Cảnh sát Paris phát động chiến dịch diệt chuột
Ông Michel Gillet, phó ban phòng chống các lòai động vật gây hại (LP/J.V.)
Hàng năm, từ 16 tháng Tư đến 15 tháng Sáu, sở cảnh sát Paris
phát động chiến dịch tìm diệt chuột, đồng thời vận động nâng cao ý thức
của người dân trong cuộc chiến chống lại loài gặm nhấm này. Cảnh sát
Kinh đô Ánh sáng có hẳn một đơn vị chuyên trách với địa bàn điều tra là
các nhà kho tầng hầm, sân của các tòa nhà cao tầng và hệ thống cống
thoát nước.
Đơn vị này được thành lập năm 2000, bao gồm 6 người. Chỉ huy
đơn vị cho biết là chưa có nghiên cứu nào để thẩm định là có bao nhiêu
chuột ở Paris, nhưng người ta đồn đại rằng tính trung bình, số chuột
đông gấp đôi so với dân số Paris và chúng có mặt ở khắp nơi trong thủ đô
Pháp.Hàng năm, chiến dịch tìm diệt được phát động vào mùa xuân, thời tiết tốt, chuột ra khỏi hang ổ nhiều hơn. Cảnh sát đưa ra một số lời khuyên : Muốn tránh, không để cho chuột tới đào hang, làm ổ ở các khu nhà cao tầng, thì không nên để vương vãi thức ăn ở sân, các thùng rác được đóng nắp cẩn thận, đóng kín cửa các nhà kho dưới tầng hầm.
Tại Paris, hệ thống cống rãnh là nơi chuột sinh sôi, nẩy nở, nhưng theo giới chuyên gia, loài gặm nhấm này rất thông minh và rất tò mò, chúng không từ bỏ cơ hội để xuất đầu lộ diện ở những nơi khác, ví dụ, một lỗ hổng hút gió phía dưới bồn tắm cũng có thể gây ra sự tò mò của loài chuột cống và chúng sẽ tìm cách khoét rộng lỗ hổng để chui ra ngoài.
Chuột cống Paris có thể to dài tới 30 cm, không sợ nước và có thể leo trèo, luồn lách dễ dàng trong hệ thống cống thoát nước. Chúng có thể bám vào hệ thống ống dẫn nước để leo từ đất lên tới nóc tòa nhà cao tầng.
Nhiệm vụ chính của đơn vị cảnh sát phòng chống chuột ở Paris là điều tra, xác định xem chúng từ đâu tới. Sau khi đánh giá tình hình, xác định nguyên nhân và khu vực chuột hoạt động, cảnh sát yêu cầu các chủ sở hữu khu nhà cao tầng, trong vòng một tháng, phải liên hệ và thuê các công ty chuyên trách cài bẫy, rải thuốc diệt chuột.
Chuột cống Paris, nỗi khiếp sợ của người dân thủ đô Pháp, có thể gây ra nhiều tác hại : Mùi hôi, đục khoét tường, nền nhà, cắn hỏng đồ đạc và nghiêm trọng hơn cả là gây ra bệnh trùng xoắn móc câu (leptospirose).
Loại bệnh này hàng năm có hàng trăm người mắc phải. Vi khuẩn bệnh có trong nước tiểu của chuột, lây nhiễm sang người qua da và các màng nhầy. Bệnh trùng xoắn móc câu gây sốt cao, đau cơ bắp và đau đầu.
Nói đến chuột, người ta hay nghĩ đến căn bệnh dịch hạch, vốn hoành hoành trong thời Trung Cổ, giới chuyên gia trấn an : Bệnh dịch hạch đã bị xóa sạch tại Pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm