Giật phăng "mặt nạ" các tàu hải giám giả hiệu của Trung Quốc
Nguyễn Ngọc (ANTĐ)
- Chỉ tính riêng trong quý 4 năm 2012, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng
gần chục tàu chấp pháp biển tải trọng hàng nghìn tấn, bao gồm cả hải
giám và ngư chính, trong đó phần lớn là các tàu hải giám. Ẩn chứa đằng
sau chiến lược “Hải quân hóa các tàu chấp pháp biển” là âm mưu gì?
Hiện nay, trên phân mục “Các tàu hải quân chuyển đổi thành hải giám” thuộc chương mục “Bạn có biết”
của trang Web tìm kiếm nổi tiếng của Trung Quốc “Baidu” thông báo tổng
cộng có 11 tàu hải quân Trung Quốc đã và đang hoán cải thành tàu hải
giám. Con số này dự kiến còn có thể tăng lên trong thời gian tới, các
tàu chiến trá hình thành tàu hải giám cụ thể như sau:
Tổng đội hải giám Bắc Hải có 03 tàu, bao gồm: Tàu kéo Bắc Đà 710
chuyển loại thành Hải giám 110; tàu phá băng Hải Băng 723 biến tướng
thành tàu Hải giám 111, tàu quét/rải lôi 814 Liêu Ninh lớp 918 hoán cải
thành Hải giám 112. Tất cả các tàu này đều do Hạm đội Bắc Hải bàn giao
cho lực lượng hải giám.
Tổng đội hải giám Đông Hải gồm 03 tàu: Tàu kéo Đông Đà 830 biến
đổi thành Hải giám 137, tàu đo đạc luồng lạch Đông Trắc 226 và tàu khu
trục tên lửa 131 Nam Kinh (lớp 051 - Lữ Đại I) hiện chưa hoán cải xong.
Các tàu này trước khi chuyển sang lực lượng hải giám đều trực thuộc hạm
đội Đông Hải.
Tổng đội hải giám Nam Hải được biên chế nhiều hơn với 05 tàu là:
tàu kéo Nam Đà 154 trở thành Hải giám 167, tàu điều tra hải dương Nam
Điều 411 (nguyên là Nam Tiêu 411) được “phù phép” trở thành Hải giám
168, tàu trinh sát điện tử Hải Vương Tinh 852 (nguyên là Hải Dương 13
hay còn gọi là Hướng Dương Hồng 21) biến hóa thành Hải giám 169, tàu vận
tải đổ bộ Nam Vận 830 và tàu khu trục tên lửa 162 Nam Ninh (lớp 051 –
Lữ Đại I) hiện chưa hoán cải xong nên không rõ phiên hiệu.
Khảo sát tất cả các tàu hải giám đã hoàn thành chuyển loại cho thấy, tàu
hải quân ở hạm đội nào thì sẽ biên chế về Phân cục hải giám khu vực đó.
Số hiệu các tàu hải giám chuyển loại từ tàu hải quân đều được đánh bằng
3 số có quy luật. Tàu thuộc Tổng đội hải giám Bắc Hải bắt đầu là 11x,
tàu thuộc hải giám Đông Hải có thể là 13x (mới được 1 tàu nên chưa khẳng
định), các tàu thuộc hải giám Nam Hải bắt đầu là 16x.
Tàu Nam Điều 411 được phù phép biến thành Hải giám 168
Lực lượng ngư chính Trung Quốc cũng có 2 tàu thuộc loại lớn nhất trong
khu vực là Ngư chính 311 và Ngư chính 206, dự kiến sắp tới sẽ có thêm 1
tàu được hoán cải từ tàu Nam Bác 952 của hạm đội Nam Hải. Tàu Ngư chính
311 nguyên là tàu cứu hộ Nam Cứu 503 của Hạm đội Nam Hải có lượng giãn
nước 4500 tấn.
Tiền thân của Ngư chính 206 là tàu điều tra hải dương kiểu 636 mang số
hiệu 871 “Lý Tứ Quang” (trước đây là Hải Dương 18), trực thuộc hạm đội
Nam Hải. Đây là tàu điều tra hải dương rất hiện đại với hệ thống quan
trắc, đo đạc biển tầng nước sâu 3 chiều và hệ thống thông tin liên lạc
tiên tiến, có lượng giãn nước 5872 tấn, dài 129,82m, rộng 17m.
Âm mưu thâm độc...
Hiện các hình ảnh trên các trang mạng Trung Quốc cho thấy, ngoài việc
sơn sửa lại phiên hiệu tàu và phù hiệu lực lượng, các tàu hải giám trá
hình này không có gì thay đổi về kết cấu để phù hợp với các nhiệm vụ
được chuyển đổi. Chúng ta có thể nhận thấy rõ điều này qua các hình ảnh
so sánh.
Tàu trinh sát điện tử Hải Vương Tinh 852 đã biến thành Hải giám 169
Những tàu hải quân chuyển loại đều có tốc độ cao, khả năng chống chịu
sóng gió tốt hơn các tàu dân sự, hơn nữa, chúng có lượng giãn nước rất
lớn (thấp nhất là tàu rải lôi 814 với tải trọng 1000 tấn) nên chiếm được
ưu thế trong tranh chấp trên biển. Đơn cử ví dụ như tàu Hải Băng 723
(Hải giám 111) có lượng giãn nước thuộc dạng lớn nhất của tàu Hải giám
Trung Quốc là 4420 tấn, vận tốc 20 hải lý/h, có thể phá vỡ các lớp băng
dày tới 80cm, khả năng chịu va đập cực mạnh. Các tàu hải quân còn không
va chạm nổi với nó nói gì đến các tàu chấp pháp, tàu cá? Ở khu vực Đông
nam Á liệu có mấy tàu hải quân có tải trọng lớn bằng tàu Ngư chính 206
(5872 tấn), tàu Ngư chính 311 (4500 tấn), Hải giám 111 (4420 tấn) hoặc
các tàu khu trục tên lửa chuyển loại?
Thế nhưng mục đích chính của Trung Quốc không phải là cần các tàu lớn để
chiếm ưu thế trong tranh chấp trên biển, đây không đơn thuần là hành
động tận dụng các tàu hải quân cũ để làm tàu chấp pháp mà chúng ta cần
tỉnh táo nhận thức rõ vấn đề này, ẩn giấu đằng sau chiến lược “quân sự
hóa các hoạt động chấp pháp” của Trung Quốc còn có một mưu đồ nguy hiểm
hơn rất nhiều. Các tàu hải giám này được “phù phép” nhằm mục đích tiếp
cận những khu vực tàu hải quân Trung Quốc không được phép bén mảng, thực
hiện những nhiệm vụ mà tàu hải quân không thể thực hiện được trên lãnh
hải của nước khác.
Nam Đà 154 dưới cái lốt Hải giám 167
Các tàu hải quân hoán chuyển thuộc rất nhiều loại khác nhau, gần như bao
hàm đủ cả các loại tàu thuộc một hạm đội hải quân chính quy. Chúng bao
gồm: tàu kéo, tàu đo đạc luồng lạch, tàu điều tra hải dương, tàu trinh
sát điện tử, vận tải đổ bộ và có cả các loại tàu tác chiến thực thụ như
tàu rải lôi, tàu vận tải đổ bộ, tàu khu trục tên lửa và có thể cả tàu hộ
vệ tên lửa.
Núp dưới danh nghĩa các tàu chấp pháp dân sự, các tàu điều tra hải dương
như Nam Điều 411 có thể tiến hành các hoạt động điều tra đáy biển, thăm
dò tài nguyên tại các khu vực mà nếu là tàu thuộc biên chế hải quân nó
không thể tiến vào được, phục vụ âm mưu vơ vét tài nguyên khoáng sản
trên đại dương của Trung Quốc trong tương lai.
Liệu có khi nào người Nhật nghĩ đến việc các tàu hải giám Trung Quốc sẽ
tiến hành đo đạc, tìm kiếm, vẽ bản đồ luồng lạch các đảo ở Senkaku,
trinh sát tìm luồng đường thuận lợi để phục vụ hoạt động đổ bộ đánh
chiếm đảo trong tương lai? Các tàu Hải giám sẽ tiến hành hoàn hảo công
việc mà các tàu như Đông Trắc 226 khi còn trong biên chế hải quân không
thể làm được.
Liệu có ai ngờ rằng Hải Giám 137 (tàu rải lôi 814)
có thể mang theo 300 quả thủy lôi trong khoang ngầm?
Khi các tàu điều tra và đo đạc hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ đến lượt các
tàu tác chiến, lúc đó chúng sẽ bất ngờ tiến hành các nhiệm vụ theo chức
trách hải quân dưới cái lốt tàu chấp pháp.
Khi xảy ra xung đột trên biển, các tàu đổ bộ như Nam Vận 830 sẽ bí mật
vận chuyển quân tiếp cận khu vực tác chiến, tàu Hải giám 112 (rải lôi
814) với 300 quả thủy lôi trong khoang ngầm tiến hành phong tỏa các con
đường tiếp ứng của đối phương, tàu trinh sát điện tử tiến hành trinh sát
và tác chiến điện tử, còn các tàu khu trục và hộ vệ tên lửa đảm nhận
nhiệm vụ ngăn chặn máy bay và tàu chiến đối phương.
Với ưu thế bí mật, bất ngờ, nhiệm vụ tác chiến của một biên đội tàu hải
quân sẽ được thực hiện hoàn hảo bằng một cụm tàu hải giám (Trung Quốc
thường triển khai một biên đội từ 4-5 tàu hải giám và ngư chính trên khu
vực tranh chấp), điều mà nằm mơ cũng không ai có thể nghĩ đến.
Tàu khu trục tên lửa 131 Nam Kinh (lớp 051 - Lữ Đại I) hiện đang “lột xác”
Đây không phải là một viễn cảnh mà là điều hoàn toàn có thể xảy ra, với
các hành động và thủ đoạn trắng trợn đã từng thực hiện trong quá khứ,
chúng ta cần cảnh giác đề phòng âm mưu thâm độc này.
Nguyễn Ngọc (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm