Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Sợ báo chí

Trong một bài phỏng vấn đăng trên báo tamnhin.net ngày 23/6/2013, ông Lê Doãn Hợp, cựu Phó Ban tuyên huấn trung ương và cựu Bộ trưởng Văn hóa thông tin (sau đổi thành bộ Thông tin và Truyền thông), hiện đang làm Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, có một nhận định rất thú vị: “Riêng ở Việt Nam có một cái hay là hệ thống công quyền của chúng ta rất sợ báo chí. Một thiết chế mà quan sợ dân, sợ báo chí là một thiết chế rất tốt cần phát huy ở mức tối đa.”
 
 Đọc nhận định ấy, thấy hơi là lạ, tôi vào Google, thử gõ mấy chữ “chính phủ sợ báo chí” (hoặc “nhà báo”) (government fears journalist/journalism), tôi thấy hiện lên, trong phần kết quả, toàn những chuyện ngược lại: nhà báo sợ chính phủ. Ngoài những nước đang loạn lạc, nơi các nhà báo có thể dễ dàng bị mất mạng khi đang tác nghiệp, những địa điểm đáng sợ nhất là các xứ độc tài (kể cả Nga), ở đó các nhà báo thường bị bắt bớ, bỏ tù, đánh đập hoặc có khi bị giết chết khi lên tiếng tố cáo tham nhũng và lạm quyền. Theo báo cáo của Ủy ban bảo vệ ký giả (Committee to protect journalists), từ năm 1992 đến nay, trên thế giới có tổng cộng 982 nhà báo bị giết chết, trong đó nhiều nhất là các phóng viên báo in  (30%), tiếp theo là phóng viên truyền thanh và truyền hình (24%). Số người chết vì bị lạc đạn ngay trên trận địa tương đối ít (19%), trong khi đó chết vì bị sát hại thì rất nhiều (68%). Ai giết họ?
Thủ phạm thuộc các nhóm tội phạm chiếm 13%, thuộc viên chức chính phủ chiếm 23% và thuộc các nhóm chính trị lên đến 30%. Hai mươi quốc gia được xem là nguy hiểm nhất đối với các ký giả là:
  1. Iraq: 151
  2. Philippines: 73
  3. Algeria: 60
  4. Russia: 55
  5. Pakistan: 52
  6. Somalia: 50
  7. Colombia: 44
  1. Syria: 38
  2. India: 29
  3. Mexico: 28
  4. Brazil: 27
  5. Afghanistan: 24
  6. Turkey: 21
  7. Bosnia: 19
  1. Sri Lanka: 19
  2. Tajikistan: 17
  3. Rwanda: 17
  4. Sierra Leone: 16
  5. Bangladesh: 14
  6. Israel and the Occupied Palestinian Territory: 12
(Con số sau tên mỗi nước là số nạn nhân bị giết chết.)
Việt Nam không loạn lạc nhưng lại độc tài. Theo bảng xếp hạng về tự do báo chí của tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters without Borders), trong số 179 quốc gia được tính, hầu như năm nào Việt Nam cũng bị xếp gần chót (ví dụ: năm 2009, hạng 166; năm 2010 nhảy lên được một bậc, 165; từ năm 2011 đến 2013, lại tụt xuống hạng 172). Nói chung, hiện nay, Việt Nam chỉ tự do hơn vài nước: Trung Quốc, Iran, Somilia, Syria, Turkmenistan, Bắc Triều Tiên và Eritrea).

Sống trong một đất nước không có tự do báo chí như thế, tất cả các nhà báo có chút tinh thần độc lập đều phập phồng lo sợ bị mất việc hoặc bị bắt bớ. Sợ, như lời thú nhận của Nguyễn Tuân và Nguyễn Minh Châu ngày trước, đến độ đâm ra hèn. Vậy mà ông Lê Doãn Hợp lại nói một điều ngược ngạo: chính phủ sợ báo chí.

Ông còn ngược ngạo hơn nữa khi nói thêm: Đó là một “thiết chế rất tốt cần phát huy ở mức tối đa”. Dường như ông xem đó là một biểu hiện của dân chủ. Nhưng vấn đề là: ở tất cả các quốc gia dân chủ thực sự, chính phủ lại không sợ báo chí. Họ có thể e dè báo chí nhưng không sợ báo chí. Ở các nước dân chủ, tất cả các nguyên thủ quốc gia đều thường xuyên đối diện với báo chí, trả lời đủ mọi thứ chất vấn của báo chí, dưới hình thức họp báo hoặc xuất hiện trên các đài truyền hình và truyền thanh. Hầu như ngày nào cũng vậy. Có ngày nhiều lần. Từ sáng sớm đến tối mịt.

Sợ báo chí không phải là dấu hiệu của dân chủ.

Vậy tại sao chính phủ Việt Nam lại sợ báo chí?

Câu trả lời, thật ra, rất đơn giản. Có mấy lý do chính:

Thứ nhất là sợ sự thật. Đã đành làm chính trị, nhất là ở vị trí lãnh đạo, bao giờ người ta cũng có rất nhiều điều muốn giấu giếm. Ở các quốc gia tự do cũng vậy thôi. Tuy nhiên, giữa các quốc gia dân chủ và Việt Nam có rất nhiều khác biệt: Một, trong khi ở các nước dân chủ, chỉ có một số bí mật; ở Việt Nam, hầu như mọi thứ đều là… bí mật. Hai, ở các quốc gia dân chủ, chính phủ bị khống chế bởi các đạo luật về minh bạch buộc họ phải cung cấp thông tin cho báo chí; ở Việt Nam, một sự đòi hỏi như thế cũng có thể bị xem là phạm pháp. Ba, khi một sự thật nào đó được phanh phui, ở các quốc gia dân chủ, giới lãnh đạo hoặc nhận lỗi hoặc cố gắng biện hộ; ở Việt Nam, kẻ phanh phui bị nhốt vào tù. Bốn, ở các nước dân chủ, người ta chỉ giấu giếm chứ không dối trá; ở Việt Nam, người ta có cả hai. Bởi vậy, ở đâu giới làm chính trị cũng sợ sự thật, nhưng sợ nhất vẫn là ở các nước độc tài, trong đó có Việt Nam.

Thứ hai là sợ phản biện. Ở các quốc gia dân chủ, trước khi ban hành một chính sách lớn nào đó, giới lãnh đạo bao giờ cũng đối đầu với vô số sự phản biện: từ phe đối lập, từ các nhóm lợi ích, từ giới truyền thông, từ Quốc Hội và từ dân chúng nói chung. Họ phải giải thích, tự bảo vệ, hơn nữa, cố gắng thuyết phục số đông. Ở Việt Nam, ngược lại, giới lãnh đạo rất sợ đối đầu, dù là đối đầu một cách gián tiếp, qua báo chí. Với họ, phản biện đồng nghĩa với phản nghịch; và mọi hình thức phản nghịch, dù trong tư tưởng, cũng bị trấn áp.

Thứ ba là thiếu tự tin. Ở Mỹ, Tổng thống Obama bị tố cáo đủ thứ: giấy khai sinh giả, học bạ giả, tôn giáo giả…nhưng ông không hề bắt nhà báo nào bỏ tù hay đóng cửa bất cứ cơ quan truyền thông nào cả. Có việc ông chỉ cười khẩy; có việc ông đưa ra bằng chứng để mọi người biết những điều người ta tố cáo ông là bịa đặt. Ở Việt Nam, ngược lại, giới lãnh đạo biết rõ là họ không đủ lý lẽ để thuyết phục người khác. Họ cũng biết, trên mặt trận tư tưởng, sức mạnh duy nhất của họ là ở chỗ cấm tranh luận. Chấp nhận tranh luận là thua. Nên họ sợ. Sợ vì thiếu tự tin.

Thứ tư là họ sợ tự do ngôn luận nói chung. Trên trang Phóng viên không biên giới, phần Việt Nam, bên cạnh bức ảnh của Nguyễn Phú Trọng, có mấy đoạn gọi là “Những ý nghĩ thầm của Nguyễn Phú Trọng” (Innermost thoughts of Nguyen Phu Trong), ở đó, người ta diễn tả các chủ trương và chính sách của Nguyễn Phú Trọng thành những suy nghĩ ở ngôi thứ nhất với giọng châm biếm rất thú vị - ít nhất cũng thú vị hơn câu nói của Lê Doãn Hợp ở trên. Tôi xin tạm dịch mấy đoạn ấy như sau:

“Tôi rất quen thuộc với truyền thông và báo chí bởi vì chính tôi cũng đã từng là nhà báo từ 1967 đến 1996 và sau đó, làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, tạp chí lý luận của đảng. Chức năng của truyền thông không phải là tuyên truyền chống lại nhà nước. Các nhà báo chỉ được tường thuật các sự kiện và không nên góp ý truyền bá hệ thống đa đảng trên các bài xã luận hay trên mạng. Các cơ quan truyền thông ngoại quốc như RFA, VOA và BBC đã nhanh nhảu phát đi những lời bình luận như thế đến người dân Việt Nam dưới lớp vỏ các tin tức và thông tin ‘độc lập’ ngoài sự đồng ý của chúng tôi.
Ở Việt Nam, các nhà báo có thể tác nghiệp chừng nào họ không phê phán đảng. Tháng 2 vừa rồi, nhà báo Nguyễn Đức Kiên đã vi phạm luật ấy trên tờ Gia Đình và Xã Hội nên đã bị đuổi việc. Không chịu hạn chế bài tường thuật trong nội dung bài diễn văn của tôi và (còn) phát biểu ý kiến về những gì tôi đã nói, nhà báo đã vi phạm đạo đức làm báo và cố tình gây bất ổn chính trị.
Tất cả những kẻ kêu gọi cải tổ trong mấy tháng vừa qua đều phạm tội phá hoại chính trị, ý thức hệ và đạo đức. Khi tôi nhậm chức, chủ nhiệm tờ báo đảng Nhân Dân cũng đã từng lên án những kẻ kêu gọi chủ nghĩa đa nguyên.
Một số người tiếp tục chuyển các thông tin và chính kiến nguy hiểm dưới hình thức nặc danh mặc dù tôi đã ra nghị quyết bắt các nhà báo phải tiết lộ nguồn tin và cấm sử dụng bút hiệu. Điều đó không làm tôi khỏi phải phạt cả thảy 100 năm tù giam cho các blogger và bọn bất đồng chính kiến trên mạng trong suốt 12 tháng vừa qua. Với 30 tên quặt quẹo trong nhà tù, tôi tin thành tích của tôi cao hơn hẳn vị tiền nhiệm Nông Đức Mạnh.”
Một kẻ như vậy mà sợ báo chí, kể cũng hơi lạ.

À, mà ở Việt Nam, cái gì mà không lạ nhỉ?
 
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm