Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Việt Nam muốn vay tiền ngoại quốc ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng

 Thursday, September 06, 2012 7:00:10 PM



HÀ NỘI (NV) - Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đang gặp những khó khăn nghiêm trọng mà Ngân Hàng Nhà Nước không đủ sức đối phó nên đang có những đề nghị cần phải vay một số tiền khổng lồ ở nước ngoài để giải quyết khủng hoảng.

Khách hàng ồ ạt tới rút tiền ký thác tại một chi nhánh ngân hàng Á Châu (ACB) ở Hà Nội ngày 23 tháng 8, 2012 sau khi tổng giám đốc của ACB bị thẩm vấn (sau đó bị bắt) và một cổ đông lớn (Bầu Kiên) bị tống giam làm người ta sợ ngân hàng sụp đổ và họ mất hết tiền. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/GettyImages)

Một trong những giải pháp được đưa ra, theo một bản phúc trình của Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội CSVN thì có thể xin vay tiền từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF).
Nếu không được đối phó sớm với những số tiền lớn để chống đỡ, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam sẽ kéo dài sự trì trệ cho cả nền kinh tế.
Bản phúc trình gần 300 trang của Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội Hà Nội phổ biến trên Internet ngày 4 tháng 9, 2012 nói hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam cần được bơm cho từ 250 ngàn tỉ đồng (khoảng $11.97 tỉ USD) đến 300 ngàn tỉ đồng (khoảng $14.36 tỉ USD).
Hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam hiện đang ôm một số lượng nợ xấu rất lớn, thực tế là bao nhiêu, Ngân Hàng Nhà Nước che giấu sự thật và lâu lâu đưa ra các con số trái ngược nhau.
Con số nợ xấu được Ngân Hàng Nhà Nước loan báo hồi tháng 6 vừa qua khoảng 10% so với 6% của cuối năm ngoái. Tuy nhiên, một ngân hàng đầu tư ngoại quốc ước lượng tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam có thể tới 20%.
Trước các áp lực của các định chế tài trợ quốc tế, Hà Nội từng đề ra dự án cải tổ lại hệ thống ngân hàng thương mại, trong đó, ít nhất gần một chục ngân hàng có nguy cơ sập tiệm. Tuy nhiên dự án này chỉ thấy nói mà chưa thấy tiến hành từ năm ngoái đến nay.
Trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 20 tháng 8, 2012, ông Nguyễn Chí Hiếu, một chuyên viên tài chính ngân hàng cho rằng nếu “Chính phủ (CSVN) không đứng ra xử lý nợ xấu, thì e rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng ngay trong năm 2013.”
Một trong những dấu hiệu bấp bênh của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam xảy ra ở tuần lễ cuối tháng trước. Khi hay tin Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng Á Châu, bị thẩm vấn điều tra và ông Nguyễn Ðức Kiên, tức bầu Kiên bị bắt giam liên quan tới các hoạt động kinh doanh tài chính, những người có tiền ký thác không những tại ngân hàng ACB nơi ông Kiên là cổ đông lớn, vội vàng tới rút tiền. Họ sợ ngân hàng bị sụp đổ làm mình mất tiền gửi nên đã nối đuôi nhau chờ chực lấy hết tiền ra trong 3 ngày liên tiếp từ 21 đến 24 tháng 8, 2012. Riêng hai ngày 21 và 22 tháng 8, khách hàng đã tới rút khoảng 8,000 tỉ đồng tại các chi nhánh ACB, buộc Ngân Hàng Nhà Nước đã phải bơm 23,000 tỉ đồng, một lượng tiền khổng lồ cứu ứng.
Nhà cầm quyền Việt Nam đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay 6.5% nhưng nửa năm đầu kinh tế trì trệ chỉ đạt được 4.4% lại phải đang đối diện với những khó khăn nghiêm trọng của hệ thống tài chính. Thuế và lợi tức không thâu được nhiều gây trở ngại cho kế hoạch cứu hệ thống ngân hàng.
“Việt Nam tự lao vào cái vũng lầy này và nhà cầm quyền phải đứng ra gánh trách nhiệm giải quyết trước khi nó tồi tệ hơn nữa.” Gareth Leather, kinh tế gia của công ty đầu tư Capital Economics Ltd., ở Luân Ðôn đưa ra nhận xét trên báo tài chính Bloomberg hôm Thứ Năm. “Tín dụng là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Vậy nên người ta sẽ không thể nhìn thấy tăng trưởng quay lại được mức từ 7% đến 8% chừng nào mà các ngân hàng thương mại còn bị kẹt trong những khó khăn hiện nay.”
Chỉ số chứng khoán tại Việt Nam mất 1.4 điểm hôm Thứ Năm. Riêng cổ phiếu của ACB mất 1%. Những ngày khủng hoảng cuối tháng trước cổ phiếu ACB đã bị mất 20% chỉ trong 3 ngày. Thị trường chứng khoán tại Việt Nam mất trị giá khoảng $5.62 tỉ USD nội trong 4 ngày.

Vay tiền sẽ không dễ

“Việt Nam hiện đang ở lúc họ phải thăm dò các phương cách để tái cấp vốn và tái cấu trúc nền tảng cho hệ thống ngân hàng.” Ông Peter Ryder quản lý quỹ đầu tư và phát triển tài sản của Indochina Capital ở Hà Nội phát biểu trên bản tin Bloomberg. “Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, đặc biệt là họ có lịch sử độc lập dữ dội, việc họ tới hỏi vay IMF trước khi hết mọi cách giải quyết, là điều rất đáng ngạc nhiên.”
Thật ra, việc vay tiền của IMF cũng không phải dễ dàng. Nguyên tắc cho vay của IMF là họ đòi quyền kiểm toán độc lập, một điều chế độ Hà Nội tránh né. Cách đây 10 năm, IMF đã ngừng giải ngân tín dụng $52.5 triệu USD cho Ngân Hàng Nhà Nước vì không cho kiểm toán đối với khoản vay tương tự trước đó. Năm sau, IMF còn quyết định chấm dứt chương trình cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam 3 năm.
Bên cạnh giải pháp có thể cầu cứu IMF giúp đỡ để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, phúc trình của Ủy Ban Tài Chính Quốc Hội CSVN còn có những đề nghị khác như dùng ngân khoản từ những nguồn khác. Chẳng hạn, bán công trái đáo hạn từ 3 tới 5 năm, cắt giảm công chi, lôi cuốn nguồn tài chính hay đầu tư từ các công ty ngoại quốc.
Dù sao, bản phúc trình cho rằng, cuối cùng, tìm kiếm ngân khoản ứng cứu từ ngoại quốc là “không thể tránh được” nếu Việt Nam muốn giải quyết nhanh chóng núi nợ khó đòi mà đám ngân hàng thương mại (gồm cả những ngân hàng quốc doanh) đang ôm giữ. Nguyễn Văn Giàu, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN từng cho hay phân nửa trong tổng số hơn 200 ngàn tỉ đồng “nợ khó đòi” đó có thể mất luôn. Hàng chục ngàn công ty, xí nghiệp được cấp tín dụng hoặc đã chết, hoặc “chết lâm sàng” như báo chí trong nước từng đề cập thì không thể trả nợ.
Một trong những giải pháp giải quyết nợ xấu ngân hàng từng được đề cập là Ngân Hàng Nhà Nước lập một công ty mua nợ xấu, nay được Quốc Hội Hà Nội đề nghị là dùng ngân khoản vay ngoại quốc, có thể từ Quỹ Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP).
Tình trạng làm chủ ngân hàng tròng tréo với những biểu hiện “thâu tóm” ngân hàng rồi cho vay bừa bãi dựa vào mối quan hệ riêng tư của một số tư bản đỏ hiện “đã đến mức báo động.” Tình trạng này dẫn đến hệ quả là nợ xấu gia tăng nên cần phải đối phó ngay lập tức, bản phúc trình đề nghị.
“Tỉ lệ nợ xấu và nợ khó đòi trong hệ thống ngân hàng đang ở mức báo động” trong khi các cơ chế kiểm soát, thanh tra nợ xấu lại thiếu, bản phúc trình viết. (TN)

http://www.nguoi-viet.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm