Giải mã chế độ kiểm duyệt Internet của Trung Quốc
Một quán café Internet tại tỉnh An Huy Trung Quốc.
Reuters/Stringer
Dưới tựa đề rất tượng hình : “Trung Quốc và internet : Một cái lồng khổng lồ”,
tuần báo Anh Quốc The Economist đã dành một hồ sơ đặc biệt để phân tích
về cách thức chính quyền Bắc Kinh vừa phát triển, vừa kiểm soát mạng
lưới tin học trên đất nước rộng lớn của họ.
Nhận định của The Economist không một chút mập mờ : Từ một
phương tiện được cho là sẽ giúp Trung Quốc dân chủ hóa, internet đã
cho phép chế độ chuyên chế này kiểm soát đất nước một cách vững chắc
hơn. Câu hỏi tuy nhiên là trong bao lâu nữa ?Tạp chí Anh Quốc trước hết nhắc lại một hình tượng rất lạc quan mà cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng nêu lên cách nay 13 năm. Khi nói về cố gắng của Trung Quốc vào thời ấy để kiểm soát internet, ông Clinton cho rằng công việc đó chẳng khác gì « bắt cóc bỏ dĩa », tức là chỉ hoài công vô hiệu. Vào thời điểm đó, ông Bill Clinton được cho là chỉ nói lên một thực tế hiển nhiên.
Lý do là vì bản chất mạng internet là phân tán, trải rộng khắp nơi, sử dụng rất nhiều kênh khác nhau, nên khó có thể bị chặn. Bên cạnh đó, internet dường như có khả năng mở cửa thế giới cho cả những người ở tận những nơi hang cùng ngõ hẻm.
Người ta nghĩ rằng – tương tự như những phương tiện truyền thông trước đây đã từng giúp lật đổ chế độ độc tài, như điện tín trong cuộc cách mạng Bolshevik ở Nga vào năm 1917, hay phát thanh bằng sóng ngắn trong vụ làm Liên Xô phân rã vào năm 1991 - mạng Internet chắc chắn sẽ làm xói mòn thể chế độc tài tại Trung Quốc nhà nước.
Những kỳ vọng trên đây, theo The Economist, ngờ đâu đã không thành hiện thực. Không những thể chế độc đoán tại Trung Quốc vẫn tồn tại được, bất chấp sự phổ cập của internet, mà thậm chí nhà nước toàn trị đó còn uốn nắn được công nghệ này vào mục đích riêng của họ, cho phép chính quyền kiểm soát tốt hơn xã hội Trung Quốc và thiết lập một mô hình cho các chế độ chuyên chế khác áp dụng.
Tuần báo Anh phân tích : Để kiểm soát internet, Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã triển khai cả một đạo quân gồm công an mạng, kỹ sư phần cứng, chuyên gia phát triển phần mềm, cán bộ giám sát trang web, đồng thời thuê mướn cả một đội ngũ tuyên truyền viên trực tuyến, có nhiệm vụ theo dõi, thanh lọc, kiểm duyệt và hướng dẫn người sử dụng Internet tại Trung Quốc.
Các công ty Internet tư nhân tại Trung Quốc, mà đa số là bản sao chép của các tập đoàn phương Tây, đã được chính quyền bật đèn xanh cho phát triển mạnh, miễn là không đi chệch khỏi đường lối của đảng.
Hồ sơ của tuần báo Anh Quốc rất chi tiết, và đề cập đến hầu như mọi khía cạnh liên quan đến internet tại Trung Quốc, từ việc phân tích các loại máy móc, thiết bị dùng để kiểm soát internet, hệ thống tường lửa vĩ đại được mệnh danh là Vạn lý trường thành tin học, cho đến sự phát triển nhanh chóng của các tiểu blog, hoặc là các hành động coi thường thiên hạ của các tin tặc Trung Quốc…
Mô hình kiểm soát internet của Trung Quốc đang lan rộng
Một trong những bài đáng chú ý nhất liên quan đến sự xuất khẩu của mô hình kiểm soát internet từ Trung Quốc qua các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Dưới tựa đề « Mỗi nước một vẻ », bài báo của tờ The Economist nhận định : « Mô hình kiểm soát internet theo kiểu Trung Quốc đang được chấp nhận ở những nơi khác ».
Theo tờ báo, một hội nghị Liên Hiệp Quốc về quản lý viễn thông ở Dubai cuối tháng Mười hai vừa qua, tập hợp đại diện của hầu hết các quốc gia trên thế giới, đã tranh cãi dữ dội trên vấn đề nên quản lý internet như thế nào. Các cuộc tranh luận cho thấy một sự phân chia rõ ràng giữa hai khối nước.
Một bên là Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và các nước phát triển khác, chủ trương để internet được dùng một cách tự do, còn bên kia là các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Ả Rập Xê Út, Sudan và một số nước độc đoán khác, ủng hộ cách tiếp cận của Trung Quốc (hoặc một biến thể tại Nga), muốn kiểm soát mạng tin học theo hướng tranh thủ được những lợi ích kinh tế, nhưng đồng thời theo dõi, lọc lựa, kiểm duyệt và kết tội những ai sử dụng quyền tự do ngôn luận trên internet.
Theo ghi nhận của The Economist, nhiều quốc gia châu Á và châu Phi đang sử dụng công nghệ Trung Quốc, vừa để cung cấp dịch vụ truy cập Internet, vừa để kiểm soát việc sử dụng mạng lưới này. Trong lúc đó, một số nước vùng Trung Á thì dùng công nghệ giám sát của Nga. Một số rất ít, như Turkmenistan, thì thích mô hình của Bắc Triều Tiên, hầu như cấm mọi người không được dùng internet, hay là Azerbaijan, không làm gì để khuyến khích việc sử dụng internet.
Bà Katy Pearce, chuyên gia thuộc Đại học Washington, đã nhận thấy rằng Azerbaijan chẳng hạn, đã tung ra một chiến dịch hiệu quả chống lại điều bị coi là các tệ nạn của các trang web, gắn liền internet với bệnh tâm thần, tình trạng ly hôn trong xã hôi, nạn mãi dâm và ấu dâm. Theo chuyên gia này, chỉ có 1/4 dân số Azerbaijan sử dụng internet, và chỉ có 7% là có mặt trên Facebook, một tỷ lệ thấp hơn hẳn so với các láng giềng nghèo hơn.
Tuy nhiên, đối với The Economist, Azerbaijan là trường hợp khá ngoại lệ, còn hầu hết các chế độ độc tài đều đã cho phép internet phát triển nhanh chóng, khi thấy Trung Quốc chứng tỏ được là họ hoàn toàn có thể tiếp thu internet trong khi vẫn giữ mạng lưới này dưới quyền giám sát chặt chẽ. Tại Kazakhstan chẳng hạn, mặc dù việc truy cập bị kềm chế nghiêm ngặt, hiện có khoảng 50% dân số dùng internet, so với vỏn vẹn 3,3% trong năm 2006.
Các loại vũ khí kiểm duyệt trong tay các chính quyền
Tuần báo Anh cũng đã lập ra danh mục các phương tiện hiện được các chính quyền độc đoán sử dụng để khống chế internet.
Ở Nga, Nigeria, Việt Nam và nhiều nơi khác, chính quyền trả tiền thuê người viết blog và bình luận nhằm tuyên truyền cho đường lối nhà nước. Chiến thuật này đã được Trung Quốc bắt đầu tiến hành từ năm 2005 với đội ngũ « bình luận viên mạng » hay « Ngũ mao đảng » - báo chí phương Tây gọi là « Đảng 50 xu - Party 50-Cent », tức là các những người được thuê viết bình luận trên các trang web hay diễn đàn để định hướng dư luận theo ý muốn của chính phủ. Gọi là ’50 xu’ vì mỗi lời bình được nhà nước trả thù lao 50 xu.
Belarus, Ethiopia, Iran và nhiều nước khác thì được cho là sử dụng phương tiện gọi là « kiểm tra chiều sâu » để tìm kiếm các nội dung xấu trong các thông tin liên lạc của người sử dụng internet. Hai tập đoàn viên thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei) và Trung Hưng (ZTE) nằm trong số các nguồn cung cấp phần cứng cho các nước để áp dụng phương tiện kiểm tra này. Hệ quả, theo The Economist, rất rõ ràng. Một khi biết được là bị theo dõi, người sử dụng internet dễ có khuynh hướng tự kiểm duyệt trước.
Ngoài ra một số quốc gia độc đoán cũng áp dụng phương thức ngăn không cho truy cập các trang web nước ngoài mang nội dung nhạy cảm về chính trị, đồng thời đóng cửa hoặc gây khó khăn cho các trang web đối lập trong nước. Tại một số quốc gia, các trang web đối lập thường là đối tượng của những cuộc tấn công từ chối dịch vụ trên quy mô lớn.
Một kỹ thuật khác, vay mượn từ Nga, là cáo buộc các nhà điều hành trang web dám gây phiền hà vào tội phỉ báng hoặc đi theo chủ nghĩa cực đoan, mà ở một số nước là tội hình sự. Phương pháp này được Kazakhstan sử dụng, đồng thời với phương thức ngăn chặn một số trang web mà không cần giải thích, như Trung Quốc thường làm…
Theo The Economist, ngày càng có nhiều quốc gia có một màng lưới internet có thể gọi là của riêng họ, với tường lửa bao quanh dày hay mỏng tùy theo ý muốn của chính quyền sở tại. Họ lập luận rằng các chính phủ phương Tây cũng quản lý internet, cũng kiểm duyệt và đóng cửa các trang web gây tranh cãi, vì vậy phương Tây cũng phải để cho nước khác làm như vậy.
Đấy chính là mấu chốt của các cuộc tranh luận tại hội nghị viễn thông ở Dubai. Nga, Trung Quốc và 87 nước khác nhấn mạnh rằng tất cả các nước cần phải công nhận chủ quyền của nhau trong việc kết nối với Internet theo cách riêng của mình. Nghị quyết đó không được thông qua, nhưng rõ ràng là mô hình Internet của Trung Quốc đã thu hút được rất nhiều nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm