Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Diệp Lang : Bậc thầy của trường phái diễn xuất tự nhiên

Diệp Lang : Bậc thầy của trường phái diễn xuất tự nhiên
Nghệ sĩ Diệp Lang trong trích đoạn "Khi người điên biết yêu" (DR)
Nghệ sĩ Diệp Lang trong trích đoạn "Khi người điên biết yêu" (DR)
Lê Phước
Trong làng sân khấu cải lương, có nhiều trường phái diễn xuất, trong đó ta thấy nổi lên hai loại:  Diễn xuất thiên về tượng trưng ước lệ và diễn xuất thiên về tự nhiên. Trường phái tượng trưng ước lệ thì chịu ảnh hưởng của cách diễn xuất xem trọng điệu bộ như trong hát bội, còn trường phái tự nhiên thì nghiêng về cuộc sống thường nhật, tức có sao diễn vậy, diễn giống như ngoài đời vậy.
Một trong những bậc thầy của trường phái diễn xuất tự nhiên là nghệ sĩ Diệp Lang, người được mệnh danh là “Ông Hội Đồng” của sân khấu cải lương.
Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941, tại làng Bình Tiên huyện Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Cha của Diệp Lang là ông Ba Diệp, một tay đờn kìm có tiếng trong làng cải lương lúc bấy giờ. Thuấn mồ côi mẹ thuở lên mười và sống với ông nội ở quê nhà, còn ông Ba Diệp thì bôn ba theo các đoàn hát. Khoảng năm 13 tuổi, Thuấn theo cha lên Sài Gòn theo đoàn cải lương Kim Thoa.
Con nhà nòi 

Ông Ba Diệp hướng con theo nghề hát vì nghĩ rằng nghề đờn phải suốt đời ngồi sau cánh gà chẳng ai nhìn đến. Mới theo nghề mà Thuấn đã không may, vì vỡ tuồng đầu tiên tham gia là vỡ Lấp sông Gianh của soạn giả Kinh Luân, khai trương tại rạp Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân). Vỡ tuồng này nói lên nguyện vọng xóa bỏ ranh giới chia cắt non sông.
Trong đêm khai trương, có người quăng lựu đạn lên sân khấu, gây thương vong khá nhiều người. May mắn thay, hai cha con ông Ba Diệp đều bình an vô sự. Sau đó, hai cha con về đoàn Minh Chí - Việt Hùng. Được một thời gian, ông Ba Diệp bị bệnh nặng phải trở về quê và sống ở đó cho đến ngày cuối đời. Thuấn thì tiếp tục theo nghề hát. Khi cha mất mà Thuấn cũng không về thọ tang được vì không có tiền. Năm ấy Thuấn được 16 tuổi.
Có thể nói nhờ “cái bóng” của cha, Thuấn đi xin vào đoàn hát nào cũng được sự ưu ái. Cái tên Diệp Lang bắt đầu xuất hiện khi Thuấn về đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ năm 17 tuổi. Ông bầu đoàn này đặt cho Thuấn cái tên Diệp Lang với ý nghĩa là : ”Con trai ông Ba Diệp”. Một hôm anh kép chánh có việc, Diệp Lang được chọn lên thế vai trong vỡ "Chiếc Nhẫn Kim Cương". Tên tuổi anh kép chánh Diệp Lang bắt đầu được chú ý. Năm 1960, Diệp Lang được mời về hát cho đoàn Hữu Tâm-một đoàn hát tên tuổi lúc bấy giờ, đúng là một điều mơ ước đối với anh thanh niên nghèo khó 19 tuổi.
Con đường đến kép độc
Đi hát ai mà không mong đóng vai chánh để được nổi tiếng, để được nhiều tiền. Thế nhưng, trên sân khấu cải lương không chỉ có một mình anh kép chánh, mà còn cần có một ê kíp với đầy đủ thành phần bao gồm đủ loại vai thì mới thành một vỡ tuồng trọn vẹn được. Và có lẽ như tổ nghiệp đã nhìn thấy ở Diệp Lang tiềm năng đặc biệt đóng kép độc nên mới khiến xuôi khi Diệp Lang vừa được chọn đóng vai chánh thì ông đã bị bệnh và mất giọng.
Đi hát mà mất giọng thì kể như rồi. Nhưng không, Diệp Lang đã khéo léo tập trung vào diễn xuất. Số là Diệp Lang đã nghe lời khuyên của đồng nghiệp chuyển sang đóng kép độc. Làm kép độc thường là vai phụ, lương ít hơn. Thế nhưng, có một điều cần nhấn mạnh rằng, đào kép chánh ăn khách nhờ đẹp, nhờ ca hay, chứ còn diễn xuất thì chưa chắc đã hơn diễn viên phụ.
Nói như vậy để thấy rằng, để đóng kép độc thành công, đòi hỏi người diễn viên phải có tài năng diễn xuất thực sự. Có lẽ vì thế mà Diệp Lang đã ra sức khổ luyện, cùng với sự chỉ bảo tận tình của các bậc tiền bối như Phùng Há, Ba Vân, Năm Châu… Thế mạnh của Diệp Lang đến giờ phút này chính là tài diễn xuất thượng thừa của ông.
Vai kép độc ghi dấu ấn đầu tiên của Diệp Lang là ở đoàn Kim Chưởng, vai Thống Tướng Bát Lộ Kỳ trong vỡ Hai Chiều Ly Biệt. Bấy giờ, đoàn Kim Chưởng là một đại bang, bà bầu Kim Chưởng lại nổi tiếng khó tính với nghề, vì thế kịch bản của đoàn luôn có chọn lọc, có đạo diễn dàn dựng đàng hoàng, với dàn nghệ sĩ tài năng tên tuổi, có đủ những người phụ trách có năng lực về âm thanh, ánh sáng, cảnh trí... Ở đây, Diệp Lang được dịp trau dồi tác phong chuyên môn.
Số phận đã đưa anh kép chánh Diệp Lang vào vai kép độc. Rồi ở đoàn Kim Chưởng, số phận lại đưa anh kép trẻ Diệp Lang vào vai lão. Và vai độc và vai lão là hai loại vai mà Diệp Lang thành công nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông. Số là ở đoàn Kim Chưởng, ông được giao vai một ông lão 70 tuổi bất hạnh trong vỡ Người Anh Khác Mẹ. Vai diễn đã giúp Diệp Lang đoạt Giải Thanh Tâm năm 1960 và Bằng danh dự Giải Thanh Tâm năm 1964. Giải Thanh Tâm được xem là giải thưởng danh giá nhất của cải lương Nam Bộ tính đến hiện tại.
Đỉnh cao sự nghiệp
Sự nghiệp Diệp Lang đang đầy hứa hẹn, thì cũng tại đoàn Kim Chưởng, ông bị bắt quân dịch vào năm 1965. Thế là từ đó, suốt 10 năm trời, 1965-1975, Diệp Lang phải xa sân khấu. Giai đoạn sau 1975, sự nghiệp cải lương của Diệp Lang mới thật sự đạt tới đỉnh cao. Dấu ấn của Diệp Lang được thể hiện ở đoàn Sài Gòn 2, đoàn 2-84, trong nhiều vai trò từ diễn viên, chỉ đạo nghệ thuật đến trưởng đoàn.
Giai đoạn này, Diệp Lang đã để đời với các vai: Hội Đồng Dư (Tiếng Hò Sông Hậu), Hội Đồng Thăng (Đời Cô Lựu), Ông Hương Cả (Tô Ánh Nguyệt), Hải Lâm cha của Tô Châu (Áo Cưới Trước Cổng Chùa), Ông Tư (Lời Ru Của Biển)… Và cũng chính giai đoạn này ông đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo thế hệ cải lương tiếp nối với những tên tuổi lớn như Tuấn Thanh và Châu Thanh. Để ghi nhận những cống hiến của Diệp Lang, nhà nước Việt Nam đã phong tặng cho ông danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và sau đó là Nghệ sĩ Nhân dân.
Đệ nhất “kép độc mùi”
Có thể nói, đến hiện tại, Diệp Lang được xếp vào hàng các kép độc hay nhất của sân khấu cải lương. Trước Diệp Lang, sân khấu cải lương đã có những tay kép độc cự phách như Văn Ngà, Hoàng Giang hoặc Trường Xuân. Thế nhưng, Diệp Lang đã tạo được những vai kép độc để đời mang dấu ấn riêng, những vai diễn mà kể từ khi được Diệp Lang thể hiện, đến nay vẫn chưa thấy có ai diễn đạt đến trình độ như vậy. Thế thì ắt hẳn Diệp Lang phải có cái hay riêng so với những kép độc tiền bối. Cái riêng ở đây có thể nói rằng: Diệp Lang là người thể hiện các vai “kép độc mùi” hay nhất.
Kép độc là người đóng các vai ác. Nếu bàn về vai ác, thì ở đây ta thấy có một vai ác theo kiểu: lúc đầu thì ác nhưng về sau bị quả báo và hối hận ăn năn; hoặc dã là kép độc tuy luôn hung dữ và ác độc, nhưng đâu đó vẫn thấy họ cũng đang sống trong nghịch cảnh. Loại vai này có thể tạm gọi là “kép độc mùi”’. Để đóng thành công “kép độc mùi”, thì ngoài tài năng diễn xuất ra, diễn viên còn cần có một giọng ca hay. Kép độc ca hay không phải là có giọng ca mùi như mấy anh kép chánh, mà ca hay ở đây là ca phải thể hiện được tâm trạng nhân vật, phải làm sao thể hiện được độ mùi khi cần thiết để làm người xem bỗng thấy chạnh lòng mà có chút cảm thông với số phận nhân vật. Diệp Lang là người có đủ tài năng và giọng ca mùi như vậy để thể hiện đặc sắc vai kép độc mùi. Các vai kép độc mùi để đời của Diệp Lang có thể kể đến: Hội Đồng Thăng (Đời Cô Lựu), Ông Hương Cả (Tô Ánh Nguyệt) và Phê (Khi Người Điên Biết Yêu).
Vai Ông Hương Cả trong vỡ Tô Ánh Nguyệt do chính Diệp Lang làm đạo diễn là một vai rất khó đóng. Đây là một kép phản diện, nhưng không phải lả người độc ác, mà chỉ là một nhà Nho quá bảo thủ, quá độc tài với vợ con. Ông Cả tỏ ra hung dữ và khắc khe với mẹ con Nguyệt, suy cho cùng là cũng vì ông muốn hành xử đúng theo những gì bảo thủ nhất của Nho Giáo. Tức là đúng với cái câu mà khi gặp ba của Minh ông đã nói: “Xin lỗi ông, tôi thủ cựu bài tân”, tức là “tôi giữ cái cũ và bài bác cái mới”. Trong khi đó thì ba của Minh lại nói: “Xin lỗi ông, tôi đả cựu nghinh tân”, tức là “tôi đuổi cái cũ đi mà rước cái mới vào”. Ông Cả cha của Nguyệt và cha của Minh thể hiện hai quan điểm cực đoan của một xã hội đang lúc giao thời lúc bấy giờ: người thì quá bài ngoại còn người thì quá vọng ngoại. Và kết quả là cả hai đều phải trả giá cho sự cực đoan đó.
Về phần Ông Cả, ta thấy rằng, sau cảnh ông khắc khe với vợ con khiến khán giả ghét cay ghét đắng ở màn trước, thì khi ông tìm đến thăm Nguyệt, là một cảnh đầy xúc động. Khi ấy, sau khi Nguyệt đã trốn nhà ra đi và sinh con trong nghèo khổ, Ông Cả cha Nguyệt đã tìm đến nơi Nguyệt ở để cho cô hay là mẹ cô đang bệnh nặng. Chứng kiến cảnh con gái phải sống trong khổ cực, trong khi vợ thì đang hấp hối, lại vừa lo sợ nếu Nguyệt mang con về quê thì danh giá gia đình sẽ bị hủy hoại, tất cả đã khiến Ông Cả từ người ác độc trở thành người hết sức khổ sở. Cảnh này, Diệp Lang đã thật sự đã khiến khán giả từ căm ghét ở màn trước trở nên bất chợt cảm thông ở màn sau. Có thể nói rằng, tới giờ phút này, chưa thấy ai diễn qua Diệp Lang trong vai diễn đó.
Đến với vai Hội Đồng Thăng trong vỡ Đời Cô Lựu, ta thấy đây là vai số một của Diệp Lang. Hội Đồng Thăng là một cường hào địa phương hết sức hiểm độc. Ông đã dùng mưu đẩy anh tá điền Võ Minh Thành vào tù rồi ở nhà dụ dỗ vợ của anh ta là cô Lựu. Suốt mười mấy năm dài, dù chiếm được thân xác Cô Lựu, nhưng Hội Đồng Thăng vẫn không thể nào chiếm được con tim của cô bởi lẽ cô luôn u sầu thương nhớ người chồng cũ. Thế là, Hội Đồng Thăng trả thù bằng cách hành hạ Cô Lựu từ việc kiểm soát gắt gao tiền bạc đến những lời lẽ cay đắng nặng nề.
Màn Hội Đồng Thăng sai Cô Lựu vào trong lấy cây ba-toong là màn hay nhất. Diệp Lang đã diễn xuất thượng thừa ở màn này. Khi mắng Cô Lựu, Hội Đồng Thăng nói: “Đứng lên, làm gì uể oải”, “Đồ lì, lì lợm”. Diệp Lang gằn giọng từng tiếng, đến khán giả ngồi dưới cũng cảm thấy tâm lý nặng nề. Rồi đến khi Hội Đồng Thăng-Diệp Lang thốt lên: “Tôi hông thích ở trong cái nhà này, tối ngày hông ai nói với ai tiếng nào, tối ngủ quay mặt vô vách. Làm sao tôi chịu nổi? Tôi là con người mà, con người…”. Vì lúc này Hội Đồng Thăng say rượu nên mới để lộ tâm sự như vậy. Hội Đồng Thăng-Diệp Lang vừa nói vừa gằn giọng, vừa vỗ tay vào ngực mình với vẽ uất ức. Đến đây, người xem chợt giật mình nhận ra rằng: Ồ, thì ra ông hội đồng ác độc kia cũng có nỗi khổ. Và thế là, người xem cũng cảm thấy xót xa cho tình cảnh của ông dù rằng đó là quả báo mà ông phải nhận. Ở đây, cái độc và cái mùi đã được Diệp Lang thể hiện xuất sắc, đến mức mà đến hiện tại, chưa thấy có ai thế vai này được.
Ca trong diễn, diễn trong ca
Giọng ca và hơi của Diệp Lang không được phong phú. Thế nhưng, không phải gì thế mà ông ca không hay. Điểm mạnh nhất của Diệp Lang là ông biết diễn xuất bằng cả giọng ca, ông đưa giọng ca vào đúng với tâm trạng nhân vật, đúng với động tác biểu diễn. Nói cách khác là Diệp Lang đã đạt đến trình độ “ca trong diễn, diễn trong ca”, ca diễn phụ trợ lẫn nhau để thể hiện tính cách nhân vật.
Bàn về bộ nhịp, Diệp Lang có bộ nhịp thượng thừa. Ông ca sắp chữ trong lòng bản. Do làn hơi không dài, nên ông chọn cách sắp chữ qua những câu ngắn. Tuy nhiên, nghe Diệp Lang ca, người nghe không thể nào không thán phục cách sắp chữ và nhịp nhàng rất chắc của ông. Và đặt biệt hơn hết là ông ca rất đúng nhân vật, dữ ra dữ, mùi ra mùi, vui ra vui mà buồn ra buồn.
Minh chứng rõ nhất có lẽ là vai Phê trong vỡ Khi Người Điên Biết Yêu. Khán giả đã có dịp xem vai này trong chương trình Những Cảnh Chim Không Mỏi dành cho nghệ sĩ Diệp Lang sau khi ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, cách nay độ 10 năm. Nhân vật tên Phê, do yêu người em gái nuôi của mình, đã giết hại cha nuôi và vu oan cho người yêu của em gái. Sau đó, lại nói xấu người yêu của em gái để cho cô em gái phải thổ huyết chết.
Năm tháng trôi qua, Phê lâm vào cảnh sống nghèo khổ, thân thể xác xơ, lương tâm dằn dặt. Ngày cuối cùng ở nơi trần thế là ngày Phê tìm trở lại mảnh đất xưa của cha nuôi mình. Nơi ấy đã mọc lên một ngôi chùa. Phê vào chùa đối đáp với hòa thượng và phát hiện ra vị hòa thượng kia chính là người yêu của em gái bị mình vu oan năm xưa. Phê mới thổ lộ hết nỗi lòng và trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay và sự tha thứ của hòa thượng.
Diệp Lang đã trích lại màn cuối của vỡ tuồng trên. Màn này, nhân vật Phê vừa phải diễn xuất bằng các câu thoại, vừa bằng các đoạn ca. Diệp Lang đã xuất thần, khi nói thì giọng chất chứa đầy tâm sự, khi ca thì ca rất mùi. Nghe Diệp Lang thoại ở đoạn này, người xem không thể không thừa nhận rằng, nếu không phải là bậc thượng thừa trong diễn xuất thì không thể nào diễn xuất qua lời thoại xuất thần đến như vậy. Nên nhớ rằng, nói về diễn xuất cải lương, thì diễn xuất qua các câu thoại là một động tác rất khó, đòi hỏi trình độ và khả năng diễn xuất rất cao của người nghệ sĩ.
Còn khi nghe Diệp Lang ca ba câu vọng cổ trong đoạn này, khán giả không khỏi giật mình nhận ra rằng, Diệp Lang không chỉ diễn xuất thượng thừa, mà ca cũng quá hay, nhịp nhàng quá chắc, cách ca quá điêu luyện, cách sắp chữ quá thần sầu. Người xem khi ấy không còn thấy trước mặt mình là một kẻ ác nữa, mà là một người bị lương tâm dằn dặt, một số phận đáng thương. Có thể nói rằng, với vai Phê, Diệp Lang đã thể hiện xuất sắc tài năng “ca trong diễn, diễn trong ca”, một điều mà không có nhiều nghệ sĩ cải lương đạt được.
Ông già Nam Bộ
Nhắc đến Diệp Lang không thể nào không nhắc đến các vai ông già Nam Bộ. Bắt đầu vào vai lão ở tuổi đôi mươi, Diệp Lang đã để lại nhiều vai lão ấn tượng. Có thể kể đến vai Ông Tư trong Lời Ru Của Biển, Hải Lâm trong Áo Cưới Trước Cổng Chùa, hay như vai một lão nông Đồng Tháp trong vỡ Người Giữ Mộ. Rồi các vai đã kể trên cũng là vai lão: Ông Hương Cả, Hội Đồng Thăng, hay như vai được nhiều bà con Nam Bộ yêu thích là vai Hội Đồng Dư trong vỡ Tiếng Hò Sông Hậu.
Điều đáng chú ý là, tất cả các vai đó đều là “ông già Nam Bộ” cả. Và Diệp Lang đã thể hiện rất thành công. Có thể nói rằng, nếu nói Sơn Nam là Ông già Nam Bộ trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Miền Nam, thì Diệp Lang là Ông già Nam Bộ trong lĩnh vực cải lương. Có lẽ do cách diễn xuất tự nhiên, gần gũi với cuộc sống, nên các vai Ông già Nam Bộ của Diệp Lang đã rất thành công và dễ dàng được sự chấp nhận của bà con Nam Bộ.
Tóm lại, dù là vai ác hay vai lão, thì có một điều cần nhấn mạnh, đó là: Diệp Lang đã để đời các vai diễn nhờ vào tài “ca trong diễn, diễn trong ca”, nhờ vào lối diễn tự nhiên, chân phương, “diễn như không diễn”. Như đã nói, kép độc thì nặng về diễn xuất, và thường các nghệ sĩ đóng kép độc ca vọng cổ không mùi, trái hẳn với mấy anh kép chánh bắt buộc phải ca vọng cổ cho hay cho mùi. Do mất giọng ca, nên Diệp Lang đã đổi hướng sang kép độc, nhưng cái dấu ấn của Diệp lang là “kép độc mùi”. Có thể nói rằng, Diệp Lang là kép độc mùi số một của sân khấu cải lương Nam Bộ nhờ vào sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca và diễn.
Diệp Lang rất tâm đắc lời dạy của nghệ sĩ lão thành Năm Châu là: “Đã ra sân khấu thì phải diễn, nhưng đừng diễn”. Ra sân khấu thì phải diễn xuất chứ, vì đó là tuồng hát không phải cuộc đời, thế nhưng cái khó là người nghệ sĩ phải diễn xuất chân thật như thế nào để cho người xem không còn nhận ra đó là đang diễn mà là sự thật cuộc đời. Tức là diễn xuất phải tự nhiên, phải chân thật, phải làm sao cho cuộc đời sân khấu và sân khấu cuộc đời hòa quyện vào nhau. Và Diệp Lang đã đạt được trình độ diễn xuất đó.
Phong cách diễn xuất của Diệp Lang là một bài học quý cho thế hệ cải lương hiện tại, vì rõ ràng là, một trong những nguyên nhân chính khiến cải lương hiện tại mất dần sự hấp dẫn, đó là có không ít nghệ sĩ có lối diễn xuất xa rời thực tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm