Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2012

Phạm Ngũ Lão, con đường sinh động nhất Sài Gòn

Thursday, October 04, 2012 6:19:49 PM



Nguyễn Ðạt/Người Việt

SÀI GÒN (NV) -Ðường Phạm Ngũ Lão thuộc quận 1, ngày trước cũng như bây giờ mang sắc thái khá đặc biệt, là một trong những đường phố sinh động vào bậc nhất của Sài Gòn.
Trước 30 Tháng Tư, 1975, có thể gọi đường Phạm Ngũ Lão là “Con đường báo chí” và sau này là “Khu phố Tây ba-lô.”

Con đường Phạm Ngũ Lão, hay “phố Tây ba-lô” ngày nay. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
Gọi là con-đường-báo-chí, vì phần lớn nhà in và tòa soạn của các tờ báo xuất bản tại Sài Gòn tập trung dọc dài trên con đường Phạm Ngũ Lão.

Sinh hoạt báo chí, nhất là các nhật báo thật rộn ràng, với tiếng máy in sách in báo rầm rập suốt ngày đêm; cùng những tờ mờ sáng rộn ràng phát hành báo hàng ngày; các nhà văn nhà thơ, ký giả phóng viên thợ sắp chữ nhà in... tấp nập ra vào các tòa soạn báo tới các quán cà phê, mà quán cóc chiếm đa số.
Ngồi ở một trong những quán cà phê trên đường Phạm Ngũ Lão, thường gặp một vài nhà văn viết truyện feuilleton, miệt mài gấp gáp vừa uống cà phê vừa viết, cho đủ số chữ trong khuôn tờ nhật báo dành sẵn đang chờ cái truyện.
Lần đầu chúng tôi tìm tới con-đường-báo-chí là để chiêm ngưỡng Nguyễn Vỹ, tác giả bài thơ đầy cảm khái về thân phận nhà-văn-An-Nam nổi tiếng từ thời tiền chiến. Ấy tuy nhiên vài ba lần rồi mà chưa gặp ai là nhà thơ Nguyễn Vỹ, lúc đó đang làm tạp chí Phổ Thông, tòa soạn đặt trên đường Phạm Ngũ Lão.
Và càng nhớ mãi chuyện đó, chuyện tìm tới con-đường-báo-chí ở chỗ, là chúng tôi đã gặp nhà thơ Nguyễn Vỹ một cách thật định mệnh.
Lần đó chúng tôi đi Gò Công cùng bạn, anh Trần Công Nhạc, tiện dịp thăm người chú của anh là Bác Sĩ Trần Công Ðăng, tốt nghiệp y khoa tại Pháp, mở phòng mạch khám bệnh đầu tiên tại tỉnh quê nhà.
Lúc vào, bạn cho tôi biết chú Ðăng đang tiếp nhà thơ Nguyễn Vỹ. Chúng tôi đứng ngoài sân vườn nhà Bác Sĩ Trần Công Ðăng; và tôi chỉ ngó thấy dáng người nhà thơ Nguyễn Vỹ khi ông đi cùng Bác Sĩ Trần Công Ðăng ra tới cổng.
Xế chiều, tôi có việc phải về Sài Gòn trước bạn. Chuyến xe Gò Công về Sài Gòn lúc ấy là chuyến cuối, lại chỉ còn một chỗ. Nhà thơ Nguyễn Vỹ tới sau tôi, ông nói cần về Sài Gòn gấp; tôi nhường ngay chỗ cuối cùng ấy cho ông. Sau đó tôi nghe tin dữ: chuyến đó xe bị lật, có nhà thơ Nguyễn Vỹ trong số hành khách tử nạn.
Chúng tôi thường xuyên tới đường Phạm Ngũ Lão đưa thơ truyện đăng báo, từ bán nguyệt san Văn, tới các tuần báo Nghệ Thuật, Khởi Hành...
Gặp các nhà thơ chúng tôi ái mộ: Viên Linh, Trần Dạ Từ cũng ở quán cà phê sát bên tòa soạn, nhà in báo. Chúng tôi biết anh Viên Linh, anh Trần Dạ Từ là hai ông anh rất tài hoa.
Sau 30 Tháng Tư, 1975, đường Phạm Ngũ Lão trở nên tiêu điều ảm đạm; một bên là nhà phố lô nhô cao thấp, nhiều nhà xập xệ, quán hàng thưa thớt; thiếu hẳn vẻ sống động vì không còn sinh hoạt báo chí, hoạt động của nhà in. Bên kia là nhà ga xe lửa Sài Gòn, cỏ dại mọc um tùm như cánh đồng hoang.
Nhà ga xe lửa Sài Gòn dời về Hòa Hưng, quận 10 vào năm 1997; khu đất bỏ phế một thời gian, sau trở thành công viên, đặt tên là Công Viên 23/9.
Khu phố Tây ba-lô, theo nhiều cư dân ở đường Phạm Ngũ Lão cho biết, hình thành vào khoảng năm 1986. Các khách du lịch, đa số là người phương Tây, thường đeo ba-lô hành lý, nên người dân Sài Gòn gọi họ là Tây ba-lô; tên khu phố, gồm đường Phạm Ngũ Lão-Ðỗ Quang Ðẩu-Ðề Thám-Bùi Viện, cũng được đặt theo như vậy, từ lúc đó.
Du khách nước ngoài tới Sài Gòn, chọn nơi lưu trú ở khu tứ giác (bốn con đường kể trên) thật thuận tiện, vì rất gần trung tâm Sài Gòn, gần chợ Bến Thành, ngôi chợ lâu đời và lớn nhất thành phố.
Ðầu đường Phạm Ngũ Lão, phía giáp đường Cống Quỳnh, lại có ngôi chợ Thái Bình, cũng tại vị từ lâu năm.
Khu phố Tây ba-lô, trong đó đường Phạm Ngũ Lão là đường phố rộng dài nhất, ngày càng phát triển. Các khách sạn cao tầng, ngân hàng lớn nhỏ, nhất là máy rút tiền tự động ATM, dịch vụ Internet, sách, băng dĩa, hàng lưu niệm, quán ăn, bar-cà phê... mọc lên như nấm. Du khách đi gần và đơn lẻ trong thành phố thì có dịch vụ cho thuê xe đạp thể thao - bike for rent. Ði xa, đi khắp nơi trong nước thì có hàng chục xe hơi loại lớn như xe buýt, có trang bị máy lạnh, ghế nằm, mang dòng chữ “Open tour,” chạy liên tục từ sáng sớm tới nửa đêm.

Quán Seventeen Saloon trên đường Phạm Ngũ Lão. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
Có thể nói, khu phố Tây ba-lô là một khu-du-lịch-khép-kín; người phương Tây tới Sài Gòn đã vinh danh khen tặng cho khu phố này hai từ “Dynamic services.”
Ðặc biệt khu phố Tây ba-lô cũng chiếu cố khách du lịch ít tiền, mở ra đủ loại dịch vụ giá hạ, từ ăn uống, cắt tóc, bưu điện, xem phim, quán bar bình dân, tới khách sạn-nhà nghỉ, khách có thể góp tiền ở chung...
Trên đường Phạm Ngũ Lão, hai quán bar-cà phê Allez Boo và Seventeen Saloon thiết kế dạng những quán rượu ở Miền Viễn Tây Hoa Kỳ thuở dân đi khẩn hoang, tìm vàng; chúng ta thường thấy hình ảnh ấy trong những phim cao-bồi của điện ảnh Mỹ những năm 1960.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm