Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Cách chọn mua lốp xe

Bài và hình: Phạm Ðình

Lốp xe là yếu tố quan trọng nhất về an toàn trong xe. Ngay cả khi xe có đầu máy thật tốt, thắng rất nhậy... thì sự an toàn của bạn vẫn lệ thuộc vào độ bám đường của lốp xe. Tất cả mọi chuyển động tài xế làm đều tác dụng trên lốp xe: Thắng là đương nhiên, nhưng dù sang số, dù là tăng tốc, dù bẻ ngang, bẻ dọc... cũng đều được đón nhận bởi lốp xe cả.
Sự an nguy của người ngồi trên xe đặt trên bộ lốp.
Vì thế nếu lốp xe có bất cứ khuyết điểm gì, như mòn, bơm thiếu hơi, bơm căng hơi, không đáp ứng môi trường thời tiết... là tài xế đã đặt sinh mạng của mình, của những người đi theo mình, cũng như của chính cái xe vào con đường bất trắc, tùy thuộc rủi may. Ða số chúng ta khi chọn mua lốp chỉ so đo giá tiền hoặc dựa vào những gì có sẵn trong một tiệm quen. Người khác lại chọn lốp dựa vào dáng vẻ hoặc thuần túy là brand name. Ít khi chúng ta hỏi lốp xe ấy có đạt đủ tiêu chuẩn an toàn cho mình không.
1. Chọn đúng loại lốp

Khi chọn lốp, bạn cần hiểu các ký hiệu ghi trên thành lốp, thí dụ: P195/60R16 63H M+S, xin diễn nghĩa như sau:
* P là chữ viết tắt của Passenger, dành cho các loại xe phổ thông, để chở người. Nếu thay vì P, lốp lại ghi chữ LT, có nghĩa Light Truck, thì bạn hiểu rằng đây là lốp dành cho xe vận tải nhẹ. Thực tế, xe truck nhỏ có thể dùng lốp P, và ngược lại, xe chở người bình thường cũng có thể dùng LT. Tuy nhiên, nếu xe truck của bạn phải thường xuyên chở nặng, hãy mua lốp LT, mặc dầu đắt hơn. Còn nếu chỉ dùng xe để đi làm, cuối tuần chở vợ đi mua sắm thì chỉ cần lốp P cho đỡ tốn.
* 195 - Chiều rộng của lốp tính bằng mi-li-mét, chạy ngang qua các rãnh lốp.
* 60 - Tỷ lệ của chiều cao thành lốp so với chiều rộng. Số 60 cho biết, chiều cao thành lốp bằng 60% chiều rộng lốp.
* R - Cấu tạo lốp là Radial, chứ không phải Bias (là một kiểu cấu tạo khác).
* 16 - Ðường kính của vành lốp tính bằng Inches.
* 63 - Mức trọng tải (load rating) cho biết lốp này chịu đựng được sức nặng tối đa là bao nhiêu. Số ký hiệu về Load Rating càng cao, thì sức chở nặng càng lớn, và lốp càng đắt hơn. Tuy nhiên, khi mua lốp, không nên vì ham rẻ mà chọn lốp có Load Rating quá thấp, như con số 63 trên đây. Nếu muốn xe chở nặng tới 1000 pounds, ký hiệu lốp phải là 81.
* H - Mức tốc độ (Speed Rating), đúng hơn phải gọi là sức chịu nhiệt. Lốp lăn càng nhanh càng phát ra nhiều nhiệt. Nhiệt càng lớn, lốp càng chóng mòn. Nếu bạn thường lái xe trên xa lộ, nên để ý đến chỉ số cao. Nếu thường lái xe trong thành phố, không mấy khi lên xa lộ, thì không cần so đo về chỉ số này làm gì. Cái lốp trong thí dụ trên đây, chịu nhiệt ở mức H, cho phép xe chạy tới vận tốc 130 dặm/giờ. Mức nhiệt thấp hơn là T, cho phép xe chạy tới 118 dặm/giờ. Thấp hơn nữa là mức S, cho phép chạy tới 112 dặm một giờ. Không bao giờ chạy tới 100 miles một giờ thì có thể mua lốp với Speed Rating ở mức P (93 dặm/giờ). Thực tế, chẳng bao giờ chúng ta được phép lái tới 93 dặm trên đường phố nước Mỹ. Vì thế, mua lốp chỉ cần mức P là quá đủ.
* M+S - Những chữ này chỉ sức bám đường (traction), tùy theo mùa. Trong thí dụ trên đây, sức bám đường được chỉ thị bằng M+S, có nghĩa là lốp có sức bám đường thích hợp với mọi mùa (all season tire)
2. Chọn lốp theo độ bền của rãnh
Ðộ bền của lốp (Tire longevity) phần lớn là dựa vào mức độ hao mòn của rãnh lốp (tread wear). Lốp tốt là lốp giữ được độ sâu của rãnh lâu ngày, chứ mới có chạy ít thời gian mà rãnh đã mòn vẹt, sói nhẵn thì chỉ có nước cho lốp về hưu ngoài bãi rác để đổi lấy sự an toàn cho người ngồi trong xe. Trong thực tế, độ mòn của rãnh lốp tùy thuộc nhiều yếu tố sử dụng như cách lái xe, cao độ của vùng di chuyển, thời tiết, mặt đường... Chẳng hạn, đường cong, đường ổ gà, đường lồi lõm... chắc chắn làm cho lốp mòn nhanh hơn, so với đường bằng thẳng. Nhưng về bản chất cũng có lốp tốt lốp xấu. Chúng ta có thể dựa phần nào vào ước tính của hãng sản xuất khi mới cho lốp ra lò.
Các đặc tính của lốp được ghi rõ trên thành xe.
Ðể xác định lốp thọ được bao lâu, chúng ta nên dựa vào chỉ số UTQG, có nghĩa là Xếp Hạng Ðồng Nhất Về Phẩm Chất của Lốp (Uniform Tire Quality Grading), do Bộ Giao Thông của chính phủ liên bang Hoa Kỳ thực hiện về độ bền của rãnh, mức chịu nhiệt và sức bám đường. Con số này càng cao, thì lốp càng tốt. Chẳng hạn, lốp có UTQG chỉ số 300 sẽ bền gấp 3 lần chỉ số 100. Bô Giao thông dùng chỉ số từ A tới C để đánh giá mức chịu nhiệt, và từ AA tới Ca để đánh giá sức bám đường.
Theo nhận xét của các tổ chức người tiêu thụ, thì tuổi thọ trung bình của các loại lốp all season (sử dụng mọi mùa) là từ 40,000 tới 100,000 dặm. Nếu lái xe trong những điều kiện lý tưởng mà lốp không chạy được tới 40,000 thì đúng là... lốp “dổm.” Chạy trên 100,00 là... bonus của lốp, nhưng đừng vì những dặm đường “bonus” đó mà lãng quên sự an nguy của người ngồi trên xe nhé!
3. Nên mua lốp Second-Hand hay không?
Lốp second hand là lốp đã được người khác xài rồi. Loại lốp này chúng ta thường thấy chất đống trong các tiệm sửa xe, dĩ nhiên được bán với giá rẻ hơn so với lốp mới. Vậy có nên mua lốp cũ để tiết kiệm tiền hay không?
Nhưng những lốp cũ này ở đâu ra? Trước tiên là từ những cái xe bị total loss, được giao lại cho hãng bảo hiểm, hãng bảo hiểm bán ra cho nghĩa địa, chủ nghĩa địa gỡ ra bán lại cho tiệm sửa xe. Cũng có thể, một người khách hàng nào đó vào mua thay lốp mới nhằm lúc cửa hàng đang có On Sale, thay 3 lốp được tặng một lốp miễn phí. Nguyên thủy chỉ muốn thay 2 lốp thôi, nhưng để tận dụng dịp sale, đương sự cố thay 3 lốp để được cả bộ hoàn toàn mới. Như vậy là khách hàng dư ra 2 lốp cũ, tương đối còn tốt, bán lại cho tiệm để gỡ gạc ít tiền. Từ đó, tiệm mới có lốp second hand bán lại cho người khác.
Nếu nhận thấy lốp cũ giá thật rẻ, còn tốt và bạn muốn mua để tiết kiệm ít tiền, thì nhớ xem xét kỹ càng. Nên mang theo đồng cạch 1 xu, có cái đầu ông tổng thống để thử độ sâu của rãnh: Ðầu ổng chìm hẳn xuống là dấu hiệu rãnh còn xài được; Ðầu ổng ló lên là rãnh quá nông, mòn nhiều, thì bỏ qua đừng ham! Ðộ sâu còn đạt yêu cầu mới bắt đầu xem có nứt rạn hoặc sứt mẻ gì không. Nhưng những khiếm khuyết này, nếu có cũng khó nhận ra được, nếu chưa lắp vào xe và bơm căng lên. Mà lúc bấy giờ có thể là quá trễ, đòi họ tháo ra thì ngại, nên bạn đành dùng liều, cái đó nhiều người gọi là... thí mạng cùi, người viết bài không dám khuyên. Nhưng đừng bao giờ mua lốp đã bị vá một lần rồi.
Dù sao chăng nữa, mua lốp cũ là bất đắc dĩ mà thôi. Bộ lốp dính liền với an nguy của chúng ta. Nếu muốn được yên tâm sau khi ngồi sau tay lái, hãy cố mua lốp mới!
4. Nên mua lốp ở đâu:
Xưa nay người ta vẫn nghĩ rằng mua lốp ở đại lý là đắt nhất. Nhưng bù vào đó, chúng ta có thể yên trí vì nếu mình muốn có lốp Origin, thì chắc chắn đó sẽ là Origin, nguyên thủy, chứ không phải là đồ tạp nhạp. Người viết xin đưa ra cái nhận xét chung đó để các bạn quan sát, chứ không muốn “bad mouth” cũng không có ý quảng cáo cho đại lý nào cả.
Bên cạnh đó là chi nhánh địa phương của các hãng lốp lớn, bán với giá rẻ hơn đại lý. Người Việt thường mua lốp ngay trong các tiệm sửa xe để có giá rẻ và chọn lựa dễ dàng nhờ nói cùng ngôn ngữ. Tuy nhiên, nếu muốn có giá thực rẻ, bạn có thể đi khảo giá ở nhiều nơi, chẳng hạn những nơi tự gọi là “discount tire retailer.” Nếu hiểu rõ những đặc tính cần thiết cho lốp, bạn có thể gọi điện thoại, hoặc mua trên mạng 9onli để họ giao đến tận nhà. Kiểu này là rẻ nhất. Nhiều hãng còn có cơ sở trên toàn quốc, hoặc hợp đồng với một tiệm sửa xe nào đó tại địa phương để khách hàng có thể mang tới đó lắp ráp miễn phí, hoặc với giá rẻ. Bằng không thì bạn phải tự lắp lấy, hay phải mang ra ngoài tiệm trả công cho họ lắp giùm.
Xe cũng biết e lệ, nấp vào dưới hoa trông càng thêm... hấp dẫn!
Có được bộ lốp an toàn, cái xe mới có thể thẳng tiến trên đường nhựa, đưa chúng ta đến những đích điểm xán lạn trên đường đời. Cầu chúc các bạn và gia quyến nhiều may lành trong Năm Mới.
dinhcpham@yahoo.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm