Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Từ Diva đến Ði Vô

Từ Diva đến Ði Vô


Người Việt Nam chúng ta thường nghĩ rằng dân mình hay cường điệu. Phải chăng là vì mình học được nếp văn hóa ưa thích điểm tô của Trung Hoa? Một bữa tiệc cưới thì phải có mấy món ăn chơi gọi là “bát bửu,” bánh trung thu hai lòng trứng thì gọi là “lưỡng nguyệt,” con vịt nướng được gọi là “vịt tỳ bà” vì được tách đôi cho dẹp để có cái dạng của cây đàn tỳ bà trước khi cho vào lò nướng!

Chuyện hiện đại hơn và trong lĩnh vực trình diễn tân nhạc, gần đây ta thấy xuất hiện toàn những danh ca. Một ca sĩ bậc trung cũng có thể được long trọng giới thiệu là danh ca. Rồi gần đây hơn nữa còn có hiện tượng lạm phát “diva.” Lần này thì ta không bị ảnh hưởng Trung Hoa mà là học được nghệ thuật quảng cáo của Hoa Kỳ, với thành tích cường điệu còn hơn các ông bà bầu của chúng ta.



Có gốc gác là tiếng Ý hàm nghĩa là “nữ thần,” xưa kia chữ “diva” được dùng để tôn vinh giọng nữ xuất chúng trong các vở Opera. Nó cũng tương tự như “prima dona” mà mình có thể dịch là “đệ nhất phu nhân.” Sau này, các nữ ca sĩ hát nhạc phổ thông cho đại chúng mà ta gọi là nhạc pop cũng được dân Mỹ xưng tụng là “diva.” Vào tới Việt Nam thì “diva” đã thành một tập thể còn đông hơn số nhân viên kéo màn! Một đạo binh toàn những nữ tướng mà thôi.

Người ta không để ý rằng nạn lạm phát làm hạ giá tất cả.

Sau khi cường điệu phóng đại, dân Mỹ ngày nay dùng chữ “diva” theo ý mỉa mai: “diva” là nàng kênh kiệu, mắc chứng tự mê. Nàng có cái ngã vĩ đại và chỉ biết đòi hỏi cho riêng mình mà chẳng cần đến người khác. Ðược gọi là “diva” với cú liếc mắt bĩu môi thì chính là bị phê phán đấy!

Ai ai cũng biết chữ “nhân vô thập toàn,” nhưng hiện tượng tự mê đến độ mang tật như thế đã được các nhà tâm lý học để ý tìm hiểu. Và họ phát giác ra vài điều đáng yêu sau đây.

Con người ta có thể tự mê, nhưng trước nhất là phải tự trọng. Một “diva” mà tự mê quá mức đã mất dần tính chất tự trọng vì quên hẳn người khác. Nghệ sĩ tự trọng ra trước sân khấu thì phải tự chuẩn bị một cách tươm tất kỹ lưỡng.

Ðó là điều tốt, vì không ai thích những người trình diễn cẩu thả, ra cái vẻ bất cần đời mà cũng chẳng cần đến khán thính giả.

Khi ấy, các nhà tâm lý học mới phân biệt loại “diva” lành mạnh và loại “diva” đành hanh. Ðành hanh là người chỉ biết khai thác mọi phương tiện để làm nổi chính mình, và ganh tị với đồng nghiệp. Lành mạnh là người thiết tha đến người khác nên chia sẻ tất cả, từ hào quang, ánh đèn màu, tiếng nhạc đến tiếng vỗ tay của cử tọa.

Ðược chia sẻ sân khấu hay diễn đàn với một “diva” lành mạnh tử tế thì ai cũng vui vẻ và góp phần hoàn thành tiết mục cho mỹ mãn. Nếu phải phục vụ một diva đành hanh và xấu nết thì mọi người đều ngán ngẩm. Họ chỉ muốn làm xong tiết mục cho có để tìm nơi thư giãn trong sự hậm hực. Về dài thì mối giao tình với nghệ thuật sẽ không bền.

Về dài, “diva” tự mê và khinh bạc sẽ là người cô đơn, sống trong ảm đạm khi tài sắc đã hết. Trước khi đi đến cõi tận ấy, nhiều người bị khủng hoảng tâm thần vì chỉ nghĩ đến chuyện sai khiến người khác khi họ hết biết mình là ai nữa.

Nhưng vì sao có chức năng thăng hoa, nghệ thuật lại có thể làm giảm nhân cách con người đến như vậy?

Một nghệ sĩ hài hước của Hoa Kỳ tại New York đã có câu trả lời anh ta học được từ một nàng call girl tạm dịch là gái gọi: Ban đầu, nàng “chạc” một chuyến qua đò là năm trăm nên bị khinh như mẻ. Vì vậy, nàng đòi ba ngàn thì được khách quý như vàng và coi như “diva.” Vì vậy, tay danh hài này cũng ra vẻ khó khăn để được người đời kính trọng, dù thâm tâm thì chẳng đến nỗi vậy.

Phải chăng, chính là sự sùng chuộng quá đáng của chúng ta đã làm hư các nghệ sĩ, khiến họ đeo kim tuyến mà cứ tưởng mình là kim cương thật. Ðứng đâu cũng tưởng là cái bệ nên cứ sợ bị hạ bệ?

Mà các ông cũng chẳng thoát tội này đâu.

“Divas” là cho các bà, chứ nam giới thì gọi là “divos.” Ðấy là các ca sĩ hát nhạc cổ điển hay cả nhạc rock, nhạc pop. Nhưng, ngoài sân khấu nghệ thuật, nhiều nhà bình luận hay cố vấn kinh doanh, quản trị cũng bị gọi là “divos.” Theo nét văn hóa Ấn Ðộ, họ được gọi là “pandit” hay “pundit” là học giả, đại trí thức, nhưng với ý tiêu cực là “thầy bàn.” Nói theo các cụ thì họ “phán như thánh sống”!

Vì vậy, lấp lánh trong phòng trà thì ta có “diva,” còn ồn ào ngoài quán cóc thì các ông lại có “divo”...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm