Khai thác bauxite tại Tây Nguyên - Trách nhiệm thuộc về ai?
Mẹ Nấm
- Hôm qua hàng loạt báo chạy tin về dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ. Tuy
không đề cập thẳng đến vấn đề an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế một
cách trực tiếp, nhưng cách đưa tin rõ ràng là chỉ ra tính bất khả thi
của dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
“Cảnh báo của các nhà khoa học về dự án Bôxít ở Tây Nguyên đang
dần đúng. Dự án vẫn được thải bằng công nghệ rẻ tiền, nhiều rủi ro...
Nếu làm đến cùng thì bôxít sẽ trở thành gánh nặng kinh tế!”.
- Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý
các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than -
khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) về việc thử nghiệm 2 dự án Bôxít Tân Rai
và Nhân Cơ. Tiến sĩ Sơn kiến nghị lãnh đạo Vinacomin xin Chính phủ cho
dừng ngay dự án Nhân Cơ, chờ khi nào Tân Rai có hiệu quả sẽ làm tiếp.
Sau chuyến khảo sát thực tế hai dự án trên ở Tây Nguyên, Tiến sĩ Sơn cho
biết, đến nay dự án chẳng có gì mới so với những điều đã được cảnh báo
từ 4 năm trước. Bùn đỏ - vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm, vẫn
được thải bằng công nghệ nghệ “ướt” rẻ tiền và nhiều rủi ro. (Theo Dân Trí)
Chợt nhớ 4 năm trước, trong rất nhiều buổi làm việc với Pa38 – phòng an
ninh Chính trị nội bộ tỉnh Khánh Hòa và hai anh an ninh trẻ đến từ Bộ
Công An, ngoài việc dò hỏi vì sao in câu “Hoàng Sa – Trường Sa là của
Việt Nam” lên mặt trước của áo bên cạnh dòng chữ “Stop bauxite – No
China” thì quan điểm mà họ luôn nhắc đi nhắc lại với tôi như thế này:
- “Dự án khai thác bauxite là chủ trương lớn của đảng, nhận được sự
đồng thuận và nhất trí cao của rất nhiều người. Chỉ có những người thiếu
thông tin mới phản đối nó. Em chỉ đọc thông tin trên mạng làm sao biết
được hết tính toán của chính phủ. Em phải biết việc em phản đối như thế
này là đi ngược lại với đường lối và chính sách của nhà nước”
Tôi còn nhớ rất rõ, mình bị bắt vì tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích quốc gia”.
Năm 2011, trong các phiên họp của Quốc hội người ta lại nhắc đến dự án
bauxite nhưng không đề cập đến các cảnh báo về an ninh quốc gia, lợi ích
kinh tế mà chuyển sang việc vận chuyển quặng đã khai thác có thể gây
hại cho cầu đường vì tải quá nặng. (Theo Dân Trí)
4 năm sau, khi đã bỏ ngoài tai toàn bộ ý kiến và các lời cảnh báo từ các
nhà khoa học, người ta lại nhắc đến dự án bauxite vì sợ “lỗ”.
Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những việc trên?
Câu trả lời như mọi lần sẽ là không có một ai hết.
Bởi không ai có thể túm đầu đảng để bắt đảng chịu trách nhiệm về chủ trương, đường lối của mình.
Cũng năm 2009, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nộp đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng vì đã ban hành quyết định số 167/2007/QĐ -TTg ngày 01/11/2007 "phê duyệt quy hoạch, phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015."
Theo một chuyên gia luật ẩn danh phân tích việc Tiến sĩ Vũ kiện Thủ
tường thì thủ tướng không có trách nhiệm cá nhân trong vụ này.
"Trách nhiệm là từ phía chính phủ, và thủ tướng chỉ là người đại diện đứng ra thực hiện các chính sách của chính phủ."
Chính
cách lập luận trên đã khiến cả dân tộc này phải lao đao khốn đốn sau
nhiều lần chính phủ Việt Nam cải cách, và sửa sai sau khi đã ban hành
hàng loạt quyết định bất hợp lý với toàn xã hội.
Ông Thủ tướng không chịu trách nhiệm, thì đương nhiên sẽ không có chuyện chính phủ chịu trách nhiệm.
Cá nhân tôi cho rằng với tuyên bố ‘khai thác bauxite là chủ trương lớn
của Đảng” của nhiều vị lãnh đạo Việt Nam thì việc phải chịu trách nhiệm
trước toàn dân tộc về hậu quả của dự án này là trách nhiệm chung của
toàn thể các đảng viên đảng Cộng Sản lđã nhắm mắt làm ngơ với tuyên bố
trên.
________________________
Nhà máy bauxite Tân Rai, Nhân cơ: Tạm dừng là thượng sách!
Phạm Hồ (NLĐ)
- Hàng ngàn bạn đọc đã bức xúc trước thông tin Nhà máy bauxite Tân Rai
sẽ bị lỗ nặng. Bức xúc vì đây là điều đã được các nhà kinh tế, khoa
học... dự báo và phản biện quyết liệt trước khi thực hiện nhưng không
được tiếp thu, để dẫn đến hậu quả ngày hôm nay.
“Đình chỉ 2 dự án này ngay dù chỉ là thí điểm. Không khai thác thì
tài nguyên vẫn còn đó, sau này con cháu chúng ta có đủ điều kiện sẽ khai
thác hiệu quả hơn. Hiện nay dù có “cố đấm thì chẳng có xôi để ăn", chỉ
có nợ và nợ mà thôi”. Đây là ý kiến của bạn đọc Năm Kim về hai dự án
bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) và cũng là ý kiến của
số đông bạn đọc về tính khả thi của dự án. Sau khi kiên quyết thực hiện,
nay các lãnh đạo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
(Vinacomin) tuyên bố: lỗ, càng làm càng lỗ.
Đụng gì cũng bán, con cháu lấy gì mà sống
Bạn đọc Trần Minh Quân, nói thẳng: “Tôi còn nhớ bao nhiêu lời cảnh
báo, can ngăn từ các nhà khoa hoc, kinh tế, những người có tâm huyết,
lương tri với đất nước vẫn còn như mới hôm qua....! Rồi cũng như
Vinasin, vinalines thôi. Trách nhiệm là.... của chung! Thật tàn nhẫn”.
Chỉ rõ hơn về bản chất của vụ việc, bạn đọc Bình Minh, bày tỏ: “Nhiều
người cố quyết để dự án bauxite Nhân Cơ và Tân Rai thành hiện thực, mặc
cho bao nhiêu bài báo với bao nhiêu lý do chính đáng rằng không nên có
cái dự án này. Theo phân tích thì việc hạch toán lỗ lãi quá đơn giản,
chỉ là vài phép tính cộng trừ như một học sinh lớp năm vậy mà bao nhiêu
chuyên gia của nhà đầu tư lại không tiên liệu được. Hay là biết lỗ mà
vẫn làm? Có phải vì dự án thì chắc chắn lỗ nhưng có những cá nhân lại
"lãi lớn" khi thực hiện dự án nên người ta mới cố làm?”.
Bức xúc với cách làm kinh tế của Vinacomin, bạn đọc Lê Thanh Sơn, bức xúc: “Khi
mới lập dự án thì luôn khẳng định là lãi, dù có nhiều ý kiến phản đối
nhưng vẫn "phải mạnh dạn và kiên quyết làm". Bây giờ xây dựng xong rồi
thì bắt đầu kêu lỗ: “dự kiến năm tới mới có thể có lãi”, nếu năm tới vẫn
lỗ thì phải chăng cứ thế mà kêu "năm tới nữa sẽ có lãi". Dự án cả tỉ
USD tiền của dân mà các vị tính toán cứ như chuyện đùa”.
Nhà máy bauxite Tân Rai chuẩn bị sản xuất mẻ alumin đầu tiên
nhưng đã biết chắc là sẽ bị lỗ. Ảnh: Cao Nguyên
Cám cảnh hơn, bạn đọc tên Chinh, cho biết: “Nghe mà buồn quá. Thế hệ
chúng ta chưa đủ trình độ thì để con cháu sau có cái mà dùng. Than,
Titan, giờ đây là bauxite… sao cứ bán thô, bán non như vậy mà còn lỗ nữa
chứ”. Bạn đọc này ví dụ: “Ở trong nhà không có tiền thì phải đi
làm kiếm tiền mà xài chứ cứ nhìn quanh có cái gì bán được mang đem bán
thì con cháu sau này biết lấy gì sống”. Cùng tâm trạng, bạn đọc Trương Hán Siêu, cảm thán:
“Nghe điều này tôi muốn khóc cho quê hương quá. Khóc cho đất đai màu mỡ
của Tây Nguyên, của cà phê, của cao su, tiêu... khóc cho người dân Tây
Nguyên mất đất sản xuất...”
Nhìn nhận lại hoạt động của các “ông” lớn kinh tế, bạn đọc Quang Hưng kết luận: “Hết “ông” Vinashin đến “ông” Vinaline, giờ thì đến Vinacomin. Cứ thua lỗ hoài thì sức dân sao chịu nổi”.
Ai chịu trách nhiệm?
Trước ý kiến trả lời báo chí của ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng
thành viên Vinacomin: “làm theo chỉ đạo của Chính phủ”… “không biết bao
giờ hết lỗ”… nhiều bạn đọc cho rằng ông Hòa đang lẩn tránh trách nhiệm.
Lập một dự án kinh tế mà không biết bao giờ có lãi, khi lỗ thì đổ trách
nhiệm cho người khác thì cần gì phải ngồi vào cái ghế chủ tịch hội đồng
thành viên của tổng công ty? Ở vị trí lãnh đạo một tổng công ty, hưởng
lương cao từ tiền thuế của dân nhưng thiếu năng lực, gây lỗ lã mà vẫn an
nhiên là điều không thể chấp nhận.
Dự án bauxite Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Cao Nguyên
Bạn đọc Phạm Ngọc Hùng đặt vấn đề: “Ai là người chịu trách nhiệm
về vấn đề này?. Bây giớ mới thấy ý kiến của các chuyên gia kinh tế và
đặc biệt là ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc khai thác
bauxite thật là ý nghĩa. Đáng buồn là có nhiều người đã bất chấp mà thực
hiện để bây giờ người dân gánh hậu quả”.
Bạn đọc Ya Lúp, phân tích: “Khách quan mà nói, nếu chúng ta làm dự án
này chỉ bán cho Trung Quốc và Malaysia thì họ phải mua với giá mà chúng
ta có lời và có tiền để khắc phục môi trường bị ảnh hưởng. Nếu họ mua
với giá thấp thì nên dừng luôn dự án, bởi đã làm ăn thì hai bên cùng có
lợi chứ không thể một bên vừa thiệt hại kinh tế vừa thiệt hại môi trường
còn một bên thì mua giá thấp hưởng lợi. Người dân Tây Nguyên chúng tôi
muốn được nghe lời nói thật bụng của người có trách nhiệm quyết định dự
án này”.
Chỉ rõ hơn bản chất của vấn đề, bạn đọc Hoa Vinh, viết: “Lúc lập dự
án và thực hiện các dự án Bauxite ở Tây Nguyên, các chuyên gia và ban
quản lý dự án các cấp đều rất quyết tâm dù có biết bao ý kiến phản đối
vì ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, cơ sở hạ tầng trong khi hiệu quả
rất mù mờ. Nay kết quả bước đầu đã thấy rõ. Tương lai Nhà máy Tân Rai cứ
phải sản xuất, lúc này Trung Quốc chỉ cần ngừng không mua khoảng dăm
bảy tháng, sản phẩm ứ đọng, không đủ kho để chứa… thì Trung Quốc ra điều
kiện 170USD/tấn cũng phải bán chứ biết làm sao”.
Càng chạy theo càng thiệt hại!
“Dù đã bỏ ra nhiều tiền của, công sức… nhưng việc
tạm dừng triển khai các dự án bauxite vẫn là thượng sách. Càng chạy theo
các dự án này thì càng thiệt hại và chỉ khổ cho dân thêm thôi” – bạn
đọc Nguyễn Văn Trực.
“Khi dự án bauxit này đang còn trên giấy thì các nhà kinh tế đã biết là sẽ bị lỗ rồi. Sản xuất làm chi một mặt hàng mà chỉ có 2 người mua, một người mua cầm chừng còn một người thì sau này sẽ ra chiêu ém giá thì không “sụp tiệm” mới là lạ” – bạn đọc Thanh Hồng. “Trước đây không nghe lời can gián của các nhà khoa học và những người có tâm với đất nước, nay cười đau khóc hận với bauxit. Tiền của nhân dân bay theo bụi đỏ Tây Nguyên mất rồi !” – bạn đọc Lê Uy Lực. |
http://nld.com.vn/20130221114146535p0c1042/nha-may-bauxite-tan-rai-nhan-co-tam-dung-la-thuong-sach.htm
Thế Dũng - Thế Kha
http://nld.com.vn/20130221111339995p0c1002/du-an-bauxite-khong-hieu-qua-thi-nen-dung.htm
*
Dự án bauxite: Không hiệu quả thì nên dừng
Thứ Năm, 21/02/2013 23:13
Thế Dũng - Thế Kha (NLĐ) - Giá
xuất khẩu thấp hơn giá thành, chi phí vận tải tốn kém, nhất là khi
phương án xây dựng cảng Kê Gà bị loại bỏ, lại thêm những hệ lụy lớn về
môi trường..., hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đối mặt với nhiều
khó khăn
Dự án bauxite ở Tây Nguyên vừa ra lò mẻ alumin đầu tiên đã cầm chắc lỗ
và còn khả năng tiếp tục thua lỗ dài dài bởi hàng loạt bất hợp lý đã
không được đặt ra và nghiên cứu một cách thấu đáo. Dự án này, theo nhiều
chuyên gia kinh tế và khai khoáng, trong đó có cả chuyên gia của Tập
đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), nên dừng lại
càng sớm càng tốt.
Các resort bị thiệt hại nặng do dự án cảng Kê Gà. Ảnh: QUỐC TRIỀU
Đừng đổ tiền vào hang dế
Chuyên gia Kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng chỉ nhìn vào hiệu quả
kinh tế đã thấy rõ sự không hiệu quả của dự án khai thác bauxite ở Tây
Nguyên mà điển hình là chi phí vận chuyển bằng ô tô đòi hỏi vốn đầu tư
quá lớn và hiện đang tàn phá cầu đường, chưa kể đòi hỏi xây dựng cảng
biển rất khổng lồ, nhất là cảng Kê Gà (Bình Thuận) bị loại bỏ, nếu đầu
tư cảng nơi khác thì chi phí đầu tư càng đội lên và việc thua lỗ càng
chồng chất.
“Chấp nhận loại bỏ dự án bauxite ra khỏi Tây Nguyên là việc cần làm,
càng sớm càng tốt” - ông Doanh đánh giá và bày tỏ mong muốn Quốc hội sớm
lập một ủy ban điều tra độc lập đối với dự án bauxite bởi việc điều tra
lại hiệu quả của dự án cần những chuyên gia hàng đầu chứ không thể là
người của Bộ Công Thương hay Vinacomin, thà chịu mất số tiền đầu tư đến
nay còn hơn cố đổ tiền vào một dự án không nhìn thấy thành công.
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng (thuộc
Vinacomin), băn khoăn không biết Vinacomin sẽ có “sáng kiến” đột phá gì
tiếp theo để khỏa lấp lỗ hổng của cảng Kê Gà vì alumin sẽ đi bằng con
đường nào, cảng nào mà vận chuyển bằng ô tô thì cầm chắc lỗ thì nay
đường càng dài, lỗ càng lớn.
“Một công thức bất di bất dịch của ngành kinh tế khai khoáng là vận
chuyển quặng bằng ô tô không thể quá 10 km mới có lãi, kể cả xe tải
trọng lớn; còn trên con số này thì phải vận chuyển bằng đường sắt. Không
ai vận chuyển khối lượng quặng, than nguyên liệu… cả trăm ngàn tấn/năm
trên quãng đường cả trăm km và càng làm thì chỉ có “chết” thêm” - ông
Sơn đánh giá.
Theo ông Sơn, không thể kết hợp một loại xe để chở alumin và than,
nguyên liệu khác vì mỗi loại cần loại xe khác nhau. “Không thể chở bột
ngọt và lúa gạo bằng cùng 1 loại xe vì alumin cần bảo quản như bột ngọt,
còn than thì có thể vận chuyển như lúa gạo” - ông Sơn ví von.
Tiếp tục “mổ xẻ”, ông Sơn nêu thực trạng dự án Tân Rai đi vào hoạt động,
với tổng vốn đầu tư đã được điều chỉnh chỉ dừng lại ở mức 15.600 tỉ
đồng, lãi suất huy động vốn tạm tính 7%/năm, thời gian huy động vốn là
10 năm, trả vào cuối kỳ, riêng chi phí hoàn trả vốn đầu tư (cả gốc và
lãi) đã lên tới 2.220 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó, giá thành alumin xuất
xưởng tại Tân Rai (Lâm Đồng) thấp nhất cũng khoảng 375 USD/tấn. Trong
khi nếu giá nhôm kim loại trên thế giới năm 2013 sẽ đạt mức 2.300
USD/tấn thì giá xuất khẩu alumin của Vinacomin ở ven biển tối đa khoảng
345 USD/tấn.
Như vậy, nếu tính chi phí tiêu thụ (vận chuyển, bốc dỡ, hao hụt) khoảng
25 USD/tấn và thuế xuất khẩu theo quy định là 20% thì mỗi tấn alumin sẽ
lỗ khoảng 124 USD nên tính ra, Vinacomin sẽ lỗ 74,4 triệu USD/năm. Trong
trường hợp được miễn cả thuế xuất khẩu thì mỗi tấn alumin sẽ lỗ ít nhất
55 USD, mỗi năm Vinacomin lỗ ít nhất 33 triệu USD. “Tôi kiến nghị không
chỉ dự án Nhân Cơ mà cả Tân Rai cũng phải dừng lại nếu không muốn đất
nước đổ tiền vào hang dế” - ông Sơn khuyến cáo.
Một chuyến thị sát dự án bauxite Tân Rai của
đoàn công tác Bộ Tài nguyên - Môi trường. Ảnh: TRIỀU NGUYÊN
Alumin đi đường nào?
Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ
GTVT), cho biết không có cảng Kê Gà thì con đường vận chuyển bauxite
trong tương lai sẽ phải dài thêmmột đoạn nữa, ra cảng Vĩnh Tân (huyện
Tuy Phong - Bình Thuận), dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Đường vận
chuyển bauxite ra cảng Vĩnh Tân sẽ dài khoảng 141 km với tổng kinh phí
đầu tư xây dựng dự kiến khoảng 2.840 tỉ đồng.
Theo ông Vinh, việc sử dụng cảng Gò Dầu (Đồng Nai) làm nơi xuất khẩu
bauxite chỉ thuộc giai đoạn 1 của dự án phát triển bauxite Tây Nguyên.
Giai đoạn 2 không dùng cảng Gò Dầu nữa mà sẽ chuyển hẳn sang cảng Vĩnh
Tân và hiện đang được lập phương án cụ thể. Đến nay, Tổng cục Đường bộ
Việt Nam chưa rõ Vinacomin sẽ sử dụng phương tiện vận chuyển là ô tô có
trọng tải 25 tấn hay 40 tấn? Tuy nhiên, phía Vinacomin đã mua hơn 100 ô
tô tải trọng trên 40 tấn phục vụ vận chuyển bauxite.
Điều đó gặp phải phản ứng dữ dội từ phía các địa phương mà đoàn xe này
đi qua bởi trọng tải cầu đường chỉ cho phép xe khoảng 25 tấn. Theo ông
Vinh, Vinacomin đang khó khăn nhưng các con đường nếu sử dụng xe 40 tấn
sẽ gây hư hỏng nên Vinacomin phải đầu tư tiền nâng cấp Tỉnh lộ 769 và
725. Thế nhưng, việc cấp tiền nhỏ giọt của tập đoàn này đã khiến tiến độ
cải tạo đường diễn ra rất chậm.
Theo tính toán của Bộ GTVT, đoạn đường từ Tân Rai ra Quốc lộ 20 do
Vinacomin đầu tư, dự án Quốc lộ 20 do Chính phủ bỏ tiền thông qua hình
thức BT (xây dựng - chuyển giao), Tỉnh lộ 725 do Vinacomin đầu tư, Quốc
lộ 51 Chính phủ đầu tư. Riêng nhiều đoạn đường trong giai đoạn 2, đặc
biệt việc đầu tư đường vận chuyển bauxite từ Nhân Cơ về Tân Rai rồi ra
Quốc lộ 1 để đi xuống cảng Vĩnh Tân, theo ông Vinh, là không đơn giản và
đến nay mới chỉ có phương án chứ chưa ai quyết.
Lập lờ giảm suất đầu tư
Theo TS Nguyễn Thành Sơn, đường vận chuyển có tính sống còn của nền kinh
tế là hướng Bắc - Nam, còn đầu tư cho hướng Đông - Tây chỉ cần mức độ
vừa phải. Vì vậy, việc tập trung đầu tư quá lớn cho các tuyến đường Đông
- Tây nhằm vận chuyển bauxite thì đúng địa chỉ chứ khoác cho cái mũ to
lớn cho kinh tế - xã hội cả nước thì chỉ là trí trá.
Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng Ban Nhôm - Tổng Công ty Khoáng sản
Việt Nam (nay là Vinacomin), cho biết ngay khi nghiên cứu về dự án
bauxite, nhóm khảo sát của ông đã đưa ra cảnh báo về việc phải tính chi
phí làm mới, sửa chữa đường sá vào dự án để đánh giá hiệu quả kinh tế
nhưng những đề xuất đó đã không được lưu tâm.
Trả lời thắc mắc về việc ưu ái dùng tiền ngân sách để làm đường “giúp”
Vinacomin vận chuyển bauxite, ông Phạm Quang Vinh nói không thể bình
luận vì cái đó thuộc thẩm quyền của Chính phủ chứ Bộ GTVT không thể
quyết. “Hiện nhà máy đã xong mà chưa có tiền làm đường. Ban đầu, họ chỉ
nghĩ đường sá đương nhiên xã hội phải phục vụ rồi nên không tính vào chi
phí trong đề án phát triển bauxite”- ông Vinh nói.
Trong cuộc họp báo hồi tháng 12-2011, trả lời câu hỏi
của phóng viên Báo Người Lao Động về việc ưu ái làm đường “giúp”
Vinacomin vận chuyển bauxite, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho
biết nếu bắt tập đoàn này phải bỏ ra số tiền lớn sẽ khiến hiệu quả của
dự án bauxite Tây Nguyên bị phá vỡ. Trước đây, Bộ GTVT đã nghiên cứu và
chỉ ra nếu phải làm đường vận chuyển sản phẩm alumin thì Vinacomin có
thể phải bỏ ra cả ngàn tỉ đồng.
|
Vinacomin hưởng quá nhiều ưu đãi
Ngoài việc được Bộ GTVT “trợ giúp” đắc lực trong việc
lên phương án sửa chữa, nâng cấp cầu đường trên các tuyến vận chuyển
bauxite, Vinacomin được hưởng hàng loạt ưu ái từ Trung ương tới địa
phương.
Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý rót 1.000 tỉ đồng
làm mới 24 km đường phục vụ vận chuyển sản phẩm bauxite, HĐND tỉnh Lâm
Đồng đã thống nhất dự án xây dựng tuyến đường sắt liên tỉnh dài 248,3 km
nối liền Tân Rai với Gia Nghĩa tới cảng Kê Gà để phục vụ khai thác
bauxite và phát triển du lịch, với tổng kinh phí trên 62.682 tỉ đồng.
Mới đây, Vinacomin còn được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài khi
gặp khó khăn về tài chính. Vinacomin và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt
Nam (VietinBank) cũng đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 100 triệu USD
cho dự án đầu tư nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ. Theo đó, VietinBank sẽ
cam kết tài trợ 100 triệu USD, tương đương 2.100 tỉ đồng, cho tập đoàn
này thực hiện dự án. Đây là khoản tín dụng nằm trong gói tín dụng gần
6.000 tỉ đồng mà VietinBank cam kết dành cho Vinacomin... Tuy nhiên, nay
dự án cảng Kê Gà đã bị loại bỏ theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng thì
không hiểu những “ưu ái” có thay đổi?
T.Kha
|
Thế Dũng - Thế Kha
http://nld.com.vn/20130221111339995p0c1002/du-an-bauxite-khong-hieu-qua-thi-nen-dung.htm
_________________________
Tính lại bài toán bauxite
Mai Hà - Quế Hà (Thanhnien) - Nhà
máy alumin Tân Rai sắp đi vào hoạt động chính thức, mà Tập đoàn than -
khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vẫn chưa lên được phương án tối ưu cho
con đường vận chuyển bauxite, trong khi hiệu quả kinh tế gần như là
không có.
|
Không tính chi phí vận chuyển vào dự án là “thiếu sót"
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm - Titan (Vinacomin) cho biết,
hiện tại việc vận chuyển bauxite từ Nhà máy alumin Tân Rai vẫn dựa trên
QL20, QL51, tỉnh lộ 769 về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) do khối lượng vận
chuyển còn thấp. Chi phí vận chuyển bauxite - alumin về cảng Gò Dầu theo
tính toán cũng xấp xỉ nếu vận chuyển về cảng Vĩnh Tân.
Nhưng về lâu dài khi công nghiệp chế biến alumin - nhôm phát triển với
quy mô gấp 10 - 20 lần hiện nay, với việc Nhà máy alumin Tân Rai chính
thức hoạt động cũng như Nhà máy Nhân Cơ được xây dựng và đi vào hoạt
động, việc tính toán con đường vận chuyển bauxite để giảm tải cho con
đường hiện nay là đòi hỏi thiết yếu. Tuy nhiên, với việc đã chọn “sai”
một lần với cảng Kê Gà, việc lựa chọn cảng nào thay thế cần phải được
tính toán cẩn thận.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Đường bộ VN cũng đã tính toán
phương án vận chuyển bauxite qua cảng Vĩnh Tân để so sánh khi phương án
Kê Gà gặp khó khăn. Phương án này có ưu điểm là cảng Vĩnh Tân đang trong
quá trình xây dựng (dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014). Nhưng nhược
điểm là chiều dài tuyến vận chuyển lớn, kinh phí đầu tư cao và tiến độ
lập dự án chậm hơn do phải tiến hành lại các thủ tục từ đầu. Đáng kể
nhất là kinh phí đầu tư nâng cấp các con đường để vận chuyển bauxite về
cảng Vĩnh Tân (tỉnh lộ 714, giao cắt QL1, QL28) sẽ mất khoảng 2.840 tỉ
đồng (so với kinh phí nâng cấp QL20, QL51, tỉnh lộ 769 là hơn 2.000 tỉ
đồng theo dự kiến ban đầu).
Xe “khủng” dùng để chở nguyên liệu sản xuất bauxite
tạo áp lực lớn lên hệ thống cầu đường - Ảnh: Kim Cương
Theo ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan của Vinacomin,
để phát triển nền công nghiệp nhôm của VN không thể không đầu tư vào hạ
tầng. Nhưng với điều kiện sản xuất còn nhỏ bé như hiện nay, gánh nặng
đầu tư là rất lớn. Về cơ bản phải có tuyến đường sắt, vì đường bộ như
hiện nay vận chuyển rất khó khăn, nhưng do chi phí đầu tư lớn nên tới
nay Vinacomin cũng chưa đề cập gì tới việc xây dựng tuyến đường sắt
riêng để vận chuyển bauxite. Từng chủ trì lập nghiên cứu khai thác dự án
bauxite đầu tiên những năm 1998 - 2001, ông Ban cho hay, đã tính toán
chi phí vận chuyển vào hiệu quả kinh tế dự án. Bộ GTVT khi đó yêu cầu dự
án phải đầu tư nâng cấp tuyến đường, nếu không phải xin phép Chính phủ
đầu tư. Nhưng phương án tính toán sau này của Vinacomin đã không tính
thêm chi phí vận chuyển (gồm chi phí nâng cấp, bảo dưỡng đường) vào dự
án. “Thiếu sót này lỗi một phần do người lập dự án, nhưng phần khác do
cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt, ở đây là Bộ Công thương.”, ông Ban
nói.
|
Xuất khẩu được cũng lỗ
Còn theo ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng
bằng sông Hồng (thuộc Vinacomin), việc Tân Rai không chạy đủ công suất
(mới đạt khoảng 20 - 40% công suất) do chưa có đầu ra khiến chi phí khấu
hao tăng, và lỗ cũng tăng tương ứng. Giá thành alumin xuất xưởng tại
Tân Rai nếu đạt 100% công suất cũng phải xấp xỉ 375 USD/tấn. Nhưng thông
tin mới đây từ Vinacomin cũng cho hay, dự kiến cả năm 2013 Tân Rai sẽ
sản xuất được 300.000 tấn alumin (tức mới đạt 50% công suất thiết kế là
600.000 tấn/năm), chủ yếu dành cho xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia.
Nhưng do giá xuất khẩu theo đàm phán chỉ đạt 340 USD/tấn nên dù xuất
khẩu vẫn lỗ.
Theo ông Sơn, với việc phải điều chỉnh lại phương án vận chuyển bauxite,
cần rà soát lại tổng thể hiệu quả của cả 2 dự án là Tân Rai và Nhân Cơ,
đặc biệt là Nhân Cơ. “Phương án cảng Kê Gà theo tính toán là phương án
rẻ nhất về vận chuyển đã không còn, thì hiệu quả chung của cả dây chuyền
sản xuất bauxite càng khó đạt như tính toán ban đầu của Vinacomin”, ông
Sơn nói.
Cảng nào thay Kê Gà ?
Ngày 14.6.2012, tại Văn bản số 216/TP-VPCP của Văn phòng Chính phủ,
truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc
nghiên cứu bổ sung phương án vận chuyển alumin từ Nhà máy Tân Rai (Lâm
Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) qua cảng Vĩnh Tân (H.Tuy Phong, Bình Thuận),
khi cảng này đưa vào vận hành đầu năm 2014. Theo đó, đường vận chuyển
bauxite sẽ từ TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) - QL55 (xã Đa Mi) - đường 714 (xã
Thuận Hòa) - đường 711 - QL1 (xã Hàm Đức, đều thuộc H.Hàm Thuận Bắc,
Bình Thuận). Từ đây, bauxite theo QL1 ra cảng Vĩnh Tân (dài khoảng 80
km). Theo một cán bộ Phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT Bình
Thuận) thì phương án này khó khả thi. Chỉ tính từ QL55 ra đến QL1 đã có
đến 12 cây cầu yếu, trọng tải chỉ dưới 10 tấn. Trong khi đó xe chở
bauxite có tải trọng trên 30 tấn. "Nếu đi theo con đường này (với lưu
lượng vận chuyển bauxite 30 phút/chuyến xe) thì sẽ làm hỏng nát hệ thống
đường sá mà Bình Thuận đã đầu tư", cán bộ này nói.
Nên tạm dừng dự án Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay và thực lực của một tập đoàn nhà nước như Vinacomin thì cách tốt nhất là tạm dừng dự án khai thác bauxite Tân Rai (Lâm Đồng). Xét thuần túy về khía cạnh kinh tế, tôi nhận thấy rằng, Vinacomin không đủ nguồn lực để thực hiện dự án. Vinacomin đã không trung thực trong bài toán kinh tế bằng cách gạt một số hạng mục đầu tư ra ngoài để khẳng định, nếu làm sẽ có lãi. Nhưng lúc bắt tay vào triển khai, Vinacomin lại đòi hỏi nhà nước phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường sá để vận chuyển sản phẩm ra cảng phục vụ xuất khẩu. Đó là cách tính toán rất “cùn” trong kinh doanh, bởi khi đầu tư dự án, nhà đầu tư phải tính cả chi phí vận chuyển chứ không thể bỏ ra ngoài như Vinacomin. Chưa nói xuất khẩu sản phẩm của dự án lại phụ thuộc vào một thị trường, thì hiệu quả kinh tế cũng rất bấp bênh. Tóm lại, dự án không thể đem lại hiệu quả kinh tế... Cho nên, tạm dừng triển khai dự án cũng là cách hạn chế thiệt hại, bởi nếu tiếp tục làm, khả năng thiệt hại về kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Còn dừng lại đến bao giờ thì hãy để thời gian trả lời, khi thế hệ con cháu mai sau có khả năng về quản trị tốt hơn, cách thức tổ chức nền kinh tế tốt hơn hoặc thực lực của nền kinh tế mạnh hơn... sẽ tiến hành làm. Một khoản tiền đầu tư lớn của nhà nước đã đổ vào dự án. Có thể tính được những thiệt hại tiếp theo nếu vẫn cứ triển khai dự án theo phương án hiện nay. Mặt khác, tạm dừng để xem xét lại đồng nghĩa với lòng tin được củng cố. (Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN) |
Cầu sập ai chịu trách nhiệm ? Trước thông tin Chính phủ quyết định dừng xây dựng cảng Kê Gà, thì Đồng Nai lại càng thêm lo lắng trước áp lực vận chuyển bauxite khi hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Trước đây, trong khi chờ đợi xây dựng cảng Kê Gà, thì Vinacomin tính toán sẽ vận chuyển bauxite từ Tân Rai (Lâm Đồng) về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) theo lộ trình dài 210 km: Từ tỉnh lộ 725 - QL 20 - tỉnh lộ 769 - QL51 ra cảng Gò Dầu. Đầu tháng 1.2012, làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, Vinacomin thông báo, 6 tháng đầu năm 2013, khi nhà máy hoạt động hết công suất thì mỗi ngày có khoảng 300 chuyến xe (khoảng 40 tấn/xe - PV) vận chuyển sản phẩm từ Lâm Đồng xuống cảng Gò Dầu. Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lo ngại vì toàn tuyến có 16 chiếc cầu yếu, trong đó dài nhất là cầu La Ngà (ảnh) và cầu này chỉ có tải trọng 25 tấn. Còn đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công an Đồng Nai cho biết, CSGT đã lập biên bản một số xe chở than lên nhà máy bauxite do có trọng tải lên đến 43 tấn, gần gấp đôi sức chịu của cầu La Ngà. “Cầu La Ngà này đã đứt dây cáp một lần, nếu tiếp tục cho xe quá tải qua, sập cầu, ai chịu trách nhiệm?” - đại tá Mạnh nói.
Kim Cương
|
-______________________________
Bauxite Việt Nam gặp khó
Thế Dũng (NLĐ) - Theo
lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, sản xuất
alumin hiện chưa có lãi. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng với giá
xuất hiện nay, xuất khẩu alumin là cầm chắc thua lỗ.
“Với sự trầy trật của Tân Rai, nay lại thêm dự án cảng Kê Gà phải dừng thì dự án nhà máy alumin Nhân Cơ nên đóng cửa hẳn dù đã đầu tư cũng phải chịu.
Mới đây, Viện CODE - Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, sau
khi khảo sát sản xuất alumin tại Tây Nguyên mà tôi có trực tiếp tham
gia, đã khuyến cáo Vinacomin cần đề nghị Chính phủ cho dừng triển khai dự án Nhân Cơ cho đến khi kết thúc việc thí điểm Tân Rai” - TS Nguyễn Thành Sơn khẳng định.
*
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa công bố
về sản lượng sản xuất alumin tại Nhà máy Bauxite Tân Rai (Lâm Đồng)
trong năm 2013, trong đó sẽ xuất khẩu một phần lớn.
Nhà máy alumin Tân Rai chuẩn bị xuất mẻ hàng đầu tiên. Ảnh: CAO NGUYÊN
Hiệu quả mù mờ
Phó Tổng Giám đốc Vinacomin Trần Văn Chiều vừa cho biết cuối tháng
12-2012, Nhà máy Bauxite Tân Rai đã cho ra lò mẻ alumin đầu tiên và dự
kiến trong 6 tháng đầu năm 2013, nhà máy sẽ đi vào vận hành ổn định.
Theo ông Chiều, dự kiến cả năm 2013 sẽ sản xuất 300.000 tấn alumin,
trong đó dành phần lớn để xuất khẩu và khách hàng chủ yếu là Trung Quốc,
Malaysia. “Với giá xuất khẩu 340 USD/tấn theo kết quả đàm phán mới đây thì Vinacomin vẫn chưa có lãi. Nếu điều kiện thuận lợi thì sang năm 2014 việc xuất khẩu alumin mới bắt đầu có lãi” - ông Chiều nói.
Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng). Ảnh: CAO NGUYÊN
Tuy nhiên, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, Tổng Giám đốc
Vinacomin Lê Minh Chuẩn cho biết đến thời điểm này vẫn chưa xuất khẩu
alumin mà còn trong quá trình đàm phán. Còn theo ông Nguyễn Thanh Liêm,
Trưởng Ban Nhôm - Titan của Vinacomin, hiện Vinacomin ký hợp đồng bán
hàng qua các nhà thương mại, sau đó họ bán cho khách hàng sử dụng nhưng
không nắm rõ là ai, ngoài ra có bán cho một số khách hàng Trung Quốc. “Hiện giá xuất khẩu là 330 USD - 340 USD/tấn. Mức giá này nhìn nhận là lãi hay lỗ còn căn cứ trên cơ chế, chính sách. Hiện một số đơn hàng có giá bán là tại nhà máy, còn sau này là giá FOB” - ông Liêm phân trần.
Trước đó, trả lời báo chí, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin Trần Xuân Hòa bộc bạch: “Tân Rai là dự án bauxite đầu tiên mà tập đoàn thực hiện nên phải làm rồi mới biết đến năm nào thì có lãi chứ khó có thể khẳng định năm nào mới hết lỗ.
Nếu đòi hỏi năm đầu tiên dự án có lãi ngay thì không nước nào trên thế
giới tính được. Ở đây phải nhìn nhận cả đời dự án. Đối với những dự án
đầu tư ở vùng sâu, vùng xa thì còn phải được đánh giá cả những đóng góp
đối với xã hội”.
Nhìn nhận về mẻ alumin đầu tiên ra lò, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc
Công ty Năng lượng sông Hồng (thuộc Vinacomin), chuyên gia kỳ cựu của
Vinacomin, cho rằng với giá bán 340 USD/tấn alumin thì không đạt mục tiêu ban đầu đề ra và giá này thì Vinacomin nắm chắc lỗ lớn. Trung Quốc là khách hàng lớn mua alumin, còn Malaysia thì sức mua có hạn. “Với
giá 340 USD/tấn là ở cửa nhà máy hay tại cảng biển thì sẽ rất khác nhau
vì nếu ở cửa nhà máy thì giá đó còn lỗ ít nhưng nếu ở cảng thì lỗ rất
nhiều vì chi phí vận chuyển quãng đường 260 km là không nhỏ, chưa kể nhà
máy hoạt động dưới công suất 600.000/tấn năm thì thua lỗ là cái chắc.
Nếu dành phần lớn để xuất khẩu trong năm nay mà tập đoàn tuyên bố cũng
khó khả thi” - ông Sơn băn khoăn.
Đóng cửa dự án Nhân Cơ?
Mới đây, tại cuộc làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố không xây dựng cảng Kê Gà
tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam - Bình Thuận. Sau gần 5 năm, với 4
lần tuyên bố khởi công rồi dừng lại, dự án cảng Kê Gà do Vinacomin làm
chủ đầu tư đã chính thức khép lại.
Ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết trước quyết định của Thủ tướng, Vinacomin
sẽ phải xem xét lại dự án bauxite Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông). “Căn cứ
vào sản lượng dự án bauxite Nhân Cơ thì việc đầu tư cả một cảng lớn, hạ
tầng đường sá trong bối cảnh hiện nay cần phải được tính toán một cách
tổng thể” - ông Liêm phân tích.
TS Nguyễn Thành Sơn khẳng định: “Với sự trầy trật của Tân Rai, nay
lại thêm dự án cảng Kê Gà phải dừng thì dự án nhà máy alumin Nhân Cơ nên
đóng cửa hẳn dù đã đầu tư cũng phải chịu. Mới đây, Viện CODE - Liên
hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, sau khi khảo sát sản xuất
alumin tại Tây Nguyên mà tôi có trực tiếp tham gia, đã khuyến cáo
Vinacomin cần đề nghị Chính phủ cho dừng triển khai dự án Nhân Cơ cho
đến khi kết thúc việc thí điểm Tân Rai”.
Trả lời báo chí về khuyến cáo của CODE, ông Trần Xuân Hòa nói: “Chính
phủ chỉ đạo Vinacomin thực hiện thí điểm 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ,
Vinacomin phải làm theo chỉ đạo. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế khó
khăn nên việc thiếu vốn là tình cảnh chung của nhiều dự án chứ không
riêng dự án bauxite”.
Giá thành cao hơn giá xuất
TS Nguyễn Thành Sơn nhận xét giá trị của Tây Nguyên
là tài nguyên đất, nước và sinh học... Với nguồn vốn tự có này, nếu Tây
Nguyên được quy hoạch tốt sẽ phát triển bền vững mà không cần phải khai
thác bauxite để gây ra nhiều hệ lụy. “Với việc khai thác bauxite không
có lãi, thậm chí lỗ thì chẳng nên làm và sớm hay muộn thì cuối cùng Nhà
nước cũng phải tính đến việc loại bauxite ra khỏi tiềm năng kinh tế của
Tây Nguyên” - ông Sơn nhận định.
Ông Sơn phân tích với 2 dự án bauxite thí điểm là Tân
Rai và Nhân Cơ có thể điều chỉnh vốn lên đến 1,5 tỉ USD nhưng lại đang
bộc lộ quá nhiều vấn đề mà giới khoa học đã cảnh báo như “bùn đỏ”, với
công nghệ xử lý của Trung Quốc đã quá lạc hậu gây ra nhiều hệ lụy.
“Cứ cho Tân Rai đạt 100% công suất thiết kế là
600.000 tấn/năm thì mỗi năm nhà máy sẽ phải sử dụng khoảng 1,2 triệu tấn
bauxite; 0,4 triệu tấn than cám (giá tại Quảng Ninh khoảng 1,6 triệu
đồng/tấn); 0,2 triệu tấn than cục (giá tại Quảng Ninh khoảng 4 triệu
đồng/tấn); 0,1 triệu tấn hóa chất và đá vôi… Tính sơ lược, tổng chi phí
vận hành nhà máy đã là 2.500 tỉ đồng/năm và giá thành alumin xuất xưởng
tại Tân Rai tối thiểu phải là 375 USD/tấn. Theo giá xuất hiện nay, mỗi
tấn alumin lỗ trên dưới 40 USD.
|
Thế Dũng
http://nld.com.vn/20130220105359780p0c1002/bauxite-viet-nam-gap-kho.htm
__________________
Cái khó ló cái đúng
Li Ti (Songmoi)
- Cầm chắc lỗ, chưa lên được phương án vận chuyển tối ưu, dự án khai
thác bauxite tại Tây Nguyên bán cho nước ngoài đang gặp vô vàn khó khăn.
Theo thông tin được Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đưa ra
mới đây, Nhà máy bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) dự kiến sản xuất 300.000
tấn alumin trong năm 2013, xuất khẩu với giá khoảng 340 USD/tấn.
“Với giá 340 USD/tấn theo kết quả đàm phán mới đây, Vinacomin vẫn chưa
có lãi”, Phó Tổng Giám đốc Trần Văn Chiều cho biết. “Nếu điều kiện thuận
lợi, sang năm 2014 việc xuất khẩu alumin mới bắt đầu có lãi”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án
than đồng bằng sông Hồng (thuộc Vinacomin), hiện Tân Rai chưa chạy hết
công suất (300.000 tấn/năm tương đương với 50% công suất thiết kế) do
chưa có đầu ra nên làm tăng chi phí khấu hao, kéo theo đó tăng lỗ tương
ứng. Ông Sơn tính toán, nếu đạt 100% công suất, giá thành alumin xuất
xưởng tại Tân Rai cũng vẫn xấp xỉ 375 USD/tấn. Có nghĩa bán hết 600.000
tấn thì lỗ khoảng 21 triệu USD/năm. Nếu cộng cả chi phí vận chuyển, bốc
dỡ và thuế xuất khẩu (theo quy định là 20%), con số này có thể tăng gấp
rưỡi.
Công nhân Trung Quốc trên công trường nhà máy bauxite Tân Rai. Ảnh: SGTT
Trong lần trả lời báo chí hồi tháng 10/2012, Chủ tịch Hội đồng thành
viên Vinacomin Trần Xuân Hòa thổ lộ rằng “chưa thể khẳng định năm nào sẽ
có lãi” vì Tân Rai là dự án bauxite đầu tiên của tập đoàn.
Điều này càng khiến cho người ta phải băn khoăn, bởi nếu không vì lợi
nhuận thì tiến hành dự án khai thác bauxite, bị phản đối kịch liệt từ ý
tưởng do các tác hại khôn lường của nó, để làm gì.
Đáng ngạc nhiên là Vinacomin bắt tay vào một dự án có sự ảnh hưởng lớn
đến cả môi trường và an ninh ở một khu vực quan trọng như Tây Nguyên mà
lại không thể tính toán nổi làm thế nào để có lãi.
Vinacomin vốn nổi tiếng là xúc tài nguyên lên bán mà vẫn lỗ. Năm 2011,
tập đoàn này lỗ 3.000 tỷ đồng vì bán than cho các nhà máy điện thấp hơn
giá thành, còn tháng 8 năm 2012, Vinacomin ước tính lỗ hơn 8.000 tỷ
đồng. Tuy lý do là phải bán dưới giá thành cho các nhà máy điện, nhưng
theo nhiều ý kiến, nguyên nhân chính nhất là chi phí sản xuất than của
Vinacomin quá cao, cho dù vốn đầu tư chỉ là công cụ khai thác và bán bao
nhiêu thu lời bấy nhiêu.
Cũng chính vì thế mà vào tháng 12 năm ngoái, Standard & Poor’s đã hạ
mức tín dụng dài hạn của Vinacomin từ BB- xuống B+, với lo ngại về rủi
ro tài chính bởi tập đoàn này có các kế hoạch đầu tư lớn trong khi lợi
nhuận từ than giảm mạnh. Ước tính của Standard & Poor’s cho thấy,
Vinacomin sẽ sử dụng khoảng 10.000-11.000 tỷ đồng mỗi năm giai đoạn
2012-2014 để hoàn thành các dự án năng lượng, nhôm và khai khoáng…
Trong số này, lớn nhất là hai nhà máy alumin và cảng Kê Gà dùng để vận
chuyển sản phẩm ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhà máy alumin thứ nhất là Tân
Rai bị trễ tiến độ hai năm, còn cảng Kê Gà vừa bị Thủ tướng Chính phủ
ra quyết định dừng lại, với lý do địa điểm xây dựng rơi vào “tọa độ
chết” và phương án vận chuyển alumin theo đường này không mang lại hiệu
quả.
Hiện tại, phương án vận chuyển bauxite phù hợp cũng chưa có. Phương án
đang được nghiên cứu là đi qua cảng Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình
Thuận). Có thuận lợi là cảng này dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Tuy
nhiên sẽ cần đầu tư khoảng 2.840 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường từ Lâm
Đồng đến cảng. Còn nếu đi theo con đường hiện nay, từ Lâm Đồng tới cảng
Gò Dầu (Đồng Nai) cũng cần tới 2.000 tỷ đồng nâng cấp đường sá, nhưng
phương án này bị cho là không phù hợp khi sản lượng alumin tăng lên tối
đa.
Trong bối cảnh đó, một số ý kiến đã đề xuất dừng dự án bauxite thứ hai
là nhà máy alumin Nhân Cơ. Ông Nguyễn Thành Sơn khẳng định: “Với sự trầy
trật của Tân Rai, nay thêm cảng Kê Gà phải dừng, thì dự án nhà máy Nhân
Cơ nên đóng cửa hẳn dù đã đầu tư cũng phải chịu”. Theo ông Thành, Viện
CODE thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam mới đây đã khảo
sát sản xuất alumin tại Tây Nguyên và đưa ra khuyến cáo Vinacomin đề
nghị Chính phủ cho dừng triển khai dự án Nhân Cơ cho đến khi kết thúc
thí điểm nhà máy Tân Rai.
Dừng dự án cảng Kê Gà chắc chắn khiến chủ đầu tư Vinacomin mất một số
tiền lớn vì phải đền bù đất thu hồi trước đây mà không làm gì (dẫu việc
các dự án du lịch bị thu hồi được đền bao nhiêu chưa ai dám chắc). Tuy
nhiên, số thiệt hại này không thể so với việc tiếp tục dự án xây cảng có
tổng giá trị hơn 20.000 tỷ đồng.
Trong bài viết “Đối diện với sự thật” ngày 21/2, báo Thanh Niên đánh giá
quyết định dừng dự án cảng Kê Gà tốn kém mà không hiệu quả “là một
quyết định cực kỳ dũng cảm”, đòi hỏi bản lĩnh của nhà quản lý, của người
lãnh đạo.
Tất nhiên, không phải cứ sai rồi sửa là hay, bởi tiền bạc từ ngân sách
nhà nước là mồ hôi nước mắt của người dân. Nhưng mới chỉ cần thừa nhận
sai lầm thôi đã có thể tránh được thiệt hại lên tới cả tỷ USD. Và liệu
đã có phải là tín hiệu cho thấy bài học Vinashin sẽ không lặp lại ở các
lĩnh vực khác, ít nhất là với alumin và Tây Nguyên?
Theo Thanh Niên, Người lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm