Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Sống trên đất Mỹ, hầu như ai cũng có một thẻ ngân hàng ATM, và ai cũng ít nhất một lần trong đời phải lựa chọn cho mình một số PIN.
|
|
Tuy nhiên, phân tích của ông Nick Berry, một khoa học gia chuyên về dữ liệu, là người sáng lập công ty Data Genetics, và là một nhà tư vấn công nghệ ở Seattle, về việc người ta đã chọn số PIN như thế nào đưa đến những kết quả khá bất ngờ và thú vị.
Kết quả này cũng là điều khiến mọi người cần ngẫm nghĩ lại một chút trước khi quyết định chọn cho mình một số PIN để làm sao nếu lỡ đánh rơi mất thẻ ATM trên đường thì kẻ gian không thể truy cập được vào tài khoản của mình để mà dọn sạch số tiền mình dành dụm lâu nay.
Người ta sẽ lựa 4 số từ 0 đến 9 để làm thành một số mật mã cho tài khoản của mình. Có 10,000 khả năng kết hợp các con số từ 0 đến 9 để làm thành một số PIN. Ông Berry phân tích những số PIN đã được người ta chọn và sử dụng.
Và điều mà chuyên gia về dữ liệu này khám phá ra, theo lời ông nói là “thật không thể tưởng tưởng được” trong cách mà người ta chọn mật mã số PIN. Bởi trong số 3.4 triệu số PIN mà ông phân tích thì có đến 11% người chọn số PIN là 1234; 6% người chọn số PIN là 1111, và 2% chọn số 0000.
Ông Berry nói rằng 26.83% trong các mật mã mà ông phân tích có thể đoán được bằng cách cố gắng sắp xếp 20 sự kết hợp của bốn chữ số như sau: 1234; 1111; 0000; 1212; 7777; 1004; 2000; 4444; 2222; 6969; 9999; 3333; 5555; 6666; 1122; 1313; 8888; 4321; 2001; 1010.
Như vậy, khi một kẻ gian nhặt được thẻ ATM của ai đánh rơi, chỉ cần hắn thử 5 số PIN được chọn nhiều nhất là 1234; 1111; 0000; 1212; 7777 thì hắn đã có thể có được 20% khả năng cuỗm được một số tiền nào đó.
“Thật ngạc nhiên trước cách người ta chọn số PIN,” ông Berry thốt lên.
Việc lựa chọn những con số như vậy, theo chuyên gia về dữ liệu này là do “chả ai thích nhớ những con số khó nhớ, và cũng không ai nghĩ là ví họ lại bị đánh cắp.”
Chọn ngày, tháng, năm làm số PIN
Rất nhiều người thích dùng ngày tháng làm số mật mã, từ ngày sinh nhật đến ngày kỷ niệm, rồi năm mình được sinh ra,... Thật vậy, với việc dùng năm, bắt đầu bằng con số 19_ giúp người ta nhớ mật mã của mình, nhưng nó cũng làm tăng khả năng dự đoán cho kẻ gian. Phân tích của Berry cho thấy rằng mật mã bắt đầu bằng số 19_ đứng trong top 20% của tập dữ liệu mà ông nghiên cứu.
“Không gì dại dột hơn chuyện dùng ngày tháng năm sinh để làm mật mã, bởi vì khi bạn bị mất ví thì bằng lái xe nằm trong đó, nghĩa là kẻ gian có ngay được ngày tháng năm sinh của bạn để mà dò ra mật mã. Nếu muốn dùng ngày tháng năm sinh thì ít ra là nên dùng ngày của cha mẹ chẳng hạn.” Ông Berry nhận xét.
Lời khuyên của ông Berry cũng là lời khuyên của một nhân viên Chase Bank ở thành phố Westminster, “Ðừng nên lấy ngày tháng sinh của mình làm mật mã. Có thể lấy ngày của con cái, hay của người bạn thân thiết nào đó, nhưng không nên là ngày tháng có xuất hiện trong bằng lái xe nằm trong ví của mình.” Bên cạnh đó, một số ngân hàng hiện nay cũng không chấp nhận mật mã bắt đầu bằng số 19_.
Cũng theo lời người nhân viên ngân hàng không muốn nêu tên này thì nhiều người lớn tuổi cảm thấy khó khăn trong việc nhớ số PIN nên phải hướng dẫn họ cách chọn số mật mã sao cho dễ nhớ với họ, nhưng không dễ với kẻ gian. Ðó có thể là ngày tháng họ tới Mỹ, hay ngày họ đứng ra dựng vợ gả chồng cho con cái, hoặc là một ngày trọng đại nào mà họ khó quên.
“Nhưng lúc nào chúng tôi cũng phải nhắc nhở là KHÔNG được ghi số PIN vào tờ giấy bỏ ngay trong ví, hay ghi số vào ngay tấm thẻ debit, ATM.” Cô nói thêm.
Chọn dãy số trên bàn phím điện thoại, hay ATM
Thật ngạc nhiên khi nằm ở vị trí 22 trong danh sách những mật mã được chọn nhiều nhất là con số 2580.
Thoạt nhìn, người ta có thể tưởng đó là những con số bất kỳ. Nhưng hãy thử nhìn vào bàn phím điện thoại hoặc bàn phím trên máy ATM thử xem? Ðó là dãy số thẳng hàng chính giữa của bàn phím. Ðây cũng là dấu hiệu của những người làm biếng tạo nên một mật mã riêng biệt cho mình.
Ðể có thể tạo ra một số PIN cho riêng mình, nhiều người có những lựa chọn khá thú vị. Chị Jenny Phạm, đang làm việc cho một văn phòng khai thuế ở thành phố Stanton, cho biết, “Tôi chọn số PIN là 4 số cuối trong số nhà tôi ở khi vừa mới sang Mỹ.”
Anh Son Nguyễn, một cư dân ở Westminster thì chọn số PIN là “giờ máy bay cất cánh chở tôi rời khỏi Việt Nam cách đây 20 năm.” Hỏi lúc đó là mấy giờ thì anh Son chỉ cười không nói!
Có người lại chọn số PIN là ngày đầu tiên gặp gỡ với người yêu. “Tôi đổi số PIN từ sau ngày lập gia đình. Và mật mã đó là ngày tôi gặp bà nhà tôi.” Ðó là chọn lựa của ông Hoàng Nguyễn ở thành phố Cerritos.
Các mật mã ít được nghĩ tới
8068 là số PIN ít được chọn nhất, theo sự phân tích của Berry, số PIN này chỉ xuất hiện có 25 lần trong số 3.4 triệu số PIN mà ông quan sát, nghĩa là nó chỉ chiếm có 0.000744%.
Tại sao chọn số này? Berry đoán rằng, “Nó không có lặp lại hình ảnh, nó không phải là ngày sinh nhật, nó cũng chẳng phải là năm Columbus khám phá ra Châu Mỹ, nó cũng chẳng phải là năm khai sinh ra nước Mỹ 1776.” Những số này nằm ngoài mọi khả năng dự đoán của người ta.
Tương tự như vậy, các mật mã 7637; 6835; 9629; 8093 cũng có ít người chọn nhất.
Một vài điều thú vị khác từ phân tích của Nick Berry:
-Số PIN được dùng nhiều nhất là 1234.
-Nếu phải chọn mã số có 5 chữ số, thì có đến 28% người chọn mật mã là 12345.
-Người ta thích dùng những cặp số cho số PIN của mình như 4545, 1313,... Và vì lý do gì đó, người ta lại không thích những cặp số có khoảng cách khá xa. Ví dụ như người ta thích 45, 46 hơn là thích dùng cặp số 29 hay 37.
-Nếu phải chọn mật mã 10 chữ số, thì mật mã 3141592654 được xếp hạng 17. Lý do? Những ai thích toán học đều nhận ngay ra đây là những chữ số đầu tiên của hằng số Pi!
Ðiều cuối cùng, lời khuyên chung của nhân viên nhân hàng: Ðừng bao giờ ghi mật mã, số PIN vào ngay tấm thẻ ATM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm