Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Cách thức bầu tổng thống Mỹ

Lê Khắc Lý

LTS: Ông Lê Khắc Lý là một sĩ quan QLVNCH, tốt nghiệp trường Ðại Học Chỉ Huy và Tham Mưu Lục Quân Hoa Kỳ (Fort Leavenworth, Kansas) và tốt nghiệp Tối Ưu trường Cao Ðẳng Quốc Phòng VNCH (1972). Trước năm 1975, ông từng giữ những chức vụ như tỉnh trưởng Quảng Ngãi, tham mưu trưởng các sư đoàn 25 (Quảng Ngãi), 22 (Qui Nhơn), CHT BÐQ QK 2 (Pleiku), tư lệnh Biệt Khu 24 (Kontum), tham mưu trưởng Quân Ðoàn I TP (Huế). Cấp bậc và chức vụ sau cùng là đại tá tham mưu trưởng Quân Ðoàn II/Quân Khu 2 (Pleiku). Khi sang tị nạn tại Hoa Kỳ, trong các việc làm có tính cách mưu sinh, có thời gian ông là kỹ sư kiểm phẩm (Quality Engineer) cho một hãng điện tử sản xuất các trang bị điện tử có tính cách bí mật quốc phòng cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong khối NATO, ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được cấp “Secret Clearance” của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (1982). Sau đó, ông từng giữ chức vụ trưởng Phòng Tiếp Ngoại Ðặc Trách Cộng Ðồng Việt Nam của Sở Ghi Danh Cử Tri (tức Sở Bầu Cử) quận Orange, California, trong 10 năm, trước khi hưu trí năm 2007. Ông có bằng Cử Nhân Luật (Việt Nam) và bằng MBA (Hoa Kỳ). Ông hiện là chủ tịch lâm thời Cộng Ðồng Việt Nam Nam California.

Bản đồ cho thấy số phiếu đại cử tri từng tiểu bang và khu vực Hoa Kỳ.

Bài này được viết ra nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của một số các bạn công dân Mỹ gốc Việt hoặc chưa am tường hoặc chỉ hiểu lờ mờ về “Cách Thức Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ” mà tác giả đã có nhận được những lời yêu cầu khuyến khích qua điện thoại và qua email.
Ðối với các bậc thức giả từng am hiểu nhiều về cách bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, tác giả thành tâm sẵn sàng xin được có cơ hội học hỏi thêm. Nếu lời trình bày có gì khiếm khuyết, kính mong các bậc cao minh chỉ giáo thêm cho. Trân trọng đa tạ.
Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ thực sự. Thể chế dân chủ pháp trị của Hoa Kỳ là thể chế “Tam Quyền Phân Lập”:
1. Việc thi hành pháp luật do ngành “Hành Pháp”, đứng dầu là tổng thống chịu trách nhiệm.
2. Việc viết ra các đạo luật là do ngành “Lập Pháp” phụ trách. Ngành này gồm hai viện: Viện thứ nhất là Hạ Viện (Congress) gồm những vị “Dân Biểu” (đại biểu của dân chúng được gọi là Congress Members hay Congressmen, Congresswomen) do dân của những Ðịa Hạt Dân Biểu (Congressional Districts) trong các tiểu bang bầu ra và theo luật lệ hiện hành, nhiệm kỳ của một dân biểu là hai năm. Viện thứ hai là Thượng Viện (Senate) gồm các thượng nghị sĩ (Senators) do dân của các tiểu bang bầu lên. Mỗi tiểu bang dù lớn hay nhỏ, ít dân hay đông dân, đều có hai thượng nghị sĩ. Do đó ta có thể hiểu rằng dân biểu là đại diện cho dân của các tiểu bang, còn Thượng Nghị Sĩ là đại diện cho địa phương từ các tiểu bang. Vì vậy Quốc Hội Hoa Kỳ bao gồm cả Hạ Viện (ý kiến của dân) và Thượng Viện (ý kiến có sắc thái địa phương).
3. Việc kiểm soát xem Hành Pháp có thi hành đúng các luật lệ đã do Lập Pháp soạn thảo và biểu quyết, và xem các luật lệ có phù hợp với Hiến Pháp (Constitution) hay không là do ngành “Tư Pháp” trách nhiệm. Ngành này là các tòa án mà các thẩm phán đều do dân cử và được phối trí từ trung ương đến các tiểu bang. Tòa án cao cấp nhất của quốc gia là “Tối Cao Pháp Viện” (US Supreme Court) gồm 9 vị thẩm phán do tổng thống tuyển chọn với sự chấp thuận của Thượng Viện. Chín vị thẩm phán này không có nhiệm kỳ, một khi đã được bổ nhiệm sẽ phục vụ suốt đời ngoại trừ khi muốn từ chức hay nghỉ hưu trí.
Các chức vụ trong những ngành của guồng máy điều hành quốc gia từ Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp (ngoại trừ Tối Cao Pháp Viện) đều do dân chúng chọn lựa qua các cuộc bầu cử.
Bài này được viết ra để nói về cách thức bầu cử tổng thống Hoa Kỳ mà thôi.

Chu kỳ bầu tổng thống Mỹ

Nhiệm kỳ của tổng thống Hoa Kỳ là 4 năm và vô tình trùng hợp với năm nhuận của Dương lịch tức là năm nào có 29 ngày trong Tháng Hai Dương lịch. Vì vậy cứ mỗi 4 năm, tức là lúc hết một nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ, cũng là năm nhuận Dương lịch, là có cuộc bầu cử tổng thống. Cho nên để cho dễ nhớ, hễ năm nào là năm nhuận, nghĩa là năm nào Tháng Hai Dương lịch có 29 ngày là năm bầu tổng thống Hoa Kỳ.

Tuyển chọn ứng cử viên tổng thống

Trước hết, ứng cử viên tổng thống của mỗi đảng chính trị phải trải qua một thủ tục đề cử theo điều lệ của đảng mình và theo luật lệ hiện hành của quốc gia. Thủ tục đề cử này là “Cuộc Bầu Cử Sơ Bộ” để chọn ứng cử viên tổng thống cho mỗi đảng. Tiến trình bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống của mỗi đảng này không được ấn định trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, nhưng do các chính đảng tự ấn định rồi trở thành thông lệ.
Tiến trình bầu cử sơ bộ có hai hình thức: (1) Bầu Cử Sơ Bộ (Primary Elections), và (2) Ðại Hội Ðảng (Caucuses). Tiến trình này không đồng nhất trên khắp 50 tiểu bang ở Hoa Kỳ. Một số tiểu bang chọn hình thức bầu sơ bộ, một số khác chọn hình thức đại hội đảng. Lại cũng có một số tiểu bang chọn hình thức hỗn hợp gồm cả bầu sơ bộ và đại hội đảng. Cả hai hình thức đều phải được diễn ra trong thời gian giữa Tháng Giêng (January) và Tháng Sáu (June), trước cuộc Tổng Tuyển Cử vào Tháng Mười Một (November). Bầu Cử Sơ Bộ ở tiểu bang hay đại hội đảng thường được mệnh danh là “Cuộc Bầu Cử Gián Tiếp” (Indirect Election): Thay vì cử tri trực tiếp chọn ứng cử viên tổng thống, cuộc bầu cử sơ bộ hay đại hội đảng ấn định số đại biểu đi dự đại hội đảng toàn quốc. Những đại biểu này sẽ chọn ứng viên tổng thống của đảng mình.
Mỗi đảng sẽ ấn định bao nhiêu đại biểu cho mỗi tiểu bang. Cùng với những đại biểu được tuyển chọn trong các cuộc bầu cử sơ bộ và đại hội đảng đó, đại biểu cấp tiểu bang của hai đảng lớn là đảng Dân Chủ (Democratic) và đảng Cộng Hòa (Republican) trong các đại hội đảng bao gồm những “đại biểu sẽ bỏ phiếu cho ứng viên được chỉ định” (gọi là “pledged delegates”) và “đại biểu có quyền bỏ phiếu theo phán đoán của mình” (gọi là “unpledged delegates”). Ví dụ:
1. Ðảng Dân Chủ có 4,047 đại biểu cho toàn quốc, trong đó có 3,253 “pledged delegates” và 794 đại biểu loại “unpledged” mà họ gọi là “superdelegates” (“siêu đại biểu”) bao gồm các thành viên đã được bầu vào Quốc Hội Liên Bang, các thống đốc, các vị cựu tổng thống, và các vị lãnh đạo trong đảng. Những “superdelegates” này sẽ bầu chọn ứng viên tổng thống theo ý của họ, chứ không cần theo đa số ý kiến của đại hội đảng.
2. Ðảng Cộng Hòa hơi khác một chút. Ðảng này có 2,380 (trong năm 2012 số này là 2,286) đại biểu, trong đó có 1,719 thuộc loại “pledged delegates”, giống như đảng Dân Chủ, được tuyển chọn ở cấp tiểu bang và địa phương. Một ứng viên muốn được chọn làm ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa phải hội đủ 1,191 trong tổng số 2,380 đại biểu được chọn trong đại hội đảng. Số “unpledged delegates” của đảng Cộng Hòa bao gồm những vị lãnh đạo của đảng và có quyền tuyển chọn ứng viên theo ý của mình.
3. Các đảng khác không có thủ tục rườm rà rắc rối như hai đảng lớn là Dân Chủ và Cộng Hòa nói trên. Các đảng nhỏ thì theo thủ tục riêng của họ, đơn giản hơn nhiều. Những đảng này thường gồm có: Ðảng Xanh (Green Party), Ðảng Người Mỹ Ðộc lập (American Independent Party), Ðảng Người Tự Do (Libertarian), Ðảng Hòa Bình và Tự Do (Peace and Freedom Party), v.v. (Xin lưu ý: Không có đảng Cộng Sản).
Trong giai đoạn tranh đua ảnh hưởng để được chọn làm ứng cử viên của đảng mình ra tranh cử tổng thống, các ứng viên ráo riết vận động rất gay cấn. Thông thường dư luận Mỹ chỉ chú trọng đến sự vận động của các ứng viên trong hai đảng lớn là đảng Dân Chủ (Democratic Party) và đảng Cộng Hòa (Republican Party). Họ thường trưng bày thành tích và khả năng của mình và đả kích đối phương cũng hăng say mạnh bạo không kém gì khi tranh cử với ứng cử viên của đảng đối lập trong kỳ Tổng Tuyển Cử Tháng Mười Một về sau. Sau khi được đảng đề cử, người ứng viên thắng cử làm ứng cử viên đại diện cho đảng để tranh chức tổng thống đó sẽ lo việc nghiên cứu thăm dò để tuyển chọn một ứng viên đứng chung liên danh trong vai trò ứng cử viên phó tổng thống. Hai người đứng chung trong một “liên danh” như thế gọi là một “Ticket”. Nhưng thói quen tốt đẹp của những vận động tranh cử Hoa Kỳ là sau khi xong cuộc vận động nghĩa là khi đã có kết quả đề cử rồi thì các ứng viên đối nghịch nhau không còn đả kích nhau nữa mà hoặc là tuyên bố ủng hộ kẻ chiến thắng hay giữ im lặng nếu không muốn ủng hội người đã đắc cử.

Tổng tuyển cử

Sau khi được đảng tuyển chọn, các ứng cử viên tổng thống bắt đầu lao vào cuộc vận động tranh cử. Cuộc vận động tranh cử kỳ này là giữa hai người của hai đảng lớn là Dân Chủ và Cộng Hòa. Ví dụ như lần bầu cử 2012 năm nay, hai vị này là tổng thống đương nhiệm thuộc đảng Dân Chủ là ông Barack Obama đứng chung trong “Ticket” (Liên Danh) là Phó Tổng Thống Joe Biden, và ứng cử viên của đảng Cộng Hòa là ông Mitt Romney có Dân Biểu Paul Ryan, ứng cử vào chức vụ phó tổng thống, chung trong “Ticket” (Liên Danh).
Cách bầu tổng thống Hoa Kỳ thật ra không đơn giản như người ta thường hiểu theo kinh nghiệm bầu cử của Việt Nam ta. Ở Việt Nam ta khi người dân đi bầu, kết quả ai được nhiều phiếu của dân là thắng cử. Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ không giản dị như vậy.
Ở Hoa Kỳ khi người dân đi bầu vào ngày Thứ Ba đầu tiên trong Tháng Mười Một (November) tại các tiểu bang để chọn tổng thống thật ra là để xem ai nhiều phiếu nhất đối với dân chúng trong tiểu bang đó mà thôi. Người được nhiều phiếu nhất trong tiểu bang đó sẽ nhận được hết các phiếu của “đại diện cử tri” trong tiểu bang đó. Cách thức này gọi là “Winner-Take-All” (“Kẻ Chiến-Thắng-Lấy-Tất-Cả”) “Phiếu của Ðại Diện Cử Tri” trong tiểu bang được gọi là “Electoral Votes”. Thông thường chúng ta hay gọi “Electoral Vote” là “Cử Tri Ðoàn”, thật ra đó là “Phiếu Ðại Diện Cử Tri” hay gọi tắt là “Phiếu Ðại Cử Tri”. Vậy “Electoral Vote” hay “Phiếu Ðại Cử Tri” là gì? Ðó là là phiếu “hợp thức hóa” của những người đại diện cho cử tri trong tiểu bang sẽ bỏ phiếu sau này để chính thức hóa sự đắc cử của người chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống. Câu hỏi thứ hai: Vậy những người đại diện cử tri trong tiểu bang đó là ai? Trước hết là số người làm đại diện cho cử tri của tiểu bang đó là bao nhiêu? Căn cứ vào đâu mà chọn một con số? Nguyên tắc được áp dụng hiện nay là con số người đại diện cho cử tri của tiểu bang được ấn định bởi số lượng dân biểu (Congress Members) của tiểu bang cộng với số lượng thượng nghị sĩ của tiểu bang (số này luôn luôn là 2, vì như trên đã nói, mỗi tiểu bang luôn luôn có 2 thượng nghị sĩ). Do đó, tiểu bang nhỏ nhất cũng phải có ít nhất là 3 phiếu đại diện cử tri (Electoral Votes), vì 2 thượng nghị sĩ (TNS) và ít nhất cũng phải có 1 dân biểu (DB).
Nhưng xin đừng hiểu lầm Ðại Diện Cử Tri là các vị TNS và DB. Người ta chỉ căn cứ vào con số để tuyển chọn số người làm Ðại Biểu Cử Tri (ÐBCT) để tính số phiếu đắc cử, tức là “Phiếu của Ðại Cử Tri” (PÐCT) (Electoral Votes, EV). Ví dụ: California có 2 TNS (con số này là số nhất định đồng đều cho các tiểu bang, tiểu bang nào cùng có 2 TNS) cộng thêm 53 DB (tức là California có 53 Ðịa Hạt DB - Congressional Districts) (Xin lưu ý: số lượng DB tức số lượng Ðịa Hạt DB thay đổi tùy từng tiểu bang và tùy theo kết quả kiểm tra dân số mỗi 10 năm. Số lượng DB hiện nay của mỗi tiểu bang là do kết quả của cuộc kiểm tra dân số năm 2010). Vậy California có 2 + 53 = 55 phiếu đại cử tri (Electoral Votes - EV) (Cuộc Kiểm Tra Dân Số năm 2010 không thay đổi số dân biểu của California, do đó số phiếu đại cử tri vẫn là 55). Cách tính tương tự như vậy, ta có số lượng các phiếu đại cử tri (Electoral Votes - EV) tại các tiểu bang khác nhau.
Câu hỏi kế tiếp là các đại cử tri đó là ai? Như trên đã nói, họ không phải là các vị TNS và DB, mà là do đảng nào có ứng cử viên của đảng mình thắng cử (tức là được đa số phiếu của dân trong tiểu bang đó bầu nên) chọn ra, số người phù hợp với con số được tính cho mỗi tiểu bang như đã nói trên. Nghĩa là họ là người của tiểu bang cùng đảng với ứng cử viên thắng cử trong tiểu bang.
Ứng cử viên nào thắng cử trong một tiểu bang sẽ lấy hết các phiếu đại cử tri (EV) trong Tiểu Bang đó. Ðó là “Winner-Take-All” (“Kẻ Thắng Lấy Tất Cả”). Và ứng cử viên nào chiếm được quá bán tổng số EV trên toàn quốc sẽ đắc cử. Các đại cử tri nói trên sẽ họp tại Washington D.C. vào Tháng Giêng để bỏ phiếu hợp thức hóa sự đắc cử của ứng cử viên thắng cử mà mọi người đã biết khi theo dõi cuộc bầu cử qua các phương tiện truyền thông tân tiến hiện nay.
Cách thức bầu cử này có khi có ứng cử viên được nhiều phiếu bầu của dân chúng lại ít EV thành ra bị thất cử. Ðó là trường hợp tranh cử giữa cố Tổng Thống Nixon với cố Tổng Thống Kennedy. Cố Tổng Thống Nixon có số phiếu dân chúng (popular votes) nhiều hơn cố Tổng Thống Kennedy, nhưng thua cuộc vì cố Tổng Thống Kennedy có nhiều phiếu EV hơn. Lý do là cố Tổng Thống Kennedy thắng cử ở các tiểu bang có nhiều EV hơn cố Tổng Thống Nixon.
Bảng tổng kết sau đây là do kết quả kiểm tra dân số của năm 2010 và áp dụng cho các cuộc bầu cử tổng thống các năm 2012, 2016, và 2020.

Danh sách số phiếu đại cử tri (EV) từng tiểu bang

Alabama 9
Alaska 3
Arizona 11 (+1)
Arkansas 6
California 55
Colorado 9
Connecticut 7
Delaware 3
Florida 29 (+2)
Georgia 16 (+1)
Hawaii 4
Idaho 4
Illinois 20 (-1)
Indiana 11
Iowa 6 (-1)
Kansas 6
Kentucky 8
Lousiana 8 (-1)
Maine 4 **
Maryland 10
Massachusetts 11 (-1)
Michigan 16 (-1)
Minnesota 10
Mississippi 6
Missouri 10 (-1)
Montana 3
Nebraska 5 **
Nevada 6 (+1)
New Hampshire 4
New Jersey 14 (-1)
New Mexico 5
New York 29 (2)
North Carolina 15
North Dakota 3
Ohio 18 (-2)
Oklahoma 7
Oregon 7
Pennsylvania 20 (-1)
Rhode Island 4
South Carolina 9 (+1)
South Dakota 3
Tennessee 11
Texas 38 (+4)
Utah 6 (+1)
Vermont 3
Virginia 13
Washington 12 (+1)
West Virginia 5
Wisconsin 10
Wyoming 3
Washington, DC 3
Tổng số Ðại Cử Tri (Total electors) 538.
Xin lưu ý: Các dấu (+) hay (-) để chỉ sự gia tăng hay giảm bớt số EV trong tiểu bang do kết quả của kiểm tra dân số năm 2010.
* Washington, D.C. không phải là một tiểu bang nhưng được ân huệ do Tu Chính Án số 3 của Hiến Pháp Hoa Kỳ để có số EV tương đương với một tiểu bang nhỏ nhất (tức có 3 EV).
** Ðặc biệt hai tiểu bang Maine và Nebraska chọn EV không theo thông lệ là dựa vào số lượng DB trong tiểu bang như các tiểu bang khác. Hai tiểu bang này chọn EV bằng cách tự chia tiểu bang ra nhiều địa hạt (districts). Ứng cử viên nào thắng trong địa hạt sẽ thắng EV trong địa hạt đó. Nghĩa là họ không theo cách “Winner-Take-All” như các tiểu bang khác. Tuy vậy, từ trước đến nay, 2 tiểu bang này vẫn có kết quả như các tiểu bang khác.
Quan sát bảng liệt kê, quý vị và các bạn sẽ thấy rõ tại sao các ứng cử viên chú trọng nhiều đến một số tiểu bang mà không để ý đến các tiểu bang khác. Lý do đơn giản là các tiểu bang được các ứng cử viên chú trọng có nhiều phiếu đại cử tri (Electoral Votes - EV) hơn. Còn một điểm cũng cần lưu ý là ví dụ như tiểu bang California, ứng cử viên đảng Cộng Hòa Mitt Romney ít khi đến vận động vì tiểu bang này luôn luôn có truyền thống bầu cho ƯCV TT của đảng Dân Chủ nên ƯCV Cộng Hòa dành thì giờ cho các nơi khác quan trọng hơn. Một điểm nữa cũng nên lưu ý là một số tiểu bang có thông lệ nòng cốt, nghĩa là nếu ƯCV nào thắng ở đó sẽ có nhiều cơ hội thắng trên toàn quốc, nên các ƯCV hay tới đó nhiều lần. Ví dụ Ohio, các ƯCV đến vận động nhiều lần vì sợ không dành được chiến thắng ở đây sẽ có thể thua cuộc trên toàn quốc.
Xem bảng liệt kê trên đây, ta thấy tổng số phiếu đại cử tri đoàn (Electoral Votes - EV) trên toàn quốc là 538. Ứng cử viên nào thắng được quá bán (tức là trên 50% của số 538 EV) là thắng cử. Quá bán (trên 50%) của 538 là: 538 ở 2 = 269 + 1 = 270. Vậy hai ứng cử viên tổng thống kỳ này là Tổng Thống Obama và Thống Ðốc Romney ai được 270 EV trở lên sẽ là tổng thống Hoa Kỳ cho nhiệm kỳ 4 năm từ 2013 đến 2016.
Xin chúc quý độc giả có một cuộc theo dõi bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2012 đầy thích thú và hấp dẫn.
http://www.nguoi-viet.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm