Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Chiến tranh lạnh mới đang đe dọa châu Á


Tàu tuần duyên Nhật và tàu hải giám 51 của Trung Quốc trong vùng biển Senkaku/Điếu Ngư (Reuters)
Tàu tuần duyên Nhật và tàu hải giám 51 của Trung Quốc trong vùng biển Senkaku/Điếu Ngư (Reuters)

Minh Anh
"Một cuộc chiến tranh lạnh mới đang đe dọa châu Á" là tựa đề bài viết trên báo Les Echos số ra hôm nay. Sự cố tàu hải giám Trung Quốc chiếu ra-đa dẫn tên lửa vào tàu tuần tra Nhật Bản hôm 30/01/2013 cho thấy căng thẳng gia tăng trong khu vực Bắc Á. Theo tờ báo, chính các hành động khiêu khích của Bắc Kinh đã đẩy khu vực Bắc Á và Đông Nam Á vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, đe dọa an ninh toàn bộ khu vực.

Đầu tiên hết, bài viết nhắc lại sự cố xảy ra vào lúc 10 giờ sáng ngày 30/01/2013 vừa qua. Hôm đó, đội tàu hải giám của Trung Quốc đã đi vào gần khu vực quần đảo đang tranh chấp Điếu Ngư/ Senkaku và đã chiếu ra-đa dẫn tên lửa vào chiếc tàu tuần tra Nhật Bản. Sau nhiều phút trôi qua, cuối cùng thì quân đội Trung Quốc đã tắt thiết bị định vị và từ bỏ ý định bắn tên lửa. Les Echos nhận định đây quả là một hành động nguy hiểm, có thể đẩy thế giới đến một vụ xung đột mới.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tokyo đã lên án hành động trên là « một sự khiêu khích » với « các hậu quả khôn lường ». Về phần mình, Bắc Kinh « trơ trẽn » phủ nhận hoàn toàn trước khi đổ tội Tokyo là muốn bôi nhọ hình ảnh Trung Quốc. Washington, một mặt, xác nhận có đụng độ giữa đôi bên. Mặt khác, kêu gọi cả hai quốc gia nên giữ bình tĩnh.

Theo nhận định của Les Echos, kể từ khi cả hai cường quốc châu Á thay đổi ban lãnh đạo đất nước, mối quan hệ song phương có vẻ như đã lắng dịu trở lại trong tháng giêng vừa qua. Thế nhưng, sự cố mới xảy ra lần này chứng tỏ là gia tăng căng thẳng tại châu Á không hề suy suyển. Và đây cũng là nơi có thể phát động cuộc chiến tranh lạnh giữa ba cường quốc kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Les Echos viết rằng từ lâu các vụ tranh chấp biển đảo giống như ngọn núi lửa đang ngủ yên. Thế mà, chính cái thói « yêng hùng » của Trung Quốc đã đánh thức nó dậy. Bắc Kinh giờ đây đã cảm thấy đủ mạnh về kinh tế và quân sự để áp đặt tầm ảnh hưởng của mình trên toàn bộ khu vực vốn do Mỹ ngự trị kể từ sau khi kết thúc Thế chiến thứ 2.
Lo ngại cho tình hình trong khu vực xuống cấp trầm trọng, ngoài các đồng minh quân sự như thường lệ là Nhật Bản và Philippines, Hoa Kỳ đã mở rộng thêm đối tác với Việt Nam. Ngoài mặt, Washington vẫn lên tiếng phủ nhận « chiến lược bao vây » Bắc Kinh. Trên thực tế, Nhà Trắng cho tái triển khai hạm đội quan trọng trong khu vực. Đồng thời, Mỹ liên tục gia tăng các quan hệ đối tác với tất cả các nước nào trong khu vực cảm thấy bị Trung Quốc đe dọa.
Về phần Nhật Bản, kể từ khi trở lại nắm quyền vào tháng 12 năm rồi, thủ tướng Shinzo Abe, đại diện của phe tả theo đường lối cứng rắn đã tỏ ra quyết không nhún nhường trước các hành động gây hấn của Trung Quốc. Đối với Hàn Quốc, ông thực hiện chính sách hòa dịu trong một vụ tranh chấp lãnh thổ khác. Song song đó, thủ tướng Nhật tuyên bố tăng cường khả năng tự vệ của quần đảo và tìm cách liên kết với các nước trong khu vực Đông Nam Á nhằm tạo ra một mạng lưới đoàn kết chống Trung Quốc.
Theo nhận định của bài viết, rõ ràng sự lo sợ không chỉ tồn tại ở khu vực Bắc Á. Nhiều nước khác trong khu vực bắt đầu thấy khó chịu trước các hành vi khiêu khích liên tục của cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á. Nhất là kiểu sách lược « sự đã rồi » của Trung Quốc tại vùng Biển Đông.
Như nhận thức được mối đe dọa từ Bắc Kinh, lần lượt các nước trong khu vực như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Bru-nây đã tái vũ trang quân đội. Đồng thời, ý định hình thành một mặt trận chung tại Đông Nam Á cũng ngày càng rõ nét, để đối phó với kẻ luôn tự hào với học thuyết « trỗi dậy hòa bình », nhưng trên thực tế là một sự ương ngạnh đáng lo ngại.
Thế thì, trong bối cảnh đó, « hành động leo thang này sẽ còn đi đến đâu ? », tờ báo tự hỏi. Theo đánh giá của đa số các chuyên gia, là không một quốc gia nào sẽ trục được lợi nếu bùng nổ xung đột vũ trang trong khu vực, nơi diễn ra một nửa các hoạt động giao dịch thương mại của thế giới. Tuy nhiên, họ cũng nhìn nhận rằng căng thẳng có thể đang được khơi sâu thêm.
Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố sức mạnh của mình trong khu vực, khi cá cược rằng sự suy yếu của quân đội Mỹ là điều tất yếu. Do đó, Trung Quốc vẫn cứ ngang nhiên đi theo sứ mệnh cường quốc khu vực. Chính vì ý niệm đó, Bắc Kinh có nguy cơ khiến cho giới quân sự, những kẻ hiếu chiến nhất có những hành động nguy hiểm bất đắc dĩ. Và như vậy, một phát tên lửa bắn ra không phải lúc vào một chiến hạm Nhật Bản, Việt Nam hay Philippines là điều không thể nào tránh khỏi được.
Bình Nhưỡng thách thức thế giới với vụ thử hạt nhân thứ ba
Cũng tại khu vực Bắc Á, sự kiện Bắc Triều Tiên thực hiện thành công vụ thử hạt nhân thứ ba chiếm hầu hết các trang báo Pháp số ra hôm nay. Các báo đều có chung nhận định là ngoài việc cộng đồng quốc tế có phản ứng gay gắt, hành động trên của Bắc Triều Tiên chủ yếu muốn gởi đến thông điệp thách thức Hoa Kỳ và các đồng minh. Riêng về thái độ của Bắc Kinh, đồng minh lâu đời của Bình Nhưỡng, có lẽ vụ thử trên đang đặt Trung Quốc vào một thế khó xử.
Hầu hết tất cả các báo Pháp đều có bài viết nhận định về việc Bắc Triều Tiên đã thực hiện thành công vụ thử thứ ba. Les Echos cho là « do được Bắc Kinh bảo vệ, Bắc Triều Tiên chơi với bom nguyên tử ». Nhật báo cộng sản l’Humanité lên tiếng cảnh báo « Tình trạng báo động sau vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên ».
Đối với tờ báo, sau vụ thử này, lần đầu tiên Bắc Kinh buộc phải làm việc với Hoa Kỳ để trừng phạt Bình Nhưỡng. Còn nhật báo La Croix với bài viết nhận định « Bắc Triều Tiên khiêu khích thế giới với bom hạt nhân », nhận định rằng sự kiện trên chỉ nhằm mục đích khẳng định vai trò cường quốc hạt nhân, đồng thời nhằm xác quyết quyền uy và tính hợp pháp của nhà lãnh đạo trẻ ở trong nước.
Về điểm này, báo Le Figaro có cùng chung quan điểm với nhật báo La Croix. Trong bài viết đề tựa « Kim Jong-un thách thức Hoa Kỳ bằng bom nguyên tử », tờ báo cho rằng hành động chọc tức trên chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là buộc Mỹ phải tiến hành các đàm phán cấp cao, đi đến việc đảm bảo an ninh cho quốc gia này .
Theo phân tích của một vị giáo sư thuộc trường Đại học Yonsei tại Seoul, thì Bình Nhưỡng muốn được thế giới công nhận như là một cường quốc hạt nhân. Đối với họ, không có chuyện đàm phán về giải trừ hạt nhân. Họ chỉ muốn đàm phán ngang hàng với các cường quốc nguyên tử khác về kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Theo Le Figaro thì rõ ràng « chiến lược kiên nhẫn” của tổng thống Mỹ Obama đã thất bại. Còn đối với Hàn Quốc, đây là một lời đe dọa gởi đến nữ tổng thống tân cử Park Geun-Hye, sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 25/2 sắp đến. Nếu nhìn theo góc độ nội bộ, vụ thử trên đi theo một trình tự lô-gích hợp lý, đó là nhà lãnh đạo trẻ đang củng cố quyền lực sau một năm lên nắm quyền.
Bình Nhưỡng làm chủ công nghệ hạt nhân ?
Đối với báo Le Monde, ngoài việc cả thế giới « đồng loạt lên án sau vụ thử hạt nhân mới của Bình Nhưỡng », tờ báo đặt nghi vấn về công nghệ mà Bắc Triều Tiên đã sử dụng cho lần thử này. Theo bài viết, cho đến giờ điểm tối duy nhất mà cả thế giới vẫn chưa thể nào xác định được là nguồn gốc của nguyên liệu được sử dụng. Có hai khả năng được giới tình báo phương Tây đặt ra. Thứ nhất, nếu đầu đạn mang chất plutonium, với vụ thử lần này, có lẽ Bắc Triều Tiên đã vét cạn nguồn dự trữ (được ước tính trong khoảng từ 24 đến 40 kilo tấn).
Khả năng thứ hai nếu là chất uranium, điều đó tiết lộ cho thấy ngoài khả năng đã làm chủ được công nghệ lamg giàu chất uranium, Bình Nhưỡng đang phổ biến công nghệ hạt nhân của mình, mở rộng cánh cửa cho thị trường phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tờ báo nhắc lại rằng vào tháng 11 năm 2010, ông Siegfried Hacker, một chuyên gia Mỹ về hạt nhân thuộc Đại học Standford Hoa Kỹ đã phải « hãi hùng » thốt lên về tính chất « cực kỳ hiện đại của các lò hạt nhân » khi ông này được mời tham quan khu phức hợp nguyên tử Yongbyon. Cũng theo vị chuyên gia này, ngoài khu phức hợp đó, ông còn nghi ngờ rằng tại Bắc Triều Tiên còn có nhiều cơ sở làm giàu chất uranium khác mà các vệ tinh khó có thể phát hiện ra được. Một số chuyên gia Mỹ còn nhận định rằng thế giới đã đánh giá quá thấp khả năng làm chủ công nghệ hạt nhân của quốc gia khép kín nhất thế giới.
Bên cạnh đó, báo Le Monde còn nhận định rằng, « bị dồn vào chân tường », các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên dường như nghĩ rằng việc phô bày khả năng công nghệ hạt nhân sẽ đặt họ vào một vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán.
Như vậy, để có được sự đe dọa đó, Bắc Triều Tiên phải làm chủ được công nghệ tiểu hóa đầu đạn để có thể đặt trên tên lửa. Hoa Kỳ đã từng bất ngờ với vụ phóng hỏa tiễn vào tháng 12/2011, có công nghệ tương tự như là một tên lửa đạn đạo, nhưng lại không hề nghĩ đến khả năng tiểu hóa các đầu đạn.
« Bố già » Trung Quốc khó xử
Dĩ nhiên là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc sẽ phải đưa ra các biện pháp trừng phạt mới. Thế nhưng, theo lập luận của các báo Pháp, thì sự trừng phạt mới chỉ có hiệu quả khi có sự tham gia tích cực của Bắc Kinh, một điều mà cả thế giới đánh giá là khó có thể đạt được.
Libération trong bài viết đề tựa « Bắc Triều Tiên thử hạt nhân : cả thế giới bị thổi bay », cho rằng ít có khả năng Trung Quốc thay đổi lập trường chính trị. Trong thực tế, Bắc Kinh vẫn muốn duy trì hiện trạng đang có trên bán đảo Triều Tiên. Người anh cả cộng sản e sợ rằng sự sụp đổ của triều đại họ Kim có thể sẽ dẫn đến sự hợp nhất hai miền Bắc – Nam và như vậy, sẽ tạo cơ hội cho Mỹ triển khai quân ngay sát biên giới Trung – Triều. Thế nhưng, chính quyền bắc Kinh cũng không muốn rằng các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên châm ngòi cho một cuộc xung đột, khiến Trung Quốc phải nhúng mũi vào là điều mà họ không hề mong muốn.
Một quan điểm cũng tờ Le Figaro đồng chia sẻ. Tờ báo hóm hỉnh cho rằng « ‘Bố già’ Trung Quốc nổi giận với Bình Nhưỡng ». Theo Le Figaro, giờ phải xem ông Tập Cận Bình sẽ còn chịu đựng người hàng xóm « hiếu động » này được bao lâu nữa. Lẽ dĩ nhiên là Bắc Kinh không thể nào bỏ rơi đồng minh lâu đời của mình được. Trung Quốc cũng không thể nào « cắt đứt quan hệ » hay « giảm tài trợ » cho Bắc Hàn như đã tuyên bố. Bởi vì, điều đó có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ chế độ, gây ra bất ổn mà hậu quả đầu tiên Trung Quốc phải gánh chịu đó chính là làn sóng di cư. Tiếp đến là việc tăng cường sự hiện diện của binh lính Mỹ trên bán đảo.
Le Figaro nhận định rằng đã từ lâu, từ thời Kim Jong-il còn tại vị, Trung Quốc đã phải vất vả trong mối quan hệ song phương với đồng minh « khó bảo ». Những tưởng sự ra đi của Kim Jong-il có thể tạo cơ hội cho Bắc Kinh làm xẹp xuống các căng thẳng trước đó. Vậy mà, một năm sau đó, việc « uốn nắn » người kế nhiệm dường như không mấy thành công.
Giữa Bắc Kinh và Kim Jong-un « cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt ». Bởi vì, cho đến giờ, sau một năm lên cầm quyền, nhà lãnh đạo trẻ đó chẳng buồn đến thăm « bố già » của mình. Trong khi đó, Trung Quốc đã tỏ ra ủng hộ và hoan nghênh hết mình Kim Jong-un lên cầm quyền. Kim Jong-un không những bạc bẽo, mà luôn gây khó chịu cho Bắc Kinh. Le Figaro mỉa mai kết luận : có lẽ trong di chúc, ông Kim Jong-il đã dạy con trai mình phải « đề phòng Trung Quốc ». Dường như lời dạy đó đã được lắng nghe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm