51 năm 'đi theo Đảng'!
Ảnh: Việt Dũng (Tuổi Trẻ Online)
Lê Phục Văn - Vào
hôm thứ tư, 14/11 vừa qua, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn
trả lời các chất vấn của quốc hội về những kế sách giải quyết các vấn
nạn kinh tế và xã hội.
Nếu đọc hay xem các thông tin trên truyền thông lề đảng thì điều ghi
nhận đầu tiên là số đại biểu chất vấn chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng
câu hỏi và câu trả lời thì dài lê thê, vượt quá mức lịch sự và lễ nghi
cần thiết, thậm chí là lủng củng và khá tối nghĩa.
Thế nhưng có một điểm đáng chú ý được một số báo chí lề đảng giật tít
tựa khá mạnh. Đó là việc ông Dũng nói rằng, chỉ 3 ngày nữa là quá trình
"đi theo đảng" (cấm nói lái) của ông sắp đúng 51 năm và ông sẽ không cần
chạy chọt, xin xỏ hay từ chối bất cứ nhiệm vụ nào mà đảng và nhà nước
giao phó cho ông. Ông nhấn mạnh rằng cái ghế thủ tướng của ông là do
đảng chọn lựa và giao phó cho ông, vì thế ông cương quyết hoàn thành vai
trò của mình mặc dù đã nghiêm túc thừa nhận các khuyết điểm và những
yếu kém của mình trước đảng, trước bộ chính trị cũng như ban chấp hành
trung ương đảng.
Thành thật mà nói, nếu Ủy ban Nobel hay Liên Hiệp Quốc có giải thưởng
"Chính khách Chai mặt" thì ứng viên sáng giá nhất trong năm nay phải là
ông Nguyễn Tấn Dũng, người mà cả nước VN đang biết đến dưới biệt danh
"đồng chí X", nhân vật trọng tâm của cuộc hội nghị lần thứ 6 ban chấp
hành trung ương đảng cộng sản VN khóa 11.
Lý do đoạt giải là ông Dũng đã trả lời một cách lưu loát mà không biến
sắc mặt, tựa hồ như ông đã biết rõ câu hỏi của ông đại biểu Dương Trung
Quốc và đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. Xuất sắc hơn nữa là ông còn biết
tận dụng con số 51 năm để nhắn nhủ là mình có quá trình đóng góp xương
máu và mồ hôi nước mắt cho đảng cộng sản, vượt xa nhiều đối thủ đang rắp
tâm muốn hạ gục ông.
Chỉ cần con số 51 năm "đi theo đảng" và câu nói "đảng đã chọn lựa và phó
thác chiếc ghế thủ tướng", thì cả đảng (chứ đừng nói là cái quốc hội
nghị gật) sẽ không dám truy hỏi thêm một câu nào khác. Với tội trạng
ngập đầu cả nước đều biết mà đại đa số ban chấp hành trung ương đảng
không dám đề nghị kỷ luật ông Dũng thì quốc hội là cái thá gì mà dạy dỗ
cho ông biết về hành động từ chức để giữ tiết tháo và liêm sỉ của tiền
nhân?
Do đó cả quốc hội biến thành những sinh viên Sài Gòn và im lặng lắng
nghe những lời phán của ông Dũng là chính phủ sẽ cải tổ chuyện này, thay
đổi chuyện nọ trong thời gian tới nhưng không dám đặt câu hỏi là nếu
tình trạng kinh tế hay xã hội không khả quan hơn thì thủ tướng có từ
chức không, hay lại tiếp tục xin lỗi và nhận "trách nhiệm chính trị" vì
đã không làm tròn vai trò mà đảng giao phó?
Điều mỉa mai là có lẽ vì trí nhớ quá ngắn, hay vì được dựng lên để làm
cảnh, nên không có đại biểu quốc hội nào để ý thấy rằng, những "kế
sách" mà ông thủ tướng Dũng đưa ra chẳng có gì là mới. Chúng là những
khẩu hiệu được xào đi nấu lại suốt nhiều năm qua và được áp dụng trong
mọi vấn nạn. Ví dụ như "gia tăng vai trò giám sát hay thanh tra của các
cơ quan chức năng", "thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật"
hay "bảo đảm tính công khai và minh bạch" vân vân và vân vân....
Nhưng cuối cùng thì "mèo vẫn hoàn mèo" và phiên họp kế tiếp hay quốc hội
khóa tới thì mọi chuyện lại tiếp tục mang ra mổ xẻ chỉ vì chưa có luật,
hay luật chưa hoàn chỉnh, hay vì "báo cáo thì có rồi nhưng để... ở nhà"
như câu trả lời của ông bộ trưởng xây dựng Trịnh Đình Dũng vào hôm
trước.
Thật sự thì cũng khó trách được các bộ trưởng vì ngay cả vị xếp của họ,
đồng chí X, cũng không có khả năng điều hành đất nước thì việc họ phát
biểu hay làm ăn rất bê bối là chuyện đương nhiên. Một ví dụ điển hình là
cái quyết định số 71, nội dung phạt vạ những ai lái các chiếc xe không
đúng tên sở hữu chủ mà giới truyền thông trong nước là "không chính
chủ", là đủ chứng minh tài năng của ông thủ tướng Dũng ra sao.
Lý do là khi ký cái quyết định ấy, không hiểu ông Dũng có thăm dò ý kiến
của mấy đứa con từng du học ở các ngoại quốc hay không. Nếu có thì ông
Dũng phải biết rằng chuyện sở hữu chiếc xe không liên quan gì đến người
tài xế. Chuyện vợ lái xe của chồng, con mượn xe của cha mẹ, hay bạn bè
mượn xe của nhau, là chuyện thường ngày xảy ra ở các xứ văn minh. Và nếu
lỡ xảy ra tai nạn thì khi ấy vẫn là chuyện dàn xếp giữa giới dân sự với
nhau, nếu lớn chuyện thì mới nhờ vả đến chính quyền. Dĩ nhiên chuyện
mua xe mà không chịu sang tên là bất hợp pháp nhưng đó không phải là một
trọng tội và điều quan trọng là chuyện đó không nằm trong sự quản lý
của lực lượng cảnh sát, vì thuộc thẩm quyền của sở giao thông.
Chính vì thế, nếu muốn người dân phải tuân thủ luật pháp thì chính phủ
có quyền ra một đạo luật hay nghị định ép buộc chủ nhân thật sự phải
đăng bạ ngay lập tức trong một thời hạn 3 hoặc 6 tháng nào đó. Quá thời
hạn đó thì sẽ áp dụng mức phạt vạ bằng một phương thức điều tra nào đó
của sở giao thông, chứ không phải là giao cho lực lượng công an "còn
đảng, còn mình" muốn chận xe ai thì chận để kiểm tra giấy chủ quyền
chiếc xe.
Giả sử như trước khi ký, ông Dũng chỉ cần hỏi ái nữ Nguyễn Thanh Phượng
là có khi nào cảnh sát Thụy Sĩ hay Mỹ chận hỏi giấy tờ trên đường phố
nếu như cô không vi phạm luật lệ giao thông hay không? Trừ phi cô Phượng
cũng ù ù cạc cạc, nếu không thì ông bố đã đủ sáng suốt để vất cái nghị
định ấy vào thùng rác, tránh gây thêm phiền phức cho người dân ở một
cái xứ mà "hành chính" là "hành dân là chính". Nhưng ông Dũng đã không
làm như thế. Ông đã ký đại vào cuối tháng 9 năm nay để ban hành ngay
theo lời xúi của ông bộ trưởng Đinh La Thăng, khiến cho giới công an vừa
áp dụng đã thấy ngần ngại vì sự phản đối dữ dội của công chúng.
Điều bất hạnh cho đất nước là một ông thủ tướng tồi tệ như thế nhưng sẵn
sàng khoe khoang là mình chỉ hơn 10 tuổi đã "đi theo đảng" nhằm khẳng
định rằng, mình là người xứng đáng để cầm quyền. Nhưng cũng may là da
mặt ông Dũng chưa đủ dày để phán thêm một câu nhằm bào chữa cho những
tội lỗi tày trời của mình: "Khi tôi sinh ra, không ai dạy tôi cách thức
làm một thủ tướng"!
Lê Phục Văn danlambaovn.blogspot.com
Lê Phục Văn danlambaovn.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm