những hiện tượng này nói lên điều gì về giảng dạy đại học tại Việt nam?

Nạn sính bằng cấp ngoại

Mấy tuần nay, báo chí trong nước liên tục đưa tin về chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh liên kết giữa khoa quản trị kinh doanh trường đại học quốc gia Hà nội với trường đại học Irvine của Hoa kỳ. Các thông tin đăng tải trên báo chí và các blog cá nhân cho thấy trường đại học Irvine này chỉ là một dạng ‘xưởng sản xuất bằng’, hay nói cách khác là một trường đại học cấp bằng dỏm.
Đây không phải là trường hợp duy nhất bị phát hiện ở Việt nam thời gian gần đây. Trước đó cũng đã có các trường hợp khác bị báo chí phanh phui ví dụ như liên kết đào tạo giữa trường đại học Nguyễn Trãi và một trường đại học khác của Mỹ có tên đại học Nam Columbia.
Trên thực tế, việc liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài đã có từ hơn chục năm trước đây. Nếu như vào khoảng những năm 2000 – 2001, cả Việt nam mới có khoảng 15 chương trình liên kết đào tạo đại học, thì đến nay, cả nước đã có đến 112 chương trình liên kết như vậy được Bộ giáo dục đào tạo cho phép thực hiện tại 40 cơ sở đào tạo trong cả nước. Số lượng này chưa tính các chương trình liên kết đang được thực hiện tại hai đại học quốc gia Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh và 3 đại học vùng đã được bộ phân cấp tự chịu trách nhiệm.
Nhưng mà hiện nay có một bệnh là người ta sính bằng cấp, người ta muốn chạy theo bằng cấp để được xã hội đánh giá thế này thế khác.
Cựu BTGD Trần Hồng Quân

Cựu bộ trưởng bộ giáo dục Trần Hồng Quân cho rằng, thực chất việc liên kết này là để giúp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo đại học của Việt nam vốn đang xuống cấp, nhưng khi thực hiện lại có nhiều vấn đề: "Thực ra đó là một cách đi tắt để tiếp cận với những chương trình tiên tiến của nước ngoài thì cái đó là điều tốt nhưng cái đó với điều kiện phải làm nghiêm chỉnh nhưng nếu chỉ chạy theo hình thức, chỉ mượn tiếng ngoài thôi mà không thực chất thì rất tai hại."
Ngoài việc các trường đại học Việt nam chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng giảng dạy, thì chuyện hình thức mà cựu bộ trưởng nói đến ở đây chính là bệnh sính bằng cấp tại Việt nam. Ông giải thích thêm: "Nói là trường đại học Việt nam không đáp ứng thì cũng đúng, cũng là một sự thật. Nhưng mà hiện nay có một bệnh là người ta sính bằng cấp, người ta muốn chạy theo bằng cấp để được xã hội đánh giá thế này thế khác."
Liên quan đến chuyện sính bằng cấp, cách đây không lâu, cũng chính báo chí trong nước đưa tin liên tiếp về các trường hợp những quan chức cấp sở, và tỉnh ở Việt nam nhận các bằng thạc sĩ, tiến sĩ của các trường đại học Mỹ bị coi là những xưởng cấp bằng dỏm.
Đó là trường hợp của Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc sở văn hóa tỉnh Phú Thọ, người đã chi 17,000 đô la để có bằng tiến sĩ trong hai năm tại trường đại học Nam Thái Bình Dương. Trường đại học này không được hệ thống giáo dục Hoa kỳ công nhận. Điều đáng chú ý hơn nữa mà ông Ân cho báo chí biết đó là ngoài ông còn có khoảng chục quan chức khác trong nước cũng được nhận bằng như ông.
Trường hợp thứ hai là của ông Nguyễn Văn Ngọc, phó bí thư thường trực tỉnh uỷ Yên Bái cũng nhận bằng tiến sĩ tại cùng trường đại học nơi ông Ân nhận bằng. Không những thế ông Ngọc còn nhận tiếp bằng thạc sĩ danh dự ngành quản trị kinh doanh của trường Irvine, trường đang có chương trình liên kết đào tạo với khoa quản trị kinh doanh, đại học quốc gia Hà nội.
Hãy khoan nói về vấn đề ngân sách nhà nước chi trả cho các trường hợp đi học kiểu này, mà chỉ nói về chất lượng học thực sự. Những người theo học các trường này đều không biết tiếng Anh và thời gian học để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ rất ngắn. Như trường hợp của ông Ân chỉ mất có hai tuần ở Mỹ.
Theo các chuyên gia về giáo dục tại Mỹ cho biết thì các trường đại học tại Mỹ muốn được công nhận là uy tín phải được các cơ quan giáo dục tại địa phương chứng nhận hoặc do đơn vị thẩm quyền về giáo dục của quốc gia công nhận, trong tiếng Anh gọi là accredited.
Các trường không được các cơ quan này chứng nhận thì bị coi là không đủ tiêu chuẩn, phần lớn các trường này đào tạo trực tuyến, và không hiếm các trường trong số này được coi là xưởng sản xuất bằng dỏm, vì ngay đến cả campus, tức là trường sở cũng không có. Nhiều khi trụ sở của “trường” chỉ là một “apartment” trong một tòa nhà cho thuê làm văn phòng giống như ở Hà Nội hay Sài Gòn vậy thôi. 

Liên kết nhưng không hiểu về đối tác


DHwog250.jpg
Trường Đại học Wollongong - Úc, nơi sinh viên VN thường chọn làm nơi học tập, nghiên cứu. Photo courtesy of vied.vn
Cùng với việc mở cửa cho giáo dục đại học tại Việt nam, những năm gần đây, nhiều trường đại học ở Việt nam đã lần lượt thực hiện các chương trình đào tạo liên kết với các trường đại học nước ngoài. Tuy nhiên trong số đó, có không ít các trường liên kết là các trường đại học không được chứng nhận. Báo Thanh niên còn đưa ra con số là hiện có đến 21 trường đại học kiểu như vậy đang hoạt động tại Việt nam. Hồi đầu năm nay, một quan chức ở bộ giáo dục đào tạo nói với báo Dân trí là "thời gian qua nhiều trường đại học trong nước đã liên kết đào tạo với nhiều trường đại học trên thế giới, tuy nhiên, chất lượng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài thì chưa được kiểm soát chặt, dẫn đến ‘vàng thau lẫn lộn'".
Giáo sư Lê Sĩ Long thuộc trường đại học Houston, Texas, một trường đại học được chứng nhận tại Mỹ và cũng có một số các liên kết về đào tạo tại Việt nam cho biết: "Có hai loại chứng nhận là chứng nhận quốc gia và chứng nhận địa phương. Chứng nhận địa phương quan trọng hơn vì việc kiểm tra giám sát được thực hiện toàn diện đối với từng trường, với từng cơ sở, chi nhánh của trường đó, kể cả đào tạo từ xa. Cho nên để tiếp tục được công nhận, trường phải chú ý đến chứng nhận địa phương.
Trường mà chỉ có công nhận quốc gia không thôi là chưa đủ. Ở Việt nam hiện tại, các trường đại học Mỹ liên kết ở đây chủ yếu là trường chỉ có công nhận quốc gia mà không có chứng nhận ở địa phương. Điều này có nghĩa là khi bạn muốn chuyển sang trường tốt tức là trường được địa phương công nhận thì bạn không chuyển điểm được."
Theo ông Long thì việc tìm các thông tin về các trường này không khó, người tìm thông tin thậm chí chỉ cần vào google và bấm university accreditation là có thể tìm ra nhiều thông tin tham khảo.
Thời gian qua nhiều trường đại học trong nước đã liên kết đào tạo với nhiều trường đại học trên thế giới, tuy nhiên, chất lượng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài thì chưa được kiểm soát chặt, dẫn đến ‘vàng thau lẫn lộn'
Một quan chức ở Bộ GD-ĐT

Cựu bộ trưởng Trần Hồng Quân cho rằng, giữa thời đại thông tin internet phong phú như hiện nay, các trường đại học ở Việt nam hoàn toàn có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin về trường đại học có uy tín để liên kết, vấn đề là các trường nhìn thấy lợi ích liên kết ở đâu mà thôi:
"Thực ra mà nói trong thời đại ngày nay, thông tin về trường đại học thì không khó tìm, trên các website người ta cũng giới thiệu từng trường hết rồi và các trường danh tiếng thì cái tiếng có từ lâu rồi chứ không phải mới. Nhưng vấn đề là nếu thực sự người ta muốn tìm thì người ta tìm được nhưng có khi có những lợi ích của các bên khác nhau. Còn nếu chỉ làm qua loa để bán bằng cấp được thì từ đó nó sinh ra tình trạng liên kết mang tính hình thức mang tính bằng cấp. Thì đó là tai hại."
Cũng chính bởi tính hình thức và vì lợi nhuận, mà đầu vào của các sinh viên ở các chương trình liên kết kiểu này ở nhiều nơi rất dễ dãi. Người học thông thường cũng được yêu cầu phải đạt được trình độ ngoại ngữ nhất định, thông thường là tiếng Anh hoặc Pháp để theo học. Nhưng không hiếm các chương trình cho người học nợ các chứng chỉ ngoại ngữ này. Có những chương trình thạc sĩ nước ngoài mà người học chỉ toàn được dạy bằng tiếng Việt.
Các chương trình liên kết thường có dạng hoặc học toàn bộ ở Việt nam với chương trình nước ngoài nhưng được trường nước ngoài cấp bằng, hoặc học một thời gian khoảng 1 đến 2 năm ở Việt nam và học tiếp khoảng 1 đến hai năm ở nước ngoài, bằng do trường nước ngoài cung cấp. Có trường hợp người học được cả trường nước ngoài lẫn trường Việt nam cấp bằng.

Liên kết vì lợi nhuận


DH2-250.jpg
Một góc thư viện trường Đại Học Wollongong. Photo courtesy of vied.vn
Chi phí đào tạo của các trường này rất đa dạng từ vài trăm đô la cho đến 6 hoặc 7000 đô la một năm. Nhưng nhìn chung là thấp hơn rất nhiều so với việc đi du học toàn bộ ở nước ngoài. Và đây cũng chính là một trong những yếu tố hấp dẫn đối với người học ở Việt Nam, một nước mà thu nhập bình quân đầu người mới chỉ ở mức 1000 đô la một năm. Em Nguyễn Thanh Huyền, học sinh năm cuối trường đại học Ngoại thương Hà Nội, người cũng đang tìm kiếm các học bổng du học nước ngoài nói những chương trình liên kết kiểu như vậy rất hấp dẫn đối với các sinh viên:
"Một phần là do tâm lý người học. Người ta muốn có bằng cấp, nghe nước ngoài thì cũng thấy tốt và không tìm hiểu kỹ hoặc không biết để tìm hiểu kỹ, và nó cũng rẻ. Người ta sẽ nghĩ là với chi phí như thế thì người ta vẫn có bằng đại học nước ngoài, mà vẫn được học trong nước thì người ta sẽ thấy có lợi, nhưng phát hiện ra thì người ta sẽ thấy là bằng cấp đấy không có giá trị đúng như người ta nghĩ."
Theo cựu bộ trưởng Trần Hồng Quân, việc giám sát, kiểm định chất lượng đào tạo và bằng cấp của các chương trình liên kết kiểu này thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục đào tạo. Mặc dù bộ đã thành lập các phòng, ban chịu trách nhiệm, như vụ hợp tác quốc tế để giới thiệu các trường danh tiếng để liên kết, hay ban kiểm định chất lượng đào tạo. Thế nhưng rõ ràng việc để xảy ra những hiện tượng như thời gian gần đây đã cho thấy bộ chưa làm tròn trách nhiệm. Ông nói:
Ta cũng có ban kiểm định chất lượng đào tạo. Nhưng trong quá trình liên kết thì không phải lúc nào ban đó cũng kịp thời kiểm tra. Tức là nó có chuyện lọt lưới, nên sinh ra chuyện là dư luận chê trách một số trường
Cựu BTGD Trần Hồng Quân

"Đó là trách nhiệm với xã hội. Lâu nay thì bộ cũng có quan tâm cho phép trường này liên kết, trường kia liên kết với các đối tác. Bộ cũng có làm nhưng kiểm soát không chặt chẽ nên cái đó vừa rồi sinh ra nhiều chuyện mà dư luận xã hội có lên tiếng. Ta cũng có ban kiểm định chất lượng đào tạo. Ban đó hiện nay cũng hoạt động. Nhưng có chuyện thế này tức là trong quá trình liên kết thì không phải lúc nào ban đó cũng kịp thời kiểm tra. Tức là nó có chuyện lọt lưới, nên sinh ra chuyện là dư luận chê trách một số trường."
Theo báo Dân trí, hồi đầu năm nay, Bộ giáo dục và đào tạo cho biết sẽ yêu cầu các trường đại học, cao đẳng báo cáo về các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài đang triển khai ở Việt nam. Mục đích là để đảm bảo quyền lợi cho người học. Bộ yêu cầu các trường phải hoàn thành số liệu thống kê chi tiết về chương trình và gửi báo cáo về bộ trước ngày 28 tháng 2 năm 2010.
Tuy nhiên, kể từ khi bộ yêu cầu các trường làm báo cáo đến nay đã được gần nửa năm, các tin tức bất lợi về chất lượng giảng dạy ở các chương trình liên kết vẫn tiếp tục chiếm nhiều diện tích các trang báo. Câu hỏi đặt ra là liệu đến bao giờ người học ở Việt nam mới có thể thực sự được tiếp cận các chương trình tiên tiến như mong muốn? hay cách tốt nhất vẫn là bỏ tiền ra nước ngoài du học trong khi chờ nền giáo dục nước nhà được vực dậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm