Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Đọc “Bên Thắng Cuộc” (4) – chuyện bên lề của anh Nguyễn Ngọc Chính

Đọc “Bên Thắng Cuộc” (3) – cuộc chiến với người anh em

Tiếp theo ==> 

 

Đọc “Bên Thắng Cuộc” (4) – chuyện bên lề 

 

Đây là bài cuối cùng trong loạt bài Đọc ‘Bên Thắng Cuộc’. Bài viết này chỉ xoay quanh những câu chuyện nhỏ trong cuốn sách. Tuy là chuyện bên lề nhưng tôi cho rằng rất thú vị vì mang nhiều ý nghĩa trong giai đoạn lich sử của đất nước, từ năm 1975 cho đến nay.






Ngay sau ngày 30/4/1875, chính quyền mới muốn thay đổi đến tận gốc rễ cuộc sống của người dân miền Nam. Họ đã liên tiếp tung ra nhiều chiến dịch thuộc quy mô lớn như cải tạo viên chức – quân nhân chế độ cũ, cải tạo công thương nghiệp, chính sách kinh tế mới… cho đến những chuyện nhỏ như đợt phát động thanh niên “hớt tóc ngắn, sửa quần áo lai căng, không để râu tóc”.



Theo Bên Thắng Cuộc, tháng 10/1975, ở Quận 10, Đoàn Thanh niên Cộng sản liên tục mở nhiều cuộc thảo luận về “tư cách, tác phong của người thanh niên” và Quận Đoàn đã đi đến quyết định: “Hớt tóc ngắn, sửa lại áo, eo quần loe, quần bó, không mang áo hở ngực, không ăn mặc lố lăng, sặc sỡ… Quận đoàn đã liên hệ với một số tiệm hớt tóc và nhà may để giới thiệu anh em đến hớt tóc và sửa lại áo quần với giá rẻ và mở ba địa điểm hớt tóc miễn phí tại phường Nhật Tảo và tại trụ sở quận đoàn”.



Ngay tại Sài Gòn, những người vừa được “giải phóng” đã biết dùng những biểu tượng của chế độ mới như Karl Marx, Angel, Lenin và Mao Trạch Đông qua thơ để ta thán về sự “bất bình thường” của những người được mệnh danh là “giải phóng”. Trích từ Bên Thắng Cuộc:



Các-mác mà đến Việt Nam

Râu dài tóc rậm công an bắt liền

Các-mác cầu cứu Ăng-ghen

Ăng-ghen cũng phải đóng tiền tóc râu

Truyền cho bốn biển năm châu

(Đến Việt Nam thì nhớ)

Râu Mao Chủ tịch tóc đầu Lê- nin!



Cái hay trong thơ dân gian là dùng hình tượng Mao Trạch Đông vốn “mày râu nhẵn nhụi” để làm chuẩn cho những ai thích để râu còn Lenin “đầu hói” được lấy làm mẫu mực cho việc hớt tóc! Xem ra, khổ thì có khổ nhưng những nhà thơ đường phố vẫn còn chút khôi hài để cười cho quên cái khổ.



Về quần ống loe, tôi xin trích dẫn chú thích số [348] khá dài của Huy Đức: “Từ Đông Đức trở về, quần áo mà ông Lê Xuân Nghĩa mang theo cũng là quần loe vì nó đang là “mốt của toàn thế giới”. Một hôm, ông đang đạp xe giữa đường phố Hà Nội thì bị công an ách lại và ngang nhiên rạch cả hai ống quần từ gấu đến ngang hông.



Tức tối, ông Nghĩa về cơ quan là Ủy ban Vật Giá để nhờ giúp phản đối chuyện can thiệp thô bạo. Nhưng, cả lãnh đạo cơ quan và Bí thư Đảng ủy đều cho rằng công an làm thế là đúng. Chủ nhiệm Ủy Ban Vật giá, ông Tô Duy nhận xét: “Cái quần nó loe thì đầu óc nó cũng loe.



“Tuy, ít nơi chính thức ban hành những “mệnh lệnh cấm đoán”; nhưng, nếu như các mệnh lệnh thường có giới hạn thì các “phong trào” lại không có điểm dừng, nhất là khi các đoàn viên “hồng vệ binh” được huy động để chống những “kiểu ăn mặc càn quấy” ấy.



Nhiều nơi, những người mặc quần loe, để tóc dài đã bị các đoàn viên, có nơi bị công an, giữ lại dùng dao, kéo cắt quần, cắt tóc giữa đường (Theo Đặng Phong, Tư Duy Kinh Tế Việt Nam). Ông Phan Minh Tánh, Bí thư Đoàn Thanh niên Cách mạng miền Nam kể, khi ra Hà Nội ông thấy, ở cơ quan Trung ương Đoàn cũng có bảng “không tiếp thanh niên mặc quần loe để tóc dài”.



Sưu tầm trên internet, chúng tôi gặp bức ảnh một người thanh niên tên Nguyễn Minh Tâm bị đeo tấm bảng trước ngực có dòng chữ “Mê Nhảy Đầm” giữa thành phố Sài Gòn vừa đối chủ. Ngày ghi trên bảng không rõ nhưng phía sau lưng anh là 4 chú bộ đội, không biết là vô tình xuất hiện hay chính họ là người đạo diễn cảnh bêu riếu này.






Câu chuyện bên lề dưới đây được Bên Thắng Cuộc viết lại qua lời kể của cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Bắc dạy tại trường Hoàng Văn Thụ, Nha Trang. Trong năm học 1976-1977 một học sinh lớp 10, lớp do cô phụ trách, đã viết 4 câu thơ lên bàn học của mình:



Không muốn ngồi yên để đợi trông

Thích làm Từ Hải giữa muôn lòng.

Cộng lại những gì trong quá khứ,

Sản khoái trong lòng thoả ước mong



Theo cô giáo, điều quan trọng không phải là học sinh này đã viết sai lỗi chính tả trong câu cuối cùng, thay vì “sảng khoái” em viết “sản khoái”. Đó là một lỗi “cố ý” vì đoạn thơ có 4 chữ bắt đầu bằng “Không”, “Thích”, “Cộng” và “Sản”, ghép lại thành cụm từ “Không Thích Cộng Sản”.



Bên Thắng Cuộc bình luận: “Thái độ ấy có lẽ đã qua mấy năm tích tụ, nhưng hành động viết ra thì chỉ là một phút bốc đồng. Có người đã báo cáo và học sinh đó đã bị bắt, bị điều tra và bị đuổi học”.



Cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Bắc kể thêm: “Tôi và một cô giáo đồng nghiệp khác (về sau định cư ở Canada) đã cố hết sức giúp em. Hai chúng tôi đứng trước cửa lớp giờ tan học che cho một cô giáo khác lấy dao cố cạo cho hết những nét khắc sâu vào gỗ của bài thơ nhưng có người đã nhanh tay sao chép, gửi đi cho công an. Nét khắc còn lờ mờ nhưng vẫn là bằng cớ”.



Không chỉ có những đứa trẻ bồng bột phản ứng bằng những câu thơ viết trên bàn học, sự trải nghiệm “Sài Gòn giải phóng” đã giúp nhà thơ Đỗ Trung Quân [1] thai nghén những vần thơ cũng đau như dao cắt, nhưng nó không được dại dột khắc xuống mặt bàn để bàn tay học trò phải nhận cây còng số 8.



Năm 1982, Đỗ Trung Quân (tác giả Quê hương là chùm khế ngọt…” viết bài Tạ Lỗi Trường Sơn nhưng mãi tới năm 2009 tác giả mới công bố bài thơ này trên blog cá nhân. Bên Thắng Cuộc đã trích lại bài thơ để minh chứng một góc nhìn của người dân Sài Gòn với những người đã “giải phóng” mình:



Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm

Các anh từ Bắc vào Nam

Cuộc trường chinh 30 năm dằng dặc

Các anh đến

Và nhìn Sài Gòn như thủ đô của rác

Của xì ke, gái điếm, cao bồi

Của tình dục, ăn chơi

“Hiện sinh-buồn nôn-phi lý!!!”



Các anh bảo con trai Sài Gòn không lưu manh cũng lính ngụy

Con gái Sài Gòn không tiểu thư khuê các, cũng đĩ điếm giang hồ

Các anh bảo Sài Gòn là trang sách “hư vô”

Văn hóa lai căng không cội nguồn dân tộc



Ngòi bút các anh thay súng

Bắn điên cuồng vào tủ lạnh, ti vi

Vào những đồ tiêu dùng mang nhãn Hoa Kỳ

Các anh hằn học với mọi tiện nghi tư bản



Các anh bảo tuổi trẻ Sài Gòn là “thú hoang”, nổi loạn

Là thiêu thân ủy mị, yếu hèn

Các anh hùa nhau lập tòa án bằng văn chương

Mang tuổi trẻ Sài Gòn ra trước vành móng ngựa!!!



Trong những năm đầu “giải phóng”, những văn nghệ sỹ miền Bắc khi đến Sài Gòn vẫn thích đeo bên hông khẩu K54. Những năm về sau, họ đã biết uống bia, biết áo phông (pullover), quần bò (quần Jeans). Theo Đỗ Trung Quân, bài thơ Tạ Lỗi Trường Sơn, ngoài sự dồn nén sau bảy năm “giải phóng”, còn lập tức “bật” ra thành chữ khi có một nhà văn miền Bắc, đến trước mặt anh, chỉ đôi dép sa-bô, cái quần bò đang mặc và hỏi: “Ê Quân, thấy bọn này Sài Gòn chưa?”.



Sài Gòn lại bắt đầu ghẻ lở là chữ của Đỗ Trung Quân mà Huy Đức đặt tên một trong tiểu đề trong Bên Thắng Cuộc. Khi ấy, năm 1982, Đỗ Trung Quân viết:



Bảy năm qua đi với nhiều buồn vui đau xót

Một góc phù hoa ngày cũ qua rồi

Những con điếm xưa có kẻ đã trở lại làm người

giã từ ghế đá công viên để sống đời lương thiện

Những gã du đãng giang hồ

cũng khoác áo thanh niên xung phong lên rừng xuống biển

Tìm lại hồn nhiên cho cuộc sống của mình

Cuộc đổi thay nào cũng nhiều mất mát, hy sinh…



Và khi ấy

Thì chính “các anh”

Những người nhân danh Hà Nội

Các anh đang ngồi giữa Sài Gòn bắt đầu chửi bới

Chửi đã đời

Chửi hả hê

Chửi vào tên những làng quê ghi trong lý lịch của chính mình

Các anh những người nhân danh Hà Nội

sợ đến tái xanh

Khi có ai nói bây giờ về lại Bắc!!!



Tội nghiệp những bà mẹ già miền Bắc

Những bà mẹ mấy mươi năm còng lưng trên đê chống lụt

Những bà mẹ làm ra hạt lúa

Những năm thất mùa phải chống gậy ăn xin

Những bà mẹ tự nhận phần mình tối tăm

để những đứa con lớn lên có cái nhìn và trái tim trong sạch



Bây giờ

Những đứa con đang tự nhận mình “trong sạch”

Đang nói về quê mẹ của mình như kẻ ngoại nhân

Các anh đang ngồi giữa Sài Gòn nhịp chân

đã bờm xờm râu tóc, cũng quần jean xắn gấu

Cũng phanh ngực áo, cũng xỏ dép sa bô

Các anh cũng chạy bấn người đi lùng kiếm tủ lạnh ti vi, casette, radio…

Rượu bia và gái

Các anh ngông nghênh tuyên ngôn “khôn & dại”

Các anh bắt đầu triết lý “sống ở đời”

Các anh cũng chạy đứt hơi

Rượt bắt và trùm kín đầu những rác rưởi Sài Gòn thời quá khứ

Sài Gòn 1982 lẽ nào…

Lại bắt đầu ghẻ lở?




Tội nghiệp em

Tội nghiệp anh

Tội nghiệp chúng ta những người thành phố

Những ai ngổn ngang quá khứ của mình

Những ai đang cố tẩy rửa “lý lịch đen”

Để tìm chỗ định cư tâm hồn bằng mồ hôi chân thật

Xin ngả nón chào các ngài

“Quan toà trong sạch”

Xin các ngài cứ bình thản ăn chơi



Hãy để yên cho hàng me Sài Gòn

Hồn nhiên xanh muôn thuở

để yên cho xương rồng, gai góc

Chân thật nở hoa

Này đây!

Xin đổi chỗ không kỳ kèo cho các ngài cái quá khứ ngày xưa

Nơi một góc (chỉ một góc thôi) Sài Gòn bầy hầy, ghẻ lở



Bây giờ…

Tin chắc rằng trong các ngài đã vô số kẻ tin vào “thượng đế”

Khi sống hả hê giữa một thiên đường

Ai bây giờ

Sẽ

Tạ lỗi

Với Trường Sơn?






Đỗ Trung Quân, “thanh niên chậm tiến”, và một bài thơ mới



Xin trích lại nguyên văn đoạn dưới đây trong Bên Thắng Cuộc, chuyện bên lề về ông Lê Duẩn. Phần bình luận dành cho người đọc, dĩ nhiên tùy thuộc vào chính kiến và quan điểm của mỗi người:



“Tháng Giêng năm 1976, theo đề nghị của ông Lê Duẩn, ông Đậu Ngọc Xuân và ông Trần Phương, theo đường bộ, đi xe vào thẳng Sài Gòn. Ông Xuân kể, trước khi đi, Lê Đức Thọ dặn: “Vào Nam muốn làm việc được, người ta kêu uống rượu, phải uống”. Tới Sài Gòn đã là cuối tháng Chạp, ông Lê Duẩn bảo: “Năm nay ta ăn Tết ở đây, chú nào muốn về thì về trước”. Ông Đậu Ngọc Xuân đã ở lại.



Sáng mùng Một Tết Bính Thìn, bà Nguyễn Thị Thập bên Hội Phụ nữ mời tiệc, ông Lê Duẩn tới, mâm cỗ đã “bày la liệt” nhưng ông không ngồi vào bàn. Khi các nữ lãnh đạo hội mời, ông nói: “Ăn Tết làm gì, con cái miền Bắc chết ở Trường Sơn chưa ai nói tới đã nói là dân miền Bắc vào đây vơ vét hàng hóa”.



Theo ông Đậu Ngọc Xuân thì trước đó khi nghe bên công an báo cáo “miền Bắc vào đây vơ vét từ cái quạt máy, xe đạp”, ông Lê Duẩn tức lắm nhưng ngay khi đó ông không nói gì. Bà Bảy Huệ, phu nhân của ông Nguyễn Văn Linh, đỡ lời: “Thưa anh Ba, đấy chỉ là số ít. Chúng em không bao giờ nói thế”.



Ông Lê Duẩn tiếp: “Các chị không nói nhưng nghe ai nói phải vả vào mặt họ chứ. Có những việc ở trong này tôi đã phải giấu đồng bào miền Bắc, ví dụ như chuyện các chị để cho bộ đội chết đói ở Trường Sơn. Xương máu con người ta, người ta không tiếc, giờ mua cái quạt thì các chị kêu ca”. Theo ông Đậu Ngọc Xuân, nghe ông Lê Duẩn nói đến đó, “các chị Nam Bộ khóc như mưa”.




Về quê



Bạn có biết “deux cents bougies” là gì? và ai được gắn “danh hiệu” đó? Hãy đọc đoạn văn dưới đây trong Bên Thắng Cuộc:



“Theo ông Võ Văn Kiệt, ngay cả những bậc trí thức kháng chiến như Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Thành Vĩnh, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát đều quý mến ông Duẩn và gọi ông là “ông deux cents bougies”, để diễn tả sức làm việc của ông như một “ngọn đèn 200 nến”. (?)



Chân dung ông Lê Duẩn trong những ngày lãnh đạo kháng chiến ở miền Nam được bà Nguyễn Thụy Nga [2] còn có tên Nguyễn Thị Vân, bí danh Bảy Vân, người vợ thứ hai của ông, mô tả như sau:



“Anh mặc quần rách đít, áo rách cùi chõ, người anh lúc đó nặng bốn mươi bảy ký nhưng vì cao nên trông anh khô quắt, khô queo, áo quần thì nhuốn màu phèn Đồng Tháp Mười. Sinh hoạt của anh làm tôi xúc động.



Những người như ông Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Lê Thành Vĩnh trong Uỷ Ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ, người nào cũng có nhà cửa, có người bảo vệ, người nấu bếp, tuy ở nhà lá nhưng cũng rất đàng hoàng. Còn anh, chỉ có một chiếc thuyền tam bản, đến cơ quan nào, đến nhà bà mẹ nào, anh em thư ký, bảo vệ leo lên nhà ngủ, còn anh ngủ dưới ghe. Anh nhường nhịn điều kiện tốt cho mọi người”




Nguyễn Thụy Nga (Bảy Vân)



Loạt bài viết về Bên Thắng Cuộc xin “tạm ngưng” ở đây với những chuyện vui buồn bên lề góp nhặt từ Cuốn I “Giải Phóng”. Sở dĩ tôi viết “tạm ngưng” vì chắc chắn còn có nhiều điều để bàn khi Cuốn 2 “Quyền Bính” ra mắt bạn đọc.



Chúng ta lại còn tiếp tục nói đến “Hậu-Bên-Thắng-Cuộc” vào năm 2013 khi Huy Đức hoàn tất học bổng Nieman Fellowship tại Havard (Boston). Liệu Huy Đức có trở về Việt Nam?



***



Chú thích:



[1] Đỗ Trung Quân sinh năm1955 tại Sài Gòn, là một nhà thơ với một số bài được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như Quê hương, Phượng hồng tại Việt Nam... Anh còn được biết đến với nhiều nghề "tay trái" khác như MC cho những chương trình ca nhạc của bạn bè hay làm diễn viên cho một số phim truyền hình.



Theo bài phỏng vấn trên báo Vietnam News giữa năm 2005 thì trong khai sinh của anh không có tên cha. Đỗ Trung Quân được mẹ là bà Đỗ Thị Hảo nuôi lớn đến năm 15 tuổi thì mẹ mất. Anh tiếp tục mưu sinh và sau khi tốt nghiệp Tú tài, vào học tại Đại học Vạn Hạnh.



Năm 1979, Đỗ Trung Quân tham gia phong trào Thanh niên Xung phong và bắt đầu sáng tác. Một số bài thơ phổ nhạc được nhiều người biết đến như:



  • Hương tràm (1978), Vũ Hoàng phổ nhạc
  • Bài học đầu cho con (1986), Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành bài Quê hương
  • Chút tình đầu (1984), Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài Phượng hồng (1988)
  • Khúc mưa, Phú Quang phổ nhạc

Trang blog “Chung Do Kwan”, nhại theo tên Hàn Quốc của Trung Đỗ Quân, khá nổi tiếng trong giới blogger tại Việt Nam (http://dotrungquan.com/). Anh giải thích về cái tên “củ sâm” của mình:



“Cái tên ấy thật sự chỉ là cách đọc trại tên thật của tôi: Đỗ Trung Quân mà thôi. Nó mang ý nghĩa  vừa hài hước vừa tự châm biếm mình trong giai đoạn mà ảnh hưởng văn hóa của xứ “Củ sâm” hầu như chiếm lĩnh xã hội ta từ giải trí,  tiêu dùng đến cả hôn nhân gia đình. Sự chiếm lĩnh có lẽ chỉ đứng sau ảnh hưởng của phim ảnh văn hóa Trung Quốc. Tất nhiên, chủ nhân blog cũng không phủ nhận những ảnh hưởng cần thiết, tốt đẹp giao thoa của mọi nền văn hóa có tính toàn cầu”.



Đỗ Trung Quân trong thời gian gần đây thường xuất hiện tại các cuộc biểu tình của người Sài Gòn chống Trung Quốc xâm lược.




Tranh của Đỗ Trung Quân



[2] Nguyễn Thụy Nga: Huy Đức viết về cuộc tình của bà Nga và ông Lê Duẩn, vốn được các đồng chí của ông gán cho danh hiệu “ông 200 bougies” nhưng cũng có thể là “ông 400 bougies” khi có một người như bà Nga “kề cận chăm sóc”:



“Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1925, con của một tri huyện cáo quan về viết báo và mở lò gạch tại Biên Hòa. Theo bà Nga thì cha bà đã từng là chủ bút tờ báo tiếng Pháp ‘La Tribune Indigène’. Năm mười hai tuổi, cô tiểu thư Nguyễn Thụy Nga đã từng phải khai tăng tuổi để thi. Năm mười bốn tuổi, Thụy Nga theo “mấy chú” đi hoạt động và cũng từ đây, cô “trót yêu một đồng chí đã có gia đình”.



Người tình “đồng chí” của bà Nga chính là “hung thần chợ Đệm” Nguyễn Văn Trấn, một trong những người cộng sản lãnh đạo “cướp chính quyền” ở Sài Gòn năm 1945. Đây là cuộc tình mà “cả hai người vừa duy trì, vừa kìm nén trong suốt mười một năm”. Năm 1948, mối quan hệ của hai người bị lộ và bị Tỉnh ủy Cần Thơ họp kiểm điểm. Bà Nga bị buộc phải chuyển về Sài Gòn công tác.



Đúng lúc ấy, ông Lê Duẩn từ Đồng Tháp Mười xuống Cần Thơ, dự cuộc họp Tỉnh ủy, ông cũng được nghe câu chuyện tình của bà Nga, bấy giờ đang là nữ đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc. Bà Nguyễn Thị Nga được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ kiểm tra bữa ăn sáng mà Tỉnh tổ chức cho Bí thư Xứ ủy.



Khi được ông Lê Duẩn hỏi thăm về việc bị buộc chuyển công tác, bà Nga nói: “Lên Sài Gòn, đối với tôi là một công tác mới và khó, nguy hiểm nữa, nhưng tôi vui vẻ chấp nhận, không băn khoăn gì. Nhưng bảo tôi thôi yêu người tôi đã yêu thì khó làm được. Xa nhau cũng được nhưng yêu là do trái tim tôi, đừng bắt buộc.



Theo bà Nga thì khi ấy ông Duẩn không phát biểu gì nhưng khi trở về Xứ ủy, gặp Lê Đức Thọ, ông nói: “Nếu có cưới vợ thì tôi thích người có tình, chung thủy như chị Nga”.



Ít lâu sau, Lê Đức Thọ xuống Cần Thơ công tác, gặp bà Nga: “Anh Ba muốn hỏi chị làm vợ, chị nên ưng anh ấy đi. Anh xa nhà hai mươi năm không có tin tức gì, gia đình anh còn ở vùng địch. Nếu chị làm vợ anh ấy, chị chăm sóc anh để anh có sức khoẻ làm việc, đó cũng là một nhiệm vụ. Hiện nay trong lãnh đạo, anh ấy rất thông minh và sáng suốt, anh em thường gọi là ông 200 bougies, khi có người kề cận chăm sóc thì anh ấy sẽ trở thành 400 bougies. Sự sáng suốt của anh ấy rất có lợi cho cách mạng”




Bà Nguyễn Thụy Nga cùng con gái Vũ Anh, con trai Lê Kiên Thành, Lê Kiên Trung

chụp trước khi chia tay các con vào Nam năm 1964.

(Ảnh tư liệu gia đình)



Bà Nguyễn Thụy Nga nhớ lại: “Nghe anh Sáu Thọ nói, tôi chưng hửng, vì trong lòng tôi lúc nào anh cũng là một lãnh tụ mà mọi người kính yêu. Tôi lúc nào cũng ghi chép, đồng chí Lê Duẩn nói thế này, đồng chí Lê Duẩn nói thế kia. Tôi suy nghĩ mãi. Một lần tôi lấy hết can đảm hỏi anh: ‘Nếu bây giờ anh lấy vợ, sau này về gặp gia đình, phải giải quyết sao đây?’.



Anh nói: ‘Anh cưới vợ trước kia là do cha mẹ cưới cho. Anh đi cách mạng, vợ ở nhà, sau có đưa ra Hà Nội ở một thời gian nhưng anh thấy hai người không hợp nhau. Có hai lần anh về nhà, anh nói với chị ấy nên tìm người chồng khác, anh đi cách mạng không giúp được gì cho gia đình và không biết sống chết ra sao. Nhưng người phụ nữ miền Trung còn phong kiến hơn phụ nữ trong Nam, đã có chồng rồi thì ở nhà lo cho cha mẹ chồng, nuôi con. Chồng đi xa có lấy thêm vợ thì người phụ nữ miền Trung cũng dễ chấp nhận. Nếu sau này giải phóng chị cũng sẽ ở trong quê với cha và mấy đứa con, lâu lâu anh về thăm. Còn chúng mình đi hoạt động cách mạng, có điều kiện gần gũi nhau, chắc không có gì khó khăn”



***



(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)



Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:



  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm