Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Quan Làm Báo: Đắt khách nhưng bí hiểm - Bùi Tín


 
Hơn 1 tháng nay, mạng Quan Làm Báo đã trở thành một hiện tượng thông tin chấn động dữ dội công luận. Mạng này xuất hiện bất ngờ, không báo trước. Chẳng có tuyên ngôn, khẩu hiệu, phương châm. Chẳng có địa chỉ, tên tuổi người hay nhóm chủ trương, như một số mạng, blogger khác, trong hay ngoài nước.
Nhưng một điều rất rõ : Quan này rất đông khách vào thăm thú. Có thể nói Quan giật ngay kỷ lục về đắt khách. Vượt mạng Bauxite, vượt mạng Anh Ba Sàm, bỏ xa cả Dân Làm Báo. Đạt hàng triệu và sắp đạt chục triệu người vào đọc từ khi trình làng.
Vậy mà cho đến nay mặt mũi, chân dung, tiểu sử, lý lịch, quan điểm chính trị của Quan Làm Báo ra sao vẫn là điều bí mật, bí hiểm.
Người ta đổ xô vào mạng này vì ngay cái tên đã ngồ ngộ, mang tính cách trêu chọc, đùa cợt, đánh đố rồi. Có Dân Làm Báo thì ắt phải có Quan Làm Báo. Nhưng Quan đây lại không hẳn phải là Quan đang cầm quyền, đang cai trị dân đen, lại làm ra vẻ là Quan gần dân, Quan của dân, Quan không quan liêu, điều này càng kích thích tò mò.
Không tò mò sao được khi ngay những ngày đầu khai trương, «Quan Làm Báo» đã tỏ ra già dặn, nhiều tin tức phong phú độc đáo, từ nguồn hiếm. Những hồ sơ lý lịch, hồ sơ hình sự của từng nhân vật tai to mặt lớn, không kiêng nể một ai. Những báo cáo chi thu, xuất nhập từng thời kỳ của các nhà băng lớn nhỏ, mẹ con, cháu chắt, từng tháng, quý, năm, chính xác từ bản gốc. Không ai có thể bịa ra được.Nếu không phải từ người trong cuộc, trong bộ máy, hẳn là từ những tay được cài sâu leo cao, gián điệp – phản gián thượng thặng.
Nét khác lạ là tất cả hồ sơ, tư liệu, tài liệu phong phú tuôn ra có chủ định lại qua một hình thức văn chương mạng nhiều khi khá là dễ dãi, đến mức đơn giản, ấu trĩ, ngây ngô nữa, khác hẳn kiểu văn chương thông thái, hàn lâm thường có ở các công cụ lề phải, mũ cao áo dài. Do đó có người tự hỏi sao hành văn của các quan làm báo này lại non tay, buông tuồng, kém cỏi đến vậy. Có những câu thả lỏng, không trọn vẹn, thiếu đầu cụt đuôi, cứ như trẻ em tập làm văn, hoặc như người bên Tây, bên Tàu học nói tiếng Việt, còn ngọng. Hay đây là một thủ thuật cố tình, để dấu lý lịch, che tung tích, phóng hỏa mù?
Điều rõ ràng nhất là Quan Làm Báo phang không chút dè dặt, không chút thương tiếc một nhóm người với những bản cáo trạng dài, đủ dẫn chứng, với những kết luận dứt khoát, cho đó là bầy sâu phá dân hại nước phải hạ bệ và trừ khử gấp. Đó là đương kim thủ tướng, được gọi là «y tá», do khi còn trẻ ông là y tá của bộ đội địa phương Rạch Giá; là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người thường tự nhận là cháu trực hệ của ông Hồ Chí Minh – Nguyễn Sinh Coong, bị tố cáo là đã cắt xén không biết cơ man nào là tiền của của nhà nước cho đảng, từ khi còn là Vụ trưởng vụ ngân sách, thứ trưởng rồi bộ trưởng tài chính, rồi phó thủ tướng thường trực và nay là chủ tịch Quốc hội. Gắn bó với 2 quan cực lớn này là Thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng, hiện là cố vấn về quan hệ với các tôn giáo của thủ tướng, bị Quan Làm Báo kể tội giết người không gớm tay, từng giết Trung tướng Công an Tư Rốp vì tranh quyền, bị tình nghi giết cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và hiện đang tính chuyện ám sát Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bằng vũ khí sinh học. Quan Làm Báo còn tả ông Hưởng như một kẻ sa đọa, thông dâm với nhà báo Hồ Thị Thu Hồng, là tổng biên tập tạp chí Thể thao của Sài Gòn, có blog mang tên Beo, từng viết bài kể tội Thượng tướng Công an Nguyễn Khánh Toàn, địch thủ kèn cựa của ông Hưởng.
Đi cùng với nhóm cánh hẩu trên đây là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Lê Đức Thúy, cùng một loạt nhà kinh doanh tiền tệ, từ các ông Nguyễn Đức Kiên tức «Bầu Kiên», Lý Xuân Hải, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Trầm Bê, bà Thái Hương…cho đến tiểu thư Nguyễn Thanh Phượng, con gái ngài thủ tướng…
Dư luận trong nướccho rằng bước vào tháng 9, đến cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa XI) cuộc đấu tranh gay gắt chưa từng có nói trên trong nội bộ bộ chính trị, cơ quan quyền lực ở chóp bu sẽ có thể ngả ngũ. Hai phe nhóm đối lập đang sống mái với nhau, có thể hòa hoãn qua thương lượng và nhân nhượng để giữ bề ngoài ổn định.
Hai nhóm còn đua nhau tranh thủ 2 ông thái thượng hoàng trong phủ Chúa là Lê Đức Anh và Đỗ Mười, được biết 2 ông này còn lưỡng lự, sợ 2 phe phái húc nhau khéo mà chết cả nút.
Mấy hôm nay mạng Quan Làm Báo còn nâng cao thêm một bước thách thức của mình, đứng hẳn về phía ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trương Tấn Sang, đưa ra trưng cầu ý kiến công khai bạn đọc trên mạng, xem ông thủ tướng có tội rất nặng là biển thủ, tham nhũng, làm phá sản hàng loạt tập đoàn quốc doanh lớn nhất, phá hoại hệ thống tài chính – ngân hàng của cả nước, làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng của nhân dân, xứng đáng nhận hình thức kỷ luật hay pháp luật – hình sự nào. Truy tố trước toà án? Bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội? Yêu cầu từ chức? Hoặc hình thức nào khác nữa?
Về phía Thủ tướng Dũng, ông vẫn trấn tĩnh, tự nhận vẫn đứng đầu Ủy ban phòng chống tham nhũng và lãng phí, vẫn yêu cầu xử lý công bằng vụ ông «Bầu Kiên» kinh doanh trái phép, ông cho con gái rút lui khỏi kinh doanh, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Điều đáng chú ý là trong khi giới trí thức tỏ ra thận trọng, quan sát tình hình, chưa tỏ thái độ đứng hẳn về phía nào, vì các phe phái đều không tỏ thật rõ thái độ đối với bọn bành trướng Bắc Kinh, thì có một trí thức lên tiếng khá mạnh mẽ đứng hẳn về một bên. Đó là ông Chu Hảo, giám đốc nhà xuất bản Tri Thức, người từng tham gia nhiều thư ngỏ, kiến nghị đòi chấm dứt khai thác bauxite, đòi tự do cho luật sư Cù Huy Hà Vũ, đòi tự do biểu tình chống bành trướng…
Ông Chu Hảo xuất hiện trên mạng Exodus ngày 23/8/2012 khi trả lời nhà báo Nhất Nhất, cho rằng chính phủ nào làm việc cũng có chuyện đúng, chuyện sai, không nên thổi phồng những cái sai, xóa bỏ những điều đúng. Ông cho rằng chính ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Phú Trọng đã bán mình cho bành trướng, còn nguy hiểm hơn nhóm ông Dũng, và nay lại «giăng cạm bẫy thi hành kỷ luật để dử ông Ba Dũng vào tròng». Cần vạch trần âm mưu nguy hiểm ấy. Chưa thấy các trí thức khác trong và ngoài nước lên tiếng về chính kiến này.
Sự thận trọng trong dư luận có lý do dễ hiểu. Bởi vì trong cơ quan lãnh đạo, trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng vẫn chưa có ai xuất hiện như một hay như một nhóm người chủ trương đi với nhân dân kiên quyết chống bành trướng xâm lược và chân thành thực hiện dân chủ, trả lại cho công dân tất cả các quyền tự do đã được ghi trong hiến pháp.
Bùi Tín

Phạm Quỳnh và 95 năm Tạp Chí Nam Phong

Tuesday, September 04, 2012 5:08:03 PM 

Thuyết trình tại Viện Việt Học
Nguyên Huy/Người Việt

Vào Thứ Bẩy, ngày 8 Tháng Chín cuối tuần này, nhân kỷ niệm 67 năm học giả Phạm Quỳnh bị cộng sản VN xử tử (Tháng Chín năm 1945), Viện Việt Học mời một số nhà văn, giáo sư và học giả đến viện để nói chuyện về Phạm Quỳnh và Tạp Chí Nam Phong.

Bộ DVD thu đủ 210 số báo Nam Phong Tạp Chí do Viện Việt Học phát hành. (Hình: Viện Việt Học cung cấp)
Theo ông Nguyễn Minh Lân, thành viên trong ban điều hành Viện Việt Học cho biết thì “hiện chúng tôi đang cố gắng tiếp xúc với các diễn giả ở xa mà viện dự trù mời nên danh sách các vị thuyết trình trong buổi này còn đang sắp xếp. Nhưng ba đề tài chính trong buổi sinh hoạt văn học này đã được thảo luận xong. Ðó là tiểu sử của Phạm Quỳnh, cái chết của Phạm Quỳnh và di sản Nam Phong Tạp Chí trong dòng văn học Việt Nam.”
Bộ Nam Phong Tạp Chí gồm 210 số báo phát hành suốt từ năm 1917 đến 1934 đã được Viện Việt Học thu vào trong 35 DVD và đã được ra mắt phổ biến tại nhiều nơi như San Jose, Portland, OR, Seattle, WA, Washington DC, Houston Texas, vào năm 2009 và Saint Paul MN năm 2011. Tại Nam California là vào ngày 28 tháng 6 vừa qua tại Viện Việt Học.
Vấn đề Nam Phong Tạp Chí tuy không là một vụ án văn học nhưng sau năm 1945, chính quyền Việt Minh đã xử tử hai người chủ trương tờ báo Nam Phong Tạp Chí là Phạm Quỳnh, chủ bút phần Việt và Pháp ngữ và Nguyễn Bá Trác chủ bút phần Hán văn. Lúc ấy trong cao trào cách mạng của toàn dân, thì toàn bộ những trước tác trong Nam Phong Tạp Chí đều là “phản quốc, bán nước” của bọn “Việt gian” phục vụ cho thực dân Pháp.

Buổi ra mắt DVD Nam Phong Tạp Chí tại Houston Texas ngày 15 tháng 11 năm 2009. (Hình: Viện Việt Học cung cấp)
Theo những tài liệu văn học thì Nam Phong Tạp Chí quả do thực dân Pháp khai sinh do trùm mật thám Louis Marty điều khiển.
Nhưng từ năm 1954, tại miền Nam phần đất của tự do, các nhà nghiên cứu văn học như Thanh Lãng và Phạm Thế Ngũ cho rằng Nam Phong Tạp Chí tuy có nguồn cội từ thực dân Pháp nhưng cụ Phạm Quỳnh đã “viết và lách” được chính quyền thực dân Pháp để đưa Nam Phong Tạp Chí vào dòng văn học Việt Nam qua những công trình dịch thuật và tư tưởng của tờ báo.
Cho đến nay người làm cũng như khảo cứu văn học Việt Nam thường chỉ nhắc đến Nam Phong Tạp Chí mà ít nhắc đến Ðông Dương Tạp Chí là hai tờ báo cùng do thực dân Pháp chủ trương cùng thời gian đó. Ðiều đó chứng tỏ giá trị của hai tờ báo ấy đứng trên quan điểm văn học như thế nào.
Với người chủ trương tờ Nam Phong Tạp Chí phần Việt, Pháp ngữ là cụ Phạm Quỳnh thì như có lần cụ nói khi bị cho là phản quốc, bán nước rằng: “Tôi sinh ra thì nước đã mất rồi còn đâu mà tôi bán.” Quả là một lời phát biểu đắng cay của giới sĩ phu Việt Nam lúc bấy giờ.
Như một số nhà tranh đấu cách mạng nổi tiếng thời gian trước đó như Phan Chu Trinh cũng cho rằng “nên dựa vào Tây mà đánh Tây” khi mình đã không đủ sức để cứ bị tiêu diệt dần mòn, cụ Phạm Quỳnh đã chọn con đường văn học để chấn hưng dân khí. Ngày nay nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã bỏ công để tìm ra cái tinh thần phản quốc bán nước của Phạm Quỳnh trong Nam Phong thì trong tất cả những công trình của Phạm Quỳnh trên Nam Phong như dịch thuật, biên khảo, phê bình, triết lý... không thấy có những đoạn văn nào có thể buộc tội là “bán nước” mà ngược lại chỉ thấy qua những trước tác đó Nam Phong Tạp Chí với Phạm Quỳnh đã đóng góp vào nền văn học Việt Nam một trào lưu mới, trào lưu mở rộng tầm nhìn để mà canh tân đất nước.
Về người chủ bút thứ hai, phần Hán văn là cụ Nguyễn Bá Trác thì cho đến nay nhiều người vẫn còn dè dặt khi viết đến tên của cụ vì tiếng “Việt gian làm chỉ điểm cho Pháp” mà “thời Việt Minh” gán cho cụ cho dù không có chứng cứ xác thực nhưng cho đến nay vẫn chưa được minh oan. Chỉ biết rằng theo tiểu sử của cụ thì cụ hơn Phạm Quỳnh 11 tuổi cùng làm công chức cho Pháp ở phủ Toàn Quyền sau khi đã theo phong trào Ðông Du, bị đàn áp phải trốn vào trong Nam, qua Xiêm tói Nhật rồi về Tầu và sau cùng phải về đầu thú nhưng vẫn được anh em đồng hành cũ tín nhiệm, trao cho giữ tác phẩm của thầy học Trần Quý Cáp khi ra làm báo Nam Phong với Phạm Quỳnh.
Chắc chắn trong buổi thuyết trình sắp tới tại Viện Việt Học về Phạm Quỳnh và 95 năm Nam Phong Tạp Chí, chúng ta sẽ được các thuyết trình viên mà viện mời đến sẽ cho chúng ta biết thêm nhiều điều về Nam Phong Tạp Chí, một dấu mốc quan trọng trong dòng văn học Việt Nam và về cụ Phạm Quỳnh mà chúng ta phần lớn đều nhớ đến câu nói của cụ: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn” khi cụ biên khảo về truyện Kiều của Nguyễn Du.
Ðể biết thêm chi tiết về buổi sinh hoạt văn hóa này, quí độc giả có thể liên lạc về Viện Việt Học: (714) 775-2050.


Ðã bắt được Dương Chí Dũng (theo nguồn "Người Việt" )

Tuesday, September 04, 2012 8:18:40 PM 


HÀ NỘI (NV) - Dương Chí Dũng, nguyên cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, vừa bị bắt giữ “tại một quốc gia trong vùng Ðông Nam Á và hiện đang bị cảnh sát quốc tế áp giải về Việt Nam.”


Dương Chí Dũng, cục trưởng Cục Hàng Hải. (Hình: Tuổi Trẻ)
Truyền thông Việt Nam hôm 5 tháng 9, đồng loạt đăng tin Dương Chí Dũng bị bắt và cho hay, “Ông Dũng đã bỏ trốn khỏi Việt Nam bằng đường bộ sang một nước ASEAN. Tại đây, ông này đã bị cơ quan chức năng lần ra manh mối và bắt giữ.”
Dương Chí Dũng trước khi trở thành cục trưởng Cục Hàng Hải, thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam, là tổng giám đốc, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines).
Trong thời gian này ông Dũng đã dính líu đến hàng loạt vụ tham nhũng, gây thất thoát hàng tỉ đô la.
Vào hai ngày 17 và 18 tháng 5, công an đã khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam ông Dương Chí Dũng cùng hai thuộc cấp là Mai Văn Phúc, vụ phó Vụ Vận Tải (nguyên tổng giám đốc Vinalines); Trần Hữu Chiều (phó tổng giám đốc Vinalines) vì cáo buộc “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Thời điểm đó, ông Phúc và ông Chiều đã bị bắt giữ. Riêng ông Dũng, báo chí Việt Nam ban đầu nói ông “đã bị bắt” nhưng sau đó lại loan tin “ông Dũng bỏ trốn.”
Năm ngày sau đó, hôm 22 tháng 5, cơ quan điều tra của Bộ Công An Việt Nam ban hành lệnh truy nã đối với ông Dương Chí Dũng.
Hơn một tháng sau khi biến mất nhà cầm quyền Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế Dương Chí Dũng qua Interpol.
Ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm chức cục trưởng Hàng Hải vào tháng 2 năm 2012. Người bổ nhiệm ông Dũng chính là Bộ Trưởng Giao Thông Ðinh La Thăng.
Việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng có liên quan đến Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và dư luận đồn rằng Dương Chí Dũng là người thân tín của Thủ Tướng Dũng.
Chủ tịch nước Việt Nam ông Trương Tấn Sang từng trực tiếp quy tội cho Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Ðinh La Thăng và gián tiếp quy tội cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vụ bổ nhiệm Dương Chí Dũng vào chức vụ cục trưởng Cục Hàng Hải.
Khi tới Sài Gòn “tiếp xúc với cử tri,” ông Trương Tấn Sang được báo Tuổi Trẻ hỏi về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là “quy trình bổ nhiệm có vấn đề hay vấn đề nằm ở chỗ chọn không đúng cán bộ?”
Kể từ năm 2005 đến 2010, theo thanh tra chính phủ Việt Nam, “thời kỳ ông Dương Chí Dũng làm tổng giám đốc, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Vinalines từ năm 2005-2010 đã vung 22,853 tỉ đồng (khoảng 1 tỷ 150 triệu đô la) mua 73 tàu cũ trong đó có rất nhiều chiếc không sử dụng được.”
“Số tiền mua tàu trên gồm vay ngân hàng thương mại hơn 943 triệu đô la và 348.7 tỉ đồng. Trong đó có 17 tàu trên 15 tuổi, thậm chí tàu Lively Falcon 30 tuổi. Tất cả các tàu này không đủ điều kiện đăng ký tại Việt Nam mà phải treo cờ ngước ngoài như Mông Cổ, Panama...”
Vẫn theo thanh tra chính phủ Việt Nam, “Trong số 77 tàu cũ được mua từ nước ngoài đã qua sử dụng, công ty mẹ - Vinalines trực tiếp mua 14 tàu, với tổng vốn đầu tư trên 7,569 tỉ đồng. Bảy công ty cổ phần có vốn chi phối của Vinalines mua 41 tàu, tổng vốn đầu tư 14,480 tỉ đồng. Còn lại bảy công ty liên kết đã chi ra 804 tỉ đồng mua 18 tàu cũ.”
Ðể xảy ra thực trạng trên, theo báo Tuổi Trẻ, “giới kinh doanh vận tải biển nhận định việc kiểm soát đầu tư, mua sắm tàu biển cũ của Bộ Giao Thông Vận Tải đối với Vinalines quá lỏng lẻo.”
Cụ thể, theo “Thanh tra Chính phủ,” Vinalines có tới 36 tàu mua từ năm 2005-2010 bị lỗ nặng. Trong đó Vinalines và hai chi nhánh Sài Gòn, Hải Phòng có 100% vốn nhà nước mua 11 tàu cũ với giá 6,358.9 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh tính đến hết năm 2010 lỗ 606.7 tỉ đồng. Các doanh nghiệp thành viên và có cổ phần chi phối của Vinalines đã mua 17 tàu với giá 6,643.2 tỉ đồng. Kết quả kinh doanh cũng bị lỗ 941.4 tỉ đồng. Ngoài ra, một số công ty khác có dưới 50% vốn nhà nước như Công ty Cổ phần Vận tải biển Hải Âu (Vinalines góp 26.26% vốn cổ phần) mua một tàu, kinh doanh đến hết năm 2010 lỗ 4 tỉ đồng, công ty cổ phần hợp tác lao động với nước ngoài Inlaco Hải Phòng mua 5 tàu, kinh doanh lỗ 19.3 tỉ đồng.”
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một vị nguyên là lãnh đạo Cục Ðăng Kiểm Việt Nam nhận xét, “Trong giai đoạn 2005-2010, Vinalines đã mua tàu cũ theo kiểu chơi chứng khoán! Sử dụng tiền vô tội vạ và thiếu tính toán nên hậu quả là nhiều tàu mua về khai thác bị thua lỗ. Chưa kể nhịp độ hoạt động thị trường kinh doanh vận tải biển quốc tế nên giá thị trường tàu cũ tháng này hạ 20-30% nhưng tháng sau có khi tăng đến 30-40% hoặc ngược lại.”
Trước vụ khởi tố 3 ông nói trên, một loạt cán bộ, viên chức của tổng công ty quốc doanh Vinalines, đã bị tống giam với các cáo buộc “tham ô tài sản” gồm Trần Hải Sơn (52 tuổi, cư trú tại Sài Gòn - tổng giám đốc công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Trần Văn Quang (37 tuổi cư trú tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - trưởng phòng kế hoạch công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines). Ngoài ra còn có hai bị can Trần Bá Hùng (33 tuổi, trú tại tỉnh Khánh Hòa - phó trưởng bộ phận vỏ của công ty TNHH Hyundai Vinashin); Phạm Bá Giáp (40 tuổi, trú tại tỉnh Khánh Hòa - giám đốc công ty TNHH Nguyên Ân) cũng bị truy tố vì tội “tham ô tài sản.”
Bốn ông sau này đều dính vào vụ tham ô “trong quá trình sửa chữa ụ nổi No83M do công ty TNHH sửa chữa tàu biển Việt Nam nhập về.” Theo đó, các ông này “đội giá” nguyên vật liệu, “khai khống” số sắt hàn, thông đồng với nhau để rút ruột nhà nước.
Sau vụ Vinashin và vụ tập đoàn Sông Ðà, đây là vụ bê bối thứ ba trong thời gian gần đây dính tới các tập đoàn quốc doanh được điều hành trực tiếp bởi chính phủ Việt Nam, mà người đứng đầu là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. (KN)


_________________________________________
 
liên lạc: Chenh2006@gmail.com

AI ĐƯA ĐƯA DƯƠNG CHÍ DŨNG LÊN?

Hề hề, thế này mà còn chỉ đạo báo cáo về việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng làm chi nữa hè? Quyết định Thủ Tướng ký rành rành đây nè.


Quyết định số 142/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ : Về việc ông Dương Chí Dũng thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
_________
Số: 142/QĐ-TTg
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2012

QUYẾT ĐỊNH
Về việc ông Dương Chí Dũng thôi giữ chức Chủ tịch
Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam
__________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại Tờ trình số 8794/TTr-BGTVT ngày 23 tháng 12 năm 2011; Bộ Nội vụ tại Tờ trình số 07/TTr-BNV ngày 09 tháng 01 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ông Dương Chí Dũng thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam và ông Dương Chí Dũng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
THỦ TƯỚNG
  
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng 
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Ban Tổ chức Trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT;
  Vụ KTN, VPBCS(3);
- Lưu: VT, TCCV. AT
                                                       Theo Cổng thông tin điện tử của Chính phủ

Mới đây, ngày 25.5, các báo đưa tin:

Báo cáo việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ giải trình làm rõ vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng Hải.  
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ trước ngày 31/5/2012 phải có báo cáo Thủ tướng về việc thực hiện quy trình bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam trong khi Thanh tra Chính phủ đang thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Dân Việt chịu thuế cao gấp ba lần so với khu vực Ðông Á

Tuesday, September 04, 2012 6:45:08 PM

VIỆT NAM (NV) - Theo một phúc trình vừa được Liên Hiệp Quốc công bố từ Hà Nội sáng 4 tháng 9, người dân Việt Nam phải chịu thuế nặng gấp 3 lần so với các quốc gia khu vực Ðông Á.

Sơ đồ trình diễn mức thuế của người dân Việt Nam so với một số quốc gia khu vực. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
Phúc trình này cũng cho rằng chính sách kinh tế Việt Nam “vô cùng lạ lẫm” so với nhiều mô hình phát triển của thế giới.
Phúc trình này gọi “chính sách kinh tế tăng trưởng kiểu Việt Nam” đã làm kéo dài sự bất ổn, khiến nguồn vốn ngoại quốc đầu tư sụt giảm và dẫn đến sự dàn trải, kém hữu hiệu của nền tài chính công tại Việt Nam...
Tuy nhiên, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ phúc trình này nói rằng, điều quan trọng hàng đầu là nhận định cho rằng người dân Việt Nam đang phải è cổ gánh “sưu cao, thuế nặng.”
Báo Tuổi Trẻ cho biết, phúc trình do Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội cộng sản Việt Nam thực hiện. Nhận xét của phúc trình này cho thấy lần đầu tiên, Quốc Hội Việt Nam nhìn nhận rằng lợi tức của người Việt Nam quá ít mà họ lại bị đánh thuế cao gấp bội, so với người dân Thái Lan và Trung Quốc.
Phúc trình này đưa một số thí dụ thiết thực nói rằng lợi tức của người Việt Nam trung bình khoảng 3,500 đôla một năm, nhưng phải chịu thuế suất tới 10%. Trong khi đó, lợi tức của người dân Thái Lan gần 5,000 đô/năm mà chỉ chịu thuế suất khoảng 2%.
Cũng theo phúc trình, người dân Việt Nam còn phải “cõng” nhiều khoản thuế “biệt lệ” khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập cảng quá cao. Ðó là chưa kể nhiều khoản “thuế lót tay” không tên tuổi mà có đến 56% công ty ở Việt Nam e dè tố cáo.
Một chuyên viên có chân trong bộ phận thực hiện phúc trình là ông Phạm Thế Anh của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Công Việt Nam nói rằng thuế và phí ở Việt Nam hiện nay “gấp gần ba lần các quốc gia khu vực.” Ông này cũng cho biết, chi phí của nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay quá lớn, dàn trải và không hữu hiệu.
Theo ông, nhà nước cộng sản Việt Nam đầu tư khắp các lĩnh vực, từ an ninh, quốc phòng, đến giáo dục, y tế, khai thác khoảng sản, nghệ thuật... dẫn đến chi phí tăng vọt không ngừng. Chỉ riêng khoản chi lương công chức và hoạt động của các công sở trong toàn quốc đã chiếm tới 75.4% ngân sách nhà nước trong năm 2011. Vì vậy, riêng trong hai năm 2010 và 2011, nhà nước cộng sản Việt Nam phải vay 110,000 tỉ đồng, tương đương 5 tỉ rưỡi đô la bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ, tăng gấp đôi so với bốn năm trước đây.
Tuy nhiên, chi phí “quá ngưỡng” này của nhà nước cộng sản Việt Nam lâu nay không hề nghe ai nói đến. Cho đến khi xuất hiện một phúc trình của tổ chức thế giới UNDP thì tình thế này mới được hé lộ. (PL)


Sài Gòn thời trái cây đổ đống

Monday, September 03, 2012 3:06:43 PM 


Phùng Thức/Người Việt

Thời trước biến cố 1975, người kinh doanh trái cây ở Sài Gòn theo mùa, theo vụ. Ngày nay, các loại cây ăn quả quí như xoài, bưởi, thanh long... thường có quanh năm.

Một điểm đổ đống trái bơ sáp trên vỉa hè Sài Gòn. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)
Tất nhiên do trình độ thâm canh các nhà vườn miền Nam đã tiến bộ, nhưng một phần cũng là nhờ các loại thuốc kích thích tăng trưởng, bảo quản có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng chưa có lúc nào Sài Gòn lại tràn ngập các loại trái cây thuận mùa bán đổ đống, bán bằng xe tải, xe đẩy... như lúc này.
Một bà nội trợ, kêu chồng tấp vô lề đường Lý Thường Kiệt, nơi người bán đổ một đống thanh long đỏ rực. Sau khi lựa được một mớ, bà quay qua chúng tôi nói. “Xuống tới Sài Gòn, sang qua biết mấy tay mà chỉ có 4,000 đồng một ký, vậy là nhà vườn bán ra chỉ cỡ năm trăm hay một ngàn; nhà vườn đúng là lỗ sặc máu. Mua ủng hộ đi anh.”
Vậy đó, 4,000 đồng tiền Việt Nam ở Sài Gòn lúc này chỉ đủ trả cho công bơm 2 cái bánh xe gắn máy.
Chúng tôi đi về phía quận 8, ghé chợ chiều Phạm Thế Hiển, hai bên đường vào chợ đông nghẹt công nhân, người lao động thì bắt gặp một tấm bảng đen, trên đó có dòng chữ viết bằng phấn học trò: Bưởi Năm roi không hột bao ăn 7,000 đồng/2 trái.

Trong thời buổi phá vườn dừa, từ Bến Tre, những ghe bán dừa xuôi ngược cố vớt vát được đồng nào hay đồng đó. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)
Cô bạn đi cùng chúng tôi nói. “Em mới thấy trước chợ Xóm Củi bưởi năm ngàn một trái, có một khúc đường rớt xuống bảy ngàn hai trái, chắc đi thêm chút nữa giá còn rẻ hơn ly trà đá.”
Chúng tôi lại tiếp tục đi dọc theo bến Bình Ðông, vào lúc nước ròng những ghe trái cây từ miền Tây lên nằm phơi mình như cá mắc cạn trên dòng kênh đen thui.
Ðứng trên đường, hỏi giá một ghe bán dừa xiêm. Chị dân quê theo chồng làm nghề thương hồ nói. “Anh muốn mua loại nào, dừa xiêm ba trái hai chục ngàn, dừa ta năm ngàn một trái.”
Ði thêm một đoạn đường thấy một đống thơm đổ trên lề đường, treo bảng mười ngàn ba trái.
Dù chưa kể đến các loại trái cây nhà nghèo khác như ổi, chuối, đu đủ, chôm chôm, mận; nhưng một điều chúng tôi dám chắc là nếu ở Sài Gòn lúc này, bạn chỉ cần chi ra một số tiền bằng giá một tô phở bình dân khoảng 25,000 đồng là bạn có thể mang về nhà một túi bự trái cây của nhà vườn Ðồng Bằng Sông Cửu Long.
Tin tức về chuyện Trung Quốc đóng cửa khẩu làm hàng hóa nông sản Việt Nam có thể là một phần nguyên nhân. Chuyện các thương lái Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn gian manh để ép giá, lừa gạt, thậm chí giựt tiền hàng của các nhà vườn là chuyện thường ngày đau khổ của người nông dân Việt Nam; nhưng bỏ mặc cho bọn gian thương Trung Quốc hoành hành trên mồ hôi nước mắt của lương dân mới là điều mà mọi người đang căm phẫn.
Mới đây, nhân vụ việc các nhà buôn bất lương tung những lô hàng nho tươi, lê, táo Trung Quốc dán nhãn Mỹ, Tân Tây Lan để lừa gạt người tiêu dùng thì báo chí lề phải lên tiếng ầm ĩ... họ kêu gào là “cảnh giác trước trái cây độc hại không rõ nguồn gốc”. Nhưng cả thể chế cai trị lại bỏ mặc cho tình trạng trái cây Việt Nam điêu đứng.
Ðúng là người tiêu dùng Việt Nam hiện nay rất sợ ăn trái cây Trung Quốc, nhưng nếu để tình trạng trái cây Việt Nam rớt giá không phanh như hiện nay nông dân sẽ phá vườn, bán đất... thì trước sau gì cũng phải nhập cảng trái cây độc hại Trung Quốc để rước cái chết từ từ vào thân.
Một người quen, anh Tám Lộc, một nhà vườn ở huyện Phong Ðiền-Cần Thơ, cho biết: “Mấy năm nay, hễ Trung Quốc ăn cái gì thì nhà vườn mình trồng cái đó, ban đầu thì có giá, sau hết ăn thì chặt cây phá vườn trồng thứ khác, thương lái của Trung Quốc nắm đầu, nắm cổ nhà vườn thiếu điều quây như dế.”
Cả miền Nam với hàng ngàn heta đất vườn và các giống trái cây ngon nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Cái Mơn, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn... nhưng không hề quá đáng khi nói rằng hiện nay để sống được và có thu nhập, người nông dân Việt Nam cũng chỉ biết có mỗi con đường là thâm canh trái mùa vụ để bán có giá và ai cũng biết để có những loại trái cây ngon ra được trái mùa vụ, không có cách nào khác hơn là bắt buộc phải sử dụng những loại phân bón, thuốc thực vật độc hại.
Một nhà vườn ở Vĩnh Long nói. “Ngay vườn cây nhà tôi đây, trái của cây nào để người nhà, bà con ăn thì trồng riêng, còn để bán thì trồng theo bán.”
Chuyện đa số người Việt Nam từ bỏ thói quen ăn trái cây Trung Quốc hiện nay có phải là một cơ hội cho trái cây Việt Nam và nhà vườn Việt Nam không thì cứ nhìn vào thực trạng trái cây nội địa đang bán đổ đống trên vỉa hè, trước cửa chợ là biết.
Nếu gọi là mua trái cây nội địa đổ đống như là một nghĩa cử để giúp đỡ người nông dân thì đó là một việc giống như làm “từ thiện” rất đau lòng.