Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Ông đồng, bà cốt chạy đua với chùa quốc doanh


Phương Ngạn/Người Việt

Song hành với những hoạt động lên chùa xem bói đầu năm, những điện thờ của các ông đồng bà cốt cũng hốt bạc trong dịp này.
Khách đến xem bói, xin lộc đầu năm tại các ngôi chùa ngày càng nhiều. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Thực ra, tục xem bói đầu năm chỉ mới nở rộ ở các chùa thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (“Phật Giáo quốc doanh” sau 1975) trong vài năm gần đây, trước đây, tục này chỉ có ở các điện thờ và những ông thầy bói ngồi vỉa hè. Còn bây giờ thì có một cuộc chạy đua bói toán giữa nơi đồng cốt và chùa quốc doanh quá rõ nét.

Một khách xem bói tại một ngôi chùa khá nổi tiếng ở Hội An, Quảng Nam, than thở: “Năm nay người ta đến chùa xem bói và xin lộc nhiều quá, tôi ở xa, đến chờ cả buổi sáng mới đến lượt mình, giá tiền cúng thầy năm nay cũng cao hơn mọi năm, hai trăm ngàn đồng một lượt là ít nhất.”
“Mọi năm tùy lòng hảo tâm, nhưng hai năm trở lại đây, chùa công bố giá cố định với lý do nhằm phục vụ xây dựng chùa, nâng cấp chùa nên xem có lấy tiền, coi như là cúng dường. Mấy năm rồi mà thấy chùa cũng chẳng xây dựng gì, chỉ thấy ông thầy trụ trì đổi mấy đời xe bốn chỗ, đời sau đắt gấp vài lần đời trước, thôi kệ, mình đi xem vận may đầu năm thôi mà, tiếc chi!”
Một người khác xem bói ở một ngôi chùa cũng khá nổi tiếng tại thành phố Ðà Nẵng, chùa Linh Ứng, cho biết thêm: “Khách năm nay đến chùa xin xăm coi bói đông lắm, do kinh tế năm vừa rồi lủng củng nên năm nay ai cũng lo lắng cho tương lai. Mà sao năm ngoái thấy người ta bốc trúng toàn là xăm tốt, năm nay vẫn than là năm qua làm ăn thua lỗ, điều này phải xem lại cái bó thẻ xăm kia. Nhưng thôi kệ, liệu pháp tâm lý thô sơ trong một đất nước nghèo í mà!”
Người này nói thêm: “Tiền khách xem bói cao lắm, có người cúng vài triệu đồng, thậm chí có bà vợ cán bộ thành phố cúng đến hai chục triệu đồng, cú này chùa làm ăn phát đạt quá chừng. Làm trụ trì một ngôi chùa được nhà nước công nhận bây giờ còn ngon hơn cả một giám đốc công ty, hèn gì mà mấy ổng cũng thay nhau đút lót, chạy đua cái ghế trụ trì! Nội chuyện xem bói trong dịp Tết, kiếm cả tỉ bạc như chơi!”
Nhìn chung, các chùa (quốc doanh) bây giờ luôn là nơi để khách thập phương đến bói toán, cầu xin lộc may, vay lộc... Tất cả những hoạt động này đều không nằm trong tinh thần Phật Giáo mảy may nào.
Bên cạnh những hoạt động rầm rộ về xem bói, xin lộc đầu năm ở các chùa quốc doanh, việc này cũng diễn ra không kém phần sôi động ở các điện thờ của những ông đồng, bà cốt.
Thầy Năm Dưa, chủ một điện thờ bà Chúa Xứ ở Thăng Bình, Quảng Nam, chia sẻ: “Năm nay người đi đến chùa xem bói và xin lộc nhiều hơn đi đến điện. Có lẽ do chùa rộng hơn điện nên chỗ ngồi cũng thoải mái, nước uống, thức ăn trong lúc chờ đợi cũng tốt hơn, nói chung là cơ sở hạ tầng và phục vụ khách hàng ở chùa tốt hơn ở điện nhiều, nên họ đến chùa nhiều cũng dễ hiểu thôi!”
“Thật ra thì ở chùa xem không hay bằng ở điện, vì ở chùa do các thầy xem, còn ở điện thì do các vị bề trên nhập vào xác để bói nên linh hơn nhiều. Nhưng bây giờ, người ta không tin vào thần linh mà tin vào cái chỗ đặt tượng thần linh cao hay thấp, bằng thứ gì, thế nên các chùa lớn thì được khách hàng đến xem bói nhiều hơn các chùa nhỏ...”
Bà Thủy, người Châu Ổ, Quảng Ngãi, đến Quảng Nam từ sáng sớm để xin lộc và xem bói đầu năm ở điện cô Lan tại xã Ðiện Minh, Ðiện Bàn, Quảng Nam thì có cách nghĩ khác: “Xem bói đầu năm là điều nên làm, không hẳn mình tin hoàn toàn vào chuyện bói, vì nếu như năm đó bói ra xấu quá, mình không làm gì cả thì đói sao, hoặc bói ra toàn tốt, mình cũng chủ quan. Phần mình thì bói để biết vận tốt bao nhiêu phần trăm, vận xấu bao nhiêu phần trăm mà tránh bớt.”
“Bói toán và xin lộc, nghĩ cho cùng cũng là cách trấn an tâm lý, làm cho con người giảm bớt việc ác mà làm điều thiện nhờ nghe những lời răn của thánh. Chính vì thế mà tui tìm đến các điện để nghe thánh nhập vào xác bói cho mình chứ không bao giờ đến chùa để bói, vì các thầy là người trần mắt thịt, nói làm sao thiêng bằng thánh. Tui hay đi các điện để bói là do vậy.”
Một khách xem bói khác ở điện cô Lan chia sẻ: “Bói ở điện bây giờ rẻ hơn bói ở chùa và bói ngoài công viên nhiều. Bói ngoài công viên lên đến tiền trăm ngàn, bói xong rồi thầy biến đi đâu mất luôn, đúng sai chẳng ai biết, ở chùa thì tốn bạc triệu, còn bói ở điện thì tốn có vài chục ngàn đồng cúng bà tiên hoặc ông thánh, vừa rẻ mà vừa lại chắc ăn.”
Chánh điện ở chùa vô hình trung bị biến thành điện xem bói và xin lộc. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)
Có lẽ nhiều người khác cũng có nếp nghĩ tương tự bà khách vừa nói nên ở các điện thờ, người đến xem bói đầu năm cũng xôm tụ, đông đúc không kém.
Có thể nói, chưa bao giờ lại có một cuộc chạy đua tiếp khách xem bói cực kỳ gay cấn và ly kỳ thị trường giữa các điện thờ và các chùa quốc doanh như bây giờ! Và, những gì mà trước đây nhà nước cho rằng đó là mê tín, dị đoan thì bây giờ lại nở rộ ngay trong các cơ quan nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm