Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Syria và những tin liên quan

Chuyên gia LHQ rời Syria, Damas chờ bị tấn công


Angela Kane và Ake Sellstrom trong phái bộ chuyên gia LHQ kết thúc nhịêm vụ và chuẩn bị rời Syria - AFP

Nhóm chuyên gia vũ khí hóa học của Liên Hiệp Quốc đã kết thúc nhiệm vụ điều tra tại Syria. Đoàn xe chở phái bộ đã rời lãnh thổ Syria sang Liban vào lúc 7 giờ 40 sáng nay 31/08/2013 giờ địa phương với hàng trăm mẫu xét nghiệm. Hoa Kỳ cho biết không cần chờ báo cáo của nhóm chuyên gia vì đã có sẵn dữ kiện trong tay. Damas tuyên bố đã sẵn sàng chờ cuộc tấn công của Tây phương.

Phái đoàn chuyên gia Liên Hiệp Quốc do tiến sĩ Aake Sellstrom hướng dẫn trên đường về lại Hoa Kỳ sau 12 ngày đến Syria điều tra tại chỗ trong điều kiện khó khăn do Damas thiếu hợp tác trong những ngày đầu.

Bân cạnh hàng trăm hình ảnh và phỏng vấn chứng nhân và nạn nhân, hàng ngàn mẫu xét nghiệm trích từ máu, nước tiểu, tóc và đất đá sẽ được hai phòng thí nghiệm châu Âu phân tích.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon sẽ được phái bộ chuyên gia báo cáo nhanh chóng nhưng thời gian chờ đợi kết quả chính thức phải mất ít nhất hai tuần mới biết là tại Ghuta, vùng ngoại ô đông Damas « có xảy ra một vụ tấn công bằng hơi ngạt hay không ».



Washington, qua nhận định của Ngoại trưởng John Kerry, không chờ đợi gì ở kết quả điều tra vì nhiệm vụ của phái bộ Liên Hiệp Quốc chỉ dừng lại ở câu trả lời « có hay không có tấn công bằng hơi ngạt mà không kết luận ai là thủ phạm ». Ngoại trưởng Mỹ cho biết là tình báo Hoa Kỳ đã thu thập đầy đủ bằng chứng kết tội Damas.

Ngay chính quyền Syria cũng tuyên bố trước không công nhận kết quả điều tra của Liên Hiệp Quốc nếu « không đầy đủ ». Damas quy cho phe nổi dậy là thủ phạm và đã lên án bản báo cáo của tình báo Mỹ là « ngụy tạo ».

Theo Washington, số nạn vụ thảm sát bằng hơi ngạt ngày 21/08/2013 lên đến 1429 người gồm 426 trẻ em, cao hơn con số 1300 tử vong do đối lập Syria công bố.

Giới chuyên gia quân sự, được AFP đặt câu hỏi, thẩm định thời gian thuận tiện để Hoa Kỳ sẽ ra tay là kể từ hôm nay thứ bảy, sau khi phái bộ Liên Hiệp Quốc rút khỏi Syria an toàn cho đến trước ngày 04/09 vì lúc đó tổng thống Mỹ tham dự hội nghị G20 tại thành phố Saint Petersbourg của Nga.

Ngay sau khi phái bộ Liên Hiệp Quốc rời Damas, một chỉ huy cao cấp của an ninh Syria tuyên bố với AFP là Damas đang chờ « bị tấn công bất cứ lúc nào ». Nhân vật này khẳng định là Syria « bằng tất cả khả năng sẵn sàng chống trả cuộc chiến xâm lăng không chính danh của Tây phương mà ngay công luận tây phương cũng không chấp nhận ».

Tú Anh/RFI


 Obama chuẩn bị công luận Mỹ trước khi đánh Syria


Theo các chuyên gia, "hành động có giới hạn" mà ông Obama nhắc tới là một chiến dịch ngắn gọn và không có can thiệp trên bộ - REUTERS /L. Downing

Hôm qua, thứ Sáu 30/08/2013, tổng thống Mỹ một lần nữa phát biểu về Syria. Trước những bằng chứng tố cáo chính quyền Damas có trách nhiệm trong vụ tấn công bằng hơi ngạt ngày 21/08 sát hại 1429 người trong đó có 426 trẻ em, ông Obama khẳng định là Mỹ có bổn phận phải can thiệp nhưng hành động "có giới hạn". Mặt khác, tổng thống Mỹ lo ngại Damas sẽ trả đũa tấn công vào các láng giềng đồng minh của Mỹ.

Trong cuộc họp báo nhân một cuộc họp với lãnh đạo các nước Baltic tại Washington vào hôm qua 30/08/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố là Hoa Kỳ với vai trò lãnh đạo thế giới cần phải sẵn sàng hành động một mình, nếu tình thế đòi hỏi, để cho nguyên tắc quốc tế chống sử dụng vũ khí hóa học phải được tôn trọng.

Nỗ lực thuyết phục dân chúng Mỹ, đã mệt mõi vì hai cuộc chiến tranh Irak và Afghanistan, chấp thuận một hành động quân sự mới tại Syria để trừng phạt chế độ al Assad, Tổng thống Obama lý giải : Rất nhiều người muốn phải làm gì đó cho Syria nhưng không ai muốn ra tay. Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường thuật :

Tuy tổng thống Mỹ tuyên bố là chưa lấy quyết định nhưng ông Obama lại nói đến một « hành động có giới hạn » mà tổng thống và các cố vấn quân sự nghiên cứu : Chắc chắn sẽ không phải là một chiến dịch lâu dài, cũng không có đổ bộ.

Một điều chắc chắn nữa là Hoa Kỳ sẽ trả đũa vụ Damas dùng hơi ngạt vì theo Tổng thống Obama, sự kiện chế độ Bachar al Assad sử dụng vũ khí hóa học là một hành động thách đố cả thế giới, là mối hiểm nguy không những cho an ninh của nước Mỹ mà còn đe dọa các đồng minh trong khu vực như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordani.

Để biện minh cho hành động can thiệp quân sự, tổng thống Mỹ đưa ra lập luận đạo đức : Từ chối chấp nhận một thế giới trong đó phụ nữ, trẻ con, thường dân vô tội bị giết bằng hơi độc.

Trước các tuyên bố của lãnh đạo hành pháp, Ngoại trưởng John Kerry giải thích với công luận Mỹ là chính phủ gần như có thể xác quyết vũ khí hóa học đã được chính quyền Syria sử dụng. Ông đưa ra một loạt bằng chứng mà tính báo Mỹ thu thập được và đã được kiểm chứng kỹ lưỡng để tránh sai lầm khi can thiệp vào Irak.

Ngoại trưởng Mỹ khẳng định vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/08 ở ngoại ô Damas đã giết chết 1429 người, trong số này có 426 trẻ em. Trong khi đó, các đài truyền hình trình chiếu đoạn phim ghi lại một vụ tấn công khác hồi thứ hai vừa qua tại một trường học cho thấy nhiều học sinh đang kêu gào vì đau đớn.

Tú Anh / RFI


 Syria : Pháp muốn cùng Mỹ phản ứng « mạnh »


Tổng thống Pháp François Hollande tại điện Elysée, ngày 27/08/2013.REUTERS/Kenzo Tribouillard

Tổng thống Pháp François Hollande khẳng định nước Pháp sẽ hành động « cứng rắn và tương xứng » để trừng phạt chế độ Damas đã dùng hơi ngạt. Lập trường của Paris củng cố vị thế của Washington sau khi đồng minh Luân Đôn bất ngờ lui bước vì quốc hội cản trở.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde phát hành vào chiều nay thứ sáu 30/08/2013, Tổng thống François Hollande cho biết sự kiện Luân Đôn không tham gia vào chiến dịch Syria không làm thay đổi lập trường của Pháp.

Với chủ trương phải trừng phạt quân sự chế độ Damas, tổng thống Pháp tuyên bố là cần phải có « hành động cứng rắn và tương xứng » chống chính quyền al Assad.

Tổng thống François Hollande không loại trừ khả năng các cuộc oanh kích sẽ diễn ra trước ngày thứ tư tuần tới 04/09/2013, ngày quốc hội Pháp họp phiên bất thường để thảo luận về tình hình Syria.

Theo AFP, hiện nay mọi người đang chờ kết quả điều tra của chuyên gia Liên Hiệp Quốc . Hôm nay là ngày cuối cùng phái bộ điều tra đi tìm bằng chứng sau vụ tấn công bằng hơi ngạt hôm 21/08 làm 130 thường dân thiệt mạng. Phái bộ sẽ đến bệnh viện quân đội Mazzé, một trong ba nơi chăm sóc nạn nhân. Phái đoàn chuyên gia sẽ rời Syria vào thứ Bảy để tường trình với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon.

Tại Washington, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ , bà Caitlyn Hayden tuyên bố “Hoa Kỳ tiếp tục tham khảo đồng minh Luân Đôn » và tổng thống Mỹ sẽ lấy quyết định « được hướng dẫn vì lợi ích của nước Mỹ ».

Chính phủ Đức đã lên tiếng từ chối tham gia liên minh quân sự đánh Syria. Ba Lan cũng thông báo lập trường tương tự nhưng ngoại trưởng Radoslow Sikorski tuyên bố là Matxcơva có « cùng trách nhiệm với Damas » về việc quản lý kho vũ khí hóa học, do Liên Xô cung cấp và với kỹ thuật của Liên Xô.

Tú Anh / RFI


 Các công ty Trung Quốc ngưng các dự án tại Syria


Tình hình bất ổn tại Syria buộc Trung Quốc phải rút các doanh nghiệp về nước.REUTERS/Kareem Raheem

Trong số các đồng minh của Damas, Bắc Kinh đã yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc tạm rút khỏi Syria. Theo đại sứ quán Trung Quốc tại nước này, hiện nay chỉ còn lại có hai công ty Trung Quốc trên lãnh thổ Syria.

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde cho biết chi tiết :

« Trung Quốc không muốn lại đối mặt với một kịch bản tương tự như Libya tại Syria. Việc di tản 36.000 công nhân Trung Quốc lao động tại Libya vào mùa xuân năm 2011 vẫn còn ghi đậm trong ký ức. Hôm qua, Zhong Maning, Vụ trưởng Vụ Tây Á và châu Phi của Bộ Ngoại giao tuyên bố : ‘Các sự kiện hiện nay tại Syria ảnh hưởng đến việc hợp tác kinh tế. Trung Quốc không khuyến khích các doanh nghiệp tới Syria’.

Theo Fang Min, phụ trách bộ phận lãnh sự của đại sứ quán Trung Quốc tại Damas, hiện nay còn lại 46 công dân Trung Quốc ở Syria gồm các nhà ngoại giao, nhà báo, và hai công ty Trung Quốc thuộc lãnh vực viễn thông vẫn còn giữ lại vài nhân viên tại chỗ. Tất cả những người khác đều đã rời Syria. Bắt đầu là China National Petroleum Corporation (Sinopec), hiện diện tại đây từ năm 2002 và nắm 35% cổ phần công ty dầu khí Syria Shell năm 2010.

Tương tự đối với China Petrochemical Corporation, công ty xây dựng quốc doanh Zhong Cai, hay một công ty xuất khẩu máy công cụ của tỉnh Tứ Xuyên.

Nhưng sự tương đồng chấm dứt ở đây, vì đối với Trung Quốc, về mặt năng lượng và kinh tế, Syria không phải là Libya. Zhong Maning cho biết : ‘Trao đổi thương mại không quá quan trọng, và ngay cả nếu tình hình tiếp tục xấu đi thì vẫn không gây ra hậu quả về việc cung ứng dầu lửa cho Trung Quốc’. »

Thụy My / RFI


 Mỹ cân nhắc 'hành động cục bộ' ở Syria

BBC - Cập nhật: 04:44 GMT - thứ bảy, 31 tháng 8, 2013

Tổng thống Obama nói sẽ không điều quân tới hiện trường

Tổng thống Barack Obama nói Hoa Kỳ đang cân nhắc "hành động cục bộ" để đáp trả việc sử dụng vũ khí hóa học của quân đội chính phủ Syria.

Ông Obama nhấn mạnh rằng chưa có "quyết định cuối cùng" nào được đưa ra, tuy nhiên bác bỏ khả năng Hoa Kỳ sẽ điều quân tới hiện trường.
Ngoại trưởng John Kerry dẫn kết quả điều tra của tình báo Hoa Kỳ nói Syria đã sử dụng vũ khí hóa học làm 1.429 người chết, trong đó có 426 trẻ em.
Chính phủ Syria gọi cáo buộc của Hoa Kỳ là "hoàn toàn dối trá" và đổ lỗi cho quân nổi dậy.
Tổng thống Bashar al-Assad trước đó đã tuyên bố Syria sẽ tự vệ trước bất cứ "hành động xâm lược" nào của phương Tây.
Tổng thống Pháp Francois Hollande thì tái khẳng định sự ủng hộ đối với lập trường của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên Nga, đồng minh lớn nhất của Syria, đã cảnh báo "bất cứ hành động quân sự đơn phương nào mà không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc" là sự "vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế".
Đoàn xe chở các thanh tra viên LHQ về vũ khí đã rời Damascus sáng thứ Bảy 31/8 sang Lebanon.
Tổng thư ký Ban Ki-moon nói với giới ngoại giao rằng phải hai tuần nữa mới có phúc trình cuối cùng của nhóm thanh tra.

'Trách nhiệm' của thế giới


Ngoại trưởng John Kerry gọi Tổng thống Syria là "tên côn đồ và kẻ sát nhân"


Phát biểu vào thứ Sáu, 30/8, Tổng thống Obama nói vụ tấn công ở khu ngoại ô Damascus ngày 21/8 là 'một thách thức đối với thế giới' và là sự xâm phạm "lợi ích an ninh quốc phòng" của Hoa Kỳ.
"Chúng ta không thể chấp nhận một thế giới nơi mà phụ nữ, trẻ em và những thường dân vô tội có thể bị đầu độc ở một quy mô kinh khủng như vậy."
"Thế giới có trách nhiệm bảo đảm các tiêu chuẩn chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học."
Tuy nhiên ông Obama cũng nhấn mạnh rằng Washington đang "cân nhắc khả năng hành động cục bộ", và loại bỏ việc điều quân hay mở chiến dịch lâu dài ở Syria.
Bình luận của ông Obama được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng John Kerry phát biểu về điều mà Washington gọi là kết quả điều tra tình báo "với độ khả tín cao" về cuộc tấn công ngày 21/8.

Những điểm chính trong báo cáo này bao gồm:

  • Cuộc tấn công đã khiến 1.429 người thiệt mạng, trong đó có 426 trẻ em.
  • Các chuyên gia hóa học của quân đội Syria đã được điều động đến khu vực này ba ngày trước cuộc tấn công.
  • Vệ tinh của Hoa Kỳ phát hiện ra nhiều hỏa tiễn từ khu vực do quân chính phủ kiểm soát bắn vào khu vực của quân nổi dậy, 90 phút trước khi có tin về một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.
  • Hơn 100 video về hiện trường vụ tấn công cho thấy nhiều người có dấu hiệu nhiễm chất độc gây rối loạn thần kinh.
  • Những đoạn đối thoại bị nghe lén bao gồm một cuộc đàm thoại từ một quan chức cấp cao của Damascus "xác nhận vũ khí hóa học đã được sử dụng" và bày tỏ lo ngại về việc bị các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc phát hiện.
"Chúng ta không thể chấp nhận một thế giới nơi mà phụ nữ, trẻ em và những thường dân vô tội có thể bị đầu độc ở một quy mô kinh khủng như vậy."
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama

Hoa Kỳ nói kết quả điều tra dựa trên thông tin thu thập từ những nhân viên y tế, nhân chứng, nhà báo, video và hàng nghìn nguồn tin từ mạng xã hội.
Ông John Kerry cũng gọi ông Assad là "tên côn đồ và kẻ sát nhân".
Đáp lại điều này, hãng thông tấn chính phủ Syria Sana nói ông Kerry đã "đưa chi tiết từ các tin cũ, do quân khủng bố đưa ra hơn một tuần trước".

Thông điệp mạnh mẽ

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có rất ít khả năng sẽ chấp thuận cho một cuộc can thiệp quân sự vì sự chống đối từ Nga, một trong các thành viên thường trực.
Cùng với Trung Quốc, Moscow đã phản đối hai dự thảo trước đó về Syria.
Hoa Kỳ cũng rơi vào thế bất lợi khi Quốc hội Anh bỏ phiếu chống lại đề xuất của chính phủ David Cameron trong đó ủng hộ việc can thiệp quân sự.
Thủ tướng Anh quốc và ông Obama đã có cuộc đối thoại qua điện thoại vào ngày 30/8. Hai bên đã nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác về các vấn đề quốc tế.
Tổng thống Mỹ cũng nói với ông Cameron ông "hoàn toàn tôn trọng" hành động của chính phủ Anh.
Giới chức Mỹ nói nước này sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng một liên minh, trong khi Pháp nói đã sẵn sàng để sát cánh với Mỹ tại Syria.


Các thanh tra viên LHQ đã trình kết quả điều tra lên Tổng Thư ký Ban Ki-moon


Ông Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc trao đổi qua điện thoại vào ngày 30/8, Paris cho biết.
Thông cáo từ văn phòng chính phủ Pháp nói lãnh đạo hai nước đều muốn gửi một "thông điệp mạnh mẽ" tới Damascus để lên án việc chính phủ nước này sử dụng vũ khí hóa học.
Không giống như Anh quốc, cả Pháp và Hoa Kỳ đều không cần sự chấp thuận của Quốc hội để hành động quân sự.
Một đồng minh khác của Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, đã kêu gọi mở chiến dịch tương tự như cuộc oanh tạc Yugoslavia năm 1999.
Lúc đó Nato đã tiến hành oanh tạc tổng cộng 70 ngày để bảo vệ thường dân khỏi các cuộc tấn công tại Kosovo, cho dù không có nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói can thiệp quân sự nên nhằm mục tiêu lật đổ ông Assad.

Trữ chất hóa học

Việc sử dụng vũ khí hóa học đã bị cấm theo nhiều hiệp ước, và bị coi là trái phép dưới các điều khoản của Luật nhân đạo quốc tế.
Quân đội Syria bị cho là tàng trữ nhiều chất hóa học, trong đó có cả khí độc gây rối loạn thần kinh sarin.
Thống kê ban đầu về cuộc tấn công ở Damascus dẫn số liệu từ tổ chức Bác sỹ không Biên giới cho biết 355 người đã thiệt mạng.
Các thanh tra viên Liên Hiệp Quốc đã thu thập nhiều mẫu và gửi đến các phòng thí nghiệm khắp thế giới để phân tích.
Nhóm thanh tra này không có nhiệm vụ tìm ra trách nhiệm vụ tấn công thuộc về ai.
Hơn 100 nghìn người bị cho là đã thiệt mạng và 1,7 triệu người đã phải di tản kể từ khi xung đột nổ ra ở Syria hồi tháng Ba năm 2011.


Lực lượng có thể được sử dụng cho một cuộc tấn công vào Syria:


  • Bốn khu trục hạm trang bị tên lửa hành trình của Hoa Kỳ: USS Gravely, USS Ramage, USS Barry và USS Mahan.
  • Các tên lửa hành trình cũng có thể được bắn từ tàu ngầm, nhưng hải quân Hoa Kỳ không tiết lộ vị trí của chúng.
  • Căn cứ không quân tại Incirlik và Izmir ở Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan có thể được dùng cho không kích.
  • Hai hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ: USS Nimitz và USS Harry S Truman ở gần đó.
  • Hàng không mẫu hạm của Pháp mang tên Charles de Gaulle đậu ở phía đông Địa Trung Hải.
  • Các chiến đấu cơ Raffale và Mirage của Pháp cũng có thể tấn công từ căn cứ không quân Al-Dhahra ở UAE.

Mỹ mưu tìm liên minh quốc tế về vấn đề Syria

Hoa Kỳ đã bố trí chiến hạm và chiến đấu cơ trong khu vực, và xác định những mục tiêu ở Syria mà họ có thể sẽ tấn công.


VOA
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel cho biết Washington sẽ tiếp tục mưu tìm một liên minh quốc tế để đối phó với việc Syria dùng vũ khí hóa học để tấn công thường dân. Ông Hagel tuyên bố như thế một ngày sau khi Hạ viện Anh bác bỏ một yêu cầu để quân đội Anh tham gia một cuộc tấn công quân sự.

Phát biểu ngày hôm nay tại Manila, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel cho biết Washington tiếp tục mưu tìm một liên minh quốc tế cho việc đối phó với Syria.

Cách tiếp cận của chúng tôi là tiếp tục tìm kiếm một liên minh quốc tế sẽ hành động chung với nhau và tôi nghĩ rằng quí vị đã thấy một số nước đã tuyên bố công khai để trình bày lập trường của họ đối với việc sử dụng vũ khí hóa học. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến các nước đồng minh, các nước đối tác và các nước bạn.

Ông Hagel cho biết như thế một ngày sau khi Hạ viện Anh bác bỏ một yêu cầu để quân đội Anh tham gia một cuộc tấn công quân sự.

Tổng thống Barack Obama vẫn đang xem xét cách thức đối phó với Syria. Các viên phụ tá cấp cao của ông hôm qua đã thuyết trình về vấn đề Syria trước một số thành viên quốc hội.

Dân biểu Howard McKeon, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cho biết như sau về cuộc thuyết trình.

"Họ không cho biết những bằng chứng họ có. Họ sẽ đưa ra một tuyên bố. Và họ đang ở trong quá trình giải mật. Khi họ làm điều đó, chúng tôi sẽ biết. Nhưng vị tổng thống của nước Mỹ phải tự trình bày lý lẽ của mình, phải thuyết phục công chúng Hoa Kỳ về việc này. Họ rất chán ngán chiến tranh.

Một nhóm người đã biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc tối thứ 5 để phản đối kế hoạch tấn công Syria."

Bà Elizabeth Lowengart, một người biểu tình, phát biểu như sau.

"Tôi rất nghi ngờ những gì mà họ đã trình bày và tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ không thể tự mình định đoạt vấn đề có nên dội bom Syria hay không, mặc dù những gì xảy ra ở đó là một bi kịch. Ý tôi muốn nói là làm như thế chẳng có ích lợi gì cả. Sẽ có thêm nhiều cái chết."

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon thúc giục các cường quốc thế giới hãy khoan hành động để chờ toán chuyên viên vũ khí hóa học của Liên hiệp quốc hoàn tất cuộc điều tra. Theo dự liệu, các thanh sát viên này sẽ rời Syria vào ngày mai.

Chính phủ của Tổng thống Obama nói rằng có thể họ sẽ đơn phương hành động nếu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc không đạt được một sự đồng thuận về cách ứng phó với việc Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Các giới chức Syria nói rằng họ không hề sử dụng vũ khí hóa học và tố cáo các chiến binh của phe nổi dậy sử dụng loại vũ khí giết người hàng loạt này để tấn công binh sĩ chính phủ.

Tổng thống Obama xem xét tới đáp ứng 'có giới hạn' đối với Syria
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang xem xét tới điều mà ông gọi là 'một hành động có giới hạn, thu hẹp' đối với Syria


VOA
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết ông chưa có quyết định cuối cùng về đáp ứng đối với việc Syria sử dụng vũ khí hóa học, nhưng ông nói rằng ông đang xem xét tới điều mà ông gọi là “một hành động có giới hạn, thu hẹp.”

Vài giờ sau khi ông Obama cho biết như thế, một toán thanh sát viên Liên Hiệp Quốc đã rời khỏi Syria sau khi đến nước này để điều tra những vụ tấn công hồi tuần trước. Một phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc cho biết toán chuyên viên này sẽ cố gắng hoàn tất sớm việc phân tích các mẫu xét nghiệm mà họ thu thập tại địa điểm xảy ra những vụ tấn công.

Hôm qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng chính phủ Syria đã thực hiện một vụ tấn công bằng hơi độc hồi tuần trước. Ông cho biết những bằng chứng, được trình bày trong một bản phúc trình được giải mật, cho thấy hơn 1.400 người Syria đã bị giết hại trong vụ tấn công gần Damascus, trong đó có ít nhất 426 trẻ em.

Ông nói rằng các bằng chứng cho thấy một toán chuyên viên vũ khí hóa học Syria đã có mặt ở khu vực đó 3 ngày trước khi xảy ra vụ tấn công. Ông cũng nói rằng những quả đạn rocket được bắn đi từ những khu vực do chính phủ kiểm soát và rơi vào những khu xóm hoặc nằm dưới sự kiểm soát của phe chống đối hoặc đôi bên đang tranh giành.

Ông Kerry nói rằng phúc trình tình báo bao gồm những thông tin liên lạc bị chận bắt, trong đó một giới chức cao cấp của Syria xác nhận vụ tấn công bằng hơi độc.

Trong một dấu hiệu cho thấy Washington có lẽ sắp sửa hành động, một giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Kerry hôm thứ sáu đã gọi điện thoại cho các vị ngoại trưởng của nhiều nước, trong đó có Anh, Ai Cập, Đức, Hà Lan, New Zealand, Ả rập Xê-út và Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả rập, cùng với vị Tổng thư ký của Liên đoàn Ả Rập.

Ông Kerry nói rằng lịch sử sẽ phê phán nước Mỹ một cách vô cùng khắc nghiệt nếu nước Mỹ “nhắm mắt làm ngơ trước việc một nhà độc tài sử dụng bừa bãi các loại vũ khí giết người hàng loạt.”

Các giới chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết một chiến hạm thứ 6 của Mỹ đã tới vùng biển phía đông của Địa Trung Hải để hoạt động cùng với 5 chiếc khác đã có mặt ở đó.
 
 Putin đòi Mỹ trưng bằng chứng Damas sử dụng hơi ngạt


Tổng thống Mỹ Obama và đồng nhiệm Nga Putin - Reuters

Lên án chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học là « điều phi lý » . Trên đây là phản ứng đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin về bản báo cáo của tình báo Mỹ. Putin yêu cầu « người bạn Mỹ » cung cấp chứng cớ.

Hôm nay 31/08/2013 , khi trả lời câu hỏi của báo chí tại Vladivostok về thông tin tình báo Mỹ thu thập đủ dữ kiện kết tội chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, tổng thống Nga nhận định rằng trên chiến trường quân đội chính phủ đang chiến thắng tại nhiều khu vực. Trong những điều kiện này, lấy vũ khí hóa học làm cái cớ để can thiệp quân sự là chuyện « hoàn toàn phi lý ».

Bằng giọng điệu mỉa mai, chủ nhân điện Kremlin kêu gọi « những người bạn Mỹ » nếu thật sự có chứng cớ Damas dùng vũ khí hóa học thì hãy « cung cấp cho Liên Hiệp Quốc ». Nếu « không đưa tức là không có ».

Theo hãng tin AFP, đây là lần đầu tiên tổng thống Nga phản ứng công khai về bản phúc trình của tình báo Mỹ tố cáo chính quyền Syria dùng hơi ngạt trong vụ tấn công ngày 21 tháng 8. Chính quyền Nga, có cùng lập trường với Damas, quy cho phe đối lập võ trang là thủ phạm.

Còn theo ghi nhận của hãng tin Reuters, tổng thống Nga gợi ý đưa hồ sơ Syria ra thảo luận nhân hội nghị thượng đỉnh G20 tại Saint Petersburg vào ngày 04 và 05 tháng Chín tới.

Thái độ cản trở của Nga và Trung Quốc tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong cuộc khủng hoảng Syria bị Đức công kích. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định là Nga và Trung Quốc làm cho vai trò của Liên Hiệp Quốc bị suy yếu.

Theo thủ tướng Đức, vụ sử dụng vũ khí hóa học tại Syria đã vượt qua làn ranh cấm kỵ không thể không bị hậu quả. Tuy nhiên, Đức cho biết chỉ tham gia vào một chiến dịch quân sự nếu có sự ủy nhiệm quốc tế : Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu hoặc Liên minh Bắc Đại Tây dương.

Tú Anh / RFI
 
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm