Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Sài Gòn quen và... lạ

Sài Gòn quen và... lạ


Văn Lang/Người Việt
Sài Gòn sau gần 40 năm nhìn lại, có những cái vẫn còn đó và có những cái đã trở thành hoài niệm, bên cạnh những thứ xa lạ...


Lăng Cha Cả bây giờ với cây cầu vượt mới khánh thành. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

“Ngày đi trăm hoa hẹn hò. Ngày về vắng bóng con đò Thủ Thiêm”.

Lời “huê tình” trong câu ca dao của Sài Gòn xưa vô tình là lời “chứng nhân” cho những chuyến đò ngang, đò dọc trên bến phà Thủ Thiêm ngày nay đã không còn nữa.

Lăng Cha Cả bây giờ chỉ còn là một địa danh, nơi đây người ta mới đặt thêm một cây cầu vượt bằng thép.


Chợ Nancy cũng đã không còn nữa, với việc xây dựng cây cầu Nguyễn Văn Cừ nối qua khu Trung Sơn-Bình Chánh, địa danh Nancy đang bị lu mờ dần bởi địa danh “khu cầu Nguyễn Văn Cừ”.

May mắn là một số cơ sở kinh doanh cũng như cơ sở Nha khoa tại đây vẫn treo cao bảng hiệu bằng tên gọi Nancy, do vậy ký ức xưa cũng không thể hoàn toàn bị “xóa”.

Những ngôi chợ nổi tiếng của Sài Gòn thì vẫn còn đó, như chợ Bến Thành (quen gọi là chợ Sài Gòn), chợ Tân Ðịnh, chợ Bà Chiểu...

Nhà Xã Tây - Tòa Ðô Chánh Sài Gòn; Nhà hát Tây - Hạ Viện Sài Gòn vẫn còn đó dù đã đổi chủ. Với sự trợ giúp của nước Cộng Hòa Pháp, những công trình kiến trúc trên đã được phục hồi gần như “nguyên trạng”.

Anh Văn Hội Việt-Mỹ bây giờ tọa lạc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ). (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Sài Gòn bây giờ vắng bóng những chiếc xa lam chạy lạch tạch trên đường tỏa ra những làn khói xanh, vắng bóng những tà áo giai nhân, nhưng vẫn còn đó tháp chuông nhà thờ Ðức Bà, Bưu Ðiện Sài Gòn...
Có những “địa danh” có vẻ như không thuộc về Sài Gòn trước 1975, nhưng trong dòng chảy của thời gian nó đã từng hiện diện như một chứng nhân của lịch sử.

Như quán bia 81 Trần Quốc Thảo (trước kia là đường Trương Minh Giảng).

Quán 81 - Nơi đã có thời được mệnh danh là “vũng lầy của chúng ta”, nơi chứng kiến nhiều người uống từ khi tóc còn xanh đến khi... đầu bạc. Nơi mà văn nghệ hai “chiến tuyến” sau 1975 có thể “cụng ly” và “thù tạc” với nhau. Nơi lâu lâu vẫn có người từ hải ngoại tìm về, vì muốn tìm người quen làm văn nghệ trước hoặc sau 75 đều dễ dàng hỏi thăm tin tức từ quán bia này. Nay quán và toàn bộ trụ sở của các hội văn nghệ (sau 1975) đều đã được đập bỏ từ cuối năm 2012 để xây mới.

Ðộc giả Sài Gòn và miền Nam trước 1975 yêu mến Hà Nội qua những trang viết của những nhà văn di cư như Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Vũ Bằng, Nhất Linh, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, Sáng Tạo...

Nhưng sau 1975, ai có dịp ra Hà Nội đều thất vọng, vì Hà Nội đã bị “mậu dịch hóa”, “quốc doanh hóa”...

Viết về Sài Gòn sau 1975, trong bản nhạc của mình Nguyễn Ðình Toàn có câu: “Tôi mất người như người đã mất tên”.

Hỏi thăm một người quen đã tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn (sau 1975), năm 90 anh qua Mỹ, tốt nghiệp trường Mỹ, sau này anh thường trở qua Việt Nam theo diện “công vụ”.

Anh cho biết, Sài Gòn nhờ sớm về với “kinh tế thị trường” và bản tính tự do của người miền Nam mà không hoàn toàn bị “quốc doanh hóa” như Hà Nội, nhờ vậy bây giờ vẫn có thể ngồi ở một góc quán nào đó của Sài Gòn cho phép mình thả hồn mơ mộng nhớ lại một miền Nam xưa.

Một người quen khác của chúng tôi, ông là người Hà Nội gốc, di cư vô Sài Gòn năm 18 tuổi. Sau 1975 ông ra vỉa hè Sài Gòn bán sách cũ, năm 1985 ông vượt biển tìm tự do.

Hai mươi năm sau ông lại quay về Sài Gòn sống bằng nghề dịch sách và viết báo (rất chật vật), nếu vẫn tiếp tục ở hải ngoại thì ông hoàn toàn có thể sống an nhàn bằng tiền trợ cấp tuổi già. Nhưng ông vẫn muốn quay về Sài Gòn để được sống với giấc mơ thời tuổi trẻ của mình. Nơi mà khi ông 20, ông đã được diện kiến bậc thầy Nguyễn Ðức Quỳnh để hỏi về hướng đi của tuổi trẻ, và khi ông 25 ông lại may mắn được gặp học giả Hồ Hữu Tường, khi ông Tường từ nhà tù Côn Ðảo trở về.

Khi chúng tôi hỏi thăm ông dịch giả Việt kiều về Sài Gòn, ông cho biết: “Sài Gòn trước 1975 cũng xô bồ như Sài Gòn bây giờ, nhưng trong hấu hết các giới đều hình thành được tầng lớp tinh hoa, như trong giới văn nghệ và học thuật đều có những tinh hoa”.

Hỏi ông: “Nếu như nhớ về Sài Gòn trước 1975 thì ông nhớ nhất là điều gì?” Ông trả lời ngay: “Nhớ nhất là không khí tự do báo chí của Sài Gòn!”

Sài Gòn có lẽ như quen mà chợt... lạ, khi thành phố vẫn còn đó những xô bồ nhưng lại vắng bóng những tinh hoa.

Còn tự do báo chỉ chỉ là giấc mơ “toát mồ hôi” của mấy anh ký giả “còm” muốn đem chút lương tâm “bé bỏng” phục vụ đồng bào và nữ thần công lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm