Đọc “Bên Thắng Cuộc” (2) – con số & góc khuất
Tiếp theo ==>
Đọc “Bên Thắng Cuộc” (3) –
cuộc chiến với người anh em
"Phải đưa chiến tranh đến hòa bình
chứ đừng đưa hòa bình đến chiến tranh"
(We must lead war to peace, not peace to war)
Platon
Platon, triết gia người Hy Lạp mà nhân loại tôn vinh là vĩ
đại nhất của mọi thời đại, đã có một lời khuyên rất thâm thúy về chiến tranh
như đã dẫn ở trên. Ông đã từng bị bán làm nô lệ, trở về Athena khoảng năm 387 trước
Công Nguyên và sáng lập ra trường đại học đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nơi
dành cho nghiên cứu, giảng dậy khoa học – triết học.
Platon đưa ra quan niệm về nhà nước lý tưởng trong đó sự tồn
tại và phát triển cần phải giải quyết được các mâu thuẫn xã hội cũng như chính
trị, trong đó vấn đề chiến tranh – hòa bình là một trong những yếu tố quan trọng.
Cần phải đưa chiến tranh đến hòa bình chứ không bao giờ từ hòa bình trở thành
chiến tranh.
Lịch sử cận đại của Việt Nam cứ luẩn quẩn trong chiến tranh
và hòa bình. Vừa thoát khỏi cuộc chiến lớn, hưởng được hòa bình vài năm lại
tiếp tục hướng đến chiến tranh. Khởi đầu là cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Khmer Đỏ tại vùng biên giới Tây Nam
năm 1977. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tiếp theo tại biên giới
phía Bắc với Trung Cộng.
Cả Khmer Đỏ lẫn Trung Cộng đều là “anh em” với Việt Nam như
vậy làm sao lại xảy ra xung đột, gây tổn thất về nhân mạng cũng như làm sứt mẻ
“tình đồng chí” giữa cả 3 bên? Phải chăng Việt Nam là kẻ hiếu chiến hay chỉ là nạn
nhân của hai nước “anh em”?
Ngày 17/4/1975, Phnom
Penh rơi vào tay Khmer Đỏ, Pol Pot [*] đem quân vào
“giải phóng” thủ đô Campuchia. Quân giải phóng có cả những chú lính miệng còn
hôi sữa nhưng khuôn mặt đằmg đằng sát khí với súng và lựu đạn trong tay. Bên Thắng Cuộc mô tả ngày Khmer Đỏ tiến
vào Phnom Penh,
lúc đó khoảng 7g30 sáng ngày 17/4:
“Chính quyền Lonnol ra
lệnh cho quân đội đầu hàng. Cờ trắng được nhìn thấy ở khắp nơi, trong khi hàng
ngàn người dân, chủ yếu là thanh niên, học sinh, đã xuống đường chào đón Khmer
Đỏ với niềm tin đã tới ngày hòa bình. Thoạt
đầu, người dân tỏ ra yên tâm khi thấy những người lính Khmer Đỏ chỉ bắn chỉ
thiên nhằm ngăn chặn nạn hôi của và vãn hồi trật tự.
Khoảng 1 giờ trưa, khi
lực lượng Khmer Đỏ từ Quân khu Bắc tiến về chiếm Đài Phát thanh Quốc gia, ra
lệnh cho tất cả các bộ trưởng, tướng lĩnh, các viên chức cao cấp của Chính
quyền Lonnol ra trình diện vào lúc 2 giờ chiều, sách báo “của bọn đế quốc” bắt
đầu bị ném ra đường và đốt.
Hoàng thân Sirik Matak và Thủ tướng Long Boret
từ chối di tản theo đề nghị của Đại sứ Mỹ. Sirik Matak sau đó bị bắt khi tị nạn
trong tòa Đại sứ Pháp còn Long Boret thì gọi điện thoại chỉ đường cho Khmer Đỏ
tới tận nhà. Cả hai đều bị giết”.
Ngay ngày hôm sau, tướng lĩnh của Lonnol bị đưa đi hành
quyết tại sân vận động Olympic trong khi các quan chức dân sự bị xử tử hình tại
Hội quán Thể thao. Viên chức chính quyền ở các địa phương cũng cùng số phận. Tuy
nhiên, phải đến khi Pol Pot ra lệnh trục xuất dân chúng ra khỏi các đô thị trên
cả nước thì người dân mới hiểu họ cũng là nạn nhân của chế độ mới.
Tính cả số các quan chức, quân nhân bị hành quyết, người dân
bị bắn do không chịu chấp hành, hơn hai mươi nghìn người đã bị giết trong những
ngày đầu “Phnom Penh giải phóng”. Pol Pot lặng lẽ về Phnom Penh vào ngày 24/4/1975, sau khi ra
lệnh đưa toàn bộ người dân thành phố về các vùng nông thôn.
Quân “giải phóng” Khmer Đỏ gồm cả thiếu niên
Theo Bên Thắng Cuộc,
Pol Pot ban hành chính sách tám điểm: (1) di tản toàn bộ dân chúng ra khỏi tất
cả các thành phố; (2) thủ tiêu tất cả chợ búa; (3) ngưng lưu hành tiền tệ; (4)
buộc các nhà sư phải lao động tại các nông trang; (5) hành hình các nhà lãnh
đạo Lonnol; (6) thành lập các hợp tác xã cao cấp trên toàn quốc, áp dụng chế độ
nhà ăn tập thể; (7) trục xuất toàn bộ người Việt Nam; (8) triển khai quân dọc
biên giới, đặc biệt là biên giới Việt Nam.
Cuốn sách tiết lộ: “Trong
một tài liệu mật của Trung ương phát hành ngày 19-9-1975, nghĩa là sau vừa đúng
năm tháng xây dựng chủ nghĩa xã hội, Khmer Đỏ khẳng định: “So sánh với cách
mạng ở Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam, chúng ta đang đi trước họ ba mươi
năm”.
Tháng 9/1975, Pol Pot phái Phó Thủ tướng Khieu Samphan và Bộ
trưởng Thông tin Yeng Thirith tới Bình Nhưỡng (Bắc Triều Tiên) mời Sihanouk trở
lại Phnom Penh. Khieu Samphan nói với ông Sihanouk: “Chúng ta đã có điều kiện để trở thành 100% cộng sản. Chúng ta có thể
vượt qua thậm chí người anh Trung Hoa. Với bước đại nhảy vọt, chúng ta có thể
tiến đến mục tiêu chủ nghĩa cộng sản bỏ qua giai đoạn chủ nghĩa xã hội”.
Sự thật là Pol Pot chỉ cần uy tín của Sihanouk để lấy lại
chiếc ghế của Campuchia tại Liên Hiệp Quốc. Ở Phnom Penh, khi ông Hoàng đề nghị
Pol Pot cho gặp một người chú già và một người dì của ông bị đưa đi công xã từ
hồi tháng 4/1975, ông đã bị từ chối. Đại diện Pol Pot nói với Sihanouk là ông
sẽ được gặp họ sau chuyến đi đến Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Huy Đức viết: “Kết cục
là trong hơn ba năm sống với Khmer Đỏ, Sihanouk đã trở thành một tù nhân; năm
người con và mười ba người cháu của ông đã bị Angkar đưa đến các công xã để rồi
không bao giờ nghe nhắc đến tên họ nữa. Sihanouk khi mới trở về vẫn là quốc
trưởng của Chính phủ Hoàng gia được lập ra ở Phnom Penh, nhưng ông và Thủ tướng
Pen Nouth, người trung thành của ông, chỉ có hư danh”.
Khmer Đỏ vào Phnom Penh
Ba năm tại Campuchia với nhiệm vụ của một “chuyên gia” Quân
đội Nhân dân Việt Nam, Huy Đức có thể được coi như “người biết khá nhiều về
Khmer Đỏ”. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định những suy nghĩ của một sĩ quan vào thời
điểm đó khác hẳn với nhà báo Huy Đức của ngày nay.
Những gì mà Trương Huy San (tên thật của Huy Đức) được chứng
kiến tại Campuchia chỉ là những điều “mắt thấy tai nghe” nhưng những thông tin
mà nhà báo Huy Đức tiết lộ trong Bên
Thắng Cuộc là kết quả của 20 năm lăn lộn trong nghề báo.
Việt Nam
có nhiều nhà báo nhưng không phải ai cũng có lợi thế như Huy Đức. Ngoài khả
năng thu thập tài liệu phải kể đến sự “thân cận” của anh trong bộ máy chính
quyền, kể cả những nhân vật “chóp bu” của Việt Nam như Lê Duẩn (và người vợ
miền Nam của ông, Nguyễn Thụy Nga), Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Lê Khả
Phiêu, Võ Văn Kiệt…
Đó cũng là lý do tại hải ngoại một số người vẫn coi Huy Đức
là “anh Việt cộng tập sự làm văn”
(theo bài viết của Bùi Xuân Cảnh), “một
người được đào tạo trong lò cộng sản 100%” (Phan Đông Anh trong bài Bên
Thắng Cuộc, người quốc gia “thua cuộc” tiếp), “một nhân vật Việt cộng có nhiều ‘Dây mơ rễ má’ với nhiều nhân vật số
một của Bộ Chánh Trị và Ban Lãnh Đạo Trung Ương của đảng Cộng sản Việt Nam”
(bài viết của Thanh Thủy), “ông nhà báo
VC Huy Đức” (bài viết của Lão Móc trên http://tieng-dan-weekly.blogspot.com/)...
Thậm chí trong bài viết của Ngô Kỷ mang đề tựa Báo Người Việt chính thức làm "chó
săn" cho cộng sản tại Việt Nam, đã đặt một câu hỏi thẳng thừng: “Thử hỏi tác giả Huy Đức lấy tư cách gì mà
được tiếp xúc với Tổng bí thư đảng cộng sản Lê Khả Phiêu nếu Huy Đức không phải
là thằng ký giả đóng vai trò "bưng bô" cho cộng sản?”.
Về phần mình, Huy Đức cho biết: ‘Tôi mong các nhà lãnh đạo hiện nay đọc Bên Thắng Cuộc cho dù họ đánh
giá cuốn sách như thế nào. Nhận ra những sai lầm để “đưa dân tộc Việt Nam đi
đúng con đường dân chủ, phát triển” là mong ước của chúng ta. Nhưng tương lai
dân tộc không thể chỉ được trông cậy vào một cuốn sách hay vào chỉ trông cậy
vào các nhà lãnh đạo ở “bên thắng cuộc”.
Theo tôi, lẽ ra Huy Đức không nên nói “… tương lai dân tộc không thể
chỉ được trông cậy vào một cuốn sách…”. Nói như vậy là thiếu khiêm tốn và
quá tâng bốc cho cuốn sách của mình vì, dù sao đi nữa, Bên Thắng Cuộc cũng chỉ là một trong những cuốn sách đáng tham khảo
trong khi tương lai dân tộc là một phạm trù rất lớn.
Năm 1985, chuyên gia quân sự Osin 23 tuổi, tại đám cưới của một sỹ quan
Campuchia
(Photo & caption by Facebook Osin HuyDuc)
Trở lại Campuchia vào năm 1975, Pot Pot bắt đầu tỏ rõ chính
sách thù địch với Việt Nam, đó là kết quả của sự dồn nén lịch sử trong nhiều
thế kỷ đồng thời cũng là hậu quả của mối quan hệ đồng chí ngắn ngủi khi còn
trong đảng Cộng sản Đông dương bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia.
Bên Thắng Cuộc
tiết lộ: “Tháng 7-1946, Hồ Chí Minh tới
Fonteinebleau. Khi những người Việt Nam trong Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu
những đảng viên người Khmer với phái đoàn Việt Nam và đề nghị họ “đi gặp Bác
Hồ”, Thiounn, người về sau là một bộ trưởng của Pol Pot, nói: “Chúng tôi trả
lời, ông ta không phải là bác của chúng tôi. Họ lại bảo, chúng ta là anh em,
các bạn nên thể hiện sự tôn trọng, nhưng chúng tôi cũng từ chối”.
Từ năm 1970 khi cuộc chiến tranh Việt Nam còn đang tiếp diễn,
nhiều đơn vị của miền Bắc đóng quân tại các căn cứ nằm dọc theo biên giới Việt
Nam - Campuchia đã bị tấn công mà thủ phạm về sau được xác định không phải là
quân lực VNCH mà là lực lượng của Khmer Đỏ.
Hơn 800 cán bộ người Khmer tập kết ra miền Bắc Việt Nam được đưa
trở lại Campuchia đã bị Khmer Đỏ dần dần thủ tiêu vì coi họ là những “người
Khmer, đầu Việt”. Không chỉ hướng sự thù địch vào người Việt, từ năm 1973,
Khmer Đỏ bắt đầu chống lại cả Khmer Rumdo, lực lượng ôn hòa, ủng hộ Sihanouk và
từng được miền Bắc huấn luyện. Bên Thắng
Cuộc đưa ra những chứng liệu:
“Ngày 4-11-1973, sau
khi bắt cóc ba nhóm Khmer Rumdo, lực lượng Khmer Đỏ thuộc Khu 25 ở Kandal, gặp
những người Khmer Rumdo ở Prey Veng, yêu cầu Khmer Rumdo hủy bỏ chủ trương hợp
tác với các lực lượng miền Bắc Việt Nam. Những người Khmer Rumdo từ chối. Cuộc
tranh cãi đã dẫn đến một cuộc đọ súng và với sự tham gia của các đơn vị Việt
Nam, Khmer Rumdo đã tiêu diệt bốn mươi hai lính Khmer Đỏ, đẩy lui phần còn lại.
Từ đó, các cuộc đụng độ giữa hai lực lượng gần như thường xuyên xảy ra”.
Đó có thể coi như “bước dạo đầu” của những xung đột giữa hai
người anh em cùng chí hướng “cộng sản” nhưng không “cộng hưởng”. Bên Thắng Cuộc cho rằng một trong những
sai lầm của Việt Nam là quá “say sưa” với chiến thắng ngày 30/4/1975 nên những
chiến dịch gây hấn biên giới của Pol Pot đã không được đánh giá đúng mức và các
nhà lãnh đạo trong các chuyến đi tới Campuchia, cũng đã không đủ nhạy cảm để
nhận ra Khmer Đỏ là ai.
Trái lại, Sihanouk nhận ra thái độ của Khmer Đỏ với Việt Nam từ trước khi ông trở về Phnom Penh. Nhà báo Nayan Chanda (Far Eastern Economic Review) cho biết: “Nhân dịp Quốc khánh Việt nam, 2-9-1975, Thủ
tướng Phạm Văn Đồng đã mời Sihanouk và Khiêu Samphan, khi ấy đang là khách của
Việt Nam,
dự “tiệc gia đình”. Thành phần tham gia gồm Hà Nội, Chính phủ Lâm thời Cộng hòa
Miền Nam Việt Nam, các nhà lãnh đạo Lào, và Khmer Đỏ.
Khieu Samphan đã làm
Sihanouk “mất tinh thần và ngạc nhiên” khi “lạnh lùng từ chối” và nói rằng
Campuchia muốn một bữa tiệc song phương. Sau đó, Khieu Samphan giải thích với
Sihanouk:“Chúng ta không bao giờ để rơi vào cái bẫy của người Việt Nam, kẻ đang
muốn thống trị và nuốt chửng Campuchia bằng cách lôi kéo vào liên bang Đông
Dương của họ”.
Nhưng đến tận lúc ấy, Việt Nam
vẫn coi biên giới Tây Nam
là nơi tiếp giáp với một “người anh em”. Trên toàn tuyến biên giới dài hơn
1.000 km, Việt Nam
chỉ bố trí bốn mươi hai đồn biên phòng. Trong khi đó, bốn sư đoàn Khmer Đỏ gấp
rút hoàn thành tuyến công sự dày đặc kéo dài từ bờ Vịnh Thái Lan đến vùng Sông
Bé. Và cái gì phải đến, đã đến:
“Ngày 14-1-1977, gần
một trung đoàn Pol Pot tấn công các đồn, chốt Việt Nam ở khu vực Buprang, gây
cho phía Việt Nam những thiệt hại nghiêm trọng. Dân tình lo lắng, cán bộ các
cấp cũng bắt đầu hết sức băn khoăn.
Chiến tranh bắt đầu
leo thang trong năm 1977: 30-4-1977, Pol Pot cho quân tấn công trên tuyến biên
giới thuộc địa bàn Quân khu IX; tháng 8-1977, tấn công trên địa bàn Quân khu
VII; tháng 10-1977, tấn công trên địa bàn Quân khu V. Ở Quân khu IX lúc ấy, chỉ
một sư đoàn bộ binh được giữ ở trạng thái thường trực, trong khi hai sư đoàn bộ
binh còn lại chuyển sang làm kinh tế – Sư 4 ở tứ giác Long Xuyên, Sư 8 ở Đồng
Tháp Mười, chủ yếu đào kinh”.
…
Ngay đêm 30-4-1977,
Tướng Lê Đức Anh ra lệnh cho Sư đoàn 330 chuyển sang trạng thái sẵn sàng cơ
động lên tuyến biên giới đánh địch, đồng thời, theo ông Trà, Quân khu cũng được
trên đồng ý cho thành lập thêm Sư đoàn 339 làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Bắt
đầu từ đây, chiến sự không còn xảy ra trên đường biên.
Một tháng rưỡi sau, Tư
lệnh Quân khu IX Lê Đức Anh quyết định đưa một lực lượng gồm hai trung đoàn bộ
binh có xe bọc thép M113, một trung đoàn tăng thiết giáp, hai phi đội máy bay
tiêm kích, đánh hiệp đồng binh chủng ở quy mô sư đoàn từ hướng Kiên Giang, thọc
sâu vào đất Campuchia, vòng về tiêu diệt phần lớn lực lượng Khmer Đỏ đang chiếm
giữ Đầm Chích, xã Vĩnh Điện.
Trong một chuyến thăm Cần Giờ cuối năm 1977, Lê Duẩn trả lời
một số thắc mắc của huyện ủy Cần Giờ tại sao “ta” lại đối phó với việc quấy
rối, tàn sát, cướp phá dã man của Khmer Đỏ một cách rất… “lôi thôi”, Bên Thắng Cuộc đưa ra câu trả lời của Lê
Duẩn:
“Các đồng chí hỏi đúng
vào một tình hình cả nước đang quan tâm. Chúng tôi đau đầu lắm, ngủ không được.
Không phải là vấn đề Khmer Đỏ, vấn đề Pol Pot, mà là vấn đề ai ở đằng sau Khmer
Đỏ, đằng sau Pol Pot. Ta đã đưa đại quân đâu, bọn nó làm sao chống ta nổi,
nhưng ta đánh nó, Trung Quốc đánh ta thôi. Nếu ta không chiếm K, Trung Quốc
cũng không chiếm ta”.
Độ chính xác của câu trích dẫn này vẫn còn bỏ ngỏ. Người
cung cấp thông tin là một ông Nguyễn Thành Thơ nào đó, có lẽ thuộc huyện ủy Cần
Giờ. Khó tưởng tượng một viên chức nhỏ như ông Thơ lại dám chất vấn ông Tổng bí
thư Lê Duẩn về một vấn đề “nhạy cảm” như vậy.
Người ta không phủ nhận ý nhĩa của câu trả lời là quan trọng
nhưng cách diễn ý của Bên Thắng Cuộc
là không có tính thuyết phục. Cũng vì thế một số người cho là Huy Đức có ý bao
che cho những nhân vật nhân vật lãnh đạo bằng cách đưa vào sách những đoạn viết
như trên.
Thêm một dẫn chứng trong việc “tô hồng” lãnh đạo trong Bên Thắng Cuộc qua lời kể của ông Đậu
Ngọc Xuân: “Cuba nhiều lần thiết tha mời anh Ba
Lê Duẩn sang thăm. Fidel cứ giục mãi, nhiều đồng chí nhắc, anh Ba mắng: ‘Các
chú muốn dân đói à?’. Rồi, anh Ba nói với Bộ Ngoại Giao: ‘Đúng là Fidel sang ta
mấy lần, nhưng ta mới thắng Mỹ, sang Cuba không tuyên bố chống Mỹ thì Cuba
không chịu, tuyên bố chống Mỹ thì, các chú thấy, sang cạnh nhà nó chửi nó, nó
cấm vận mình suốt đời thì mình chết. Vì lợi ích quốc gia, tôi chưa thể đi
được’.
Ông Đậu Ngọc Xuân là nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp
tác và Đầu tư Nhà nước; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; ông cũng
có thời gian làm trợ lý cho Tổng Bí thư Lê Duẩn. Cũng là điều bình thường khi một
trợ lý nói những điều tốt đẹp về cấp trên của mình nhưng Bên Thắng Cuộc trích dẫn những lời trên đã làm mất đi tính khách
quan của một tài liệu lịch sử.
Osin Huy Đức
(Ảnh trên Facebook Osin HuyDức)
Trong các năm 1977, 1978, Trung Cộng viện trợ rất nhiều cho
Khmer Đỏ về pháo binh, pháo phòng không, thuyền tuần tiễu… Hơn thế nữa, 500
chuyên gia quân sự đã được gửi sang để huấn luyện Khmer Đỏ sử dụng vũ khí. Theo
Bên Thắng Cuộc, “Cố vấn Trung Quốc thậm chí còn gặp cả người của lực lượng Fulro đang
hoạt động chống Chính quyền Việt Nam ở vùng Tây Nguyên”.
Ngày 2/6/1977, trên đường từ Đông Âu trở về, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp ghé qua Bắc Kinh, nhưng người đồng nhiệm với ông là Bộ trưởng Quốc
phòng Diệp Kiếm Anh đã không ra sân bay đón. Tướng Giáp gần như đã bị làm nhục
trong suốt chuyến đi này. Một tuần sau, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng dừng chân ở
Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Tiên Niệm chính thức cáo buộc Hà Nội “lật lọng đối với Công hàm 1958”. Sau những sự cố
ngoại giao đó, Việt Nam
càng cảnh giác cao với Bắc Kinh.
Tháng 10/1977, chuyến thăm Việt Nam của phái đoàn quân sự Liên Xô
được công khai trên các phương tiện truyền thông. Cùng lúc, Trung Quốc tăng
cường viện trợ quân sự cho Pol Pot. Giữa tháng 10/1978, ở New York, Nguyễn Cơ
Thạch hối thúc các nhà đàm phán Hoa Kỳ ký thỏa thuận bình thường hóa. Có lẽ ông
Thạch cũng muốn có một nỗ lực cuối cùng. Nhưng Hoa Kỳ đã từ chối vì ba “trở
ngại” mới: (1) sự thù địch của Việt Nam với Campuchia, (2) mối quan hệ với Liên
Xô, và (3) tình trạng ngày càng nhiều “thuyền nhân” bỏ nước ra đi.
Bên Thắng Cuộc còn
đưa ra một chứng liệu thuộc loại “quý” đối với những người quan tâm đến giai
đoạn lịch sử cũng như kinh tế-tài chính của Việt Nam sau 1975:
“Ngày 2-5-1978, Ủy ban
Thường Vụ Quốc hội ra Quyết định đổi một đồng tiền dùng chung cho hai miền…
Không có biến động đáng kể vì lần đổi tiền này không nhằm “cải tạo tư sản” dù
được đưa ra ngay sau “cải tạo tư sản”. Lý do công khai là “để thống nhất tiền
tệ trong cả nước”.
Nhưng, theo ông Nguyễn
Nhật Hồng, đồng tiền Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam phát hành
tại miền Nam từ ngày 22-9-1975 là tiền thuộc lô “Hàng 65” được Trung Quốc giúp in.
Tuy nhiên, sau khi in, bản kẽm bị “bạn” giữ lại, Việt Nam xin lại mấy
lần không được. Năm 1978, nhằm tránh Trung Quốc sử dụng bản kẽm mà họ đang giữ
để in tiền tung ra phá hoại, Chính quyền cho đổi “Hàng 65” bằng một loại tiền mới được
in từ Tiệp Khắc”.
Tiền do Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam phát hành
Tại Liên Hiệp Quốc, Sihanouk đọc diễn văn lên án “hành động
xâm lăng của Việt Nam”
đồng thời tố cáo chế độ bạo tàn của Pol Pot. Theo đề nghị của Sihanouk, Liên
Hiệp Quốc đã đưa ra thảo luận nghị quyết buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Tuy
nhiên, nghị quyết này đã bị Liên Xô dùng quyền lực Thường trực Hội đồng Bảo an
phủ quyết. Từ phiên họp của Liên Hiệp Quốc, Sihanouk bí mật tìm gặp Đại sứ Mỹ
Andrew Young, nhưng nước Mỹ đã đẩy Sihanouk trở lại tay của Đặng Tiểu Bình khi
từ chối yêu cầu của ông xin tị nạn.
Ngày 15/12/1978, Mỹ và Trung Quốc ra thông cáo chung, chính
thức công nhận nhau và tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao kể từ ngày 1/1/79.
Chỉ hai ngày sau khi Việt Nam
đưa quân vào Phnom Penh, 9/1/1979, Ngoại trưởng
Mỹ Cyrus Vance tuyên bố với ông Trần Quang Cơ: “Các cuộc nói chuyện Mỹ-Việt về
bình thường hóa đã tan vỡ do cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam”.
Trong cuộc chiến biên giới Tây Nam, tổn thất về phía Việt
Nam, tính từ tháng 12/1977 đến tháng 6/1978, có 6.902 bộ đội bị hy sinh và
23.742 bị thương. Ngoài ra, có 4.100 thường dân bị thương và bị giết.
Xe tăng Việt Nam trên xứ Chùa Tháp
Bên Thắng Cuộc dẫn
người đọc vào cuộc chiến “huynh đệ” thứ hai giữa những người Cộng sản: “Vào lúc 5 giờ 25 sáng ngày 17-2-1979, Trung
Quốc nổ súng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, đánh chiếm từ cực Tây Bắc
(Phong Thổ, Lai Châu) đến cực Đông Bắc (địa đầu Móng Cái). Tiếng pháo chát chúa
ở hướng Đồng Đăng và phía dốc Chóp Chài, Lạng Sơn đã dựng người dân dậy khi mờ
sáng. Vào thời điểm ấy, Trung Quốc tập trung sát biên giới khoảng 450 nghìn
quân và sử dụng 200 nghìn quân trong ngày đầu xâm lược. Việt Nam bị bất ngờ hoàn toàn”.
Chiến tranh biên giới Việt-Trung, một cuộc chiến mà Đặng
Tiểu Bình nói là để “dạy cho Việt Nam một
bài học”, theo các nhà phân tích quân sự phương Tây, “chính Việt Nam mới là người đã dạy cho Trung Quốc bài học”.
Một tù binh Trung Quốc bị trói giật cánh khuỷu
(Photo & Caption: Wikipedia)
Ngày 2/3/1979, như để giải thích cho việc “án binh bất động”
khi đồng minh của mình bị tấn công, tại Moscow,
Tổng Bí thư Brezenev tuyên bố: “Đừng ai
nghi ngờ việc Liên Xô trung thành với Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác gắn bó Liên
Xô với Việt Nam”.
Cùng ngày này, hãng thông tấn xã Tass của Liên Xô phát đi
một tuyên bố: “Quân đội Trung Quốc phải
rút ngay khỏi lãnh thổ Việt Nam…
Những tên xâm lược Trung Quốc cần biết rằng chúng càng gây nhiều tội ác bao
nhiêu, thì sẽ càng bị trừng phạt nghiêm khắc bấy nhiêu”.
Theo Bên Thắng Cuộc,
“Ngày 4-3-1979, Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam
ra lời kêu gọi “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, anh dũng
tiến lên”. Lời kêu gọi cho rằng, “ngày nay, chúng ta có sức mạnh vĩ đại hơn bao
giờ hết, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc và của ba dòng thác cách mạng của
thời đại”.
Trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà báo
Hoàng Tùng xã luận: “Cả nước đánh giặc,
toàn dân là lính”. Cùng thời điểm đó, hai quân đoàn tinh nhuệ nhất của Việt
Nam, sau khi đuổi Pol Pot khỏi Phnom Penh, được vận chuyển bằng máy bay ra phía
Bắc: (1) Quân đoàn II lên Đồng Mỏ, Lạng Sơn; (2) Quân Đoàn III tới Na Rì, Bắc
Kạn.
Ngày 5/3/1979, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 83-CP, “quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân”
nhằm “đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược
của bọn phản động theo chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc”. Cùng ngày, Chủ
tịch nước ra lệnh “Tổng động viên”.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi lệnh Tổng động biên được ban
hành, ngày 6/3/1979, Trung Cộng tuyên bố “chiến thắng” rồi bắt đầu rút quân.
Sách của Huy Đức đưa ra những con số thống kê về cuộc chiến biên giới phía Bắc
chỉ trong vòng một tháng:
“Khoảng 25.000 lính
Trung Quốc bị chết, 37.000 quân khác bị thương. Tổn phí chiến tranh hết khoảng
5.5 tỷ Nhân dân tệ trên tổng chi tiêu ngân sách năm 1979 của Trung Quốc là 22,3
tỷ.”
Lính Trung Quốc và một nữ dân quân Việt Nam đang canh gác tù binh
(Photo & Caption: Wikipedia)
Người đọc không thấy nói đến tổn thất về phía Việt Nam
trong Bên Thắng Cuộc. Để làm sáng tỏ
vấn đề, chúng tôi trích nguồn Wikipedia: http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_bi%C3%AAn_gi%E1%BB%9Bi_Vi%E1%BB%87t-Trung,_1979
- Theo tướng Ngũ Tu Quyền (伍修权), phó tổng tư lệnh Quân giải phóng Trung Quốc, số quân Việt Nam bị chết và bị thương là 50.000, trong khi con số tương ứng của Trung Quốc là 20.000.
- Theo nhà sử học Gilles Férier thì có khoảng 25.000 lính Trung Quốc thiệt mạng và gần 500 xe bọc thép hoặc pháo bị phá hủy, con số này phía Việt Nam cũng là gần tương tự nhưng thấp hơn một chút.
- Russell D. Howard cho rằng quân Trung Quốc thương vong 60.000 người, trong đó số chết là 26.000, một số nguồn khác cũng đồng ý với con số thương vong ít nhất khoảng 50.000 của phía Trung Quốc.
- Nguồn của King Chen nói rằng riêng tại các bệnh viện lớn ở Quảng Tây đã có ít nhất 30.000 thương binh Trung Quốc.
- Tháng 4 năm 1979, Báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam ước lượng tổng thương vong của quân Trung Quốc là 62.500 người. Phía Việt Nam có hàng nghìn dân thường chết và bị thương, theo tạp chí Time thì có khoảng dưới 10.000 lính Việt Nam thiệt mạng (con số này phía Trung Quốc là trên 20.000).
- Phía Trung Quốc bắt được khoảng 1.600 tù binh trong tổng số hơn 50.000 quân Việt Nam tham chiến tại mặt trận Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn.
(Còn tiếp)
***
Chú thích:
[*] Pol Pot: Theo
Wikipedia, Saloth Sar (19/5/1928 – 15/4/1998), người Campuchia gốc Hoa, được
biết đến dưới cái tên Pol Pot, là người lãnh đạo đảng Cộng sản Khmer Đỏ và là
thủ tướng Campuchia (tên chính thức Kampuchea
Dân chủ dưới quyền ông) từ 1976 đến 1979.
Trong thời gian cầm quyền Pol Pot đã tạo ra một chế độ cải
cách nông nghiệp, nhằm tạo ra một xã hội cộng sản lý tưởng. Ngày nay, chế độ
của ông bị hầu hết mọi người cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của khoảng 1,7
triệu người Campuchia (khoảng 26% dân số tại thời điểm đó).
Năm 1949, ông được theo học kỹ sư radio ở Paris. Trong thời gian học, ông đã trở thành
một người cộng sản và gia nhập Đảng cộng sản Pháp. Năm 1953, ông trở về
Campuchia.
Lúc ấy, cuộc kháng chiến do cộng sản lãnh đạo đang diễn ra chống lại sự cai trị của Pháp ở Đông Dương. Trung tâm cuộc kháng chiến ở tại Việt Nam, nhưng cũng có các chi nhánh ở Campuchia và Lào. Saloth Sar gia nhập Việt Minh, nhưng thấy rằng tổ chức này chỉ chú trọng tới Việt Nam chứ không phải Lào hay Campuchia.
Năm 1954, Pháp rời Đông Dương, nhưng Việt Minh cũng rút về
Bắc Việt Nam, và Vua Norodom Sihanouk kêu gọi tổ chức bầu cử. Sihanouk thoái vị
và lập ra một đảng chính trị. Sihanouk hất cẳng những người cộng sản đối lập và
chiếm toàn bộ số ghế chính phủ. Saloth Sar chạy trốn cảnh sát mật của Sihanouk và đã sống trong
cảnh trốn tránh bảy năm trời, chiêu mộ binh lính.
Tới cuối thập kỷ 1960, Lon Nol là giám đốc tổ chức an ninh
nội bộ của Sihanouk tiến hành các hành động chống lại những người cách mạng,
lúc ấy được gọi là Đảng Cộng sản Campuchia. Saloth Sar bắt đầu một cuộc khởi
nghĩa vũ trang chống lại chính phủ, được Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa giúp đỡ.
Trước năm 1970, Đảng Cộng sản Campuchia là một tổ chức rất
ít được biết đến trong đời sống chính trị Campuchia. Tuy nhiên, năm 1970, vị
tướng được phương tây ủng hộ là Lon Nol lật đổ Sihanouk, bởi vì Sihanouk bị coi
là người ủng hộ Việt Cộng và Bắc Việt Nam.
Để phản kháng, Sihanouk quay sang ủng hộ
phe của Saloth Sar. Cùng năm đó, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh
tấn công quân sự vào Campuchia
để tiêu diệt những nơi trú ẩn của Việt Cộng gần biên giới Nam Việt Nam.
Cùng với sự yêu mến của dân chúng dành cho Sihanouk và cuộc tấn công của Mỹ vào
Campuchia, phe Saloth Sar được nhiều người ủng hộ và chỉ trong thời gian ngắn
chính phủ Lon Nol chỉ còn kiểm soát được các thành phố.
Khi Hoa Kỳ rời Việt Nam năm 1973, quân Bắc Việt rời
Campuchia nhưng Khmer Đỏ tiếp tục chiến đấu với sự ủng hộ của họ. Không còn giữ
được quyền kiểm soát đất nước nữa, chính phủ Lon Nol nhanh chóng sụp đổ. Ngày
17/4/1975, Đảng cộng sản Campuchea chiếm Phnom
Penh và Lon Nol bỏ chạy sang Mỹ.
Chỉ chưa tới một tháng sau, ngày 12/5/1975, các lực lượng
hải quân Khmer Đỏ hoạt động trên vùng lãnh hải Campuchia đã bắt giữ chiếc tàu
buôn S.S. Mayaguez của Mỹ, chiếc tàu Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, gây ra Cuộc khủng hoảng Mayaguez. Saloth Sar
đổi tên thành Pol Pot vào khoảng thời gian này, rõ ràng là không muốn lộ diện.
Chế độ Pol Pot đã giết hại từ 1,5 tới 2,3 triệu người trong
giai đoạn 1975-1979, trong tổng dân số gần 8 triệu. Mục tiêu của chế độ là các
nhà sư Phật giáo, những trí thức có ảnh hưởng phương tây, những người có vẻ là
trí thức (như những người đeo kính), những người tàn tật, các dân tộc thiểu số
như Lào và Việt Nam.
Ngay sau khi Phnom
Penh sụp đổ, Khmer Đỏ bắt đầu tiến hành những cuộc cải
cách cộng sản triệt để, và Sihanouk bị đặt vào vị trí lãnh đạo bù nhìn. Khmer
Đỏ ra lệnh sơ tán toàn bộ khỏi Phnom
Penh và tất cả các thành phố, thị xã chính của đất
nước. Những người sơ tán được tuyên truyền rằng họ phải ra đi để tránh những
cuộc ném bom của người Mỹ.
Năm 1976 mọi người được tái xếp hạng thành những người có đủ
mọi quyền lợi (căn bản), ứng cử viên, và người mới đến - gọi thế vì đa số người
thuộc loại này là người mới đến từ các thành phố. Những người mới đến được đánh
dấu để tiêu diệt. Các khẩu phần của họ bị giảm xuống còn hai bát cháo, hay
“juk” một ngày. Điều này khiến cho nạn đói xảy ra bên trong tầng lớp mới đến.
Lãnh đạo Khmer Đỏ khoe khoang rằng chỉ một hay hai triệu
người trong số dân chúng toàn cuộc là cần thiết để xây dựng một xã hội điền địa
cộng sản không tưởng. Đối với những người khác, thì theo câu châm ngôn, “sống
cũng chẳng được gì; chết cũng chẳng mất gì.”
Hàng trăm ngàn người mới đến đã bị xiềng xích, bị buộc phải
đào mồ chôn chính mình. Sau đó các binh sĩ Khmer Đỏ đánh họ đến chết bằng những
thanh sắt và những cái cuốc hay chôn sống họ. Một chỉ thị của Khmer Đỏ về việc
giết chóc đã ra lệnh, “Không được làm phí đạn dược.”
Hàng nghìn chính trị gia và quan chức bị buộc tội hợp tác
với chính phủ cũ bị giết hại trong khi Phnom
Penh biến thành một thành phố ma với rất nhiều người
chết đói, bệnh tật hay bị hành quyết. Mìn là thứ Pol Pot coi là “người lính
tuyệt vời” và được rải khắp mọi vùng nông thôn.
Danh sách thương vong thời Pol Pot hiện vẫn còn gây tranh
cãi. Các nguồn đáng tin cậy cho rằng số người chết dưới thời Khmer Đỏ là 1,6
triệu. Một con số cụ thể, là ba triệu người chết trong giai đoạn 1975 và 1979
được chế độ Phnom Penh
là PRK đưa ra.
Tới năm 1978, thảm hoạ nhân đạo ở Campuchia dưới chế độ Pol
Pot đã hiển hiện. Những cố gắng của chế độ nhằm thanh trừng những yếu tố Việt Nam ra khỏi Campuchia ngày càng tăng dẫn tới các
cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam.
Cuối năm 1978, để trả đũa những mối đe doạ ở biên giới và tới người dân Việt Nam, Việt Nam tấn công Campuchia lật đổ chế
độ Khmer Đỏ.
Quân đội Campuchia dễ dàng bị đánh bại và Pol Pot chạy tới
vùng biên giới Thái Lan. Tháng 1/1979, Việt Nam
hỗ trợ lập ra một chính phủ mới với người đứng đầu là Heng Samrin, gồm những
người Khmer Đỏ đã chạy sang Việt Nam để tránh các cuộc thanh trừng.
Pol Pot vẫn giữ được một vùng nhỏ ở phía tây đất nước. Lúc ấy, Trung Quốc,
trước kia từng ủng hộ Pol Pot, tấn công Việt Nam, gây ra một cuộc chiến tranh
biên giới Việt-Trung.
Pol Pot tán thành một thứ tập hợp các triết lý cấp tiến,
được gọi là Học thuyết Anka, được sửa đổi theo chủ nghĩa quốc gia Khmer. Muốn
xây dựng một chủ nghĩa ruộng đất nguyên thuỷ, Khmer Đỏ tán thành một xã hội
ruộng đất theo đó tất cả các phát minh kỹ thuật hiện đại đều bị cấm ngặt. Pol
Pot là kẻ đối lập lại với thuyết chính thống Xô viết. Bởi vì ông là người chống
Xô Viết nên Cộng hoà nhân dân Trung Hoa coi ông là thích hợp để chống Việt Nam
(và vì thế cũng là chống Liên Xô).
Ngược với bề ngoài giản dị với bộ áo quần bà ba đen, Pol Pot
rất sành điệu khi chọn xe hơi với các chiếc xe Limousine Mercedes Benz Stretch
đời 1973 cực kỳ sang trọng và quý phái. Pol Pot và các đồng sự được xem là đối
tượng của Tòa án quốc tế về tội ác diệt chủng. Việc lập tòa án xét xử gặp nhiều
khó khăn khách quan và chủ quan, một số thế lực từng ủng hộ Khmer Đỏ lấy làm
tiếc về việc làm quá đáng của Pol Pot với người dân Khmer nhưng họ đều đã lớn
tuổi và cái chết già sẽ là một sự dễ chịu cho các bên cũng như lịch sử.
Pol Pot
__________________
__________________
Mời xem tiếp phần cuối
(Trích Hồi Ức Một Đời
Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người
gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến
ngày xuống lỗ)!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm