Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-09-18
Ông Đặng Văn Yến, người gác nghĩa trang thầm lặng với nhiều tâm sự trong lòng.Làm bạn với người chết
Khi trời hừng đông còn chưa bừng tỉnh, khi tiếng gà gáy sáng còn chưa giục hết nông dân rời bỏ chiếc giường của mình sau một đêm dài, ông Đặng Văn Yến, 72 tuổi đã trở mình thức giấc.Ông chậm rãi với tay khoát chiếc áo cũ, bỏ gô cơm để sẵn từ tối qua vào bao ni lông và đi bộ đến nghĩa địa để làm việc. Đoạn đường từ nhà ông Yến đến nghĩa điạ xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh, Tp. HCM (Sài Gòn) không xa lắm, ngót khoảng một cây số nhưng ông già 72 tuổi này phải mất ít nhất nửa tiếng mới đi đến nơi. Hôm nào lái chiếc xe đạp cộc cũng phải mất 20 phút.
Đốt nhang cho các mộ, mồ mả nào dơ thì tôi cũng quét dọn. Thường thì đốt không hết, mỗi sáng tôi cầm một nắm nhang đi đốt chừng nào hết thì thôi. Đến đâu thì tôi làm dấu rồi mai đốt tiếp.
Ông Yến là người coi sóc nghĩa trang Phạm Văn Hai đã mười mấy năm nay. Công việc của ông Yến bắt đầu lúc 5 giờ sáng mỗi ngày và khó có thể nói nó kết thúc vào lúc mấy giờ. Thậm chí nhiều đêm ông ngủ luôn ngoài nghĩa điạ. Ngoài việc thắp hương cho hàng ngàn ngôi mộ vào mỗi buổi sáng sớm, ông Yến kiêm luôn phần dọn quét, gác gian các ngôi mộ và hỗ trợ hốt hài cốt.
Ông Yến người miền Sa Cảng. Từ năm 1989, ông dọn về xã Phạm Văn Hai với ước mong làm kinh tế ở vùng đất mới. Ông bắt đầu cuộc sống nơi vùng đất mới bằng công việc hàn lu, vá nồi lưu động. Nhưng chỉ được một vài năm, khi việc mua mới bộ nồi, cái lu không còn khó khăn nữa thì cái nghề của ông trở nên thừa thãi. Ông Yến quăng mớ đồ nghề và cái xe đạp cộc nằm chỏng chơ và bắt đầu một nghề khác, cũng chẳng “thời thượng” hơn cái nghề hàn lu vá nồi là bao – nghề canh giữ nghĩa địa.
Ngoài nghĩa địa ra, ông Yến hiếm khi đi đâu, kể cả đi hàng quán. Gia đình ông cũng chẳng mấy người, bạn bè lại không có, ông Yến xem cái nghĩa trang này là nơi sinh hoạt chính của mình. Đến nỗi hễ có ai hỏi về bạn bè là ông cười trừ, lắc đầu ngoây ngoẩy:
Ở đây tôi không có bạn bè gì hết, chỉ quen biết những người đi thăm mộ thôi. Suốt ngày tôi ở nhị tì, làm sao có bạn bè được. Làm bạn với người chết thôi chứ người sống thì họ đến đây giây lát rồi về chứ có ai ở lại đâu.
Kể ra ông Yến cũng cô đơn thật. Không có bạn bè, ông ngồi uống rượu, hút thuốc một mình với các ngôi mộ. Ông Yến từng uống rất nhiều rượu. Mấy năm nay cơ thể ông yếu hẳn, ông bỏ được rượu nhưng thuốc lá thì không bỏ được. Ông Yến hút thuốc nhiều lắm và hút tất cả các loại thuộc nào ông có được, kể cả những điếu thuốc cúng trong các ngôi mộ. Ông hút thuốc vì buồn:
Nghĩ đến bà xã thì không khóc nhưng hễ nhớ con là tôi khóc bởi con tôi chết bỏ hai đứa cháu ngoại lại nên tôi tủi lắm. Tôi ở nghĩa địa, trước là đốt nhang cho con, sau nhìn hình cho đỡ nhớ.
Trong nghĩa địa, có một ngôi mộ lúc nào cũng nhang đèn nghi ngút, trà nước tươm tất. Trên ngôi mộ là hình một cô gái tuổi chỉ độ 24 tươi tắn trong bộ đồ bà ba ngả màu. Đó là con cái của ông Yến. Đã qua tuổi “cổ lai hy”, nếm trải đủ hương vị ngọt đắng của đời, nhưng ông Yến lại mau mủi như đứa trẻ. Nhiều lúc thấy cô đơn trống trải quá, ông ngồi một mình hút liền mấy điếu thuốc. Vừa hút, ông vừa nghĩ về đứa con gái xấu số, khóc bật thành tiếng.
Thật ra, ông Yến cũng còn một người con gái nữa nhưng cũng chẳng mấy khi được gặp mặt:
Tôi cũng còn một đứa con nữa nhưng vì nghèo quá nên phải theo chồng đi làm mướn. Tôi ở nghĩa trang đây, lâu lâu nó có về thì thăm tôi. Không thăm được thì thôi chứ nó phải lo gia đình, làm sao lo cho tôi được.
Ông nói nửa như cam chịu, nửa như tủi phận. Trong hai cô con gái, có lẽ cô gái bạc phước làm ông lão đầu bạc đau xót nhiều hơn cả. Cô gái trẻ ra đi để lại cho ông hai đứa con còn thơ dại Đặng Văn Thảo và Đặng Thị Kim Hiền. Đứa cháu trai giống cha, còn đứa cháu gái lại giống mẹ như đúc khiến ông mỗi lần nhìn cháu là cứ nhớ con cồn cào. Như hiểu được ý của người đối diện, ông lão ngập ngừng khẽ cho biết lý do vì sao hai đứa cháu lấy họ của mẹ:
Bên cha của mấy cháu này thì cũng khấm khá nhưng họ khinh dễ tôi nghèo. Hai đứa thương nhau mà tôi la hoài không được. Tôi lo làm ăn, hai đứa lén lút với nhau có con thì tôi phải nuôi vì bên nội không nuôi.
Sống nhờ bá tánh
Con gái ông mất sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư gan quái ác. Còn người con rể cũng ra đi mãi mãi sau đó hai năm, lúc đứa con lớn vừa tròn 4 tuổi. Ông lão hiếm khi kể chuyện đời tư của mình. Khi nào gặp được người hợp ý, ông mới pha chút trà, ngồi trong căn chòi nhỏ ở nghĩa địa mà tâm sự. Mười mấy năm gắn bó với cái nghĩa địa này, ông không tài nào nhớ nổi chính xác khi nào ông bắt đầu công việc này. Nhưng ông lại nhớ như in lý do vì sao ông đến với công việc giữ nghĩa địa:Tại vì tôi nuôi hai đứa trẻ mồ côi nên chính quyền xã thấy tôi như thế nói tôi vào nghĩa địa làm. Tôi đã già rồi. Tôi nuôi chúng từ khi lọt lòng. Sau khi cháu sinh được 1-2 năm thì tôi phải giữ cháu để cha mẹ chúng đi làm ăn. Nhưng khi cha mẹ nó mất đi lúc nó được 4-5 tuổi thì tôi nuôi luôn cho đến bây giờ.
Sau khi vợ ông mất được vài năm vào năm 1996, ông gá nghĩa với bà Nguyễn Thị Ri, (SN 1946), nhưng không phải để khỏa lấp cái cô đơn ở tuổi xế chiều mà như để tìm một bàn tay chăm sóc hai đứa cháu thơ.
Hai đứa cháu ngoại của ông Yến năm nay đứa được 12, đứa lên 11. Chúng lớn và đến trường trên đôi tay của ông Yến, bằng số tiền 450 ngàn đồng mỗi tháng ông kiếm được và bằng những món quà của người thăm mộ:
Nói thật là mỗi khi người ta vô thăm mộ thì họ cũng cho gạo, mì … để về nuôi mấy đứa cháu. Chứ tôi đâu có ăn uống hay ngồi quán tiệm gì đâu. Tối ngày tôi ở nhị tì. Ai cho gì ăn nấy. Cho cà phê, trà thì cũng pha uống tại đó.
Còn một hơi thở nào cũng phải cố nuôi chúng đến khi chết hẵng hay, tới đâu hay tới đó. Nó đã không cha không mẹ rồi mà hất hủi nó thì tội nghiệp. Tôi cũng an ủi nó, kêu cháu cố học hành….
Bà Ri kể, ông Yến đã không quá lời khi nói rằng cuộc đời ông chỉ quanh quẩn cùng người chết. Nhiều đêm bà cứ nằm trằn trọc khi ông không về nhà trong lúc mưa giông và bão giật:
Hôm nào ông về tối là tôi sợ. Sợ ông nằm ngủ trong nghĩa trang, gió máy mà có một mình. Nhiều lúc tối quá tôi bắt mấy đứa cháu cầm đèn pin đi tìm. Nắng tôi cũng sợ và mưa tôi cũng sợ. Cái chòi ông trú để giữ nghĩa địa hôm trước bị sập vì mưa vừa mới được dựng lại.
Ngập ngừng một chút, bà nói thêm, mỗi ngày dù muộn thế nào bà cũng đợi ông về, khi đó buổi ăn tối của cả nhà mới bắt đầu. Hễ khi ông mang đồ cúng “tam sên” từ các ngôi mộ thì xem như cả nhà hôm ấy được ăn ngon; nếu không, thì món ăn thường xuyên là canh chuối:
Chuối thì tôi ăn thường xuyên. Chiều tôi nấu chút canh với hai ba trái chuối tôi với ông ăn, ít có mua đồ ăn. Tôi thấy ông nằm võng buồn. Tôi cũng rớt nước mắt hoài, thấy mình già mà nuôi hai cháu khổ quá.
Chuyện về ông Đặng Văn Yến, chuyện về người gác nghĩa địa trầm lặng với những mất mát. Ông Yến tâm sự, đứa cháu gái giống mẹ như đúc, làm ông chưa bao giờ thôi nhớ con và càng nhớ đến trách nhiệm của mình đối với hai đứa cháu còn đang tuổi vào tiểu học. Mỗi khi thắp nhang cho các ngôi mộ, ông đều khấn vái để mình có thể sống khỏe mạnh cùng các cháu. Đó là mong ước lớn nhất và mãnh liệt nhất của ông. Có lẽ khi người ta quá già, người ta lại hối hả hy vọng. Cũng như người ta cảm thấy lẻ loi, họ lại tìm kiếm sự sẻ chia.
Mời quý vị liên lạc với Quỳnh Chi, cũng như đóng góp ý kiến qua email Quynhchi@rfa.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm