ACB bị tố trả vàng nhái thương hiệu SJC cho khách hàng?
6/16 lượng vàng SJC được khách hàng rút ra từ ngân hàng ACB được xác định là vàng nhái thương hiệu SJC (?).
Phản ánh với phóng viên chị Trương Anh Tuyết ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, chiều ngày 30/08/2012, chị có tới phòng giao dịch ngân hàng thương mại Á Châu (ACB) tại phố Huỳnh Thúc Kháng rút sổ tiết kiệm với số dư 16 lượng vàng SJC và mang về nhà cất giữ.
Ngày 18/10/2012, chị có mang 15 lượng vàng ra phòng giao dịch trên của ACB để gửi lại nhưng nhân viên từ chối và đề nghị mang ra SJC để đổi vỏ.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Đến sáng ngày 19/10/2012, chị mang 16 lượng vàng đến đổi vỏ mới tại Chi nhánh công ty TNHH một thành viên vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC miền Bắc và được nhân viên tại đây cho biết, kết quả giám định cho thấy 6 trong tổng số 16 lượng vàng là vàng nhái thương hiệu SJC. Phía SJC cũng đã tạm thời nhập và giữ hộ số vàng trên.
Ngay khi nhận được thông tin, trong ngày hôm đó, chị Tuyết đã mang giấy xác nhận của SJC tới phòng giao dịch ACB Huỳnh Thúc Kháng để khiếu nại, yêu cầu giải quyết việc trên.
Trong hai văn bản trả lời đề ngày 22/10/2012 do bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phòng giao dịch Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) ký và ngày 02/11/2012 do ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB ký đều xác nhận việc khách hàng Trương Anh Tuyết đã thực hiện giao dịch và có đơn khiếu nại tới ACB.
Cả hai công văn đều cho rằng: “Khi nhận vàng từ khách hàng, nhân viên ACB kiểm tra số lượng, bao bì và miếng vàng SJC có sự chứng kiến của khách hàng. Trước khi cho vàng SJC cho khách hàng, ACB cũng kiểm tra số lượng bao bì, miếng vàng SJC và khách hàng phải kiểm đếm lại trước khi rời khỏi quầy”.
Đồng thời, hai công văn cũng nêu rõ: “Việc chi 16,1 lượng vàng SJC cho quý khách hàng thực hiện vào ngày 30/8/2012 được lập bảng kê,không ghi rõ số seri và đã được khách hàng kiểm nhận trước khi rời khỏi quầy giao dịch”.
Công văn trả lời của ACB do ông Nguyễn Thanh Toại ký.
Cả hai công văn cũng khẳng định “Ngày 19/10/2012, Công ty SJC miền Bắc xác định 06 lượng vàng quý khách mang đến ép lại vỏ bao bì là vàng nhái thương hiệu SJC. Theo đó, ACB không có cơ sở để xác định 6 lượng vàng nhái thương hiệu SJC đã được công ty SJC miền Bắc xác nhận, kiểm định ngày 19/10/2012 chính là số vàng SJC trong 16,1 lượng vàng mà ACB đã thực hiện chi cho quý khách hàng vào ngày 30/08/2012. Do đó ACB không đáp ứng được nhu cầu theo khiếu nại của quý khách hàng”.
Lỗ thủng trong nghiệp vụ ngân hàng?
Theo chị Tuyết, trong phần trả lời ở cả hai công văn của ACB có nhiều điểm không hợp lý.
“Trước hết, tôi không mua vàng bên ngoài mang đến ACB để gửi tiết kiệm mà tôi mang tiền đến ACB Huỳnh Thúc Kháng để mua và gửi tiết kiệm luôn, do đó việc giao nhận vàng khi gửi vào ACB là không chính xác.
Thứ nữa, việc không ghi rõ số seri khi giao vàng cho tôi rõ ràng là lỗi nghiệp vụ của ACB. Theo tôi được biết, thì nhân viên giao dịch của ACB phải ghi lại số seri vàng khi giao cho khách và phải làm thành 02 liên, 01 liên giữ lại và 01 liên giao cho khách hàng để tránh như tôi lúc này.
Nhưng thực tế họ lại không làm và khi có khiếu nại như lúc này thì khách hàng lại phải chịu thiệt thòi, còn ngân hàng thì chối bỏ vì thiếu căn cứ.
Với việc ACB trả vàng cho khách hàng mà không có bất kỳ chứng từ nào xác nhận, chỉ cần khách hàng mang số vàng đó ra khỏi cửa là coi nhưng không thể chứng minh vàng đó là của ACB.
Như vậy, khách hàng luôn là người bị thiệt. Nói cách khách, ACB đã không đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng." , chị Tuyết bày tỏ.
Được biết, thời gian qua đã có nhiều khách hàng của các Ngân hàng khiếu kiện vì khi rút vàng từ các ngân hàng mang sang SJC đổi vỏ mới phát hiện ra mình bị nhận vàng nhái thương hiệu SJC.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới bạn đọc…
Bao moi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm