Tuesday, September 09, 2014
HÀ NỘI (NV) - Ðó là dự định mà Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam trình bày tại hội thảo về dự án “Hỗ trợ năng lực phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam.”

Trong khi nhiều tổ chức quốc tế xác định trẻ em Việt Nam bị buộc làm việc như nô lệ thì Việt Nam chỉ xác nhận thực trạng rằng tại quốc gia nay có nhiều “lao động trẻ em.”


Một vài nguồn tin ước đoán có hàng chục ngàn trẻ em bị biến thành hàng hóa để mua bán ngay tại Việt Nam. (Hình: BBC)


Một báo cáo về “thực trạng lao động trẻ em” do Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam thực hiện từ năm 2012 cho biết, đa số “lao động trẻ em” tại Việt Nam phải làm việc kiếm sống từ khi mới 12 tuổi. Số “lao động trẻ em” tại Việt Nam chiếm 9.6% tổng số trẻ em tại Việt Nam. Trong số này, có 55% không được đi học. 32% “lao động trẻ em” phải làm việc trung bình là 42 giờ/tuần và 96% trong 32% không được đến trường.


Tuy nhiên một viên thứ trưởng của Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam tên là Doãn Mậu Diệp, biện bạch rằng, tỷ lệ “lao động trẻ em” ở Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình của khu vực.


Viên thứ trưởng này giải thích lý do Việt Nam quan tâm đến “lao động trẻ em” là vì, cộng đồng quốc tế quan niệm, nếu trẻ em phải lao động sớm thì các quyền được phát triển, học hành, quyền được bảo vệ không bị xâm hại, bóc lột không được bảo đảm. Thành ra “nhiều mặt hàng do Việt Nam sản xuất mà có sử dụng ‘lao động trẻ em’ bị đưa vào danh mục các mặt hàng sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức gây ra nhiều bất lợi.”


Cũng vì vậy, viên Thứ trưởng của Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam, khuyến cáo, “chúng ta phải tìm giải pháp để chuyển ‘lao động trẻ em’ sang trạng thái trẻ em làm việc.”

Cộng đồng quốc tế chấp nhận không xem là “lao động trẻ em” nếu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi làm việc khoảng 1 giờ/ngày, trẻ em từ 12 đến 14 tuổi làm việc dưới 4 giờ/ngày và trẻ em từ 15 đến 17 tuổi làm việc không quá 7 giờ/ngày.


Các trình bày sự quan tâm và ý định giải quyết vấn nạn “lao động trẻ em” mà cộng đồng quốc tế gọi là “nô lệ trẻ em” của viên thứ trưởng Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam, cho thấy, nguyên nhân chính là vì bị cộng đồng quốc tế công kích và “việc đàm phán các hiệp định tự do thương mại (FTA) luôn có điều kiện về tự do hiệp hội và lao động trẻ em.”


Viên thứ trưởng Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam thú nhận, từ năm 2012, mặt hàng may mặc và gạch của Việt Nam bị đưa vào danh mục các mặt hàng có sử dụng lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức của chính phủ Hoa Kỳ và những mặt hàng này bị người tiêu dùng tẩy chay, thị phần giảm xuống, mất đơn hàng.


Viên thứ trưởng tên Doãn Mậu Diệp cho biết, “Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội phối hợp với các bộ ngành khác xây dựng kế hoạch tổng thể nhằm đưa mặt hàng may mặc và mặt hang gạch ra khỏi danh sách sử dụng lao động trẻ em nhằm chiếm lĩnh lại thị trường, tăng mức tiêu thụ cũng như đơn hàng đồng thời không để các mặt hàng khác bị đưa vào danh sách.”


Hồi tháng 8 năm ngoái, hãng BBC vừa đăng một phóng sự điều tra của Marianne Brown về “nô lệ trẻ em” ở Việt Nam. Giới quan sát thời sự tin rằng, những phóng sự điều tra kiểu này sẽ khiến con đường gia nhập TPP của Việt Nam thêm gập ghềnh.


TPP là ba ký tự viết tắt, thay thế cho “Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement” (Hiệp định Hợp tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương). Ðây là một hiệp định thương mại tự do đa phương nhằm thiết lập một mặt bằng thương mại tự do cho các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.


Một nghiên cứu về TPP cho biết, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong các quốc gia tham gia TPP. Nhờ TPP, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng khoảng 28%, GDP sẽ tăng khoảng 11%.


Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế đã và đang vận động để các bên tham gia TPP xem xét lại tư cách ứng viên của Việt Nam vì xâm hại nhân quyền, xâm hại các chuẩn mực về lao động và môi trường.


Cuối tháng 7 năm ngoái, ba tổ chức: Công Ðoàn Huynh Ðệ Quốc Tế (International Brotherhood of Teamster), Hiệp Hội Quyền Công Nhân (Worker Rights Consortium) và Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), đã từng lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ ngưng thảo luận về TPP với Việt Nam vì đang có sự lạm dụng lao động tại Việt Nam và phóng sự điều tra của Marianne Brown về “nô lệ trẻ em” ở Việt Nam, khắc họa thêm cho những nhận định như thế của nhiều tổ chức quốc tế.


Thông qua Quỹ Trẻ Em Blue Dragon, bà Brown đã tiếp xúc với nhiều đứa trẻ được Blue Dragon giải cứu. Từ 2005, Blue Dragon đã giải cứu 205 đứa trẻ, đa số là con em người thiểu số sống tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam, bị dụ dỗ vào Sài Gòn rồi bị cầm giữ, bị buộc phải làm việc trong các xưởng may, bị ép ăn xin, thậm chí bán dâm.


Một luật sư là thành viên sáng lập Blue Dragon kể với bà Brown rằng, 25% số trẻ em mà Blue Dragon giải cứu hồi năm ngoái là những đứa trẻ bị ép phải làm việc trong các xưởng may ở Sài Gòn. Những “xưởng may” này thường rất chật hẹp và vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ăn ở của hàng chục đứa trẻ. Chủ xưởng chỉ cho các em vào nhà tắm 8 phút một ngày. Tám phút đó dành cho cả việc đánh răng, tắm rửa và đi vệ sinh.


Việt Nam vốn đã nổi tiếng vì là một trong những cái nôi của tệ buôn người. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị biến thành hàng hóa để bán đi Trung Quốc, Ðông Nam Á, Châu Âu.


Tuy nhiên người Việt còn bị biến thành hàng hóa để mua bán ngay tại Việt Nam. Ông Florian Forster, trưởng Văn Phòng Di Trú Quốc Tế (IOM) tại Việt Nam, nói với bà Brown: “Buôn người xuyên biên giới đã được công nhận từ lâu nhưng buôn người trong nước mới chỉ được chính thức công nhận kể từ năm 2011.”


Bà Vũ Thị Thu Phương, một thành viên trong dự án liên kết các tổ chức Liên Hiệp Quốc để phòng chống buôn người (UNIAP) xác nhận: “Hầu hết các vụ buôn lao động trong nước không bị coi là tội phạm mà chỉ bị phạt hành chính.”


Ông Michael Brosowski, cũng là một thành viên sáng lập Blue Dragon nói với bà Brown rằng, Blue Dragon đã gặp những em phải làm việc 18 giờ mỗi ngày, bảy ngày mỗi tuần song chỉ được trả từ 50 đô la đến 100 đô la một... năm. (G.Ð)


Nguồn : nguoiviet.com