Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Phục vụ kém, Hà Nội không có văn hóa tiền "bo"!

Chuyện quê nhà: "Phục vụ kém, Hà Nội không có văn hóa tiền "bo"!"


Tác Giả: Giaoduc.net   
Thứ Tư, 29 Tháng 8 Năm 2012 08:08
Thời nay khách hàng là nữ hoàng, nhân viên là thượng đế
Cali Today News – Ai đã từng đến Hà Nội đều ngán ngẫm với thái độ phục vụ của các nhân viên tại các hàng quán, nhà hàng. Họ đánh giá khách hàng qua vẻ bề ngoài và qua đó thay đổi cung cách phục vụ theo mức độ sang trọng của quần áo, xe cộ của khách hàng. Bài viết này được trích đăng từ Giaoduc.net nói lên suy nghĩ và sự so sánh của một chủ nhân người Hà Nội về văn hóa phục vụ của các nhân viên ở Hà Nội và Sài Gòn. Mời quý vị theo dõi để thấy được sự khác biệt này.
"Những người làm nghề phục vụ ở Hà Nội họ không coi đó là một nghề. Trong suy nghĩ, họ luôn thấy nhục vì phải phục vụ người khác...", anh H. nhận định.
          
Ở Sài Gòn khách hàng được coi như nữ hoàng. Ảnh VNE
Trước nhiều ý kiến của khách hàng phản ứng về văn hóa phục vụ kiểu "bún mắng, cháo chửi" hay chặt chém của nhiều nhà hàng, quán ăn của Hà Nội, chia sẻ với chúng tôi, anh T.Q.H (ông chủ của chuỗi nhà hàng từ Bắc vào Nam khá nổi tiếng hiện nay) thừa nhận: "Ở Hà Nội, nhân viên đi làm trong các nhà hàng không bao giờ coi đó là một nghề mà người ta chỉ coi đó là một việc làm tạm thời, làm thêm. Việc phục vụ người khác là một việc gì đó họ cho là nhục nên không bao giờ bỏ qua được cái sĩ diện cá nhân hết lòng với khách, chăm sóc khách của nhà hàng như khách của mình.
Mong muốn chia sẻ quan điểm của mình nhưng anh H. xin giấu tên với lý do, đôi khi nhà hàng của anh cũng để xảy ra nhiều thiếu sót với khách.
Thời nay khách hàng là nữ hoàng, nhân viên là thượng đế
Nhiều năm bôn ba khắp nơi để tìm hiểu về việc kinh doanh nhà hàng, anh H. chia sẻ “nhiều người nghĩ kinh doanh nhà hàng đơn giản chỉ cần nấu những món ăn ngon thôi. Nhưng không phải như vậy, khách hàng đến nhà hàng là để hưởng cả dịch vụ của chính nhà hàng mang lại nữa”.
“Tôi thường trò chuyện với nhân viên của mình là coi khách hàng như nữ hoàng. Câu "khách hàng là thượng đế" chỉ đúng với ngày xưa thôi. Thời bây giờ, mọi khách hàng đều là nữ hoàng và chính nhân viên là thượng đế. Nhân viên là người quyết định, mời chào khách lần sau có muốn quay lại nữa hay không. Nếu nhân viên làm tồi thì khách sẽ chẳng bao giờ quay lại nhà hàng của mình lần thứ hai. Tôi phải dạy nhân viên nghĩ rằng khách hàng mới chính là người trả lương cho mình chứ không phải là ông chủ nhà hàng trả lương cho mình” – anh H. tâm sự.
Trao đổi về chuyện “bún mắng, cháo chửi” anh H. cho rằng, đôi khi khách hàng cũng có cái sai nhưng trong mọi tình huống mình luôn nhận cái sai về mình thì khách sẽ nể. Sau khi xem clip hành hung khách của nhà hàng Sen Việt, trong lòng anh H. thấy buồn vì cách cư xử “lạ” như vậy.
“Nếu là tôi, trước tiên tôi phải sa thải ngay quản lý và các nhân viên đó, trực tiếp xin lỗi khách hàng đó cũng như tất cả các khách hàng đã đến với nhà hàng và xin được một cơ hội làm lại. Tôi không ngần ngại lên tiếng xin một cơ hội được sửa sai, được phục vụ khách. Đối với ngành phục vụ, câu xin lỗi luôn ở cửa miệng”.
Trước khi quyết định mở một nhà hàng cho mình, bản thân anh H. cũng đã từng trải qua rất nhiều nghề từ đầu bếp, phụ bàn ở trong nước và cả nước ngoài. Anh chỉ muốn tìm cho mình một kinh nghiệm làm giàu. Kinh nghiệm đó với anh chính là một phong cách phục vụ tốt nhất.
 Vì sao Hà Nội thiếu văn hóa “bo”
Ở Hà Nội, nhân viên đi làm trong các nhà hàng không bao giờ coi đó là một nghề mà người ta chỉ coi đó là một việc làm tạm thời, làm thêm. Việc phục vụ người khác là một việc gì đó họ cho là nhục nên không bao giờ bỏ qua được cái sĩ diện cá nhân hết lòng với khách, chăm sóc khách của nhà hàng như khách của mình.
Nhưng ngược lại, ở Sài Gòn, làm phục vụ trong nhà hàng, quán café người ta coi đó là một nghề kiếm cơm, mang lại cuộc sống cho họ nên họ làm nhiệt tình. Họ chăm sóc khách hàng như khách của chính gia đình mình vậy.
Anh H. nhớ “tôi đã từng đi dép lê, mặc quần áo lếch thếch vào một nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn nhưng tôi không hề bị đối xử như một người không có tiền. Một cốc café chỉ 20 nghìn đồng tôi vẫn được chăm sóc không khác gì những người ăn mặc đồ hiệu sang trọng.
Nước đá, nước trà họ luôn mang tới dù mình không gọi. Chính vì cách phục vụ như thế mà ở Sài Gòn có văn hóa "bo" (hay boa là tiền tip, tiền thưởng thêm cho nhân viên để tỏ sự hài lòng của khách về việc được phục vụ chu đáo). Đến nơi mình được phục vụ, được chăm sóc như người nhà thì lần sau không ai nỡ từ chối không đến lần hai và không ai tiếc một chút tiền tặng lại cho nhân viên đó cả”.
Còn ở Hà Nội thì khác, khách nào mặc một chiếc áo cũ kỹ, dép lê vào nhà hàng sang trọng khách sẽ bị nhân viên mắt tròn mắt dẹt nhìn bạn cho đến khi khách ngồi vào bàn. Thậm chí, người ta còn chẳng thiết tha gì chăm sóc nước non, mời khách. Bởi họ sợ khách đó không có tiền. Trong thâm tâm của những người đó nhà hàng phân chia đẳng cấp thượng lưu, trung lưu và hạ lưu và nơi này chỉ dành cho những người thượng lưu.
Một người đi xe đạp và một người đi xe SH cùng vào quán cà phê ở Hà Nội, chắc chắn từ nhân viên bảo vệ cho đến nhân viên lễ tân đều nhiệt tình mời gọi người đi xe SH. Khách đi xe đạp thì tự dắt xe vào chỗ nào đó. Bảo vệ cũng không đón xe từ ngoài.
Anh H. cho rằng khách đến nhà hàng cũng như khách đến chính nhà của chúng ta. “Nếu chúng ta tiếp khách nhiệt tình, cởi mở thì lần sau người ta sẽ ghé lại thăm chúng ta lần nữa và sẽ có quà. Khách đến chúng ta kiêu ngạo, lạnh lùng thì không bao giờ người ta đến lần thứ hai. Đó là phương châm kinh doanh của tôi. Tôi cố gắng dạy cho nhân viên của mình học được phong cách đó”, anh H kết luận.

Tính chính trị của ngôn ngữ trong phạm vi quốc gia

www.nguoi-viet.com
Monday, August 27, 2012 2:52:52 PM 



Nguyễn Hưng Quốc (VOA)

Trong phạm vi quốc gia, việc hình thành ngôn ngữ chính thức bao giờ cũng đi liền với việc hình thành quốc gia. Tinh túy của quốc gia bao giờ cũng là ý niệm về một bản sắc chung. Ý niệm về bản sắc ấy được xây dựng từ nhiều yếu tố như một lịch sử chung, một truyền thống chung, một thị trường chung hoặc thậm chí, một huyết thống chung.
Tất cả những cái gọi là chung ấy, thật ra, không hẳn đã là chung: Chúng trở thành chung, nghĩa là được phổ cập rộng rãi và trở thành niềm tin của quần chúng, từ đó, hình thành nên cái Benedict Anderson gọi là “cộng đồng tưởng tượng” (imagined community), chủ yếu nhờ ba yếu tố chính: Một, sự phát triển của kỹ thuật xuất bản và báo chí; hai, sự thịnh phát của văn hóa bình dân; và ba, tiềm ẩn đằng sau cả hai yếu tố vừa kể, là vai trò của một ngôn ngữ chung, thường được gọi là ngôn ngữ chính thức, hoặc đơn giản hơn, quốc ngữ (national language). “Tiếng Anh ở Anh, tiếng Pháp ở Pháp cũng như các ngôn ngữ ở các quốc gia Âu Châu khác đều được chuẩn hóa, hợp thức hóa và trở thành ngôn ngữ thống trị trong xã hội cùng lúc với quá trình hình thành quốc gia ở những nơi ấy.” (1)
Xin lưu ý: Ngôn ngữ chính thức của quốc gia là một chọn lựa. Quốc gia nào cũng là sự kết hợp của nhiều bộ tộc và nhiều sắc tộc với những văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, do đó, quốc gia, tự bản chất, bao giờ cũng có tính chất đa chủng tộc, đa văn hóa và đa ngôn ngữ. Ví dụ, ai cũng biết, ở Việt Nam hiện nay, có trên 50 sắc tộc với trên 50 ngôn ngữ khác nhau, tuy nhiên, chỉ có văn hóa và tiếng nói của người Kinh mới được xem là chính thức và chính thống (2).
Mà không phải chỉ ở Việt Nam. Ở đâu cũng thế. Ở Trung Quốc có đến 292 ngôn ngữ khác nhau nhưng chỉ có tiếng Hán được xem là ngôn ngữ quốc gia. Ở Mỹ có đến khoảng 337 ngôn ngữ khác nhau nhưng chỉ có tiếng Anh được xem (một cách mặc nhiên) là ngôn ngữ chính thức (3). Ở Úc cũng vậy, cũng chỉ có tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong khi hàng trăm thứ tiếng khác, trong đó có khoảng 70 thứ tiếng của người thổ dân (nguyên thủy, trước thế kỷ 20, là khoảng 400), những người sinh sống trên quốc gia - lục địa này cả mấy chục ngàn năm trước khi người da trắng đến lập nghiệp.
Không hoài nghi gì cả, quá trình từ một trong nhiều ngôn ngữ trở thành một ngôn ngữ chính thức duy nhất trong cả nước là một quá trình tranh giành quyền lực gay gắt và dai dẳng.
Gay gắt: Ở một số nơi, cuộc tranh giành quyền lực ấy có thể dẫn đến nạn kỳ thị chủng tộc, hoặc có khi, họa diệt chủng: Ở Mỹ và ở Úc trước đây, có một thời gian khá dài, trẻ em thổ dân không được sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ trong các trường nội trú. Từ năm 1940, sau khi sát nhập ba nước Estonia, Latvia và Lithuania vào khối Liên bang Xô Viết, với bạo lực và các biện pháp hành chính, Nga biến tiếng Nga thành ngôn ngữ chính thức trong cả ba nước này. Nửa thế kỷ sau, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ và khối Liên bang Xô Viết bị tan rã, cả ba nước trên trở thành độc lập: Một trong những việc họ làm đầu tiên là tuyên bố ngôn ngữ truyền thống của họ mới là ngôn ngữ chính thức chứ không phải tiếng Nga dù lúc ấy trong xã hội số người nói tiếng Nga rất nhiều (4).
Không những gay gắt, cuộc đấu tranh để thành một ngôn ngữ chính thức còn vô cùng dai dẳng, đầy khúc khuỷu, ở nhiều nơi, cơ hồ không hứa hẹn kết thúc sớm. Ở Sri Lanka, sau khi giành được độc lập từ Anh, hầu hết các chính khách đều đồng ý sử dụng một ngôn ngữ bản địa để thay thế tiếng Anh với tư cách một ngôn ngữ chính thức trong cả nước. Nhưng ngôn ngữ bản địa nào?
Ở Sri Lanka, có hai ngôn ngữ bản địa chính: Tiếng Tamil và tiếng Sinhala. Trong mấy chục năm, từ đầu thập niên 1940 đến nay, Quốc Hội Sri Lanka thông qua nhiều đạo luật khác nhau, với những nội dung khác hẳn nhau, lúc thì thiên về tiếng Sinhala, lúc thì thiên về tiếng Tamil, tùy theo tương quan lực lượng chính trị từng thời kỳ. Cuối cùng, chính phủ phải tìm cách thỏa hiệp: Tất cả các văn kiện hành chính quan trọng đều được viết bằng ba thứ tiếng: Tamil, Sinhala và tiếng Anh!
Ở Ireland, mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ thống trị hầu như toàn bộ đời sống xã hội nhưng trên nguyên tắc, được Hiến pháp công nhận, ngôn ngữ chính thức của quốc gia gần năm triệu dân này vẫn là tiếng Irish, một thứ tiếng chỉ phổ cập trong khoảng 40% dân số, chủ yếu là những người sống ở thôn quê. Lý do: Ðó là ngôn ngữ truyền thống, yếu tố tạo nên bản sắc của dân tộc.
Ở Nam Phi, một nước có 50 triệu dân, thường xuyên bị chia rẽ bởi các vấn đề sắc tộc, đã tìm sự thỏa hiệp bằng cách công nhận đến 11 ngôn ngữ chính thức khác nhau: Afrikaans, Ndebele, Bắc Sotho, Sotho, Swazi, Tswana, Tsonga, Venda, Xhosa, Zulu và tiếng Anh. Trên nguyên tắc, tất cả 11 ngôn ngữ này đều bình đẳng với nhau, dù, đóng vai trò chủ đạo, trong lãnh vực thương mại và khoa học, vẫn là tiếng Anh; trong sinh hoạt gia đình, vẫn là các tiếng Zulu, Xhosa và Afrikaans.
Ngay ở một nước phát triển giàu mạnh và có nền dân chủ cao như Canada, cuộc tranh chấp giữa tiếng Anh và tiếng Pháp với tư cách ngôn ngữ chính thức trong địa phương, đặc biệt ở Quebec, vẫn còn dằng dai, có lúc có nguy cơ dẫn đến những phân hóa trầm trọng về chính trị, đặc biệt về cơ chế: Không ít người dân ở Quebec từng lên tiếng đòi quyền độc lập, hoặc ít nhất, quyền tự trị.
Ở mỗi quốc gia, ngoài sự chọn lựa ngôn ngữ chính thức, ở một số ngôn ngữ chính thức còn có vấn đề lựa chọn giữa các văn tự.
Ở Ấn Ðộ, sau khi độc lập, ngoài tiếng Anh, người ta chọn tiếng Hindi làm ngôn ngữ chính thức. Nhưng tiếng Hindi lại có ít nhất 13 phương ngữ khác nhau. Quan trọng hơn, tiếng Hindi lại có đến hai văn tự: Một, được viết dựa trên chữ Sankrit (gọi là chữ Devanagiri) và một, dựa trên chữ Ả Rập (thường được gọi là Urdu, phổ biến chủ yếu trong cộng đồng người Hồi Giáo).
Cuộc tranh giành ngôi vị chính thức giữa hai kiểu chữ viết này không những gắn liền với các cuộc tranh giành quyền lực giữa các địa phương trên lãnh thổ Ấn Ðộ mà còn với cuộc tranh giành ảnh hưởng của những người Hồi Giáo và những người theo các đạo khác - chủ yếu là Ấn Ðộ Giáo, cuối cùng, dẫn đến những tranh chấp khốc liệt giữa Ấn Ðộ và Pakistan (nơi có nhiều người Hồi Giáo và quyết định chọn hẳn thứ chữ Urdu).
Tiếng Séc và tiếng Croat, thật ra, chỉ là hai biến thái của một ngôn ngữ duy nhất, thường được gọi chung là tiếng Serbo-Croatian. Sự khác biệt chủ yếu là ở văn tự: Tiếng Séc được viết theo mẫu tự Cyrillic - giống như tiếng Nga - trong khi tiếng Croat thì được viết theo mẫu tự Latin - như tiếng Anh hay tiếng Việt hiện nay. Ðằng sau sự lựa chọn ấy là lịch sử và tôn giáo: Quốc gia sử dụng tiếng Séc theo Chính Thống Giáo trong khi quốc gia sử dụng tiếng Croat lại theo Thiên Chúa Giáo. Và đằng sau cả vấn đề lịch sử và tôn giáo ấy lại là vấn đề chính trị: Mỗi quốc gia đều muốn khẳng định bản sắc của mình bằng một ngôn ngữ riêng.
Ở Việt Nam cũng vậy.
Ngày xưa, cha ông chúng ta đối diện với hai lựa chọn chính về văn tự: Chữ Hán và chữ Nôm. Tất cả các triều đại đều quyết định chọn chữ Hán. Lý do cũng vì chính trị: Chữ Hán gắn liền với Nho giáo trong khi Nho giáo lại gắn liền với các học thuyết chính trị có lợi cho nhà cầm quyền, trong đó, có hai điểm quan trọng nhất là: Tư tưởng thiên mệnh và đạo trung hiếu. Với chữ Hán, các triều đình Việt Nam có một yếu tố thiết yếu để được “thiên triều” Trung Quốc xem là “đồng văn”, do đó, nhìn nhận là một vũ khí đắc lực để giữ khoảng cách với dân chúng - khoảng cách giữa học thức và mù chữ; và với khoảng cách ấy, giới cầm quyền tiếp tục được linh thiêng hóa, một điều kiện quan trọng để làm nảy nở và duy trì huyền thoại và, từ đó, quyền lực.
Từ đầu thế kỷ 20, chính quyền thực dân Pháp quyết định chọn chữ quốc ngữ thay vì chữ Nôm hay chữ Hán cũng lại vì chính trị nữa: Với chữ quốc ngữ, người ta, một mặt, tách đất nước Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, tách người Việt Nam ra khỏi sự ràng buộc của truyền thống vốn kéo dài cả hàng ngàn năm và được kết tinh chủ yếu qua chữ Hán, và cô lập hóa giới trí thức Nho học vốn vừa quật cường vừa bảo thủ, vừa sùng bái Trung Quốc vừa khinh ghét người Tây phương; mặt khác, kéo Việt Nam lại gần hơn với Pháp. Gần về văn tự: Cả chữ quốc ngữ lẫn tiếng Pháp đều sử dụng mẫu tự La Tinh.
Gần cả về phương diện lịch sử: Thứ chữ quốc ngữ ấy là do người Tây phương, trong đó có rất nhiều người Pháp, tạo nên.
Hầu hết các nhà cách mạng và các trí thức tân học, kẻ sớm người muộn, đều đồng ý với việc chọn chữ quốc ngữ làm văn tự chính thức của tiếng Việt. Sự lựa chọn ấy cũng lại là một lựa chọn mang tính chính trị: Nó gắn liền với chủ nghĩa quốc gia (nationalism). Xin lưu ý: Mặc dù Việt Nam có lịch sử cả mấy ngàn năm, nhưng khái niệm quốc gia, và đặc biệt, chủ nghĩa quốc gia chỉ ra đời từ đầu thế kỷ 20 khi người Việt thoát khỏi ý thức trung quân, ở đó, khái niệm nước bị đồng nhất với khái niệm vua, và khi người Việt chớm có ý thức công dân, tự xem mình như một chủ thể của đất nước, ở đó, họ có trách nhiệm trực tiếp đối với vận mệnh của đất nước.
Yếu tính của đất nước, thoạt đầu, nằm ở “hồn nước” vốn gắn liền với huyền thoại (dòng giống Lạc Hồng, con Rồng cháu Tiên); sau, ở ngôn ngữ; và sau nữa, ở chữ quốc ngữ (Nhóm Ðông Kinh Nghĩa Thục: “Chữ quốc ngữ là hồn trong nước / Phải đem ra tính trước dân ta”). Ðó là lý do tại sao Phạm Quỳnh lại đồng nhất hai khái niệm nước và tiếng: “Tiếng Việt còn, nước ta còn” và cũng là lý do tại sao Nguyễn Văn Vĩnh lại xem tương lai của Việt Nam lại nằm ở chữ quốc ngữ: “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ.”
Sau năm 1945, chính quyền Việt Minh cương quyết loại trừ tiếng Pháp, chỉ sử dụng tiếng Việt, và trong tiếng Việt, chỉ sử dụng chữ quốc ngữ trong hệ thống hành chính và học đường cũng là vì lý do chính trị: Thứ nhất, thực hiện chiêu bài dân tộc hóa họ đã đặt ra ngay từ thời Văn hóa Cứu quốc; thứ hai, lực lượng của họ chủ yếu đến từ công nhân và đặc biệt nông dân, những người ít học và có vốn văn hóa thấp. Ðể tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp ấy, ngay sau Cách mạng tháng Tám, họ tung ra ngay hai chiến dịch: Một, xóa nạn mù chữ một cách gấp rút (5); hai, chủ trương nói và viết một cách nôm na, đơn giản, thật dễ hiểu đối với mọi người. Cả hai đều nhắm đến một mục tiêu duy nhất: Làm sao cho đông đảo quần chúng có thể đọc được cái tờ truyền đơn tuyên truyền của đảng Cộng sản.
Cuối cùng, ở phạm vi liên cá nhân, ngôn ngữ cũng có tính chính trị rõ rệt. Lý do: Mọi giao tiếp liên cá nhân đều gắn liền với văn hóa. Mà văn hóa, tự bản chất, là một thứ quyền lực. Thứ nhất, văn hóa nào cũng được xây dựng trên truyền thống; truyền thống nào cũng được xây dựng trên quán tính; quán tính nào cũng được xây dựng trên sự sùng bái cái cũ và sự kế thừa: Tính sùng bái là một quyền lực. Thứ hai, về mục đích, văn hóa nào cũng nhằm, trước hết, xây dựng và củng cố sự hài hòa và trật tự trong xã hội. Cả sự hài hòa lẫn trật tự đều mang tính đẳng cấp. Do đó, ngôn ngữ cũng có tính đẳng cấp. Ngày xưa, vua chúa và giới quý tộc có những kiểu nói riêng, dân chúng có kiểu nói riêng. Trong quan hệ giao tiếp giữa vua chúa - quý tộc và dân chúng, ngôn ngữ, một mặt, được nghi thức hóa; mặt khác, phản ánh quyền lực - hoặc không quyền lực - của từng thành phần.
Ngày xưa, cha ông chúng ta hiểu rất rõ điều đó. Ca dao và tục ngữ Việt Nam cung cấp cả một kho tàng triết lý về việc nói năng. Chẳng hạn, xem ngôn ngữ như một thứ quyền lực: Miệng nhà quan có gan có thép, có ảnh hưởng trực tiếp đến số phận con người: Lời nói đọi máu. Do đó, càng ít nói bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu: Lời năng nói năng lỗi. Trước khi nói nên suy nghĩ chín chắn: Có miệng thì cắp, có nắp thì đậy; kẻ thất thế càng nên nói ít: Khó nhịn miệng, bồ côi nhịn lời. Nếu phải nói, nên nói, đừng viết: Lời nói gió bay, bút sa gà chết. Nếu viết, nên chọn hình thức phù du nhất: Khôn văn tế dại văn bia. Không nên nói thật: Lời thật mất lòng. Và chỉ nên nói khéo: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, v.v.
Nói một cách tóm tắt, ở cả ba phạm vi: Quốc tế, quốc gia và liên cá nhân, bao giờ ngôn ngữ cũng gắn liền với ý niệm về quyền lực, do đó, đều có tính chính trị. Giới làm chính trị hiểu rõ điều đó và không ngừng tận dụng ngôn ngữ như một thứ vũ khí để giành giật, và sau đó, bảo vệ quyền lực.
(Còn tiếp)
Chú thích:
1. Jurgen Jaspers, Jan-Ola Ostman & Jef Verschueren (2010), Society and Language Use, Amsterdam: John Benjamins Publishing Company, tr. 180.
2. Ở Việt Nam, khái niệm “ngôn ngữ chính thức” chỉ được sử dụng lần đầu tiên trong Luật giáo dục tiểu học ngày 10/12/1998 (“Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường”), tuy nhiên, trên thực tế, việc này đã được áp dụng một cách mặc nhiên ngày từ sau năm 1945.
3. Hiện nay, vào tháng 8, 2012, Quốc Hội Mỹ, lần đầu tiên, mới bàn thảo về đạo luật (H.R. 997) xem tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong cả nước. Xem bài “English can unify America” trên báo Politico:http://www.politico.com/news/stories/0812/80054.html
4. Catrin Norrby & John Hajek (2011), Uniformity and Diversity in Language Polity: Global Perspectives, Bristol (England): Multilingual Matters, tr. 37-52.


Ngồi tù ở xứ csVN như thế nào ...

Nhà tù ở Việt Nam ‘vi phạm quyền tù nhân rất phổ biến’
Wednesday, August 29, 2012 10:53:28 PM 

Bài liên quan


Nam Phương/Người Việt

LTS: Luật sư Nguyễn Văn Đài, 43 tuổi, mãn án 4 năm tù ngày 6/3/2011 vì bị  cáo buộc tội “Tuyên truyền chống nhà nước…” cùng một vụ với nữ luật sư Lê Thị Công Nhân. Ông từng bị giam ở nhà tù Ba Sao tỉnh Nam Hà, nơi đang có nhiều tù nhân chính trị bị giam giữ, kể cả linh mục Nguyễn Văn Lý.
Nữ luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vừa gửi thư tố cáo cai tù và ban giám thị nhà tù số 5 của Bộ Công An ở Thanh Hóa lên chủ tịch nước CSVN. Bà nêu ra 5 điểm vi phạm luật lệ nghiêm trọng của nhà tù và cai tù ở đó để đòi chấn chỉnh cho đúng pháp luật của chế độ. Nhân sự kiện này, Báo Người Việt phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Đài về những điều ông đã trải qua trong những ngày tù tội mà ông cho hay là tình trạng nhà tù bất chấp luật lệ có thể phổ biến khắp nơi ở Việt Nam.
***

Luật sư Nguyễn Văn Đài (phải) tại phiên tòa hồi tháng 5 năm 2007. (Hình: AFP)
Người Việt (NV): Trong kinh nghiệm của một người tù chính trị, ông có thấy những gì đã xảy ra cho TS Cù Huy Hà Vũ là chuyện phổ biến hay chỉ là sự “phân biệt đối xử” có tính riêng biệt với trường hợp tù nhân Cù Huy Hà Vũ?
Luật sư Nguyễn Văn Đài: Trong 5 điểm mà nhà tù số 5 – Bộ công an đã vi phạm với ông Vũ thì đã xảy ra với tôi và hầu hết các tù chính trị bị giam giữ tại nhà tù Nam Hà.
NV: Ông có thể kể cho một vài thí dụ từng xảy ra cho mình, chứng minh nhà tù Nam Hà không tôn trọng luật lệ?
LS Đài: Trong hơn 3 năm tôi bị giam giữ tại nhà tù Nam Hà, tôi không được nhà tù cho gọi điện thoại về gia đình lần nào. Tôi không được gặp riêng vợ tôi theo qui định của luật. Tôi không được nhận đầy đủ sách báo mà gia đình gửi, ví dụ những sách có liên quan đến tôn giáo, sách Thánh ca, các loại báo như Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an,… Thời gian đầu tôi hay gửi thư qua quản giáo thì thư thường bị thất lạc, gia đình không nhận được.
NV: Có phải cai tù là “vua một cõi”, có quyền gần như tuyệt đối kể cả đối với sinh mạng của người tù?
LS Đài: Không hoàn toàn như vậy. Hiện nay chỉ có một số ít cai tù sử dụng vũ lực với tù nhân. Cai tù thường khôn ngoan hơn, bởi mục đích của họ là làm sao để cho thân nhân của người tù hối lộ họ nhiều hơn, tù nhân chịu khó lao động để họ có thể thu lợi nhiều hơn. Đôi khi một số cai tù sẵn sàng giúp đỡ tù nhân để đạt được hai mục đích trên của họ.
NV: Có thể cai tù ăn hối lộ rồi nương tay cho người này, trù dập hay đánh đập người kia không?
LS Đài: Chuyện cai tù nhận tiền, quà biếu trực tiếp từ tù nhân hoặc người nhà tù nhân là chuyện phổ biến ở các nhà tù Việt Nam. Những tù nhân hối lộ cho cai tù thì nhận được những công việc nhàn hạ, hoặc theo sở thích. Được giảm án nhiều hơn.
NV: Phản ứng của người tù nói chung đối vớì sự ngược đãi, ác độc của cai tù và cả chế độ tù đày như thế nào?
LS Đài: Đa số tù nhân hình sự thường phạm là cam chịu. Rất hiếm có các cuộc đấu tranh của những tù nhân này để đòi hỏi quyền lợi. Với tù chính trị thì thường xảy ra các cuộc đấu tranh như: đình công, tuyệt thực.
NV: Đựơc nghe thân nhân một số người tù kể rằng đã nhiều lần có các cuộc tuyệt thực, biểu tình trong nhà tù để chống lại sự độc ác và ngang ngựơc của cai tù của trại tù Ba Sao ở Nam Hà. Có xảy ra trong thời gian LS Đài còn ở đó không?
LS Đài: Trong thời gian tôi ở nhà tù Ba Sao, Nam Hà thì tôi đã chứng kiến ít nhất là 5 cuộc đình công và 1 lần tuyệt thực, 3 lần trả lại thực phẩm cho nhà tù. Chúng tôi tổ chức đình công khi cai tù áp đặt mức khoán lao động cao, làm cho tù nhân khó thực hiện được. Hoặc khi nhà tù không cung cấp đủ nước sạch cho tù chính trị. Chúng tôi tuyệt thực để cầu nguyện khi họ bắt giam kỷ luật những bạn tù chống đối lao động, khi họ tịch thu bếp không cho chúng tôi nấu ăn.
NV: Có sự phân biệt đối xử đối với những tù nhân sắc tộc thiểu số như người Thượng ở Tây nguyên, ngừơi Hmong ở các tỉnh miền núi phía bắc hay không?
LS Đài: Họ thường bị phân biệt đối xử trong việc giảm án. Những người Thượng ở Tây Nguyên, hay người H’Mông thường không được giảm án, hoặc được giảm án nhưng chỉ bằng 1/3 so với tù nhân khác.
NV: Có sự phân biệt đối xử giữa tù nhân chính trị, tôn giáo với tù nhân thường phạm hay không?
LS Đài: Thông thường tù chính trị, tôn giáo bị quản lý chặt chẽ hơn. Tù thường phạm có thể lao động tự do bên ngoài nhà tù, còn tù chính trị, tôn giáo thì không bao giờ. Tù chính trị, tôn giáo rất hiếm khi được đặc xá, việc giảm án hàng năm cũng ít hơn tù thường phạm.
NV: Khi tù nhân khiếu nại, phản đối vì cai tù làm sai, làm ngược luật lệ thì phản ứng của họ ra sao?
LS Đài: Có hai thái độ: Thường với tù thường phạm, bởi họ không đoàn kết và học thức ít. Do vậy cai tù, giám thị sẽ đe dọa kỷ luật giam riêng, không giảm án, thậm chí sẵn sàng sử dụng vũ lực để lần sau họ không dám phản đối.
Với tù chính trị và tôn giáo thì rất đoàn kết và đấu tranh tập thể. Do vậy cai tù, giám thị sẽ đến động viên, giải thích và đáp ứng đòi hỏi của tù nhân. Tất nhiên họ sẽ âm thầm điều tra xem ai khởi xướng cuộc phản đối đó. Nếu biết, họ sẽ gọi tù nhân đó ra gặp riêng, vừa đe dọa vừa thuyết phục để không sảy ra các cuộc phản đối lần sau.
NV: Xin cảm ơn LS Nguyễn Văn Đài đã trả lời phỏng vấn!


Gian nan nghề làm hình dạo trong mùa Vu Lan

Gian nan nghề làm hình dạo trong mùa Vu Lan
Wednesday, August 29, 2012 5:43:36 PM 


Phương Ngạn/Người Việt

QUẢNG NAM (NV) - Nghề chụp hình dạo thì nghe đã quen nhưng nghề làm hình dạo thì mới có gần đây. Nếu như nghề chụp hình dạo ít nhiều mang nét tao nhã của một người hoạt động ‘bán nghệ thuật” để kiếm cơm thì nghề làm hình dạo nghe ra nỗi niềm và thân phận hơn nhiều!

Một ngày chu du kiếm cơm của những người làm hình dạo bắt đầu.
Thay vì mang chiếc máy ảnh đi chụp dạo đủ thể loại từ chân dung đến toàn cảnh, trung cảnh... Thì người làm hình dạo phải mang máy, đi vào những nơi hẻo lánh để “cắm dùi” ở đó ngày qua ngày, tháng qua tháng mà chụp ảnh thờ, làm ảnh thờ và đợi đến mùa lúa, khách bán lúa trả cho họ.
Trong mùa Vu Lan, những người làm hình dạo mà chúng tôi gặp đã kể cho nghe nhiều câu chuyện cảm động.
Huân, 30 tuổi, quê Quảng Ngãi, nói: “Nghề này chủ yếu dân Quảng Ngãi đi làm, trong tỉnh Quảng Ngãi có nhiều làng nghề như bán tả pí lù, tạp hóa dạo, mài dao dạo, bán hủ tiếu gõ, buôn ve chai, buôn hoa, buôn trái cây làm hình dạo. Nghề nào cũng xa nhà, đi cả năm trời mới về...”
“Nhiều lúc thấy người ta chụp hình thờ cho cha mẹ, tự dưng mình chạnh lòng, không biết mẹ mình ở nhà sức khỏe ra sao... Mùa Vu Lan năm nay, người ta có cách báo hiếu khá mới, chụp hình thờ cho cha mẹ đang còn sống, chuyện này xảy ra khá nhiều ở những nơi đền bù giải tỏa đất.”
“Chuyện này mới nhìn thấy đã khó chịu, cha mẹ còn sống, chưa muốn chụp hình thờ nhưng ông con trai trưởng cứ ép cha mẹ chụp để sau này chết thì thờ... Tìm hiểu thêm mới hiểu là ông con trai trưởng muốn độc quyền thờ cha mẹ để hưởng hương hỏa, đất đai!”
Tuyển, 27 tuổi, mới cưới vợ, đi làm xa nhà nên đưa cả cô vợ đang mang bầu theo cùng chu du khắp nơi làm hình dạo, Tuyển kể: “Nhiều bữa, vợ chồng em đi cả hai trăm cây số đường núi, kiếm cơm mà anh, khổ lắm!”
“Em có bà mẹ già và đứa em gái ở Mộ Ðức, Quảng Ngãi, nhiều khi đi cả năm trời hoặc vài tháng mới về một lần, thời buổi văn hóa mạng, em cứ đi tiếp thị, quảng cáo cho người ta nghe hay, chụp tấm hình, sau đó về sửa 'photoshop' rồi email về chỗ làm hình, sau đó nhận hình qua đường xe, vậy là cứ làm, kiếm cơm, không có thời gian về nhà.”
“Nghề này khác với nghề chụp hình dạo, nếu như nghề chụp hình dạo thường kiếm một điểm hoặc đi dạo những nhà gần mình để chụp thì nghề của tụi em phải đi xa, phải hên xui may rủi hơn nhiều, người có vốn chẳng dại gì chọn nghề này.”
“Nghề chụp hình dạo thì chụp đủ thứ, không cần quảng cáo, nghề này làm 2 thứ, chụp và phục hồi ảnh thờ. Thường thì đi đến từng nhà, mời khách, sau đó thì chụp, đến khi giao hình mới nhận tiền, cũng có trường hợp mất công, mất tiền vì khách chê, bỏ hình, mình mất tiền, có chỗ phải chờ đến mùa gặt, người ta bán lúa trả tiền cho mình.”
Tuyết, 25 tuổi, cùng đi trong nhóm của Tuyển, Huân, cho biết thêm: “Chỗ nào càng nhà quê mình càng dễ kiếm ăn vì họ chân chất, thật thà, hơn nữa họ mê tín, sợ nếu không lấy hình thì thợ mang về đốt, ảnh hưởng đến sức khỏe...”
“Phần lớn tụi em kiếm những vùng quê hẻo lánh hoặc núi non để làm việc, nếu trúng mối, mỗi ngày kiếm cũng được vài trăm ngàn. Mùa Vu Lan năm nay kiếm tiền kha khá, không hiểu sao những nơi có đền bù đất thì con cái luôn hiếu thảo với cha mẹ, chăm chuốt từng li từng tí cho cha mẹ.”
“Như anh Huân nói đó, phần lớn là giả tạo, nhiều khi đi làm như tụi em, sáng dậy lúc 4 giờ, ăn uống qua quýt gì đó rồi lên đường, đến tối mới về đến phòng trọ, lại nấu ăn, nghỉ ngơi, làm hình ảnh... Nhưng có nhiều bữa phải khóc trên đường về.”
“Thì thấy cảnh con cái xử tệ với cha mẹ, rồi nghĩ tới mình là con gái mà đi quanh năm suốt tháng, chẳng chăm lo được cho cha mẹ, rồi thấy mùa Báo Hiếu tới, cha mẹ già thêm ra, mà mình chẳng chia sẻ được gì, rồi ngẫm đến sự đời, thấy bây giờ con cái đối xử với cha mẹ bạc bẽo quá, buồn, khóc....”
“Có một ông rất giàu và nổi tiếng, đang làm quan cấp tỉnh, vừa rồi làm một tấm hình thờ cho bà mẹ trong chùa, khi ổng mang tấm hình cũ ra cho em chụp lại, em hỡi ôi vì nó không còn nhận ra mặt. Nếu hình này làm sớm và bảo quản tốt thì không tệ như vậy, ông ta còn nói làm tấm hình để lên chùa dâng tặng mẹ trong mùa báo hiếu, dặn em bí mật... Chẳng hiểu ra làm sao cả!”

Người thợ làm hình dạo này nói: “Thương cha mẹ, có hiếu thì nên cho cha mẹ ăn uống đầy đủ, ấm áp, chứ đừng để sống thì không cho ăn, chết thì làm văn tế ruồi.” (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Những câu chuyện kể của nhóm làm hình dạo còn nhiều lắm, nhưng có lẽ cảm động nhất là dự tính mùa Báo Hiếu này của họ với cha mẹ, đương nhiên mỗi người mỗi cách, mỗi vẻ. Nhưng họ có chung một quyết định: về nhà, làm món ăn ngon nhất, cha mẹ thích nhất để mời cha mẹ. Tuyệt đối tránh cảnh “sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi.”
Cái câu “sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi” của những người làm hình dạo, mới nghe có vẻ nặng nề, nhưng đó là thực trạng rất Việt Nam bây giờ. Có lẽ cái chủ nghĩa hình thức và xảo ngôn trong đất nước xã hội chủ nghĩa này đã đẻ ra quá nhiều con người như thế. Mùa Vu Lan-Báo Hiếu trở nên chơi vơi, khó tả!
Và những người làm hình dạo trở nên đáng yêu, đáng kính trong nỗi nghèo khó của họ, ít nhất là trong mùa Vu Lan này.