Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

‘Sự Tích’ Sữa Ông Thọ,....- Vì Sao Sữa Ông Thọ Mắc Nhất?

‘Sự Tích’ Sữa Ông Thọ,



Vì Sao Sữa Đặc Có Đường Ông Thọ Mắc Nhất?

21-2-2014

QUẬN CAM (VB) -- Trong các chợ thuộc hệ thống Siêu Thị Á Đông hiện có bán chừng chục loại sữa đặc có đường. Đa phần sữa đặc ở dạng các hộp sắt mạ thiết, dạng hộp truyền thống. Cũng có thêm dạng đựng trong các chai nhựa, đầu nhỏ có nắp đậy, bóp để rót sữa ra, đỡ phải khui và tiện đem đi picnic. Tất cả những sản phẩm này đều made in USA. Ai cũng có thể nhận ra là sữa đặc nhãn hiệu Sữa Ông Thọ là loại có giá mắc nhất, gấp đôi loại sữa có giá rẻ nhất là Original Napa. Nhiều khách hàng thắc mắc là có phải Sữa Ông Thọ ngon gấp đôi, hay bổ dưỡng gấp đôi so với các loại sữa đặc có đường khác không?

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/en/thumb/9/9c/Longevity_Brand_condensed_milk_-_S%E1%BB%AFa_%C3%94ng_Th%E1%BB%8D.jpg/240px-Longevity_Brand_condensed_milk_-_S%E1%BB%AFa_%C3%94ng_Th%E1%BB%8D.jpg
image 
Người đàn ông duy nhất có sữa cho trẻ em bú: Ông Thọ.  


Nhiều người Việt mình nghĩ rằng sữa đặc có đường có nguồn gốc từ Pháp, xứ sở của rất nhiều sản phẩm nổi tiếng có nguồn gốc từ sữa như bơ, phó mát (cheese). Điều này cũng có phần đúng, vì Nicolas Appert- một nhà phát minh người Pháp- được xem cha đẻ của ngành thực phẩm đóng lon, và cũng là người đầu tiên cố gắng cô đặc sữa vào năm 1820. Tuy nhiên, nước Mỹ mới là quốc gia thực sự đi tiên phong trong ngành công nghiệp sản xuất sữa đặc có đường. Gail Borden- một nhà kinh doanh Mỹ- là người đã đăng ký phát minh cô đặc sữa bằng phương pháp chân không vào năm 1857. Sau đó, chính ông là người mở nhà máy sản xuất sữa đặc có đường có qui mô lớn đầu tiên trên thế giới ở New York vào năm 1864. Nhãn hiện Eagle Brand của Gail Borden đã xuất hiện từ thời đó, và vẫn tồn tại đến tận bây giờ tại các siêu thị Mỹ.




Cũng chính tính thực dụng của người Mỹ đã dẫn đến việc phát minh ra sữa đặc có đường, chứ không phải tính thích ăn ngon mặc đẹp của người Pháp. Trước khi có sữa đặc, sữa tươi chỉ tồn trữ được trong một thời gian ngắn, do đó chỉ được bán ở những nơi gần trại nuôi bò. Gail Borden đã bị tác động mạnh bởi việc nhiều trẻ em bị chết vì thiếu dinh dưỡng, hoặc uống sữa tươi không hợp vệ sinh, từ đó đã thúc đẩy ông sản xuất thành công sữa đặc có đường, với mục đích chính là tồn trữ sữa được lâu không cần kho lạnh và có thể vận chuyển sữa đi xa được dễ dàng. Ít người biết rằng sữa đặc có đường đã góp công vào chiến thắng của quân đội Bắc Mỹ trong cuộc nội chiến Nam- Bắc, khi mỗi người lính miền Bắc được trang bị những hộp sữa đặc như là một thứ lương khô vô cùng bổ dưỡng. Điều này có thể so sánh với món bánh tráng của quân đội vua Quang Trung trong cuộc hành quân thần tốc đại phá quân Thanh năm Kỷ Dậu. Chính sự hữu dụng của lon sữa đặc trong cuộc nội chiến Mỹ đã làm cho sữa đặc có đường nổi tiếng như cồn, được sản xuất và sử dụng rộng rãi khắp nơi trên thế giới.




Ngày nay, sữa đặc có đường không còn đơn thuần là một loại thực phẩm “cứu đói” nữa. Nó đã có mặt trong nhiều món ăn (đặc biệt là các món tráng miệng, thức uống) của nhiều nền văn hóa ẩm thực trên thế giới, từ Âu, Á đến Mỹ. Dĩ nhiên trong đó có Việt Nam. Chắc nhiều người trong chúng ta hẳn còn nhớ thời niên thiếu, những buổi sáng sớm chạy ra đầu ngõ mua ổ bánh mì nóng dòn, đem về nhà quẹt vào sữa đặc mà ăn. Mùi thơm của bánh mì quyện với vị ngọt, béo của sữa đặc, ăn mà thấy chao ôi là hạnh phúc! Người VIệt cũng được nhiều chuyên gia ẩm thực thế giới công nhận là dân tộc “phát minh” ra cái món cà phê đá và cà phê sữa đá độc đáo, quá thích hợp đối với một xứ nóng quanh năm như Việt Nam. Bây giờ, nhìn thấy McDonalds quảng cáo món cà phê đá như là một “độc chiêu” của mình, nhiều dân Bolsa cứ cười ruồi và nhủ thầm rằng “…Xưa rồi Diễm!...”. Cà phê sữa đá mà uống với sữa tươi thì loãng quá, mất vị cà phê hết, cho nên dân mình kết hợp với sữa đặc có đường không chê vào đâu được!




Sữa đặc có đường nhãn hiệu Ông Thọ, Original Napa, Nestle và loại đựng trong chai nhựa tại chợ Green Farm.


Trở lại với câu chuyện về “sự tích…Sữa Ông Thọ”, đây là một nhãn hiệu sữa đặc có đường quen thuộc với hầu hết người Việt mình, với hình ảnh một ông già cầm trái đào tiên. Đây là một trong hai nhãn hiệu sữa đặc nổi tiếng ở Miền Nam Việt Nam trước 1975, nhãn hiệu kia là Nestle với hình ảnh tổ chim (hiện cũng có bán tại chợ Green Farm). Vào thơì đó, tên gọi chính thức của Sữa Ông Thọ là Longevity Brand, một thương hiệu của hãng sữa Hòa Lan Foremost- Friesland Foods. Sau năm 1975, chính quyền CSVN quốc hữu hóa hãng Foremost tại Biên Hòa, đổi tên thành Vinamilk. Từ đó Vinamilk sở hữu và kinh doanh chính thức nhãn hiệu Sữa Ông THọ cùng với ông già cầm trái đào. Sau năm 1990, Việt Nam mở cửa kêu gọi nước ngoài đầu tư trở lại, Foremost trở lại thị trường Việt Nam, và đâm đơn kiện Vinamilk để đòi lại thương hiệu của mình. Kết quả là tòa công nhận quyền sở hữu hình ảnh ông già cầm trái đào tiên cùng tên gọi Longevity của Foremost, nhưng Vinamilk thì lại được sở hữu tên gọi Sữa Ông Thọ. Đó là lý do tại sao đến ngày hôm nay, Sữa Ông THọ tiếp tục là loại sữa đặc bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam, nhưng lại có một hình ảnh Ông Thọ khác đi một chút, có trẻ em vây quanh chứ không cầm trái đào tiên nữa. Có con cháu thì… mất đào là vậy! Chỉ ở bên Mỹ này, người Việt mình còn thấy nhãn hiệu Sữa Ông Thọ đi cùng với cái tên Longevity và hình ảnh Ông Thọ… có đào như trước 1975.




Tại sao giá sữa Ông Thọ lại mắc vậy? Có phải là do nó bổ hơn, hoặc ngon hơn các loại sữa đặc khác? Nên nhớ là Sữa Ông Thọ chỉ bán chạy ở các siêu thị có người gốc Á bên Mỹ, chứ dân Mỹ trắng thì ít biết đến cái tên này. Hai thành phần căn bản nhất của sữa đặc là sữa tươi và đường. Nếu hai thành phần này cùng chất lượng, thì trên nguyên tắc sữa đặc sẽ cùng chất lượng. Còn lại là phần mùi, hương vị. Sữa đặc làm bằng sữa full cream thì uống ngậy hơn làm bằng sữa đã bớt béo (tuy nhiên lại không thích hợp với người bị cao mỡ). Lại nữa, có một số nhà sản xuất thích làm sữa đặc chỉ với hai thành phần căn bản, một số khác thì tăng thêm hương vị riêng bằng cách cho thêm một vài phụ gia, như dầu thực vật chẳng hạn. Cái khác nhau chỉ là ở chỗ đó. Nhưng để nhận ra được sự khác nhau tinh tế này thì không phải ai cũng làm được. Một công ty chuyên nghiên cứu về ẩm thực của Mỹ đã làm một cuộc thử nghiệm, cho người tiêu dùng nếm và đánh giá hương vị của 6 loại sữa đặc có đường đang bán chạy trên thị trường Mỹ là Sữa Ông Thọ, Parrot, Carnation (của Nestle), Eagle, Santini và Magnolia. Họ đi đến kết luận là sự khác biệt rất ít, và còn tùy thuộc vào cách sử dụng nữa. Nếu dùng sữa đặc bằng cách chấm bánh mì vào sữa, Sữa Ông Thọ đứng đầu cuộc thi, do người ăn thích cái vị thơm “bơ” và “caramel” đặc biệt, và độ sệt vừa phải của nó, đứng trên Eagle và Magnolia. Nhưng nếu pha cà phê sữa để uống, thì Carnation lại được đánh giá cao nhất, trên Sữa Ông Thọ và Santini. Công ty này còn khuyên là nếu ăn uống trực tiếp sữa đặc đã khó phân biệt như vậy, thì các bà nội trợ dùng sữa đặc để làm bánh, làm yaourt không cần quan tâm nhiều đến nhãn hiệu làm gì cho mất công, mua loại nào rẻ hay quen sử dụng là O.K thôi.




Như vậy, có thể tạm giải thích sở dĩ Sữa Ông Thọ mắc hơn nhiều so với các loại sữa đặc khác chủ yếu là do tính trung thành của khách hàng Việt đối với nhãn hiệu này từ 50 năm trước, hơn là vì vấn đề chất lượng hay khẩu vị. Người viết bài này cũng đã tự làm test, buổi sáng cặm cuội pha 3 ly cà phê, rồi quậy 3 loại sữa đặc Ông Thọ, Original Napa, Nestle để uống thử, và cũng tự kết luận là không thể phân biệt được, cho nên đã chọn loại rẻ nhất mua để uống cà phê hằng ngày. Còn chuyện ăn sữa đặc chấm bánh mì thì quả là có thấy khác, nhưng đành… chào thua, bởi vì bác sĩ đã bắt bớt ăn ngọt rồi. Trung thành là một đức tính tốt, rất nhiều bà muốn ông chồng mình có! Nhưng trong trường hợp trung thành với sữa đặc có đường, chắc hẳn là nhiều bà sẽ bao dung hơn, cho phép các ông được uống cà phê sữa với hộp sữa đặc vừa túi tiền. Đó mới là sự lựa chọn phù hợp nhất…




GHI CHÚ:

Quí khách có thể mua nhiều loại sữa đặc khác nhau tại 7 chợ trong hệ thống Siêu Thị Á Đông (Á Đông, Đà Lạt, Saigon Super Market, Mom, Green Farm Fountain Valley, Green Farm Gardena, Green Farm El Monte). Hiện nay, chợ đang giảm giá loại sữa hiệu Original Napa của California, giá chỉ bằng nửa giá Sữa Ông Thọ.



Việt Báo Online

1 nhận xét:

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm