Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Gian nan nghề làm hình dạo trong mùa Vu Lan

Gian nan nghề làm hình dạo trong mùa Vu Lan
Wednesday, August 29, 2012 5:43:36 PM 


Phương Ngạn/Người Việt

QUẢNG NAM (NV) - Nghề chụp hình dạo thì nghe đã quen nhưng nghề làm hình dạo thì mới có gần đây. Nếu như nghề chụp hình dạo ít nhiều mang nét tao nhã của một người hoạt động ‘bán nghệ thuật” để kiếm cơm thì nghề làm hình dạo nghe ra nỗi niềm và thân phận hơn nhiều!

Một ngày chu du kiếm cơm của những người làm hình dạo bắt đầu.
Thay vì mang chiếc máy ảnh đi chụp dạo đủ thể loại từ chân dung đến toàn cảnh, trung cảnh... Thì người làm hình dạo phải mang máy, đi vào những nơi hẻo lánh để “cắm dùi” ở đó ngày qua ngày, tháng qua tháng mà chụp ảnh thờ, làm ảnh thờ và đợi đến mùa lúa, khách bán lúa trả cho họ.
Trong mùa Vu Lan, những người làm hình dạo mà chúng tôi gặp đã kể cho nghe nhiều câu chuyện cảm động.
Huân, 30 tuổi, quê Quảng Ngãi, nói: “Nghề này chủ yếu dân Quảng Ngãi đi làm, trong tỉnh Quảng Ngãi có nhiều làng nghề như bán tả pí lù, tạp hóa dạo, mài dao dạo, bán hủ tiếu gõ, buôn ve chai, buôn hoa, buôn trái cây làm hình dạo. Nghề nào cũng xa nhà, đi cả năm trời mới về...”
“Nhiều lúc thấy người ta chụp hình thờ cho cha mẹ, tự dưng mình chạnh lòng, không biết mẹ mình ở nhà sức khỏe ra sao... Mùa Vu Lan năm nay, người ta có cách báo hiếu khá mới, chụp hình thờ cho cha mẹ đang còn sống, chuyện này xảy ra khá nhiều ở những nơi đền bù giải tỏa đất.”
“Chuyện này mới nhìn thấy đã khó chịu, cha mẹ còn sống, chưa muốn chụp hình thờ nhưng ông con trai trưởng cứ ép cha mẹ chụp để sau này chết thì thờ... Tìm hiểu thêm mới hiểu là ông con trai trưởng muốn độc quyền thờ cha mẹ để hưởng hương hỏa, đất đai!”
Tuyển, 27 tuổi, mới cưới vợ, đi làm xa nhà nên đưa cả cô vợ đang mang bầu theo cùng chu du khắp nơi làm hình dạo, Tuyển kể: “Nhiều bữa, vợ chồng em đi cả hai trăm cây số đường núi, kiếm cơm mà anh, khổ lắm!”
“Em có bà mẹ già và đứa em gái ở Mộ Ðức, Quảng Ngãi, nhiều khi đi cả năm trời hoặc vài tháng mới về một lần, thời buổi văn hóa mạng, em cứ đi tiếp thị, quảng cáo cho người ta nghe hay, chụp tấm hình, sau đó về sửa 'photoshop' rồi email về chỗ làm hình, sau đó nhận hình qua đường xe, vậy là cứ làm, kiếm cơm, không có thời gian về nhà.”
“Nghề này khác với nghề chụp hình dạo, nếu như nghề chụp hình dạo thường kiếm một điểm hoặc đi dạo những nhà gần mình để chụp thì nghề của tụi em phải đi xa, phải hên xui may rủi hơn nhiều, người có vốn chẳng dại gì chọn nghề này.”
“Nghề chụp hình dạo thì chụp đủ thứ, không cần quảng cáo, nghề này làm 2 thứ, chụp và phục hồi ảnh thờ. Thường thì đi đến từng nhà, mời khách, sau đó thì chụp, đến khi giao hình mới nhận tiền, cũng có trường hợp mất công, mất tiền vì khách chê, bỏ hình, mình mất tiền, có chỗ phải chờ đến mùa gặt, người ta bán lúa trả tiền cho mình.”
Tuyết, 25 tuổi, cùng đi trong nhóm của Tuyển, Huân, cho biết thêm: “Chỗ nào càng nhà quê mình càng dễ kiếm ăn vì họ chân chất, thật thà, hơn nữa họ mê tín, sợ nếu không lấy hình thì thợ mang về đốt, ảnh hưởng đến sức khỏe...”
“Phần lớn tụi em kiếm những vùng quê hẻo lánh hoặc núi non để làm việc, nếu trúng mối, mỗi ngày kiếm cũng được vài trăm ngàn. Mùa Vu Lan năm nay kiếm tiền kha khá, không hiểu sao những nơi có đền bù đất thì con cái luôn hiếu thảo với cha mẹ, chăm chuốt từng li từng tí cho cha mẹ.”
“Như anh Huân nói đó, phần lớn là giả tạo, nhiều khi đi làm như tụi em, sáng dậy lúc 4 giờ, ăn uống qua quýt gì đó rồi lên đường, đến tối mới về đến phòng trọ, lại nấu ăn, nghỉ ngơi, làm hình ảnh... Nhưng có nhiều bữa phải khóc trên đường về.”
“Thì thấy cảnh con cái xử tệ với cha mẹ, rồi nghĩ tới mình là con gái mà đi quanh năm suốt tháng, chẳng chăm lo được cho cha mẹ, rồi thấy mùa Báo Hiếu tới, cha mẹ già thêm ra, mà mình chẳng chia sẻ được gì, rồi ngẫm đến sự đời, thấy bây giờ con cái đối xử với cha mẹ bạc bẽo quá, buồn, khóc....”
“Có một ông rất giàu và nổi tiếng, đang làm quan cấp tỉnh, vừa rồi làm một tấm hình thờ cho bà mẹ trong chùa, khi ổng mang tấm hình cũ ra cho em chụp lại, em hỡi ôi vì nó không còn nhận ra mặt. Nếu hình này làm sớm và bảo quản tốt thì không tệ như vậy, ông ta còn nói làm tấm hình để lên chùa dâng tặng mẹ trong mùa báo hiếu, dặn em bí mật... Chẳng hiểu ra làm sao cả!”

Người thợ làm hình dạo này nói: “Thương cha mẹ, có hiếu thì nên cho cha mẹ ăn uống đầy đủ, ấm áp, chứ đừng để sống thì không cho ăn, chết thì làm văn tế ruồi.” (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Những câu chuyện kể của nhóm làm hình dạo còn nhiều lắm, nhưng có lẽ cảm động nhất là dự tính mùa Báo Hiếu này của họ với cha mẹ, đương nhiên mỗi người mỗi cách, mỗi vẻ. Nhưng họ có chung một quyết định: về nhà, làm món ăn ngon nhất, cha mẹ thích nhất để mời cha mẹ. Tuyệt đối tránh cảnh “sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi.”
Cái câu “sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi” của những người làm hình dạo, mới nghe có vẻ nặng nề, nhưng đó là thực trạng rất Việt Nam bây giờ. Có lẽ cái chủ nghĩa hình thức và xảo ngôn trong đất nước xã hội chủ nghĩa này đã đẻ ra quá nhiều con người như thế. Mùa Vu Lan-Báo Hiếu trở nên chơi vơi, khó tả!
Và những người làm hình dạo trở nên đáng yêu, đáng kính trong nỗi nghèo khó của họ, ít nhất là trong mùa Vu Lan này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm