Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

RFI : Thảm cảnh của lao động Việt bất hợp pháp tại Nga

Thảm cảnh của lao động Việt bất hợp pháp tại Nga
Hỏa hoạn tại một xưởng may của người Việt gần Matxcơva : 14 công nhân thiệt mạng (DR)
Hỏa hoạn tại một xưởng may của người Việt gần Matxcơva : 14 công nhân thiệt mạng (DR)
Trọng Thành
Từ nhiều năm nay tình trạng lao động bất hợp pháp Việt Nam tại Nga bị đối xử tàn tệ đã được truyền thông trong nước và quốc tế thường xuyên theo dõi. Mới đây, vụ 15 phụ nữ bị lừa sang Nga được hứa là để đi bán quán, để rồi sau đó bị buộc phải bán dâm, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về số phận thê thảm của người lao động Việt tại Nga.
Tình trạng khổ ải của lao động Việt Nam tại Nga là một thực tế được chính các giới chức trong chính quyền Việt Nam thừa nhận. Báo chí Việt Nam cho biết, trong một chuyến công cán của Ủy ban Kinh tế - Quốc hội Việt Nam cách đây hai năm, ông Hà Văn Hiền, chủ tịch Ủy ban ghi nhận thực trạng « khổ sai » của lao động Việt Nam tại Nga đã dường như không có thay đổi gì so với thời gian trước. Tại Quốc hội Việt Nam vào hồi mùa hè năm ngoái, bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội một lần nữa lại đứng trước các chất vấn của dân biểu về cuộc sống tồi tệ của người lao động bất hợp pháp tại Nga.

Về mặt chính thức, theo số liệu thống kê của Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam) vào cuối năm ngoái 2012 tại Nga, có khoảng 10.000 lao động Việt Nam làm việc. nhưng số lượng lao động đăng ký với các tổ chức môi giới chính thức chỉ có khoảng trên 3.000 người. 7.000 người lao động khác vào Nga làm việc theo con đường « tự do » (mà rất nhiều người trong đó sử dụng hộ chiếu du lịch để xuất cảnh sang Nga), không đăng ký theo hợp đồng như quy định của Nhà nước Việt Nam. Trên thực tế, theo một số ước đoán, số lượng lao động làm việc bất hợp pháp tại Nga cao hơn con số kể trên rất nhiều, và có thể lên tới vài chục ngàn người.
Bên cạnh những người bị cưỡng bức nô lệ tình dục như trường hợp 15 phụ nữ mới được phát giác, còn rất nhiều người lao động khác phải làm việc, đặc biệt tại các xưởng may bất hợp pháp, còn gọi là « xưởng may đen » trong các điều kiện hết sức tồi tệ, với giờ làm việc kéo dài từ 12-14 giờ/ngày, thậm chí đến 18 giờ/ngày, kể cả ngày nghỉ, điều kiện làm việc, ăn uống, ở nghỉ tồi tệ, bị trả lương thấp hơn nhiều so với hợp đồng, thêm vào đó còn phải chịu các hình thức hành hạ ngược đãi khác.
Đầu năm 2012, Luật phòng, chống mua bán người của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Kể từ đó đến nay, tình trạng của người lao động Việt tại Nga, đặc biệt người lao động bất hợp pháp ra sao ?
Ngày 11/09/2012, tại một xưởng may đen ở Iegorievski, một thành phố nhỏ nằm cách thủ đô Matxcơva khoảng hơn 100 km về phía đông nam, hỏa hoạn đã bùng lên khiến 14 công nhân Việt Nam thiệt mạng. Nguyên nhân khiến các nạn nhân không thể chạy thoát là do nhà xưởng bị khóa trái, một tình trạng thường thấy ở các xưởng may đen.
Vào mùa hè năm ngoái, bùng lên vụ hơn 100 lao động, làm thuê cho công ty Vinastar kêu cứu vì bị buộc phải làm việc trong điều kiện như nô lệ khổ sai. Cục Cảnh sát hình sự Việt Nam đã tiến hành điều tra và khởi tố vụ án mua bán người, cưỡng ép và bóc lột sức lao động này.
Nhiều nhân chứng cho thấy, những vụ việc kể trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn RFI, nhà báo Nguyễn Minh Cần cho biết tại Nga có hàng nghìn xưởng may sử dụng lao động Việt Nam, trong đó các xưởng « trắng » (tức xưởng hợp pháp) thì rất ít, mà đa số là các xưởng bất hợp pháp, mà ở đó các công nhân thường bị bóc lột ghê gớm và bị đối xử rất tàn tệ.
Đâu là phần trách nhiệm của các cơ quan hữu trách của Việt Nam, từ đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến bộ Lao động, cũng như các cơ quan phụ trách kiểm soát xuất cảnh ?
Rõ ràng cho đến nay, mặc dầu chính quyền Việt Nam đã có một động thái nhất định, thể hiện quyết tâm bài trừ nạn buôn người, đặc biệt với việc thông qua bộ luật riêng về lĩnh vực này, nhưng theo nhiều người quan sát, thực trạng của nạn buôn người sang Nga và tình trạng khổ ải của người lao động tại Nga, đặc biệt những người lao động bất hợp pháp, vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm.
Trong tạp chí cộng đồng tuần này, chúng tôi xin chuyển tới quý vị tiếng nói của ông Nguyễn Đình Thắng (Virginia – Hoa Kỳ), Giám đốc BPSOS – đồng sáng lập viên Liên Minh CAMSA. CAMSA có tên đầy đủ là Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu, là tổ chức có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ người lao động xuất khẩu Việt Nam làm việc tại nhiều quốc gia như Malaysia, Đài Loan… Mới đây CAMSA đã có những tác động quan trọng trong việc giải cứu 7 phụ nữ trong số 15 người bị bắt làm mãi dâm hồi tháng 3/2013 vừa rồi.
Cùng với tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, khách mời của tạp chí tuần này còn có bà Danh Hui, chị ruột của cô Huỳnh Thị Bé Sương, là một trong 7 phụ nữ vừa được giải cứu, đã được hồi hương về Việt Nam. Ngày mai 11/04, bà Danh Hui sẽ ra trình bày trước Quốc hội Hoa Kỳ về vụ 15 phụ nữ Việt Nam bị ép bán dâm tại Nga. Theo Liên minh CAMSA, thứ Sáu 05/04 vừa qua dân Biểu Ed Royce, Chủ Tịch Uỷ Ban Đối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ, đã chuyển cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài liệu của Liên Minh CAMSA về tình trạng buôn người ở Việt Nam, trong đó có hồ sơ của 15 nạn nhân kể trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm