Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Lân xe bò của trẻ em nghèo trong mùa Trung Thu

Lân xe bò của trẻ em nghèo trong mùa Trung Thu
Friday, September 28, 2012 6:49:23 PM





Phi Khanh/Người Việt

HỘI AN -QUẢNG NAM (NV) - Giữa tấp nập phố phường, giữa bụi bặm ngựa xe, ngược xuôi dòng đời kiếm cơm, cái dáng nhỏ thó con nhà nghèo, ba bốn đứa xúm nhau kéo chiếc xe bò, trên xe chở một chiếc trống con con, một chiếc đầu lân, một thùng nước suối phòng khi khát nước... khảm vào mùa Thu một nỗi buồn khó tả.
Mặc dù phải “toan tính” lỗ lãi khi đi múa lân, nhưng các em bé vẫn có những giây phút thần tiên rất con nít của mình. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)


Có thể nói rằng trò chơi múa lân bây giờ đã hoàn toàn mất đi tính đồng dao, vẻ hồn nhiên và chất trẻ con ham vui của nó, thay vào đó là sự thực dụng, có tính toán kiếm lãi, hoàn toàn mang tính thương mại.

Những nhóm thanh niên, các câu lạc bộ võ, trường phổ thông, chùa chiền... cứ đến hẹn lại lên, thi nhau đặt đầu lân, thành lập “đội múa lân chuyên nghiệp” để hái ra tiền trong mùa Trung Thu. Khi di chuyển, họ thuê xe tải, xe hơi để đạt được tốc độ tốt nhất đến địa điểm có khách hàng sộp.
Tuyến, đội trưởng đội lân Hồng Dạ Hội, Hội An, Quảng Nam, cho biết: “Thời buổi kinh tế thị trường, mình mà không siêu tốc một chút thì xem như hỏng, người ta đến trước, ăn hết nạc, mình còn lại mấy cục xương, gặm sao cho nổi, có mà lỗ!”
Cũng chính vì thứ tâm lý chạy đua kiếm lợi nhuận trong mùa Tết Thiếu Nhi của những đội lân khiến cho các gia đình, các công ty từ phố đến thị trấn đều phải đóng cửa sớm từ lúc 2-3 giờ chiều để lân khỏi vào quấy rầy, khỏi phải tốn tiền.
Ðó là những con lân có vốn liếng, có qui mô, bên cạnh, có những con lân xe bò của những em bé thiếu nhi nhà nghèo trông vừa ngộ nghĩnh vừa có chút gì đó thảm cảnh và tội nghiệp. Tội nghiệp nhất là các em còn rất nhỏ, tham gia trò chơi của trẻ con nhưng lại mang động cơ rất “người lớn,” thực dụng và toan tính.
Tuấn, 12 tuổi, là người cầm cần kéo xe bò, đồng thời cũng là đội trưởng đội lân xe bò gồm chín đứa trẻ nhỏ tuổi hơn em, cho biết: “Tụi cháu đi múa lân kiếm lãi về nộp học, mùa lân này mấy con lân người lớn họ múa đẹp quá, họ có đèn chớp nháy, có múa võ, có trèo cột đèn, có đủ thứ hết nên họ kiếm tiền ngon lắm, còn tụi cháu thì...!”
Chớp mắt buồn buồn, Tuấn nói tiếp: “Tụi cháu chung tiền nhau, mỗi đứa năm chục ngàn đồng, cùng nhau tập múa và tối đến mượn chiếc xe bò của ba thằng Tí để đi múa. Ba thằng Tí làm nghề kéo xe bò chở hàng, tối đến ổng không dùng, tụi cháu được dùng, mai mốt xong hội lân, tụi cháu mua biếu ổng một chai rượu ổng uống giải mỏi.”
“Năm nay coi bộ dễ lỗ vốn lắm, vì đã mười ba âm lịch mà tụi cháu mới kiếm được chưa đầy năm trăm ngàn đồng, đi đến đâu cũng bị từ chối, có nhà thấy tụi cháu vào thì thả chó ra, mấy con chó dữ quá, làm tụi cháu sợ muốn đứng tim. Nhưng cũng may là chưa có đứa nào bị cắn!”
Nói đến đây, Tuấn lắc đầu buồn bã, vẻ buồn vừa rất con nít lại vừa rất ông cụ của em khiến chúng tôi thấy nao nao khó tả!

Múa lân cũng phải có quyền thế...

Ði theo và quan sát đội lân của Tuấn một lúc, đúng như lời Tuấn nói, hễ nghe tiếng trống cắc bụp của chiếc trống con phát ra ở đầu đường thì cuối xóm bắt đầu thi nhau đóng cửa, tắt đèn. Thỉnh thoảng, một chiếc xe tải lớn của đội lân khác chạy ngang qua nhóm lân của Tuấn, họ đánh trống, gõ sập xõa và la hét inh ỏi, nhóm của Tuấn cũng khua trống, tung đầu lân lên vừa múa vừa hò hét...
Gặp một nhóm lân xe bò khác, nhóm lân này đi có thêm người lớn hướng dẫn, chăm sóc. Ông Dũng, vừa là chủ chiếc xe bò đội lân thiếu nhi đang dùng, vừa là cha của Huy, trưởng nhóm múa lân, cho biết: “Mình sợ tụi nó chộ nhau rồi sinh sự nên phải đi theo.”
“Năm nay lân con nít ế ẩm, một phần vì lân của người lớn làm chuyên nghiệp quá, phần khác là họ múa có đường dây, ví dụ như các chùa thì có các nhà Phật tử, các trường thì có nhà phụ huynh học sinh, các nhóm võ thì phần lớn hoặc là con nhà giàu, hoặc là con quan chức, nên tụi nó đến mấy nhà giàu múa không hẳn vì nhà đó thích múa lân mà vì nể cha mẹ tụi nó mà phải cho tụi nó vào múa.”
Huy, 14 tuổi, con ông Dũng, cho biết thêm: “Bây giờ múa lân cũng phải có quyền thế, như nhóm thằng Trí, nó là con ông chủ tịch xã nên múa đắt khách lắm.”
“Trong lớp, cháu có thằng bạn con ông phó chủ tịch huyện, nó cũng thích chơi lân, cháu rủ nó tham gia đội lân của cháu để kiếm tiền, nó đồng ý rồi. Nhưng sau đó nó chuyển qua lớp chuyên, nó học bình thường mà chuyển qua lớp chuyên làm tụi cháu mất một mớ tiền lân!”
“Trong nhóm tụi cháu, đứa nào cũng con nhà nông hết, nên khi múa lân, kiếm được tiền lãi là đem về gởi cha mẹ cất giùm, khi nào nộp tiền học thêm, tiền quĩ lớp thì lấy ra nộp. Mùa lân này nếu tụi cháu múa đắt, có lãi nhiều thì cha mẹ đỡ vất vả.”
Cứ kéo xe bò lân và đi lang thang, mặc dù bị từ chối vẫn không nản chí, vì cần phải kiếm tiền cho việc học. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)


Chúng tôi hỏi thêm về niềm vui trong lúc đi múa lân, Tuyền, bé gái đóng vai ông địa trong nhóm lân trả lời gọn khót: “Tiền, kiếm được nhiều tiền, được người ta cho vào múa, mình múa thật nhiều và được cho thật nhiều là vui nhất!”
Huy nói thêm vào: “Vui nhất là được cho vào nhà múa, cho tiền nhiều, chứ đi suốt đêm chỉ gặp toàn đóng cửa với chó sủa thì sợ và buồn kinh khủng luôn! Ước chi mình giàu, mình có cái đầu lân to để người ta cho vào nhà múa, vì bây giờ, kinh tế khó khăn, mỗi lần múa mỗi lần tốn tiền, người ta tốn luôn một lần cho lân lớn, không tốn lặt vặt cho tụi cháu...”
Nhận xét của một đứa trẻ mười bốn tuổi nhưng lại hết sức “thời sự” này khiến chúng tôi giật mình. Ở cái tuổi mà lẽ ra, những em bé này chỉ biết chơi đùa với cỏ cây, biết ăn học và nghịch ngợm thì các em lại đậm vẻ ưu tư, nhiều toan tính phụ giúp gia đình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm