Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Lý do Tổng lãnh sự Mỹ Lê Thành Ân thăm "Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa"

 quehuongngaymai.com/forums

Trùng tu Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa
14-3-2013


LTS - Mới đây, ông Nguyễn Ðạc Thành có mặt tại Việt Nam để lo trùng tu Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Ông là cựu thiếu tá QLVNCH, cựu tù cải tạo sau năm 1975, và là chủ tịch sáng lập Vietnamese American Foundation (VAF), một tổ chức chuyên đi tìm mộ tử sĩ QLVNCH, có văn phòng tại Houston, Texas. Ông đã cùng một số giới chức cao cấp Việt Nam và Hoa Kỳ đến thăm nghĩa trang và thắp nhang cho hơn 16,000 anh linh tại đây. Sau đây là cuộc phỏng vấn của nhật báo Người Việt với ông về chuyện này.


Người Việt (NV): Xin chào ông. Trong thời gian ông ở Việt Nam, mục tiêu của ông là làm những gì?

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Mục tiêu của chúng tôi là đưa hài cốt của những anh em tù cải tạo về với gia đình và đưa hài cốt của những anh em đã mất tích trong chiến tranh, bởi vì 37 năm tất cả các bên đều đưa những hài cốt tử sĩ của họ về, còn binh sĩ của mình thì vì hoàn cảnh hết sức là đặc biệt còn nằm ở trong rừng.



Ông Lê Thành Ân (trái), tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn, và ông Nguyễn Ðạc Thành, chủ tịch VAF, thắp nhang tại đài tưởng niệm ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. (Hình: VAF)



Ðó là điều rất là đau lòng, cho nên chúng tôi đứng lên cáng đáng công việc là vì đồng đội. Chúng tôi muốn đưa họ về đó là mục đích thứ nhất.


Mục đích thứ hai là người lính miền Nam Việt Nam, sau cuộc chiến người ta đã chết rồi thì chỉ còn cái nghĩa trang duy nhất là Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, mà cũng bị đe dọa và người chết nằm cũng không yên tâm mà đi về cõi vĩnh cữu. Cho nên, chúng tôi cũng muốn và đây là điều mà anh em chúng tôi trong QLVNCH đều tha thiết, đều muốn là nghĩa trang được bảo tồn, được sửa sang và người nằm ở đó được yên tâm đi về miền vĩnh cữu.


Tôi hết sức cố gắng đưa nguyện vọng đó, đưa ý kiến đó cho chính quyền Việt Nam và chúng tôi cũng đưa nguyện vọng đó cho chính quyền Hoa Kỳ với vị trí của chúng tôi là người Mỹ gốc Việt, và những người nằm ở đó là thân nhân của người Mỹ gốc Việt, để kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ, vì đây là chương trình nhân đạo, hoàn toàn nhân đạo, và chính phủ Hoa Kỳ cũng lưu tâm, mặc dù đây không phải là chính sách của họ.


Họ lưu tâm vì đây là việc nhân đạo cho nên họ giúp, họ ủng hộ, thì đây là việc hết sức là tế nhị. Tôi không thể nói là chính phủ Hoa Kỳ đã theo chính sách của người ta hay chính quyền Việt Nam như thế nào hết. Tôi chỉ biết rằng hai Bộ Ngoại Giao đã ủng hộ chúng tôi trong chương trình nhân đạo mà thôi.


NV: Cho đến giờ phút này, theo tôi biết, với dự án đầu tiên, trong bao nhiêu năm qua, ông đã lặn lội về Việt Nam nhiều lần, cũng đưa được một số hài cốt sang đây, cũng giúp một số thân nhân bốc hài cốt, coi như công việc đó của ông rất đáng kể và được rất nhiều người biết. Còn dự án thứ hai của ông là Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, và như ông nói vừa rồi là được hai bên ủng hộ. Vậy thì đến giờ phút này, mình đã làm được những gì, thưa ông?


Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Ðối với chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương, chúng tôi đã vận động từ lâu rồi, và đã được bên chính phủ Việt Nam và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lưu ý, và họ cho rằng đây là việc nhân đạo, đáng giúp đỡ, nên họ giúp đỡ, và chúng tôi đã đưa họ một lá thư gửi qua bên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, trước khi ông Nguyễn Thanh Sơn (thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam) qua Mỹ ngày 15 Tháng Mười, 2012.


Chúng tôi đưa cho chính phủ Việt Nam một cái sơ đồ, một bản vẽ, chúng tôi muốn tu bổ và đồng thời chúng tôi nói lên lý do xin tu bổ và trách nhiệm của chúng tôi xin tu bổ, thì bên chính phủ Việt Nam đã nhận tài liệu của tôi. Ông Sơn qua để họp với chúng tôi và trả lời, thảo luận với chúng tôi trong việc tu bổ nghĩa trang, thì ngày đó ông cho biết rằng ông nhận những thỉnh nguyện, những lời yêu cầu của mình và đồng thời ông nói rằng hoàn toàn ủng hộ. Nguyên tắc là ủng hộ đó, để ông về bên Việt Nam thảo luận với các bộ ngành để mà trả lời cho tôi.


Sau đó chúng tôi được biết ông Nguyễn Thanh Sơn nói rằng chính phủ đã chấp thuận, bên đó mời tôi về để cùng tu bổ, một số anh em bên Biên Hòa đã mời tôi về, tôi nói rằng đợi sự chấp thuận của bên chính phủ.


Bản vẽ của tôi đã gửi lên đó và xin tu bổ thì chính quyền Bình Dương đã làm đúng theo kế hoạch của tôi và đúng theo bản vẽ của tôi. Những việc còn lại thì đến phiên VAF chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm tu bổ tiếp tục. Ðó là lý do mà ông Nguyễn Thanh Sơn và ông Lê Thành Ân (tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn) đã cùng với tôi lên trên Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa để xem lại những nơi nào mà tôi yêu cầu, tôi đề nghị xin sửa tiếp, để chấp thuận cho tôi bỏ công sức vô để mà trùng tu nghĩa trang.


Sự xuất hiện vừa rồi đã gây cho một số người quá bất ngờ thiện chí của chính phủ Việt Nam. Người ta không thể nghĩ rằng chính phủ Việt Nam có thể làm như vậy. Tôi không có thông báo trước những diễn tiến xảy ra. Sự xuất hiện của ông Nguyễn Thanh Sơn đó là một bất ngờ, cho nên có những suy nghĩ quá gay gắt, cho rằng chính phủ Việt Nam không thể có những thiện chí như vậy.


Thực sự nó đã xảy ra, cho nên rất là khó cho chúng tôi để mà tin ai, nếu mà chúng tôi nói sự thật, thì đồng bào nói rằng là tôi bây giờ theo Nghị Quyết 36, còn nếu tôi không nói sự thật thì phía Việt Nam nói rằng tôi đi làm chính trị. Cho nên đây là việc làm rất là, rất là... khó khăn.


Nếu bà con bên đây không tỏ thái độ ủng hộ chương trình thì có lẽ chương trình bị ngưng, và nếu ngưng thì những người gây ra cái khó khăn này chịu trách nhiệm với những người đã nằm xuống, và trách nhiệm nữa mà tôi muốn báo, đó là những người trong quân đội đã từng thao thức, đã từng mong muốn đồng đội mình có một chỗ nằm, có một nơi an nghỉ và bảo vệ nghĩa trang Biên Hòa. Khi bên chính phủ Việt Nam họ tỏ thiện chí, họ cho phép như vậy, mà mình không lên tiếng để mà chấp nhận tu bổ, mà lại âm thầm làm thinh, là không có trách nhiệm, lại lên tiếng chửi bới um sùm thì chương trình bị ngưng, thì đó là lỗi của anh em, lỗi của mọi người chứ không phải lỗi của ai khác.


NV: Cho đến giờ phút này, mình xây được phần nào, tới đâu rồi, ông có thể nói sơ sơ được không?

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Từ 40-50%. Những cây lớn đã nhổ đi hết rồi, những con đường đã xây rồi, và trồng bông như chúng tôi muốn. Thứ nhất, vòng tròn, vành khăn tang đó, chúng tôi muốn làm sạch và đắp những chỗ bị bể lại như mới. Thứ hai, chúng tôi muốn lót gạch con đường đi vòng tròn của đài tưởng niệm và cái chỗ vòng tròn của hai con đường đi đều lót gạch và đồng thời trồng bông cho có vẻ khang trang, như những nghĩa trang khác, để cho anh em nằm ở đó cảm thấy vui là vì sự hy sinh của mình, mọi người còn nhớ đến, và đã cho mình một nơi an nghỉ đàng hoàng.

Tôi muốn mọi việc nói lên một cách trung thực, không có nói gì đi ra ngoài cái việc nhân đạo nữa, vấn đề chính trị xin bỏ qua một bên, anh em muốn đấu tranh gì thì cứ đấu tranh, nhưng dành cho người nằm xuống có một cơ hội, một cái chỗ nằm để cho họ an giấc ngàn thu.


NV: Thưa ông, như vậy đài tưởng niệm nằm ở chỗ nào? Có phải nằm ở chỗ cũ ngay Nghĩa Dũng Ðài không, hay nằm ở chỗ mới?


Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Nghĩa Dũng Ðài không xây, tôi nói với anh là tôi không làm cái gì mới hết, tất cả đều phải nguyên trạng như cũ, chỉ có một cái xây là chính cái khu mộ, tám cái khu mộ là có 8 cái bàn thờ, có 8 cái bàn, là để bà con tới đó đặt hoa quả để khấn vái, là vì 8 cái khu mộ có những chỗ xa đài tưởng niệm, đi cả ngàn thước, mà đi vòng vo tam quốc như vậy làm mất thì giờ bà con. Cho nên, phía Bình Dương người ta xây mỗi đầu khu mộ như vậy có một cái bàn thờ để cho bà con cúng vái này kia. Bởi vì tôi nói rằng, khi tôi vô nghĩa trang Biên Hòa, không có chỗ để hoa quả mà để dưới đất, mà dưới đất là sâu rọm không. Việc này tôi rất là đau lòng, bên phía Việt Nam thấy đúng nên họ làm cho mình. Vậy thôi, ngoài ra không có thay đổi gì cả.



Ông Nguyễn Ðạc Thành (thứ hai từ trái) và Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Sơn (thứ ba từ trái) và một số người thắp nhang tại đài tưởng niệm ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. (Hình: VAF)


NV: Thưa ông, một vấn đề nữa là thân nhân của 16,000 tử sĩ nằm trong nghĩa trang họ cũng quan tâm, đó là lâu nay, khi họ muốn về làm mộ hoặc sửa mộ hay là vô thắp nén nhang, thỉnh thoảng cũng bị gặp khó khăn, công an địa phương hay là những người ở đó họ vòi tiền này kia, vậy cái này nó có nằm trong dự án của VAF của ông không? Nghĩa là yêu cầu những người địa phương trong tương lai họ dễ dãi hay là không làm khó bà con, cái đó có trong chương trình không thưa ông?

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Tôi xác định với anh, khi họ về thăm, họ không có bị làm tiền. Trước khi làm, tôi có đi vô đó với tính cách một người thường, không ai biết tôi cả. Khi vô, họ nói tôi phải ghi tên để vô thăm nghĩa trang, thì tôi nói đại tên ông A, B, C gì đó thì đi vô thôi, không có nạp tiền nào, bởi vì có những người đã nói dối trong đó rồi để lấy tiền thân nhân. Nói phải nạp tiền chỗ này, phải nạp tiền chỗ kia để mà đi vô thăm. Cái đó là tôi không biết, bởi vì tôi không có bị, chứ tôi nói không có, người khác nói có thì tôi không có trả lời được.

Cho nên, tôi với một vài người nữa không có bị, nhưng mà chỉ có bị biểu ghi tên là cái thứ nhất. Thứ hai nữa là trong khoảng thời gian người ta đang tu bổ nghĩa trang Biên Hòa, đài tưởng niệm, thì luôn luôn có công an túc trực, không ai bén mảng tới đó hết, để người ta thi công, đó là việc của chính quyền, rồi sau đó đi thăm những chỗ khác thì họ cũng cho thăm.


Việc giới hạn chụp hình thì tôi không có ý kiến. Nhưng sau khi làm xong đài tưởng niệm rồi thì vấn đề này tôi cũng sẽ thảo luận với bên phía chính phủ để khi người ta vô thăm, hay tham quan, người ta chắc chắn là không có trở ngại. Tại sao? Vì chính phủ Mỹ và các phái đoàn nước ngoài sẽ về thăm nghĩa trang Biên Hòa, vì việc tu bổ nghĩa trang Biên Hòa này nó đã được công bố ra thế giới rồi, nước nào cũng biết và mọi nơi cũng biết hết.


Người ta rất hoan nghênh việc tu bổ nghĩa trang Biên Hòa thì chính phủ Việt Nam cũng rất là vui vẻ, là theo tôi nghĩ thôi. Vô thăm không có vấn đề hạn chế đâu. Mình cứ đưa vấn đề chính trị vô nghĩa trang Biên Hòa, rồi mình lợi dụng để mình chửi, nói này nói kia, thì đương nhiên, nếu mình là người cầm quyền trong nước, mình cũng khó chịu, và mình cũng có thái độ thôi. Mình phải nói công bằng vậy thôi.


Thiện chí mà bị lợi dụng thì ai mà chấp thuận cho đành. Nếu mình là chính phủ Việt Nam, mình cho vô thăm như vậy, mình cho rồi mình nhận được cái sự chửi bới thì làm sao mình cho nữa. Tôi nói đó là với sự công bằng, tôi không sợ ai chỉ trích cả, vì mình làm công việc không đúng mình chửi không đúng, mình phê bình cái gì người ta không đúng, còn cái gì người ta đúng thì mình phải nói cho đúng, chứ mình gom những cái này vô cái kia để mình chửi, người ta làm sao tiếp tục cho mình. Ðó là lời tôi muốn nói như vậy.


NV: Trước đây, trong hồ sơ Wikileaks của Bộ Ngoại Giao Mỹ có nhắc đến Thượng Nghị Sĩ Jim Webb (Dân Chủ-Virginia) khi ông về Việt Nam cách đây khoảng 8 năm, ông có đề cập đến vấn đề này với ông Nguyễn Tấn Dũng, cũng như một số người lãnh đạo bên Việt Nam. Trong dự án này của ông có sự tham dự của những người khác không, hay chỉ có VAF? Thí dụ như ông Jim Webb, hay những ai khác?


Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Tôi xin nói với anh, đây là một tập hợp của nhiều người, của nhiều nơi, đã đưa ý kiến lên chính quyền Việt Nam, chứ không phải chỉ một mình VAF đâu. Từ năm 2007 đến bây giờ, VAF đi mạnh dạn, đi thẳng vô vấn đề và đi trực tiếp vô vấn đề chứ không có nói như trên báo chí, bởi vì có một số người, chỉ nói trên báo chí thôi, nhưng không có trực tiếp đi về nói chuyện, đưa lên những ý kiến của mình.


Phải mặt đối mặt để nói chuyện, mà mặt đối mặt này không phải là tôi tài ba, mà là có sự giúp đỡ, như tôi đã nói đây là vấn đề nhân đạo, những người Mỹ họ rất tôn trọng vấn đề nhân đạo, do đó, với tính cách cá nhân, họ đã ủng hộ tôi, giúp tôi, họ đã làm công việc này gần như là có một sự ủng hộ mạnh dạn.


Trong nước cũng có những người có thiện chí, cho nên có những sự giúp đỡ đó. Ðặc biệt là ông Jim Webb, năm 2008, đã trực tiếp với chúng tôi để làm công việc này. Ông là người chúng tôi rất kính trọng, tôi đã 3-4 lần lên họp với ông, để mà nói lên công việc để tu bổ nghĩa trang Biên Hòa.



NV: Xin hỏi ông một chuyện nữa là, dù mình không nói chính trị, nhưng mà việc ông Nguyễn Thanh Sơn, một thứ trưởng ngoại giao, đến Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, rồi sự kiện ông Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Lê Thành Ân đến nghĩa trang, coi như là hai người đại diện cho hai chính quyền Việt Nam và Mỹ, vậy mình có thể hiểu là công việc này được cả hai chính phủ ủng hộ không?

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Tôi nói với anh, đối với người Mỹ, đây không phải là chính sách chính của họ, bởi vì có nhiều vấn đề phiền toái lắm, không có thể nói được. Tuy nhiên, sự hiện diện của họ đã nói lên cái sự quan tâm của chính phủ trong vấn đề nhân đạo. Tôi xin nói rõ, đây là sự quan tâm của chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam trong vấn đề nhân đạo, mà họ cho rằng đây là vấn đề nên làm, chứ không phải vì chính trị, cho nên, phải hiểu rõ, đây là vấn đề ủng hộ nhân đạo mà thôi.


Sự hiện diện của họ nói lên sự ủng hộ của chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam đối với VAF. Công việc này nó rất là tế nhị vì nếu không khéo người ta sẽ hiểu lầm bởi vì chính sách của Mỹ không có vấn đề nói về nghĩa trang Biên Hòa là phải như thế này, phải như thế kia. Ðây là một nhu cầu của những người Mỹ gốc Việt đã nêu lên, những người Mỹ gốc Việt này là cựu quân nhân VNCH. Chính vì có sự liên quan như vậy nên người ta cứ đặt vấn đề chính trị vô trong này thì tôi cho rằng đặt chính trị vô trong này là không đúng.


Việc ông Nguyễn Thanh Sơn có mặt đã nói lên tính nhân đạo, ông đã ủng hộ, ông ủng hộ công việc nhân đạo, chứ không ủng hộ vấn đề chính trị. Phía Mỹ cũng vậy, người ta ủng hộ để cho người chết có một nơi an nghỉ, đừng có méo mó, đừng có đưa vấn đề này qua vấn đề kia, làm cho công việc của anh em chúng tôi bị ngưng đọng, làm cho 16,000 anh em lo lắng không biết chỗ nằm có yên hay không.


NV: Dự định của VAF trong những ngày tới sẽ như thế nào? Xin ông có thể cho độc giả nhật báo Người Việt biết được không?

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Chúng tôi trên tinh thần nhân đạo muốn giúp cho thân nhân có một cái an tâm là nghĩa trang Biên Hòa, nói rõ cho anh em, tôi nói nghĩa trang Biên Hòa là nói một cách vắn tắt cái tên quen thuộc của Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa, vì có những người chỉ trích tại sao không nói là Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Vậy xin anh cũng nói cho họ biết là chúng ta đừng có quá chi tiết như vậy, đừng có quá khó khăn như vậy. Ðây là chương trình nhân đạo, khi nói nghĩa trang Biên Hòa thì ai cũng biết đó là Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa.


Tôi tha thiết muốn nghĩa trang được bảo vệ và được làm đẹp như những nghĩa trang khác để cho những người nằm xuống, họ có một nơi an nghỉ mà họ không còn phải lo lắng nữa và chương trình đồng đội của chúng tôi sẽ chấm dứt sau khi nghĩa trang Biên Hòa được tái thiết.


NV: Ông đi đi về về mấy năm qua, có nhiều người cũng như nhiều gia đình thích công việc của ông, và có thể nói là một số gia đình họ mang ơn ông. Nhưng mặt khác, cũng có những người chỉ trích ông cách này cách khác, nhất là chuyện Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Vậy ông có muốn nói gì không?

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Ðạc Thành: Tôi muốn nói tiếng nói lương tâm của con người. Quý vị đấu tranh chính trị như thế nào, chúng tôi rất là trân trọng ý kiến của mọi người, nhưng hiểu rằng, 37 năm qua, người nào cũng tha thiết với cái nơi nằm xuống của 16,000 tử sĩ VNCH, và nghĩa trang Biên Hòa đã bị đe dọa. Ai cũng mong muốn thân nhân mình được bảo vệ và nhất là anh em cựu quân nhân QLVNCH.


Tôi chỉ xin anh em một điều là hãy nghĩ tới sự hy sinh xương máu của những anh em của mình đã ngã xuống và không có một nơi an nghỉ, thì đây là trách nhiệm của mọi người, trách nhiệm của anh em cựu quân nhân, chứ không phải trách nhiệm của riêng ai cả. Trách nhiệm của anh em cựu quân nhân đối với đồng đội của mình khi các anh đã nói ba chữ là “tình đồng đội” và “huynh đệ chi binh” thì xin hãy thực hiện lời hứa của mình, và làm sao anh em của mình nằm xuống có nơi an nghỉ.


Ðừng đặt chính trị vô trong vấn đề này bởi vì chính trị nó là muôn mặt, nó làm cho mình không có thể làm công việc nhân đạo này. Tôi tha thiết xin anh em hãy lên tiếng, nếu anh em nói rằng không nên làm cho 16,000 anh em đó, thì cứ lên tiếng, cho biết tên họ đàng hoàng, để cho người ta thấy trách nhiệm của anh em. Còn ngược lại, anh em thấy rằng việc này nên làm và là tình đồng đội phải làm, anh em đừng suy nghĩ nữa, mà hãy lên tiếng cho sự công bằng để cho những người nằm xuống nghĩ rằng, đồng đội của tôi còn nghĩ đến tôi.



Ðài tưởng niệm mới xây ở Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. (Hình: VAF)


Ðừng để cho những người không có một ngày lính nào, không có một sự hy sinh nào và nhờ sự hy sinh xương máu này, mà họ có mặt bên đây, nói lên những điều trái với đạo đức lương tâm của con người, để làm cho công việc này của chúng ta bị ngưng đọng.

Ðó là những điều tôi muốn nói, đó là danh dự của người lính đối với người lính.

NV: Xin cảm ơn ông dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn.


Ðỗ Dzũng/Người Việt (thực hiện)



Nguồn : Người Việt Online  

 Xem thêm : ==> http://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?t=188854

Cổng tam quan .





Những nấm mộ của các chiến sĩ VNCH vừa được lấp đất, phủ cờ Quốc Gia
tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.  



http://www.quehuongngaymai.com/forums/showthread.php?t=164345

Ít kỷ niệm về công tác xây dựng Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa
Nguyễn Thành Nam
"NgườiViệt Online"

Hồi giữa thập niên 1960, sau khi chính phủ VNCH thông qua quyết định xây dựng nghĩa trang quân đội thì được giao cho Cục Công Binh, Bộ Công Chánh và trường Ðại học Kỹ Thuật Phú Thọ phối hợp tổ chức các cuộc thi thiết kế để chọn đề án trúng giải. Cục Công Binh sắp xếp lại thành mô hình lên Tổng Thống duyệt xét, rồi phân phối cho các đơn vị thi công.
Tôi còn nhớ một ngày khoảng đầu Tháng Mười 1965, sau cuộc hành quân cùng SÐBB 25 giải tỏa vùng Tam Giác Sắt (Bình Dương) dưới áp lực nặng nề của CS, tiểu đoàn 302 công binh Chiến Ðấu đang nghỉ dưỡng quân và bổ sung quân số. Tiểu đoàn trưởng là Ðại úy Nguyễn Thành Nam (hiện định cư tại Ðức Quốc) nhận lệnh từ Trung Tá Nguyễn Văn Chức, Liên Ðoàn trưởng Liên Ðoàn 30 Công Binh Chiến Ðấu trở về nhận nhiệm vụ xây dựng Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Trung Tá đã nhắc nhở là việc xây dựng công trình này rất quan trọng, vì có tầm vóc quốc gia. Trung tá nói: “Tôi cũng biết đơn vị của anh đang dưỡng quân, nhưng tình hình khẩn cấp nên xin anh khuyến khích anh em các cấp cố gắng hoàn thành công tác này. Nếu cần thêm những phương tiện gì tôi sẽ cung cấp đầy đủ theo nhu cầu của công trường”.
Sau khi đơn vị tôi trình diện Ðại Tá Võ Thành Lượng (đã qua đời tại Canada), cục trưởng Cục Công Binh, tôi qua sở Kỹ Thuật Cục Công Binh nhận hồ sơ, đồ án, bản vẽ v.v... của công tác xây cất và hướng dẫn anh em đến địa điểm công trường.

Từ saigon theo xa lộ Biên Hòa khoảng 22 km, vị trí nghĩa trang nằm phía trái xa lộ. Tình trạng nguyên thủy theo hướng Ðông-Tây cách xa lộ khoảng 100 m, một quả đồi dài gồm có hai phần là một quả đồi thấp nhỏ (sau này xây cất Cổng Tam Quan và Ðài Liệt Sĩ) và một quả đồi lớn dài dự trù xây cất nghĩa trang chôn cất tử sĩ khoảng 26 ngàn ngôi mộ. Diện tích tổng quát là 126 mẫu, riêng khu chôn cất là 58 mẫu. Phần đất còn lại dự trù sau này sẽ xây các cơ sở tôn giáo như chùa và nhà thờ để tiện việc làm nghi lễ an táng tùy theo tín ngưỡng.
Gần cuối nghĩa trang phía tay phải, nhà thầu bắt đầu khởi công xây cất liên đội chung sự và các nhà quàn, nhà ướp lạnh tử thi chờ thân nhân tử sĩ đến, kho vật liệu tống táng v.v... do thầu khoán Trần Kim Sa (hiện ở Canada) thực hiện.
Công tác xây cất nghĩa trang chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn I:
Giao cho Liên Ðoàn 30 Công Binh Chiến Ðấu, liên đoàn trưởng là Trung Tá Nguyễn Văn Chức (sau lên chuẩn tướng làm cục trưởng Cục Công Binh và Thứ Trưởng Ðịnh Cư trong nội các Nguyễn Bá Cẩn hiện cư ngụ tại Sacramento, CA). Trực tiếp xây dựng là Tiểu Ðoàn 32 Công Binh Chiến Ðấu sử dụng hai Ðại đội A và B. Riêng ÐÐ C thì biệt phái cho công trường Dinh Ðộc Lập để thực hiện những công trình sau:
- Lấy đất đỏ Biên Hòa đắp con đường chánh dài khoảng 100m đủ rộng cho xe chạy hai chiều từ xa lộ vào đầu nghĩa trang, từ đó chia làm hai nhánh chạy bọc quanh nghĩa trang và các đường nhỏ phân chia các lô. Sau đó sẽ cán đá trải nhựa.
- Một công tác khác là nhận cây bạch đàn từ vườn ươm cây Gia Ðịnh trồng dọc theo hai bên đường lớn từ xa lộ vào nghĩa trang.
- Xây cổng tam quan và Ðài Liệt Sĩ trên ngọn đồi thấp từ xa lộ đi vào, đúc bực thềm xi măng lên xuống từ bốn phía của Ðài Liệt Sĩ theo sơ đồ bản vẽ của Sở Kỹ Thuật Cục Công Binh.
- Ðúc tượng beton ngay phía bên trái đầu đường dẫn vào khu nghĩa trang, cách đó có làm bãi đáp trực thăng. Khi hoàn tất trung Úy Nguyễn Thanh Thu điêu khắc gia từ Quân Ðoàn III Biên Hòa chở bức tượng Thương Tiếc đặt lên bệ.
- Toàn khu nghĩa trang rộng lớn phân chia theo hình lưới nhện mà ở giữa xây dựng Nghĩa Dũng Ðài với Vành Khăn Tang (Giai đoạn II). Tất cả chia làm 8 khu, phân khu đúng như lưới nhện, trong nhỏ ngoài lớn. Các lô đánh dấu thứ tự như sau: Phía tay phải là Ðài Liệt Sĩ và Nghĩa Dũng Ðài có các lô H, A, I và B. Phía trái có các lô D, C, E, G, không có lô F có lẽ vì trong tiếng Việt không có vần F.
Lô H nằm phía tay phải con đường chính từ Ðài Liệt Sĩ vào Nghĩa Dũng Ðài là lô quan trọng, dự trù sẽ chôn các thành phần quân dân chíng cao cấp có công trạng đặc biệt với đất nước như Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington của Hoa Kỳ. Lô H còn chia ra 5 lô nhỏ là H1, H2, H3, H4 và H5.
H1 dành cho mộ dân chúng có công với tổ quốc như Tổng Thống, Thủ Tướng... Tới năm 1975 chưa có một ngôi mộ nào.
H2 dành cho các chiến sĩ vô danh.
H3 dành cho các tướng lãnh gồm có mộ của Ðại tướng Ðỗ Cao Trí, Tướng Phước, Tướng Ánh (không quân), Tướng Hiếu, Tướng Soạn, Tướng Ðồng và hai tướng nữa không biết là ai. Sau năm 1975, sáu ngôi mộ này đã cải táng dời đi chỉ còn hai ngôi mộ của Tướng Ánh và Tướng Phước.
Cho đến cuối năm 1966, khi giai đoạn I gần xong, Ðại Tá Võ Thành Lượng Cục trưởng Cục Công Binh và phái đoàn đến quan sát công trường và công tác do các nhà thầu thực hiện. Trước đó Liên Ðội chung sự do nhà thầu xây cất cũng gần hoàn tất, đã bắt đầu nhận tử thi các chiến sĩ từ các mặt trận chở về chôn cất.
Ðến năm 1967, Tiểu Ðoàn 302 Công Binh Chiến Ðấu nhận lệnh đi hành quân mở đường với Trung Ðoàn 9/SÐ 5 BB từ Chơn Thành đến sông La Ngà dài 20km để công binh xây dựng sân bay cho Lục Lượng Ðặc Biệt do trung Tá Lê Nguyên Vỹ (sau lên Chuẩn tướng Tư Lệnh SÐ 5 BB và tự sát khi CS chiếm miến Nam) chỉ huy. Vì thế nên LÐ 30 CBCÐ bàn giao công trường lại cho Liên Ðoàn 5 Công Binh Kiến tạo.

Giai Ðoạn II:
Liên đoàn II CBKT do Trung Tá Nguyễn Thiện Nghị (Sau lên Ðại tá làm Cục Trưởng Cục Công Binh hiện ở San Jose)) làm trung Ðoàn Trưởng có Tiểu Ðoàn 54 CBKT do Ðại Úy Lê Văn Tâm chỉ huy hai đại đội 541 và 542 có nhiệm vụ thực hiện Nghĩa Dũng Ðài. Công trình này có ba phần:
1. Một tháp hình chữ thập: đáy là 6m và đỉnh là 3m. Chiều cao từ đỉnh đồi lên tới đỉnh tháp là 48m. Bên trong tháp có 15 tầng, mỗi tầng rộng 3m11. Một thang sắt được bắc từ dưới lên.
2. Vành Khăn Tang: cao 5m xây chung quanh trụ Ðài. Ðường kính vành khăn là 24m đặt trên 4 trụ xi măng.
Mặt ngoài Vành Khăn Tang sẽ được gắn các công trình điêu khắc bằng đồng. Hình ảnh dựng nước và bảo vệ từ đời vua Hùng đến hiện tại (trước năm 1975) do điêu Khắc gia Nguyễn Văn Mầu (Biên Hòa) thực hiện theo giao kèo 20 năm. Mặt ngoài Vành Khăn Tang dự trù sẽ khắc tên các anh hùng tử sĩ.
3. Sân Ðài: mặt bằng có đường kính là 34m chung quanh trồng cỏ nhung.
Dự trù thì ngày 19 Tháng Sáu năm 1975 sẽ khánh thành đợt I (chưa gắn hình điêu khắc) theo lời yêu cầu của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhân dịp ông đến thăm Nghĩa Trang vào Tháng Mười Một năm 1974. Việc thám sát tìm địa điểm thích hợp về phong thủy cho nghĩa trang được xem xét rất cẩn thận. Thời gian tôi đi tù ngoài Bắc cũng như thời gian vượt biên tạm trú tại trại tị nạn Palawan, Philippines, tôi đã nghe các cựu quân nhân các binh chủng cho biết phái đoàn tìm đất cho nghĩa trang gồm Cục Công Binh, Cục Quân Nhu, Bộ Ðịa Chánh, có thầy địa lý người Hoa tháp tùng, các địa điểm đều trình lên Tổng Thống duyệt xét, sau đó mới quyết định nơi xây dựng nghĩa trang.
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến ông thầy địa lý người Hoa này. Vào khoảng giữa năm 1962, khi ấy tôi đang là trung Úy làm tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 202 thuộc Liên Ðoàn 20 CBCÐ do thiếu tá Nguyễn Văn Bạch (sau lên Ðại tá, đi tù, ra tù sang Mỹ và đã chết) đang công tác làm hệ thống đường vòng chống phục kích đèo Mang Giang trên quốc lộ 19 (giữa Pleiku và An Khê) bất ngờ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đến công trường với ông thầy địa lý người Hoa này. Tổng Thống không hỏi han chi đến công tác công binh đang làm mà cả ba vị tổng thống, thầy địa lý và Thiếu tướng Tôn Thất Ðính khi ấy à Tư Lệnh Quân Khu II và Ðại Úy Lê Công Hoàn, tùy viên của Tổng Thống, leo lên đầu ngọn đồi lấy máy đo cao độ, dùng địa bàn nhắm hướng. Mọi người chỉ thấy ông thầy địa lý nói chuyện riêng với Tổng Thống rồi xem bản đồ, lấy tay chỉ về dẫy ngọn đồi nhỏ chạy dài về hướng bìa rừng. Sau đó thì công binh được lệnh làm con đường từ Quốc lộ 19 đến các quả đồi đó theo thứ tự P1 (điểm), P2, P3 v.v... Tuần nào Tổng Thống cũng ra xem xét công tác và chỉ thị thêm. Khi làm đường đến P10 thì được lệnh ngưng công tác.
Sau đó chúng tôi mới biết Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đi tìm long huyệt mà không tìm được vì đi tìm càng xa càng đi sâu vào vùng bất an ninh nên phải hủy bỏ.
Như vậy công tác xây dựng Nghĩa Trang QÐBH đã bắt đầu từ Ðệ I Cộng Hòa (khoảng đầu năm 1963) do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm chỉ thị. Sau vì cuộc chính biến 1 Tháng Mười Một 1963 đưa đến sự sụp đổ của Ðệ I Cộng Hòa. Cũng như từ Tháng Mười Một 1963 đến giữa năm 1965, hết chỉnh lý lại đến các vụ đảo chánh liên tục, các chức vụ trong chính phủ và quân đội thay đổi liên tục, kéo dài mãi đến 19 Tháng Sáu 1965 mới giao chính quyền cho quân đội.
Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu với tư cách là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia (Quốc Trưởng) mới ra lệnh khởi công từ đầu Tháng Mười 1965 với tất cả mô hình bản vẽ đã làm sẵn từ thời Ðệ I Cộng Hòa.
Khoảng Tháng Ba 2007, có anh em từ hải ngoại về thăm lại nghĩa trang cho biết sơ khởi:
- Số mộ còn tương đối nguyên vẹn nghĩa là còn mộ bia, tấm phủ ciment trên mộ còn 4,527 mộ.
- Số mộ bị đập phá tan hoang, mất bia hoặc mất tấm ciment trên mộ là 2,781 mộ.
- Số mộ bị phá mất mộ bia và tấm ciment nhưng vẫn còn nấm mộ là 2,454 mộ.
- Số mộ phỏng đoán được thân nhân bí mật đem đi nơi khác khoảng 2,910 mộ.
- Số mộ bị san bằng hoặc bị cỏ mọc khuất lấp khoảng trên 2,700 mộ.
- Ba ngôi mộ chôn tập thể 63 tử sĩ tại lô I sau ngày 30 Tháng Tư 1975.
Tổng cộng ước khoảng 15,439 mộ của tử sĩ VNCH.

Ngày dự định bắt đầu dân sự hóa Nghĩa Trang QÐBH đã qua mà chưa thấy nhà cầm quyền CS Hà Nội quyết định ra sao. Nhưng chắc chắn nguyện vọng của toàn dân và các gia đình nghĩa tử đều mong muốn một điều là giữ lại để làm di tích lịch sử như Nghĩa Trang Arlington Hoa Kỳ. Vì dầu sao đi nữa thì hình ảnh Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa đã ghi lại một dấu tích lịch sử, là quê hương tâm linh của những nạn nhân chiến cuộc mà không bao giờ có thể xóa nhòa trong lòng mọi người.

Bây giờ người chết thì đã yên phận dưới huyệt mộ, còn đâu nữa hận thù, còn đâu nữa phân tranh nên nếu có quật mồ họ lên đi nữa thì cũng chỉ còn nắm xương tàn. Có dân sự hóa để khỏi mang mặc cảm là đối thủ của chính quyền, thì họ cũng đã thành vô hình, lấy gì để cải tạo hay thay đổi căn cước?
Dân sự hóa chẳng qua là thay đổi mấy tấm ciment che đắp hay tấm bia trước mộ mà thôi, chứ hồn thiêng của các anh hùng liệt sĩ, họ đã nhập vào hồn thiêng sông núi thì làm sao mà gỡ ra?
Vì thế mà người viết cũng mong mỏi thêm một điều là nhà cầm quyền CSVN nên cho phép thân nhân mang hài cốt các tù cải tạo trong các trại tù trên toàn cõi đất nước VN đem về nghĩa trang QÐBH chôn cất, cũng như các thương phế binh VNCH còn ở tại VN sau khi chết cũng được an táng tại đây như tù cải tạo, để họ còn có chỗ đi về...
Cho di chuyển người lính làm mẫu cho bức tượng Thương Tiếc (nghe tin đã tử trận và rất linh thiêng) đem về dựng tại mộ Chiến Sĩ Vô Danh ở lô H2 để mọi người đến viếng nghĩa trang chiêm ngưỡng. Và cũng là để ghi dấu một sự kiện lịch sử “bất khả tư nghị” này.

Có như vậy thì hồn thiêng sông núi sẽ gìn giữ cho Tổ Quốc VN, cho các thế hệ tương lai con cháu một nguồn tâm linh và đời sống sẽ được bình an.

Nguyễn Thành Nam,
Wiesbaden, Germany



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm