Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Phạm Quỳnh và 95 năm Tạp Chí Nam Phong

Tuesday, September 04, 2012 5:08:03 PM 

Thuyết trình tại Viện Việt Học
Nguyên Huy/Người Việt

Vào Thứ Bẩy, ngày 8 Tháng Chín cuối tuần này, nhân kỷ niệm 67 năm học giả Phạm Quỳnh bị cộng sản VN xử tử (Tháng Chín năm 1945), Viện Việt Học mời một số nhà văn, giáo sư và học giả đến viện để nói chuyện về Phạm Quỳnh và Tạp Chí Nam Phong.

Bộ DVD thu đủ 210 số báo Nam Phong Tạp Chí do Viện Việt Học phát hành. (Hình: Viện Việt Học cung cấp)
Theo ông Nguyễn Minh Lân, thành viên trong ban điều hành Viện Việt Học cho biết thì “hiện chúng tôi đang cố gắng tiếp xúc với các diễn giả ở xa mà viện dự trù mời nên danh sách các vị thuyết trình trong buổi này còn đang sắp xếp. Nhưng ba đề tài chính trong buổi sinh hoạt văn học này đã được thảo luận xong. Ðó là tiểu sử của Phạm Quỳnh, cái chết của Phạm Quỳnh và di sản Nam Phong Tạp Chí trong dòng văn học Việt Nam.”
Bộ Nam Phong Tạp Chí gồm 210 số báo phát hành suốt từ năm 1917 đến 1934 đã được Viện Việt Học thu vào trong 35 DVD và đã được ra mắt phổ biến tại nhiều nơi như San Jose, Portland, OR, Seattle, WA, Washington DC, Houston Texas, vào năm 2009 và Saint Paul MN năm 2011. Tại Nam California là vào ngày 28 tháng 6 vừa qua tại Viện Việt Học.
Vấn đề Nam Phong Tạp Chí tuy không là một vụ án văn học nhưng sau năm 1945, chính quyền Việt Minh đã xử tử hai người chủ trương tờ báo Nam Phong Tạp Chí là Phạm Quỳnh, chủ bút phần Việt và Pháp ngữ và Nguyễn Bá Trác chủ bút phần Hán văn. Lúc ấy trong cao trào cách mạng của toàn dân, thì toàn bộ những trước tác trong Nam Phong Tạp Chí đều là “phản quốc, bán nước” của bọn “Việt gian” phục vụ cho thực dân Pháp.

Buổi ra mắt DVD Nam Phong Tạp Chí tại Houston Texas ngày 15 tháng 11 năm 2009. (Hình: Viện Việt Học cung cấp)
Theo những tài liệu văn học thì Nam Phong Tạp Chí quả do thực dân Pháp khai sinh do trùm mật thám Louis Marty điều khiển.
Nhưng từ năm 1954, tại miền Nam phần đất của tự do, các nhà nghiên cứu văn học như Thanh Lãng và Phạm Thế Ngũ cho rằng Nam Phong Tạp Chí tuy có nguồn cội từ thực dân Pháp nhưng cụ Phạm Quỳnh đã “viết và lách” được chính quyền thực dân Pháp để đưa Nam Phong Tạp Chí vào dòng văn học Việt Nam qua những công trình dịch thuật và tư tưởng của tờ báo.
Cho đến nay người làm cũng như khảo cứu văn học Việt Nam thường chỉ nhắc đến Nam Phong Tạp Chí mà ít nhắc đến Ðông Dương Tạp Chí là hai tờ báo cùng do thực dân Pháp chủ trương cùng thời gian đó. Ðiều đó chứng tỏ giá trị của hai tờ báo ấy đứng trên quan điểm văn học như thế nào.
Với người chủ trương tờ Nam Phong Tạp Chí phần Việt, Pháp ngữ là cụ Phạm Quỳnh thì như có lần cụ nói khi bị cho là phản quốc, bán nước rằng: “Tôi sinh ra thì nước đã mất rồi còn đâu mà tôi bán.” Quả là một lời phát biểu đắng cay của giới sĩ phu Việt Nam lúc bấy giờ.
Như một số nhà tranh đấu cách mạng nổi tiếng thời gian trước đó như Phan Chu Trinh cũng cho rằng “nên dựa vào Tây mà đánh Tây” khi mình đã không đủ sức để cứ bị tiêu diệt dần mòn, cụ Phạm Quỳnh đã chọn con đường văn học để chấn hưng dân khí. Ngày nay nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã bỏ công để tìm ra cái tinh thần phản quốc bán nước của Phạm Quỳnh trong Nam Phong thì trong tất cả những công trình của Phạm Quỳnh trên Nam Phong như dịch thuật, biên khảo, phê bình, triết lý... không thấy có những đoạn văn nào có thể buộc tội là “bán nước” mà ngược lại chỉ thấy qua những trước tác đó Nam Phong Tạp Chí với Phạm Quỳnh đã đóng góp vào nền văn học Việt Nam một trào lưu mới, trào lưu mở rộng tầm nhìn để mà canh tân đất nước.
Về người chủ bút thứ hai, phần Hán văn là cụ Nguyễn Bá Trác thì cho đến nay nhiều người vẫn còn dè dặt khi viết đến tên của cụ vì tiếng “Việt gian làm chỉ điểm cho Pháp” mà “thời Việt Minh” gán cho cụ cho dù không có chứng cứ xác thực nhưng cho đến nay vẫn chưa được minh oan. Chỉ biết rằng theo tiểu sử của cụ thì cụ hơn Phạm Quỳnh 11 tuổi cùng làm công chức cho Pháp ở phủ Toàn Quyền sau khi đã theo phong trào Ðông Du, bị đàn áp phải trốn vào trong Nam, qua Xiêm tói Nhật rồi về Tầu và sau cùng phải về đầu thú nhưng vẫn được anh em đồng hành cũ tín nhiệm, trao cho giữ tác phẩm của thầy học Trần Quý Cáp khi ra làm báo Nam Phong với Phạm Quỳnh.
Chắc chắn trong buổi thuyết trình sắp tới tại Viện Việt Học về Phạm Quỳnh và 95 năm Nam Phong Tạp Chí, chúng ta sẽ được các thuyết trình viên mà viện mời đến sẽ cho chúng ta biết thêm nhiều điều về Nam Phong Tạp Chí, một dấu mốc quan trọng trong dòng văn học Việt Nam và về cụ Phạm Quỳnh mà chúng ta phần lớn đều nhớ đến câu nói của cụ: “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn” khi cụ biên khảo về truyện Kiều của Nguyễn Du.
Ðể biết thêm chi tiết về buổi sinh hoạt văn hóa này, quí độc giả có thể liên lạc về Viện Việt Học: (714) 775-2050.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm