Chi tiết về Luật Bầu cử Đức Giáo Hoàng
Cuộc bầu cử Đức Giáo
Hoàng sẽ diễn ra một nơi dành riêng, kín đáo để tránh sự tò mò hay bình
luận không đúng đắn trong giới truyền thông đồng thời cũng để tránh
những áp lực từ bên ngoài gây tác động không tốt cho cuộc bầu cử như đã
từng xẩy ra trong quá khứ.
Biến cố Đức Giáo Hoàng
từ chức đã gây nhiều xúc động trên toàn thế giới và ngay sau đó việc
bầu Đức Giáo Hoàng cũng được nhiều người quan tâm theo dõi. Thể thức bầu
cử Đức Giáo Hoàng sẽ diễn tiến ra sao đó là điều khá nhiều người thắc
mắc. Sau đây xin được trình bầy tóm tắt những qui định cho việc bầu cử
này đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 22 tháng 2 năm
1996 trong Tông Hiến Universi Dominici Gregis (= UDG).
Khi các Hồng Y trên
khắp thế giới đã tề tựu về Rôma, Hồng Y Đoàn bắt đầu các buổi họp khoáng
đại dưới sự chủ tọa của Trưởng Hồng Y Đoàn. Các Hồng Y nhận bản Tông
Hiến Universi Dominici Gregis. Phần liên quan đến tòa giáo hoàng trống
ngôi sẽ được đọc lên. Tiếp đó lần lượt từng vị tuyên thệ tuân thủ những
chỉ thị của Tông Hiến và tuyệt đối giữ bí mật về tất cả mọi sự việc liên
quan đến cuộc bầu cử Giáo Hoàng (x. UDG 12).
TIẾN TRÌNH CHUẨN BỊ BẦU CỬ
Ngay khi khi Giáo
Hoàng tiền nhiệm vừa qua đời hoặc từ chức , các Đức Hồng Y đã được triệu
tập về Roma để tham gia vào viêc quản trị Giáo Hội (x.UDG 12). Theo
Tông Hiến Universi Dominici Gregis thì chỉ có những vị nào dưới 80 tuổi
vào ngày Đức Giáo Hoàng qua đời mới có quyền tham gia Mật Nghị
(Conclave) bầu Đức Giáo Hoàng mới (x. UDG 33).
Các vị này chờ đợi các
Hồng Y khác từ các nơi về trong 15 ngày trọn kể từ khi Đức Giáo Hoàng
qua đời. Tuy nhiên Hồng Y Đoàn có quyền kéo dài thêm vài ngày nữa nếu có
những lý do nghiêm trọng nhưng sẽ không quá 20 ngày. (x.UDG 37)
Theo Tông Hiến thì con số các Hồng Y đi bầu sẽ không vượt quá 120 vị.
Mật nghị bầu Đức Giáo
Hoàng sẽ diễn ra bên trong lãnh thổ của Vatican trong những khu vực và
tòa nhà đã được ấn định dành riêng cho việc này (x.UDG 41)
Trước đây, các Hồng Y
được quyền bầu phiếu cư trú tại Điện Giáo Hoàng nối liền với Nguyện
Đường Sixtina, nơi diễn ra cuộc bầu cử. Mỗi lần có cuộc bầu cử, Điện
Giáo Hoàng đã được sắp xếp lại biến thành nơi ăn, ở, ngủ, nghỉ cho các
Hồng Y trong suốt thời gian diễn ra cuộc bầu cử, hoàn toàn thiếu tiện
nghi. Vì trong lịch sử đã có những cuộc bầu giáo hoàng phải mất gần 3
năm mới xong nên Đức Giáo Hoàng Gregory X khi lên ngôi đã thiết lập Cơ
Mật Viện hay Mật Nghị ( nguyên ngữ La tinh là cum- clave, “với chìa
khóa”) vào năm 1274 và ra chỉ thị các cuộc bầu Giáo Hoàng phải được tổ
chức tại một nơi đóng kín nghiêm ngặt, và các vị hồng y phải sống trong
điều kiện ăn ở tương đối không thoải mái để không thể kéo dài lâu ngày
cuộc bầu cử được.
Đức Gioan Phaolô II
trong Tông Hiến UDG đã cải tổ lại việc này và quyết định từ nay các Hồng
Y sẽ cư ngụ tại tòa nhà Domus Sanctae Marthae đầy đủ tiện nghi hơn (x.
UDG 42), cách Nguyện Đường Sixtina chừng hơn 300m (350 yards). Tòa nhà
hai tầng này có 106 phòng (gồm phòng làm việc, phòng ngủ, phòng tắm) và
22 phòng đơn. Có hai cách đi từ Domus Sanctae Marthae tới Nguyện Đường
Sixtina: Đi bộ ngang qua Đền Thánh Phêrô, rồi dùng thang máy lên Nguyện
Đường Sixtina hoặc ngồi xe buýt thẳng tới nguyện đường.
Một điều rất được nhấn
mạnh trong Tông Hiến là tính bảo mật nghiêm nhặt của Mật Nghị (x.UDG
43) Kể từ lúc ấn định việc bắt đầu cuộc bầu cử cho đến lúc có Đức Giáo
Hoàng mới tòa nhà Domus Sanctae Marthae và nhà nguyện Sixtina phải được
đóng kín và canh giữ nghiêm nhặt cho đến khi bầu cử hoàn tất. Cách
riêng, cũng cần nhờ các chuyên viên đáng tin cậy để bảo đảm rằng không
có các thiết bị thu âm, truyền thanh và truyền hình được lắp đặt ở những
nơi kể trên, đặc biệt là Nhà nguyện Sixtina, nơi sẽ diễn ra các vòng
bầu phiếu. Những ai vi phạm sẽ bị nghiêm phạt theo quyết định của Đức
Giáo Hoàng tương lai (x.UDG 55). Cả khu vực Vatican cũng phải được tổ
chức để bảo đảm bí mật cũng như diễn tiến bầu cử được dễ dàng. Đặc biệt
là không để cho bất cứ ai tiếp cận với các Hồng Y cử tri khi các ngài di
chuyển từ tòa nhà Domus Sanctae Marthae đến Điện Giáo Hoàng.
Những lần bầu cử trước
đây, các Đức Hồng Y cử tri cư trú tại Điện Giáo Hoàng nối liền với
Nguyện Đường Sixtina, nên không phải đi ra ngoài sân trống. Lần bầu cử
Giáo Hoàng sắp tới là lần đầu tiên mỗi ngày các Hồng Y phải đi lại vài
chuyến băng ngang qua khoảng trống từ tòa nhà cư trú đến nơi bầu cử. Do
đó để được bảo mật tuyệt đối, luật lệ càng nghiêm ngặt hơn nhằm đối phó
với các kỹ thuật truyền tin tân kỳ hiện nay, như điện thoại cầm tay và
các máy móc thu thanh thu hình tối tân khác.
Trong suốt thời gian
diễn ra cuộc bầu cử Các Đức Hồng Y sẽ không có bất cứ một tiếp xúc trực
tiếp hay gián tiếp nào với thế giới bên ngoài, sẽ không liên lạc thư từ,
điện thoại hay bằng những phương tiện truyền thông khác với những nguời
ngoài khuôn khổ nơi diễn ra cuộc bầu cử, trừ những chuyện đặc biệt khẩn
cấp phải đựợc chuẩn nhận bởi Đức Hồng Y Thị Thần và 3 Hồng Y phụ tá (x.
UDG 44). Mọi phương tiện truyền thông hoàn toàn giới hạn. Các Đức Hồng Y
sẽ không được xem báo hay tạp chí, không nghe radio hay xem truyền
hình, không điện thoại hoặc điện thư, không gửi hoặc nhận thư tín từ bên
ngoài thành phố Vatican (x.UDG57).
Trong thời gian bầu
cử, một số người cần thiết khác được phép phụ giúp các Hồng Y. Tất cả
đều cư ngụ chung tại toà nhà Domus Sanctae Marthae, và đều phải tuyên
thệ tuyệt đối giữ bí mật về mọi việc xảy ra trong tiến trình cuộc bầu
cử. Nếu vi phạm tính bí mật bằng lời nói, chữ viết hay dấu hiệu hay bằng
cách nào khác sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết, dành riêng cho Tòa Thánh
(x. UDG 58).
Các vị gồm có:
Thư ký Hồng Y Đoàn cũng là Thư ký cuộc bầu cử;
Trưởng Lễ Nghi Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng và hai phụ tá;
Hai tu sĩ phụ trách phòng thánh của Nhà Nguyện Giáo Hoàng;
Một Giáo sĩ phụ tá cho Trưởng Hồng Y Đoàn;
Vài Linh mục nói nhiều thứ tiếng lo việc Giải tội;
Hai Bác sĩ Y Khoa sẵn sàng cho những trường hợp cấp cứu;
Một số nhân viên lo việc nội trợ và ăn uống. (x.UDG 46)
THỂ THỨC BẦU CỬ
Theo Giáo Luật, các
Đức Hồng Y có thể bầu cho bất cứ một người nam Công giáo nào cũng được,
với điều kiện là người được bầu cũng phải là hoặc sẽ trở thành Giám mục
nếu ông chưa được phong chức từ trước ( x.Giáo Luật 332 § 1). Tuy nhiên
trong thực tế, các Hồng Y chỉ quan tâm đặc biệt và chỉ bầu cho một trong
các vị có mặt trong Hồng Y Đoàn. Đức Giáo Hoàng Urbano VI được coi là
vị Giáo Hoàng cuối cùng không phải là Hồng Y. Hiện tại không có Hồng Y
nào dưới 80 tuổi mà chưa là Giám mục.
Vòng bầu phiếu thứ nhất
Cuộc bầu cử chính thức
bắt đầu bằng một Thánh Lễ trọng thể “ Pro eligendo Papa “ vào buổi sáng
tại Đền Thánh Phêrô. Sau đó buổi chiều các Hồng Y tụ họp tại nhà nguyện
Pauline của Điện Giáo Hoàng trong cuộc rước trọng thể đến Nhà Nguyện
Sixtina, và nơi đây một lần nữa các ngài đặt tay lên Sách Thánh long
trọng tuyên thệ tuân theo đúng các chỉ thị của Tông Hiến, tôn trọng kết
qủa bầu cử, bênh vực và bảo vệ quyền lợi Giáo Hội, và đặc biệt “tuyệt
đối giữ bí mật về tất cả mọi sự việc liên quan đến cuộc bầu cử Đức Giáo
Hoàng ”.
Tiếp theo vào buổi
chiều, các Hồng Y ngồi vào ghế được kê chung quanh các bức tường của
nguyện đường, và vòng bầu phiếu lần thứ nhất bắt đầu và chỉ có một vòng
bỏ phiếu trong ngày đầu tiên mà thôi.
Lịch sử của Giáo Hội
trong 9 thế kỷ qua, có 3 cách bỏ phiếu đã từng được áp dụng. Thể thức bỏ
phiếu thứ nhất là “per acclamationem” (tung hô) trong đó một vị hồng y
có thế giá bộc phát xướng tên của vị mà mình muốn bầu Giáo Hoàng và tất
cả đồng loạt tung hô biểu lộ sự đồng tình. Thể thức thứ hai là “per
compromissum” (ủy quyền) trong đó các vị Hồng Y ủy quyền cho một ủy ban
gồm tối thiểu là 9 vị Hồng Y và tối đa là 15 vị Hồng Y, và hứa tuân phục
kết quả do ủy ban này chọn ra. Trong thực tế, từ cuối thế kỷ thứ 14 đến
nay, cả hai cách này đều không còn được áp dụng. Tông hiến “Universi
Dominici Gregis” quy định chỉ có một cách bầu duy nhất là bỏ phiếu kín
”per scrutinium” (x. UDG 62).
* Thủ tục bầu phiếu sẽ diễn ra gồm ba giai đoạn :
1. Tiền bầu phiếu : bốc thăm để chọn ra 3 vị giám sát, 3 vị thu phiếu các Hồng Y đau yếu, 3 vị kiểm phiếu ( x.UDG 64).
2. Bầu phiếu : bỏ lá phiếu vào bình đựng, trộn lẫn các phiếu bầu, mở phiếu bầu.( x.UDG 66)
3. Hậu bầu phiếu : Tính phiếu để đắc cử, kiểm tra lại các phiếu, đốt phiếu bầu (x.UDG 70).
Các Đức
Hồng Y được trao phiếu bầu cử, trong đó có ghi hàng chữ tiếng Latinh
“Eligo in summum Pontificem”, có nghĩa là “Tôi xin bầu lên chức vị Giáo
Hoàng”. Các Hồng Y viết vào phiếu bầu tên người mà mình muốn bầu cho,
gấp lại làm tư, giơ cao phiếu bầu và lần lượt từng vị tiến lên đọc to
lời thề như sau : “Tôi xin Chúa Kitô, Đấng sẽ phán xét tôi, làm chứng là
tôi bầu cho người mà, trước mặt Chúa, tôi xét là đáng được bầu”. Sau đó
đặt phiếu bầu của mình vào một bình lớn có khay che để trên bàn thờ.
Sau khi tất cả các Đức Hồng Y đã bỏ phiếu vào bình. Một vị giám sát sẽ
lắc bình nhiều lần để trộn lẫn các phiếu. Rồi sau đó một vị khác sẽ kiểm
từng phiếu một. Từng phiếu bầu được lần lượt mở ra và đọc lớn tên người
được ghi trên phiếu bầu để các Hồng Y cùng theo dõi kết qủa. Nếu tên vị
nào được hai phần ba tổng số phiếu bầu, vị đó được đắc cử Giáo Hoàng.
Nếu trong ngày đầu
tiên, có vị nào được 2 phần 3 số phiếu hay hơn, tức là 77 phiếu hay hơn
nữa, thì cuộc bầu cử kết thúc. Nếu không, cuộc bầu cử sẽ kéo dài sang
các ngày tiếp theo. Trong các ngày tiếp theo, mỗi ngày Hồng Y Đoàn sẽ có
4 vòng bỏ phiếu, hai vòng buổi sáng và hai vòng buổi chiều. Cuộc bầu cử
chấm dứt tức khắc khi có vị nào được 2 phần 3 số phiếu hay hơn.
Đức Hồng Y Thị Thần sẽ
viết báo cáo về các buổi bầu phiếu cũng như các kết quả. Báo cáo này
cần được 3 hồng y phụ tá chuẩn nhận. Bản này sẽ được trình cho Đức Giáo
Hoàng và lưu vào văn khố (x. UDG 71).
Từ vòng bầu phiếu thứ hai
Ngày đầu tiên của cuộc
bầu cử nếu không có vị nào đắc cử trong vòng bầu phiếu thứ nhất, cuộc
bầu cử được tiếp tục ngày hôm sau. Mỗi ngày, bầu hai lần buổi sáng và
hai lần buổi chiều. Cứ sau mỗi hai vòng bầu cử, tất cả các phiếu bầu và
giấy tờ ghi chép đều phải đốt bỏ. Các phiếu bầu được tẩm chất hóa học
khi đốt khói ra màu đen, dấu hiệu cho thế giới bên ngoài biết là chưa
bầu được Giáo Hoàng.
Sau 3 ngày bầu cử, nều
chưa bầu đựơc ai làm Giáo Hoàng, các Hồng Y có thể quyết định nghỉ một
ngày để cầu nguyện, bàn thảo và nghe một giáo huấn ngắn của vị Niên
Trưởng Hồng Y đẳng Phó Tế trước khi tiếp tục cuộc bầu cử (x. UDG74). Sau
đó cứ sau mỗi 7 vòng bầu cử, lại có thể tạm nghỉ để cầu nguyện, trao
đổi và nghe giáo huấn lần lượt của Niên Truởng Hồng Y đẳng Linh Mục rồi
Niên Trưởng Hồng Y đẳng Giám mục. Sau vòng bầu phiếu thứ 30, nếu vẫn
chưa có vị nào đủ 2/3 số phiếu đòi hỏi, Đức Hồng Y Thị Thần sẽ mời các
Hồng Y phát biểu cách tiến hành bầu cử. Tùy theo quyết định của các Hồng
y – với đa số tương đối – mà có thể tiếp tục bầu như trước hoặc để đắc
cử chỉ cần đa số tuyệt đối hay theo cách giữ lại hai vị nhiều phiếu nhất
ở vòng 30 làm ứng viên cho vòng bầu thứ 31. Kể từ vòng thứ 31, có thể
chỉ cần đa số tuyệt đối hay đa số qúa bán là được đắc cử Giáo Hoàng (x.
UDG 75).
Cuộc bầu cử cứ tiếp
tục cho tới khi bầu được Giáo Hoàng mới. Không có giới hạn thời gian bầu
cử là bao lâu, và cũng không giới hạn số vòng bầu cử là bao nhiêu. Tuy
nhiên trên thực tế, cuộc bầu cử chỉ cần vài ngày là các Hồng Y bầu được
Giáo Hoàng mới. Từ năm 1831 đến nay, chưa có cuộc bầu cử Giáo Hoàng nào
kéo dài hơn 4 ngày.
ĐỨC GIÁO HOÀNG MỚI
Khi có một vị đã đạt
được số phiếu bầu cần thiết, ngài sẽ được vị Niên Trưởng Hồng Y Đoàn hỏi
: Ngài có chấp nhận cuộc bầu cử theo giáo luật đặt ngài làm Giáo Hoàng
không ? Và ngay sau khi ngài trả lời ưng thuận thì ngài sẽ được hỏi :
Ngài lấy danh hiệu Giáo Hoàng là gì ? Việc đặt danh hiệu Giáo Hoàng là
truyền thống bắt đầu có từ thế kỷ thứ X.
Nếu vị được đắc cử đã
là Giám Mục thì ngay lập tức ngài trở thành Giám Mục Giáo Phận Rôma, là
Giáo Hoàng đứng đầu Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu và là thủ lãnh của Giám
mục Đoàn toàn thế giới ( x. Giáo Luật 331).
Nếu người đắc cử chưa
có chức Giám Mục thì ngài sẽ được tấn phong ngay (x.UDG 88). Vị Niên
Trưởng Hồng Y Đoàn sẽ đảm nhận việc phong chức cho vị đắc cử Giáo Hoàng.
Mật nghị kết thúc ngay khi vị tân Giáo Hoàng chấp thuận việc bầu cử
ngài.
Theo truyền thống, dấu
hiệu đầu tiên cho thế giới bên ngoài biết đã bầu được Giáo Hoàng mới,
đó là cho khói trắng bốc lên từ ống khói Nguyện Đường Sixtina do việc
đốt các phiếu bầu và các giấy tờ ghi chép vòng bầu cuối cùng có tẩm chất
hóa học tạo thành khói trắng. Lần này thì khói trắng sẽ bốc lên kèm
theo chuông báo. Vì lần trước khi bầu được Đức Giáo Hoàng khói trắng lại
có màu xám khiến giáo dân đứng ngoài không phân biệt được. Tiếp theo,
các Hồng Y lần lượt tiến lên chúc mừng và hứa vâng phục Đức Giáo Hoàng
mới.
Từ ban
công tiền đình Vatican Basilica, Niên trưởng Hồng Y đẳng Phó Tế (hiện
nay là Đức Hồng Y Jorge Arturo Medina Estévez) công bố với thế giới bằng
tiếng Latinh “Habemus Papam”, nghĩa là “Chúng ta có Giáo Hoàng”, và
tuyên bố danh hiệu của vị tân Giáo Hoàng. Đức Tân Giáo Hoàng xuất hiện
trên ban công ban huấn từ và phép lành cho thành Roma và Thế Giới “Urbi
et Orbi ”.
Sau nghi
lễ nhậm chức long trọng của Đức Tân Giáo Hoàng, vào thời điểm thích hợp,
Ngài sẽ đến nhận nhiệm sở tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan
Lateranô là Nhà Thờ Chánh Tòa Giáo Phận Rôma.http://vrvradio.com/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm