Kiều Oanh – Từ bà Ba Sương đến Đoàn Văn Vươn
Bài viết của bạn đọc ký tên Kiều Oanh gửi Một góc nhìn khác.
Đất là thiêng liêng, là mồ hôi, là nước mắt và trộn
cả máu. Thời hội nhập, đất càng giá trị. Nếu không hiểu triết lý đơn
giản này và chính quyền không biết đối xử với đất thì tiếng khóc còn đau
đớn và máu còn tiếp tục đổ.
Vụ án anh hùng Trần Ngọc Sương
Bà Trần Ngọc Sương là anh hùng lao động, con gái của
giám đốc tiền nhiệm Trần Ngọc Hoằng. Người cha đã một nắng hai sương với
hàng chục ngàn nông dân nơi đây, đưa Sông Hậu thành một nông trường anh
hùng.
Ngày 19/11/2009, trong phiên xét xử phúc thẩm, tòa
án Cần Thơ đã tuyên 8 năm tù giam, buộc bồi thường hơn 4,3 tỷ đồng đối
với bà Trần Ngọc Sương trong một vụ án mang tên “lập quỹ trái phép”.
Không ai có thể biết động cơ đứng đằng sau vụ án này
là gì. Chỉ biết rằng, hàng nghìn hecta đất của nông trường có được do 16
ngàn nông dân đào đắp, khai phá trong vòng 30 năm, giờ có thể thành một
miếng mồi ngon cho các “cá mập đất” khoác danh “nhà đầu tư”. Ngạc nhiên
về một nữ anh hùng bị buộc tội “quĩ đen” mấy tỷ đồng mà cuối đời bà
Sương không nhà không cửa, với tài sản duy nhât là một chiếc giường cá
nhân.
Tiền “quỹ trái phép” tại nông trường Sông Hậu đã có
từ trước năm 1994, đến năm 2000 bà Sương mới làm giám đốc, nên bà không
phải là người “lập quỹ trái phép”. Bà Sương kêu oan tứ phương và khẩn
khoản : “Đối với tôi bây giờ, sức khỏe đã tàn tạ, danh dự bị các cơ quan
tiến hành tố tụng ở Cần Thơ và huyện Cờ Đỏ cố tình bôi nhọ. Nếu họ cố
tình xử tù tôi, vào tù thiếu thốn đủ thứ lại ốm đau bệnh tật cũng dễ
chết sớm, đó là bước đường cùng … dồn tôi đến chỗ chết. Tôi nghĩ: thà
rằng chết trước khi bị đưa ra xét xử còn được nén nhang của bà con cô
bác, của hầu hết cán bộ, nhân viên nông trường Sông Hậu vẫn hằng ngày
quý mến và đòi chân lý cho tôi hơn là chết ở trong tù trong nỗi oan ức
triền miên và sự cô quạnh tột đỉnh”.
Đoàn Văn Vươn
Đoàn Văn Vươn không nổi tiếng như bà Ba Sương. Vươn
từng đi bộ đội, một nông dân hiền lành chất phác, chí thú làm ăn, bỏ đại
học để chinh phục biển. Nhưng rồi bỗng trở thành một “tên tội phạm” với
quả bom tự chế và khẩu súng hoa cải bắn về phía chính quyền.
Tháng7/2010, báo Pháp luật và Đời sống đã đăng một
phóng sự về “Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của
biển”. Đó là cuộc chinh phục của Đoàn Văn Vươn biến vùng đất khỉ ho cỏ
gáy ven biển, không ai thèm để ý, thành một khu đầm nuôi trồng thủy sản
hàng trăm hecta. Anh được chính quyền cho thuê khu đất do chính mình
khai khẩn trong thời hạn 20 năm, kể từ năm 1993, nhưng mới đến 2012 đã
bị thu hồi.
Theo báo Công An Nhân Dân, nhiều cư dân địa phương
cho rằng, việc thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của UBND huyện Tiên Lãng
có điều chưa minh bạch, chủ trương chia lại đất trong quy hoạch phát
triển sân bay vừa không đúng với chủ trương giao đất nông nghiệp lâu
dài, ổn định đã khiến cho gia đình anh Vươn và một số chủ đầm khác phản
ứng tiêu cực.
Trước khi tiến hành cưỡng chế, một số chủ đầm đã gửi
“tối hậu thư” đến cấp lãnh đạo huyện với nội dung nếu cuộc cưỡng chế xẩy
ra, sẽ có đổ máu.
Đoàn Văn Vươn đã không dọa suông, máu đã đổ thực sự.
Đất: mồ hôi, nước mắt và máu
Từ ngàn đời, để tạo nên những vùng đất phì nhiêu, bao nước mắt, mồ hôi và cả máu đã đổ xuống.
Vụ án bà Ba Sương và nay là vụ đổ máu tại Hải Phòng đều liên quan đến đất. Và còn nhiều vụ khác nữa mà truyền thông chưa có dịp được nói.
Vụ án bà Ba Sương và nay là vụ đổ máu tại Hải Phòng đều liên quan đến đất. Và còn nhiều vụ khác nữa mà truyền thông chưa có dịp được nói.
Người nông dân chất phác đổ mồ hôi, sôi nước mắt, biến một vùng khỉ ho cò gáy thành bờ xôi, ruộng mật, thì bỗng có kẻ dòm ngó.
Đất ở ta là sở hữu toàn dân, nhưng quyết định dùng như thế nào lại nằm trong tay một nhóm “đầy tớ”.
Phản ứng khi bị thu hồi đất, có người biểu tình, rồi
khóc và dọa tự tử như bà Ba Sương. Nhưng cũng có người ông súng thề chết
như Đoàn Văn Vươn.
Câu hỏi ở đây là ai đã biến những anh hùng, người
lính, đảng viên và cả những người nông dân hiền lành thành tội đồ một
cách dễ dàng, bi thương thế?
Khi tìm ra được nguyên nhân và giải pháp, chắc chắn không còn những vụ án như Ba Sương hay Đoàn Văn Vươn.
Tiếng kêu của đất
Sau khi khai tạo nên khu vực bang Washington năm
1853, chính phủ Mỹ đã đề nghị người da đỏ ký các hiệp định để mua đất
của họ. Người da đỏ biết là không thể nào từ chối được. Ông Seattle
(1786-1866), trùm da đỏ, đã đọc một bài diễn văn thống thiết trước thống
đốc Isaac Stevens. Diễn văn này được coi như tiếng kêu của đất, thành
một tài sản văn hoá vô giá để đời và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng.
Trích một đoạn:
“Làm sao các người có thể mua bán khung trời và hơi
ấm của đất? Ý nghĩ đó đối với chúng tôi thật kỳ lạ. Thế nếu chúng tôi
không sở hữu cái mát mẻ của không khí và cái lung linh của mặt nước, thì
các người làm sao mà mua? Mỗi mẩu đất này đều thiêng liêng cho dân tộc
chúng tôi.
Linh hồn những người da trắng đã quên xứ mình sinh ra
khi đi vào giữa các vì sao. Linh hồn những người chết chúng tôi không
bao giờ quên trái đất tuyệt vời này, vì trái đất là mẹ của người da đỏ.
Các ông (người da trắng) phải dạy cho con cháu là đất
chúng bước lên được tạo bởi tàn hương của tổ tiên. Dạy cho chúng biết
tôn trọng đất, bảo chúng là đất được giầu có bởi đời sống của dòng dõi.
Dạy cho con cái các ông những điều mà chúng tôi dạy cho con cái chúng
tôi, là đất là người mẹ. Cái gì xảy đến cho đất sẽ xảy đến cho con cái
của đất. Ai khạc nhổ lên đất là khạc nhổ lên chính mình.”
Triết lý “sống trong đất, chết vùi trong đất” của người da đỏ là thế.
Bà Ba Sương, gần 2 vạn công nhân nông trường Sông
Hậu, rồi hàng chục vạn nông dân khác bỗng nhiên mất đất. Kể cả những chủ
trại nuôi tôm ở Tiên Lãng (Hải Phòng) như Đoàn Văn Vươn, và rất nhiều
những Đoàn Văn Vươn khác… Họ cũng sống với đất, chết mặn trên đất, máu
thịt với đất không khác gì ông trùm da đỏ Seattle 150 năm trước.
Ai, vì sao lại chà đạp, tước đoạt những “tình yêu đất” ấy? Những tình đất mặn đắng những giọt mồ hôi và máu.
Kiều Oanh
Tặng chị Ba Sương
Trả lờiXóaLàm anh hùng tất nhiên là thấm mệt
Nhưng mệt vì làm thì cũng hay hay
Nhưng có thứ vượt ra ngoài quy luật
Là phải ngăn tro trấu phủ mặt mày
Đó là thứ chị Sương đang phải chịu
Biết bao nhiêu cống hiến hóa thành tro
Chị không hiểu tại sao tình đồng chí
Đồng chóe nhau nhắm vào chị giở trò
Thứ chị có một đồng xu không đáng
Mấy huy chương, mấy danh hiệu cà tàng
Cũng bị giật giành đem đi xé nát
Chị cô đơn lặng lẽ khóc trên giường
Thứ chị làm ra là mồ hôi nước mắt
Thứ chị làm ra là những nụ cười
Thứ chị làm ra là đồng xanh bát ngát
Thứ chị làm ra là dâng tặng cho đời
Rồi bây giờ khi tà dương chụp xuống
Chị cô đơn nhìn bóng ráng chiều buông
Một bầy sói còn gầm vang đâu đó
Gió trên sông Hậu vẳng điệu u buồn
Nguyễn Quán Tâm