Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

RFI tìm hiểu cội rễ "Bạo lực phổ biến tại Việt Nam"

"Cẩu tặc" bị đánh chết hay trọng thương là chuyện xảy ra khá thường xuyên. Trong ảnh, một vụ đốt xe cẩu tặc ở tỉnh Nghệ An (DR)
"Cẩu tặc" bị đánh chết hay trọng thương là chuyện xảy ra khá thường xuyên. Trong ảnh, một vụ đốt xe cẩu tặc ở tỉnh Nghệ An (DR)
Trọng Thành
Tại Việt Nam trong thời gian gần đây, các vụ tội phạm trộm cướp dùng súng ngày càng gia tăng. Các vụ giết người càng lúc càng nghiêm trọng và phổ biến. Trong khuôn khổ tạp chí Cộng đồng của RFI hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị một góc nhìn để tìm hiểu về các cội rễ của tình trạng bạo lực phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt qua hiện tượng « cẩu tặc ». 
Cũng theo báo chí trong nước, tội phạm giết người do mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp tài sản đất đai, trong sinh hoạt, nợ nần kinh tế, bệnh tật, tức liên quan đến những nguyên nhân mà ngôn từ trong nước vẫn gọi là « nguyên nhân xã hội » chiếm tuyệt đại đa số các trường hợp giết người (khoảng 90% trong năm qua, theo một thống kê). Tội phạm do người chưa thành niên, bạo lực gia đình và học đường có xu thế gia tăng cũng là điều gây lo ngại trong xã hội.
Tại sao bạo lực có xu hướng ngày càng nghiêm trọng và phổ biến hơn tại Việt Nam ?

Trong khuôn khổ tạp chí Cộng đồng của RFI hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị một góc nhìn để tìm hiểu về các cội rễ của tình trạng bạo lực phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt qua hiện tượng « cẩu tặc » (tức hiện tượng bắt trộm chó, và đi liền với nó là những hành động trả đũa quyết liệt của đám đông đối với các thủ phạm, cũng như các phản ứng tàn bạo từ phía những kẻ bị truy đuổi).
Trong thời gian gần đây, công luận đã ghi nhận nhiều trường hợp kẻ cắp chó bị đám đông đánh « hội đồng » cho đến chết, và ngược lại, thủ phạm khi bị đuổi theo đã dùng súng sát hại người truy bắt. Dường như, không kể trong các trường hợp những băng nhóm « xã hội đen » đọ sức bằng vũ khí, có lẽ ít trong trường hợp nào, mà bạo lực lại diễn ra một cách quyết liệt đến mức mạng đổi mạng như vậy. Mà lý do của nó, theo một số người đơn giản chỉ là con chó, tức không phải là một vật có giá trị lớn, hành động đánh chết người trộm như vậy là quá dã man và là một hành vi phạm pháp nghiêm trọng.
Ngược lại, các tranh luận tại các diễn đàn trên mạng về chủ đề này cho thấy, không ít người ủng hộ việc đám đông đánh chết thủ phạm để trả thù, vì cho rằng chó không chỉ là một vật nuôi, mà còn là một động vật thân thiết với con người, hành vi trộm chó đáng phải chịu một trừng phạt như vậy.
Trong các xung đột giữa kẻ cắp và người mất chó, dường như rất ít có sự can thiệp của chính quyền. Thường thì khi lực lượng an ninh có mặt thì tội ác đã xảy ra. Cũng có nhiều người cho rằng, chính việc các thủ phạm trộm chó không bị trừng phạt nghiêm minh, mà trong xã hội đã tạo ra một vùng trống, nơi các hành động bạo lực mang tính « tự xử » như trên được dung túng.
Trộm chó là một hành vi phạm tội. Kẻ đi trộm chó giết người truy bắt là một tội ác nghiêm trọng. Ngược lại, đám đông đánh kẻ cắp chó đến chết cũng là một hành vi tội ác nhưng cho đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn tỏ ra rất lúng túng trong xử lý. Bạo lực man rợ của đám đông và những mâu thuẫn trong các quan niệm xã hội về hiện tượng kể trên, báo động một mức độ khủng hoảng tinh thần rất đáng lo ngại trong xã hội Việt Nam.
Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, RFI đặt câu hỏi với một số nhà nghiên cứu, nhà văn Việt Nam. Dù liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến hiện tượng « cẩu tặc », chúng tôi hy vọng ý kiến của các vị khách mời sẽ mang lại cho quý thính giả những thông tin bổ ích để soi tỏ các gốc rễ của tình trạng bạo lực tại Việt Nam hiện nay. Khách mời của RFI hôm nay là nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình, nhà xã hội học Tương Lai, nhà văn Tạ Duy Anh và nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn.
Thịt chó : từ ăn cắp vặt đến trộm cướp có tổ chức
Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình cho biết về sự phổ biến của thói quen ăn thịt chó tại Việt Nam, cũng như nạn bắt trộm chó không phải bây giờ mới có.
Ông Trịnh Hòa Bình : Trước kia, người ta vẫn nhìn nhận thịt chó là món ăn giầu đạm, mà ăn uống nó bỗ bã, thành ra hay tụ tập được những người khoái khẩu đánh chén, nhân dịp liên hoan, lễ hội ở các cơ quan đơn vị đoàn thể, ví dụ tập quân sự, tập tự vệ thắng lợi, hay có công việc gì, thậm chí dịp giáp Tết chẳng hạn, có xu hướng mời nhau đi khoản đãi thịt chó trên đường Nhật Tân (Hà Nội). Hoặc là để « giải đen », người ta thường mời nhau đi dùng thịt chó.
Từ đấy thành ra thịt chó thành một món hàng bán chạy. Đối với người nuôi chó tình cờ, không tốn kém bao lăm, trừ phi nuôi chó thương mại. Nuôi như thế lại vui cửa vui nhà, rồi kết cục tổng kết là được một món tiền. Thế nhưng từ đấy đám đạo tặc, hay là một bộ phận đám thanh niên hút chích, túng thiếu, hoặc thậm chí không phải thanh niên mà là những người có tuổi, người ta thấy rằng là có thể kiếm chác được từ con chó đó, nên rộ lên cái phong trào câu chó. Câu chó bằng lưỡi câu hay bằng thòng lọng. Một cô một cậu, hay hai cậu làm một cái thòng lọng đi qua chỗ con chó quăng một cái, ríu một cái là xách được con chó đi.
Cái hành vi đó ở hương thôn cũng có, mà ở thành thị cũng có. Có điều ở giữa thanh thiên bạch nhật thì không xảy ra, nhưng trong ngõ xóm thì cũng khá lâu rồi.
TS Trịnh Hòa Bình (Hà Nội)
 
31/10/2012
 
 
Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình lưu ý những diễn biến mới của nạn cẩu tặc trong thời gian gần đây, chuyển từ hình thức « trộm vặt » sang ăn trộm có tổ chức, có trang bị vũ khí súng, với các bạo lực khốc liệt xung quanh hiện tượng này, đồng thời ông cũng đưa ra một số lý giải bước đầu.
Ông Trịnh Hòa Bình : Gần đây rộ lên chuyện có những nhóm ăn trộm chó với quy mô thường xuyên, phổ biến. Và dẫn đến gây phẫn nộ ở cộng đồng (Cũng chẳng mấy khi có chuyện vây bắt đâu, trừ khi có một ngõ cụt, thì người ta mới vây bắt, vì chắc chắn phần thắng về người ta, chứ còn bây giờ cái thói dửng dưng, cái bệnh « vô cảm » trong xã hội). Thế cho nên dẫn đến câu chuyện nhóm cẩu tặc nó chuẩn bị hung khí để chống trả, để bảo vệ mình.
Có nhiều câu chuyện diễn ra cũng buồn, và buồn cười, cười ra nước mắt. Có những kẻ trộm chó. Có những kẻ trộm chó bị quây đánh đến chết. Có những tên thoát thân được. Việc đó đã trở thành một hiện tượng, trở thành một cái gì đó thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Đánh chết cẩu tặc : Tức giận kẻ ăn cắp hay trút bỏ những uất ức cá nhân ?
Về vấn đề này, nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình lý giải :
Ông Trịnh Hòa Bình : Thế vì sao người ta đánh ? Rõ ràng, khi bọn trộm chó lấy đi của người ta một nguồn thu nhập. Và cái quan trọng là những người đi làm cẩu tặc ấy cũng không xuất phát từ lao động chân chính, thậm chí còn xuất phát từ hành vi ngông cuồng, chơi ngông lại xã hội và đồng thời lại có ăn có tiêu. Lâu nay người ta hay nói rằng, đám này tập trung vào nhóm nghiện, nghiện chích hay túng thiếu. Lâu nay chúng tôi có cái mốt là, nếu có hành vi vi phạm chuẩn mực, y như đổ là tại nghiện game, bạo lực… hay rồi là tiêm chích, nghiện ma túy… Cũng có một phần lớn sự thực như thế, nhưng tôi cho rằng, nhiều khi người ta cũng viện dẫn, đánh vào những khách thể không biết tự bảo vệ, ví dụ cái game nó không biết tự bảo vệ. Trong các câu hỏi cung thường nhật, người ta (công an) thường đưa ra câu hỏi mớm : Có phải mày nghiện game không ?… Những điều đó cho thấy xã hội bây giờ thiếu sự cắt nghĩa, sự lý giải một cách có cơ sở, và thiếu cái điều tra, thiếu cái nghiên cứu. Thành ra cũng phán bằng cái suy luận, hoặc là bằng những nguyên nhân cụ thể của một vụ việc hay một hành vi nào đó mà thôi.
Xung quanh chuyện vây đánh chết bọn cẩu tặc, thì nguyên nhân có sự căm thù đối với người ăn cắp chó cũng có, nhưng mà lắm khi cũng là trút gửi những ẩn ức, những cái trĩu nặng, những cái làm phiền hà người ta trong cuộc sống thường ngày, những cái bức xúc mà người ta không tìm được cách giải thoát. Và (hành động trút giận như vậy) vừa khéo là lúc có kẻ xâm phạm vào sự tĩnh lặng, xâm phạm vào sự « phát triển bình thường » của một cộng đồng, thì là mọi người xúm vào vây đánh. Phải nói là trong nhiều trường hợp, việc đánh hội đồng như vậy, cũng có những người đánh cho sướng tay, đánh cho hả hê, đánh cho trút gửi những bực dọc, những sự thua thiệt, những sự bị chèn ép của mình ở đâu đó mà không giải tỏa được. Cho nên có những khi xảy ra những trận huyết chiến giữa cộng đồng, nhóm xã hội bị cướp chó và những kẻ cẩu tặc.
Hiện tượng này cho thấy sự lộn xộn của một xã hội trưởng thành đang còn pha trộn, hỗn độn, thiếu trật tự, chuẩn mực. Rõ ràng nó mang dáng dấp của một xã hội tiểu nông, tự phát, vô chính phủ, chứ không phải là của một xã hội mà xây dựng được cái văn minh, nền nếp của quản lý đô thị hiện đại. Điều này đúng với cả hai phía, phía người trừng phạt kẻ ăn trộm cũng như những kẻ manh tâm đi cướp giật, trộm chó của người ta.
“Căm thù giai cấp” thay vì giáo dục nhân tính
Về những gốc rễ sâu xa của các bạo lực gắn liền với hiện tượng cẩu tặc cũng các bạo lực tràn lan trong xã hội Việt Nam hiện nay, nhà văn Tạ Duy Anh cho biết ý kiến :
Ông Tạ Duy Anh : Thực ra hiện tượng mang tính bạo lực này không quá xa lạ với xã hội Việt Nam hiện nay. Nó đã có tiền lệ trong lịch sử (chẳng hạn những vụ đấu tố trong cải cách ruộng đất), còn trong hiện tại thì những vụ chính quyền bất chấp pháp luật cưỡng chế dân, hoặc dân tổ chức chống lại chính quyền vẫn diễn ra thường xuyên, ví dụ điển hình là cuộc cưỡng chế bi thảm khu đầm nuôi tôm của gia đình anh em ông Đoàn Văn Vươn hồi đầu năm nay.
Ngày nào báo chí chả đưa những tin tức liên quan đến bạo lực, đến mức có thể nói bạo lực hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực đời sống, liên quan đến mọi đối tượng như: Bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bạo lực công sở… Trẻ em lột quần áo nhau ra giữa đường để tra tấn bạn, vợ chồng đánh nhau, đốt chết nhau cả khi đang trên giường, sếp đánh nhân viên dưới quyền hoặc đánh nhau vỡ mặt ngay trong cuộc nhậu, công an thì đánh chết dân, dân cũng đánh chết công an, chả ai kém cạnh. Thế rồi trí thức chân yếu tay mềm cũng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay… là chuyện cơm bữa. Chuyện đám đông đánh chết cẩu tặc chỉ là một trong chuỗi những sự kiện mang tính bạo lực, nằm ngoài khả năng kiểm soát của lý trí cộng đồng. Rõ ràng là trong xã hội Việt Nam đang có hiện tượng tính mạng con người bị coi rẻ. Đây là tín hiệu đáng sợ.
Nhà văn Tạ Duy Anh (Hà Nội)
 
31/10/2012
 
 
Thực ra mỗi dân tộc đều có mặt hay mặt dở về tính cách và thói quen ứng xử. Với người Việt, theo tôi, háo danh và đố kị là những mặt dở nhất dễ nhận thấy, chứ không phải là tính hung bạo. Người Việt không phải là những người đề cao bạo lực, nếu đem so với người Triều Tiên, Trung Quốc… Thậm chí trong ứng xử với kẻ thù, tôi nghĩ người Việt thuộc những dân tộc bao dung nhất. Có tới vài trăm ngàn người Mỹ du lịch đến Việt Nam mỗi năm, trong đó có nhiều cựu quân nhân, nhưng họ hoàn toàn bình an, được đón nhận thân thiện ở bất cứ đâu, điều mà tôi tin không bao giờ có, nếu cuộc chiến hơn 40 năm trước của họ không phải với Việt Nam mà với một quốc gia Hồi giáo nào đó.
Thói quen ưa bạo lực của người Việt là bước thụt lùi về mặt văn hoá, đạo đức. Nó là hệ quả của quá trình phát triển có quá nhiều chuẩn mực bị lệch hoặc bị bỏ qua. Ví dụ từ khi bước vào đời, những người như tôi đã phải học cách căm thù giai cấp, thay vì học cách yêu thương con người, thì phải thấm nhuần tư tưởng không được mềm lòng trước kẻ thù, thay vì phải biết hối hận khi làm gãy một cành cây, làm đau con mèo, con chó. Sợ nhất là thay vì dạy trẻ con sự nhường nhịn, đề cao lòng vị tha, thì người ta lại nhồi nhét tinh thần đấu tranh một mất một còn, đấu tranh bằng bạo lực, không khoan nhượng, không lùi bước… nghĩ lại mà kinh hoàng. Tôi từng nói rất thật với suy nghĩ của mình trong một lần thảo luận với các linh mục tương lai của chủng viện Hà Nội rằng : « Những người như tôi được giáo dục để tiến thẳng một lèo thành quỷ sứ! ».
Về vấn đề bạo lực xung quanh nạn cẩu tặc, GS Tương Lai không trực tiếp cho nhận xét, tuy nhiên, ông nhắc đến một số hiện tượng rất phổ biến khác tại Việt Nam, như nạn đinh tặc hay nạn trẻ em ném đá lên tàu hỏa đang chạy. Từ đó ông cho biết một số suy nghĩ và nhận định của ông về gốc rễ của tình trạng bạo lực phổ' biến ở Việt Nam hiện nay.
Ông Tương Lai : Hai cái nạn đó (đinh tặc và nạn ném đá lên tàu đang chạy) khiến tôi xót xa và suy nghĩ về cái kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội, tức là cái « infrastructure psycho-sociologique » (của con người Việt Nam). Những hiện tượng đó chỉ nảy sinh ra, khi sự giáo dục, nền tảng nhân văn, ý thức nhân bản bị coi nhẹ trong một thời gian rất dài. Hiện nay người ta tập trung vào việc giáo dục lý tưởng, giáo dục ý thức hệ mà bỏ lơi mất nền tảng nhân văn, tính nhân bản của con người, tức là người ta nhấn mạnh « giai cấp tính », ở đây thuộc về phạm trù của tư tưởng Mao-ít, mà coi nhẹ nhân tính.
Giáo sư Tương Lai (Sài Gòn)
 
31/10/2012
 
 
Muốn thay đổi phải đi tìm nguồn gốc của chuyện này. Đó là vì trong một thời gian rất dài, tập trung vào giáo dục lý tưởng, giáo dục sự trung thành ý thức hệ, mà bỏ lơi giáo dục cái nền tảng nhân bản, cái tinh thần nhân văn cho thế hệ trẻ. Vì nhấn mạnh « đấu tranh giai cấp là động lực của sự phát triển xã hội », nói như Mao Trạch Đông, « đấu tranh với người là niềm vui lớn », từ đó mới đẻ ra quan niệm « súng đẻ ra chính quyền », « tạo phản là có lý », để huy động cả một thế lực, cái đám choi choi nổi dậy làm « cách mạng văn hóa vô sản », và nó gây ra một tai họa khủng khiếp, ba mươi mấy triệu người chết trong cuộc Đại cách mạng văn hóa ấy ở Trung Quốc. Ở Việt Nam chưa xảy ra chuyện này, nhưng ở Việt Nam, từ thời Cải cách ruộng đất, rồi nhấn mạnh đến « đấu tranh giai cấp là động lực của sự phát triển xã hội » và trong nhà trường chủ yếu nhấn mạnh đến giai cấp tính mà coi nhẹ nhân tính. Theo tư tưởng Mao-ít, không có nhân tính chung chung, mà nhân tính là thông qua giai cấp tính mà biểu hiện, chỉ có tính giai cấp, không có tính người, tính người là quan điểm tư sản. Chính cái đó nó để lại những dấu ấn quá rất nặng nề, nó thẩm thấu, qua thời gian tạo nên một kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội.
Bây giờ phải có một cải tạo cơ bản trở lại, đặt lại nền móng nhân bản, nhân văn, thì mới lý giải được những vấn đề kia.
Việt Nam chưa từng có một xã hội « dân sự » thực thụ
Về các hành động bạo lực phổ biến trong mọi lĩnh vực ở Việt Nam và thấm vào trong rất nhiều quan hệ giữa người với người, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn muốn tìm đến một cội rễ xa xưa hơn là các thói tệ trầm kha của chế độ hiện hành. Theo ông Vương Trí Nhàn, tình trạng này có căn nguyên trong những hạn chế về « trình độ sống của dân tộc », trong sự thống trị của tầng lớp cường hào tại các làng xã, cũng như tính chất quân sự truyền đời của xã hội Việt nam.
Ông Vương Trí Nhàn : Cái vấn đề bạo lực hiện nay và nó nằm trong tất cả các mối quan hệ xã hội và nó có chiều sâu lịch sử. Và nó nằm trong tiềm thức của con người, trong cách quan hệ của người với người. Thậm chí là có khi người ta không dùng đến chân tay mà người ta dùng chữ nghĩa cũng là có tính chất bạo lực, cũng là có tính chất trị nhau, gọi là dằn mặt nhau. Chứ không phải là dùng lý lẽ để giải thích với nhau, tức là quan hệ theo kiểu « mà trong lẽ phải có người có ta » đấy.
Ông Vương Trí Nhàn (Hà Nội)
 
31/10/2012
 
 
Tôi có cảm tưởng là ở ta, cái lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng. Nhưng chữ mạnh ở đây không phải là trí tuệ mà là tay chân, về sự liều lĩnh, sự áp chế người khác, sự quyết liệt, chứ không phải mạnh về đầu óc và sự hợp lý, cái tư duy duy lý nó làm cho người ta có thể giải quyết được các mối quan hệ với nhau.
Cái tôi băn khoan nhất hiện nay là trình độ sống của cộng đồng, trình độ sống của dân tộc. Nếu mình không giải quyết được vấn đề đó, hiểu được vấn đề đó, thì mình sẽ rất là bế tắc, không hiểu được các vấn đề khác. Một khi mình hiểu được vấn đề này nó là lịch sử và nó chỉ đến thế thôi, và nó có tính phổ biến khắp tất cả các lĩnh vực, thì có thể nói là mình đỡ sốt ruột đi và mình yên tâm, chờ đợi và có những cách giải quyết nó… hơn.
Tôi có cảm tưởng ở Việt Nam, người chưa thành người, xã hội chưa thành xã hội. Chúng ta là một đạo quân thì đúng hơn. Trong lịch sử, phần lớn những người đứng đầu các triều đều là thủ lĩnh quân sự. Chúng ta chưa hình thành một xã hội dân sự, chưa bao giờ có một xã hội dân sự thật sự rõ rệt cả. Trong thực tế, thời hiện đại, chúng ta giải quyết các việc lớn của xã hội bằng con đường quân sự, thành ra vì thế cho nên cái yếu tố bạo lực nó chi phối xã hội cũng mạnh lắm.
Cái chính theo tôi là phải đặt vấn đề sự phát triển tinh thần, trí tuệ của người Việt Nam. Trong nhận thức của người bình thường, không dùng đầu óc, hiểu biết để giải quyết quan hệ với nhau, mà thường thường là theo cái lối « cả bè to hơn mâm cỗ » hay « nén bạc đâm toạc tờ giấy », những thứ gì dùng bạo lực nó đã chi phối hết cả các mối quan hệ hàng ngày với nhau, trong quan hệ con người với nhau.
Ví dụ trong các làng xã, vai trò của các trương tuần, hay các cường hào. Nắm làng xã không phải là người văn hay chữ tốt hay hiểu biết đâu, mà là những người có thế lực mạnh và điều đó kéo dài đến tận xã hội hiện đại. Người ta gọi là những cường hào, và những bộ phận này nó hoạt động mà không có lý lẽ nào cả, tức là nó chỉ dùng sức mạnh thuần túy tay chân, và kèm theo rất nhiều thủ đoạn nào đó để giải quyết với nhau thôi. Chính cái điều đó nó nằm trong các làng xã, nhất là ở Bắc Bộ, mà mình thấy là có lịch sử lâu dài đó.
Tôi cảm thấy chúng ta chưa có một xã hội dân sự, như thế giới người ta vẫn hiểu. Ngay trong mỗi con người, người ta cảm thấy là, « già đòn non nhẽ », không cần có lý gì cả. Có một câu tục ngữ « cả bè to hơn văn tự », tức là một nhóm, một thế lực quy tụ với nhau thì hơn hết mọi thứ. Theo tôi điều này nằm trong sự phát triển kém cỏi của ngôn ngữ, của sự giao lưu về tinh thần, của văn hóa, giáo dục, nó làm cho xã hội Việt Nam có tính chất bạo lực ngay trong cơ sở làng xã của nó, cho đến các sự biến ở triều đình. Khi mà phải giải quyết những gì ở trong đám đông, thì người ta không cần có lý lẽ gì với nhau cả. Lời nói không có tính thuyết phục gì cả, và kẻ mạnh là kẻ thắng.
Thói giả dối tràn ngập, người dân không tin chính quyền
Cũng liên quan đến các gốc rễ sâu xa trong hiện tại của tình trạng bạo lực ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam, nhà văn Tạ Duy Anh nhấn mạnh thêm tới hai điều : sự giả dối trở thành nếp sống phổ biến và sự mất lòng tin vào chính quyền và hệ thống pháp luật. 
Ông Tạ Duy Anh : Nhưng nguy hiểm nhất, theo tôi, là thói giả dối đang tràn ngập và được đề cao trên thực tế trong xã hội Việt Nam ngày nay. Muốn tiến thân thì phải biết nói dối. Nói dối càng hoàn hảo càng được trọng dụng. Thế là người ta thi nhau học cách nói dối. Hô khẩu hiệu là hành vi nói dối trắng trợn và đáng sợ nhất, nhưng nó mang lại hiệu quả nhãn tiền. Thói dối trá với hiện tượng bạo lực thì liên quan gì ở đây? Nó đẩy sự trung thực, tình thương người, lòng vị tha, tính tự trọng, thói quen chấp pháp… bật ra ngoài, như những thứ vô dụng; hoặc những thứ thuộc về phẩm chất ấy bị làm cho biến dạng, méo mó. Đồng hành với thực trạng trên là quá trình tích tụ ẩn ức xã hội. Hậu quả là những thông điệp văn hoá truyền đi bị sai lạc. Người ta không còn tức khắc lượng định được cái gì là quý giá (mạng người chẳng hạn), cái gì chỉ là thứ tầm thường (con chó chẳng hạn). Một xã hội như vậy thì chuyện gì chả có thể xảy ra.
Thêm vào đó là xã hội đang mất lòng tin trầm trọng trong khi pháp luật thường xuyên bị lợi dụng để làm bình phong cho những hành động phi pháp của những người có tiền, có thế lực. Tức là trong hành động người dân có cả lý do để họ không tin pháp luật, không tin nó được áp dụng vô tư, công bằng, nhanh chóng. Họ tự giải quyết lấy những việc đáng ra chỉ pháp luật mới được phép can thiệp. Theo tôi đó là thảm họa pháp lý và đạo đức.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm