Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Cảnh đời của người bán trái cây ở Hà Nội

Cảnh đời của người bán trái cây ở Hà Nội


Phương Ngạn/Người Việt
Bốn mùa quen hơi nhà trọ, mỗi khi nhắc về quê nhà, cảm giác xa ngái như đang ở trên một đất nước xa xôi nào đó nói về cố hương mặc dù khoảng cách đường đi chưa đến nửa ngày ngồi xe. Bữa đói bữa no, rày đây mai đó và mỗi ngày quảy đôi gánh đi dọc các con phố, tìm một chỗ nào đó ngồi bán, mỗi khi thấy công an thì tiếp tục quảy gánh chạy đi Ðó là đời sống của những người bán trái cây giữa lòng Hà Nội.
Bốn mùa nhà trọ
Chị Sấu, người bán trái cây lâu năm trên phố Yết Kiêu, Hà Nội, tâm sự: “Mùa Ðông người ta ít ăn trái cây, cũng may là người Hà Nội có thói quen ăn trái cây thay cho rau xanh, mức độ tiêu thụ rau xanh ở thành phố này có vẻ như ngang ngửa với trái cây.”


Những xe trái cây nhỏ giữa lòng Hà Nội, cơm áo của những người lao động nghèo. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)

“Mình từng vào Nam, vào Trung, bôn ba đủ thứ, mình mới nhận ra ba miền có những điểm khác nhau khá thú vị. Ví dụ như miền Bắc, người ta quen ăn trái và củ, miền Trung thì quen ăn thân cây, còn miền Nam thì quen ăn hoa. Chính vì thế các loại củ và quả ở Bắc tiêu thụ rất nhiều, miền Trung thì chắc là do khắc nghiệt, người ta ăn cây, các loại rau cải, bù ngót... Nói chung là ăn lá cây, còn người Nam thì thứ gì cũng bông, từ bông điên điển cho đến bông súng tím, bông bèo tây, bông mướp.”

“Cả ba miền đều ăn cả ba thứ chứ không phải ăn thứ này bỏ thứ kia, nhưng mỗi miền thiên về một thứ giống như là đặc trưng vậy! Ði riết cũng mỏi gối, thôi về lại xứ Bắc ngồi bán trái cây, trước đây đi làm thuê đủ thứ hết. Ở xứ này, nghèo mà không đi làm thuê, ở đợ thì chỉ còn nước ra đứng đường thôi, buồn lắm. Dù sao mỗi ngày kiếm vài chục đến một trăm ngàn, với mình là quá đủ.”

Cùng bán trái cây với chị Sấu, chị Nguyệt, 43 tuổi, người gốc Hưng Yên, cho biết thêm: “Mùa Hè bán trái cây đắt hơn, lãi cao hơn,có ngày kiếm được trăm rưởi, hai trăm ngàn đồng. Còn mùa Ðông thì ế ẩm, ngày nào trúng mánh lắm cũng kiếm chừng bảy chục đến một trăm ngàn đồng là ná thở.”

“Phần lớn chị em đi bán trái cây đều không có ruộng vườn, đất đai gì ở quê, phải bôn ba đắp đổi qua ngày và gởi về cho chồng nuôi con ăn học. Như chị Sấu thì có chồng đi làm thợ hồ, còn mình thì ông xã đi làm phụ hồ, thu nhập cũng bấp bênh lắm. Mùa mưa thì ngồi nhà chứ có ai kêu đi làm đâu, ngày xưa nói nhất nghệ tinh nhất thân vinh, nhưng trông nghề thợ hồ xem, thân vinh gì đâu, đói chết ấy chứ!”

“Con cái thì khỏi phải nói, nhớ mấy đứa nó kinh khủng lắm nhưng mẹ con cũng chỉ nói chuyện qua điện thoại, câu được câu mất, lúc nào gặp tụi nó cũng dặn một câu là nhớ nghe lời ba, học hành chăm chỉ để sau này khỏi đi bán trái cây...”
Nói đến đây, chị Nguyệt rươm rướm buồn, chúng tôi mua một ít trái cây và tiếp tục đi. Tha hương ngay trên xứ sở
Chị Linh, 45 tuổi, có thâm niên bán trái cây ở các bờ hồ Hà Nội hơn mười lăm năm, lắc đầu, kể: “Ngày trước, người Hà Nội thân thiện hơn bây giờ. Kể từ khi đất đai lên giá, hình như con người cũng lên giá theo, những bạn hàng thân thuộc của mình trước đây, bây giờ nhìn mình với ánh mắt miệt thị lắm, mình chỉ thấy buồn thôi!”

Mỗi ngày đi bộ khắp thành phố từ 6 giờ sáng cho đến 9h đêm, kiếm được từ 70-90 ngàn đồng cho một ngày mùa Ðông. (Hình: Phương Ngạn/Người Việt)

“Thì đất đai lên giá, họ bán đất, rồi sắm xe, có tiền bỏ ngân hàng, cộng thêm tiền lương hưu này nọ, luôn rủng rỉnh tiền trong túi, dường như họ bước sang một đẳng cấp khác, thuộc về giới thượng lưu, họ không muốn xem mình là người từng quen biết, thậm chí có người trước đây khó khăn, mua trái cây nợ theo tháng, đến cuối tháng mình đến nhà tính tiền, bây giờ họ gặp mình chào trái cây, không thèm trả lời. Cuộc đời thấy mà buồn!”

“Sự buồn của mình không phải ở chỗ họ đánh mất tình nghĩa thân thiết ngày xưa, vì mình nghĩ rằng con người vốn có nhân duyên với nhau, hết nhân duyên thì tự xa lánh nhau, nên mình chẳng có buồn chuyện này. Mình chỉ buồn là đời sống này, xã hội này cứ dần dà đẩy những người vốn siêng làm ăn như mình dần về chỗ đáy của nó, vô phương cứu chữa, càng cố càng khổ!”

Cùng tâm lý với chị Linh, chị Hà, 47 tuổi, có thâm niên bán trái cây hơn 10 năm ở quận Ba Ðình, Hà Nội, than thở với chúng tôi: “Nhiều lúc mình bị công an rượt, buồn lắm, ngoài Hà Nội thì ít có trường hợp thu giữ luôn hàng hóa giống các thành phố khác, công an họ vẫn trả hàng hóa lại cho mình bán, chỉ giữ vài ngày, có khi trái cây bị hư hỏng và mình bị mất mấy ngày bán.”

“Nhưng vẫn thấy buồn, cảm giác giữa Hà Nội hào hoa, bóng nhoáng như thế này, mình gánh trái cây đi bán là đã nỗi niềm lắm, chứ có tiền của, dại gì chọn nghề này. Thế mà có hôm mới gánh trái cây ra là bị rượt đuổi từ đầu phố này cho đến cuối phố kia, cũng là con người với nhau, nhưng đôi khi mình thấy mình bị xua đuổi như súc vật, buồn lắm!”

“Mùa Ðông xứ Bắc này lạnh lắm, nhất là các bờ hồ, nhưng phải đi bán, vì không bán thì lấy gì gửi về nuôi con cái. Nhiều lúc ế khách, ngồi bên bờ hồ, nhìn ra mặt nước mênh mông, mờ ảo, tự dưng thấy cuộc đời của dân lao động nghèo Hà Nội cũng mờ ảo, khói sương và âm u chẳng biết rồi sẽ về đâu...”

Nói xong câu, chị chào tạm biệt chúng tôi và quảy đôi gánh trái cây tiếp tục đi chầm chậm theo bờ hồ, đâu đó có một tiếng rao khác nghe nhỏ và lẩn khuất giữa tiếng còi xe...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm