Trung Quốc gây khó cho hàng nhập khẩu Việt Nam?
Hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc bò sang Việt Nam ở một cửa khẩu biên giới
Báo chí Việt Nam trong thời gian gần đây liên tiếp lên tiếng báo động về
việc hàng Việt Nam xuất qua Trung Quốc bị ùn tắc ở vùng biên giới phía Bắc, từ
Quảng Ninh cho đến Lạng Sơn. Theo giới chức hữu trách Việt Nam, sự kiện
này bắt nguồn từ việc Trung Quốc tăng cường các thủ tục kiểm tra. Tuy nhiên,
nhiều nhà quan sát tình nghi Bắc Kinh cố tình làm khó dễ, tương tự như họ từng
làm với chuối nhập khẩu từ Philippines trước đây.
Chưa thể xác định rằng đây có phải là một hình thức
trả đũa Việt Nam hay không, nhưng tình trạng hàng Việt Nam xuất qua Trung Quốc
gặp khó khăn lại xẩy ra vào lúc ở Việt Nam, đã xuất hiện xu hướng tẩy chay hàng
Trung Quốc do tình trạng thiếu an toàn, cũng như xu hướng bớt chiếu phim Trung
Quốc trên hệ thống truyền hình.
Trả lời phỏng vấn của RFI, nhà báo Thanh Thảo tại
Quảng Ngãi xác nhận là tình hình hàng Việt Nam bị ứ đọng tại vùng biên giới
nghiêm trọng khác thường, cho nên không thể chỉ được giải thích đơn thuần bằng
vấn đề thủ tục
Thanh Thảo : Chuyện đó rất
lớn. Xuất khẩu theo đường tiểu ngạch hiện nay bị ngăn chặn rất nhiều. Hàng ứ
đọng nằm ở các cửa khẩu Việt Trung rất nhiều, rất lớn, do sự siết lại thủ
tục... Phiá Trung Quốc làm khó dễ…
Dòng hàng xuất theo hướng tiểu ngạch lâu nay vẫn thế,
nhưng bây giờ lại bị ùn ứ ở cửa khẩu biên giới rất nhiều..., gây khó khăn rất
lớn cho những người xuất hàng ở Việt Nam…
Đường tiểu ngạch, nó cũng phải thông qua hải quan cửa
khẩu, nhưng đơn giản hơn (đường chính ngạch). Khi hàng qua các cửa khẩu biên
giới trên bộ Việt Trung, (phía Trung Quốc) cũng kiểm tra, kiểm soát nhưng thủ
tục đơn giản hơn, và cái gọi là “lưu phí” cũng nhẹ lắm. Cả hai nước đều có nghị
định về xuất tiểu ngạch.
Thực ra thì hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam nhiều
gấp bao nhiêu lần hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Lâu nay thì hàng Việt Nam
vẫn xuất sang Trung Quốc được, nhưng bây giờ lại rất khó !
RFI : Trung Quốc cố tình làm
khó ?
Thanh Thảo : Phiá Trung Quốc luôn luôn đưa ra những lý do chẳng hạn như họ siết lại
những tiêu chuẩn về nhập hàng… Khi họ siết lại, và nâng cao tiêu chuẩn lên, thì
hàng Việt Nam (sẽ) không đạt tiêu chuẩn rất nhiều, đại khái như vậy.
Nhưng đấy chỉ là lý do họ đưa ra thế thôi, chứ cái
chính là họ muốn gây khó dễ.
RFI : Nhưng tại Việt Nam
ngược lai, trong thời gian qua báo đài cũng đưa rất nhiều thông tin về vấn đề
độc hại… của hàng Trung Quốc ?
Thanh Thảo : Đúng… Hàng Trung
Quốc sang Việt Nam có những thời điểm có khối lượng rất lớn, bây giờ thì cũng
giảm bớt rồi. Nhưng mà dù có giảm, nhưng số lượng cũng còn rất nhiều.
Nói chung, Chất lượng hàng Trung Quốc luôn luôn là mối
nghi ngại lớn đối với người tiêu dùng Việt Nam, thực chất là nó rất nguy
hiểm..., như thực phẩm thì dùng các loại chất bảo quản không kiểm nghiệm được,
phun hóa chất gì không biết… Cả một quy trinh sản xuất không lấy gì để đảm bảo
được..., khiến cho người tiêu dùng Việt Nam càng ngày càng ý thức ra và sợ hãi
hàng hóa Trung Quốc nói chung, và thực phẩm Trung Quốc nói riêng.
RFI : Bên cạnh đó cũng
có thông tin về việc hạn chế phim ảnh Trung Quốc trên các chương trình ở Việt
Nam ?
Thanh Thảo : Đấy có lẽ là một lý do Trung Quốc đưa ra, chứ tôi thấy phim truyền hình
Trung Quốc vẫn tràn ngập Việt Nam. Tuy nhiên bây giờ, có lẽ Nhà nước Việt Nam
thấy là sự tràn ngập trở thành quá đáng và có lẽ hại nhiều hơn lợi, thành ra
người ta cố gắng giảm đi. Nhưng mà nói vậy chứ chưa giảm được bao nhiêu đâu !
Tất nhiên khi giảm thì thay bằng Hàn Quốc, cũng đỡ hơn
Trung Quốc, nhưng mà nói chung, đó là do sản xuất của Việt Nam chưa đáp ứng
được...
Lâu nay ta cứ dùng nhất là “hàng” Trung Quốc, họ hay
khuyến mãi, khuyến mãi những bộ phim Trung Quốc, gần như là cho không, thành ra
các hãng, các đài truyền hình rất thích chiếu, vì không mất tiền, và qua đó lại
thu hút được quảng cáo…
Lâu nay, Việt Nam bị tràn ngập phim Hàn Quốc và Trung
Quốc – nói Trung Quốc không thì cũng không đúng – nhưng bây giờ xu hướng hiện
nay là hạn chế bớt phim Trung Quốc đi.
Nếu Việt Nam có khả năng phát triển phim ảnh của chính
mình, thì càng ngày càng nên hạn chế bớt phim ảnh nước ngoài nói chung chứ
không chỉ là hạn chế phim Trung Quốc. Hàn Quốc cũng tập trung ở Việt Nam với
lượng phim truyền hình quá nhiều. Nhưng phim Hàn Quốc dù sao cũng đỡ hơn Trung
Quốc, vì người ta vẫn thấy ở phim Trung Quốc có nhiều vấn đề có lẽ không thích
hợp với người Việt Nam.
RFI : Không thích hợp như
thế nào ?
Thanh Thảo : Không thích hợp vì
đề cao chủ nghiã dân tộc đại Hán chẳng hạn, nhất là những phim lịch sử Trung
Quốc, mình xem mình cũng không hiểu cái lịch sử của họ có thật như thế hay
không..., hay là họ tô vẽ !
Nếu quan hệ bình thường với nhau thì cũng có thể chấp
nhận được. Khi quan hệ không còn bình thường nữa thì chắc chắn là nhìn vào trong
đó sẽ thấy có những cái không thể chấp nhận được nữa ...
RFI : Rốt cuộc thì một số
hãng, kênh truyền hình Việt Nam lại góp tay tuyên truyền cho tư tưởng đại Hán ?
Thanh Thảo : Chính xác
đấy. Hiện nay người ta cứ vô tư mà chiếu, nhiều khi không kiểm duyệt, không suy
nghĩ gì cả. Có nhiều phim mà tư tưởng chính ra rất bất lợi cho Việt Nam.
RFI : Xin thành thật cảm ơn
nhà báo Thanh Thảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm