Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Thức với chợ đêm đường Trang Tử

Nguyễn Ðạt/Người Việt

SÀI GÒN (NV) - Chúng tôi biết đến chợ đêm bán trái cây ở đường Trang Tử, quận 6, do một lần đi theo nhạc sĩ Trúc Phương, vào khoảng năm 1992 hay 1993. Thời gian ấy, nhạc sĩ của “Nửa Ðêm Ngoài Phố,” “Tàu Ðêm Năm Cũ,” “Ðò Chiều”... nổi tiếng một thời với giai điệu Boléro khoan thai dìu dặt, vừa rời khỏi Hội Văn Nghệ Vĩnh Long, về Sài Gòn.
Chợ đêm bán trái cây tại đường Trang Tử. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
Ông rủ tôi vào chợ đêm bán trái cây tại đường Trang Tử; thăm một phụ nữ bán trái cây ở thị xã Vĩnh Long chuyển chỗ bán về đây, chắc hẳn vì người nhạc sĩ tài hoa.
Ngày nay trở lại, có mặt tại đường Trang Tử vào lúc 0 giờ, chúng tôi bị quyến rũ bởi đêm ở đây; và dư âm kỷ niệm của người nhạc sĩ đã ngậm ngùi ra đi vào tuổi trung niên; một người từng sống hết tâm hồn với phố khuya, với hương đêm tối.
Ðèn đường soi tỏ những nhà phố kín cửa; bến xe Chợ Lớn, một chiều dài với con đường, cổng đóng; những chiếc xe khách nằm im lìm phía trong. Cà phê bán đêm phía ngoài cổng bến xe bắt đầu hoạt động; xe bánh mì cũng đậu sẵn gần đó.
Chúng tôi ngồi uống cà phê cùng vài anh chị công nhân vệ sinh; họ vừa gom rác thành từng đống nhỏ trên đường Trang Tử. 0 giờ 30, xe tải trái cây bắt đầu xuất hiện, đậu từng quãng cách trên con đường này. Biển số xe bắt đầu bằng số 64, xe tỉnh Vĩnh Long. Xe gắn máy, xe ba gác máy xuất hiện cũng mỗi lúc một nhiều hơn. Vài người chạy xe ôm bắt đầu thức giấc; họ ngủ trên võng giăng ở cổng bến xe khách Chợ Lớn.
Phải tới 3 giờ sáng, khi chợ đêm bán trái cây tại đường Trang Tử sắp xếp phân chia xong, mới chính thức hoạt động. Chợ đêm trái cây tại đây được xem là một chợ đầu mối tự phát; trái cây chủ yếu của tỉnh Vĩnh Long, và vài nơi khác ở miền Tây đưa lên.
Khách mua sỉ trái cây là tiểu thương ở các chợ nội ngoại ô thành phố; số lượng mua lớn nhỏ tùy theo mỗi nơi ở các chợ. Kể từ lúc này, đèn điện trên nhiều sạp hàng lộ thiên được thắp lên; con đường Trang Tử sáng bừng như hội hè mỗi đêm đêm.
Chúng tôi chú ý từ lúc vừa tới chợ đêm bán trái cây này, nơi góc đường Trang Tử-Nguyễn Thị Nhỏ, người phụ nữ trẻ ngồi riêng biệt, với mặt hàng trái cây là đu đủ. Hỏi thăm người bán cà phê, được biết chị bày bán đu đủ từ lúc 0 giờ, tới khi chợ bán sỉ trái cây tan phiên, khoảng 6 giờ-6 giờ rưỡi sáng. Và rồi tất cả bạn hàng quét dọn sạch sẽ con đường; lúc ấy nhà phố đường Trang Tử bắt đầu mở cửa, cùng lúc bến xe Chợ Lớn mở cổng đón khách.
Vài chợ đêm tự phát khác khá đặc biệt của Sài Gòn, trong đó có chợ cua ở đường Cách Mạng Tháng 8 (đường Lê Văn Duyệt cũ), chợ cá tại bến phà Bình Khánh, huyện Nhà Bè.
Chợ cua ở đường Cách Mạng Tháng 8, nơi giáp ranh quận 3 và quận 10, khoảng 2 giờ sáng đón chuyến xe chở cua đầu tiên từ miền Tây lên; chủ yếu là cua đồng từ các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp và Cà Mau. Cảnh tượng chợ đêm bán cua ở đây rất sinh động, vui mắt. Những bao cua từ xe tải mang xuống được trút ra những khay nhôm thật lớn, để tách riêng những con cua bị chết. Rồi dùng xẻng xúc những con cua đang chạy trong khay, đổ vào túi lưới. Cua chết được làm sạch và chế biến tại chỗ. Có cả các loại ốc, hến, tải về chợ đêm này.
Hàng trăm tiểu thương ở các chợ chờ phân loại cua, lấy về để tiêu thụ tại chợ mình kinh doanh. Ngoài các chợ lớn nhỏ khắp nội ngoại ô thành phố lấy mối cua tại chợ đêm Cách Mạng Tháng 8, còn có nhiều tiểu thương ở mãi tận Thủ Ðức, Nhơn Trạch, Cát Lái... cũng lặn lội tới mua cua, ốc, hến tại đây.
Một gian hàng lộ thiên đơn lẻ tại chợ đêm. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)
Các phương tiện chuyên chở hàng đậu chật lối đi; tiếng nói chuyện trao đổi, cua bò rộn rạo trong khay, âm thanh náo động một khúc đường. Tới 5 giờ sáng, tất cả giãn dần, tan loãng vào ánh sáng mờ đục của ban mai.
Chợ cá, còn gọi là chợ thủy sản, họp tại bên hông bến phà Bình Khánh, huyện Nhà Bè. Cá, tôm, cua, mực, từ Cần Giờ được chuyên chở bằng phà; cập bến phà Bình Khánh, vận chuyển thẳng vào chợ. Rồi những thùng thủy sản ấy nhanh chóng được phân chia, tải đi khắp các chợ nội ngoại ô Sài Gòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm