Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Làm thế nào để tránh nhiễm độc chì?

Làm thế nào để tránh nhiễm độc chì?

Việt Hà, phóng viên RFA 2013-11-05

034_753289-305.jpg
Đèn lồng xuất xứ từ Trung Quốc được cho là gây nhiễm độc chì cho trẻ em. Hình chụp tại TPHCM hôm 14/2/2008.
AFP photo


Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm độc chì là một trong những quan ngại về sức khỏe cộng đồng đáng báo động.

Tại sao nhiễm độc chì?

Trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người, việc tiếp xúc với các sản phẩm có chì là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chì có thể từ không khí, từ thực phẩm, từ đồ chơi hay mỹ phẩm. Nhưng điều đáng lo ngại là việc tiếp xúc với một lượng chì lớn và trong thời gian dài có thể khiến một người bị nhiễm độc và thậm chí tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Theo WHO, nhiễm độc chì gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ em. Thống kê của WHO cho thấy khoảng 600,000 các ca chậm phát triển hàng năm trong trẻ em do nhiễm độc chì. Điều đáng chú ý là có tới 99% trẻ em bị nhiễm chì đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Bác sĩ Maria Neira, Giám đốc ban Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng của WHO xác định ‘nhiễm độc chì vẫn là một trong những quan ngại về sức khỏe môi trường quan trọng với trẻ em toàn cầu. Sơn có chì là nguồn chính dẫn đến việc nhiễm độc chì ở trẻ em’.
Trẻ em thường dễ bị ngộ độc chì hơn so với người lớn vì trẻ hấp thụ lượng chì từ 4 đến 5 lần nhiều hơn so với người lớn từ cùng một nguồn.

Cũng theo ước tính của WHO, có khoảng 143,000 ca tử vong mỗi năm trên thế giới là do nhiễm độc chì có nguồn chính từ sơn. Ngay tại những nước phát triển, nơi sơn có chì đã bị cấm nhiều thập kỷ qua, việc nhiễm độc chì từ sơn vẫn là nguồn chính. Bác sĩ Mary Jean Brown, Giám đốc văn phòng chống nhiễm độc chì của Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ cho biết:
Nhiễm độc chì vẫn là một trong những quan ngại về sức khỏe môi trường quan trọng với trẻ em toàn cầu. Sơn có chì là nguồn chính dẫn đến việc nhiễm độc chì ở trẻ em.
- Bác sĩ Maria Neira
Nước Mỹ cấm sử dụng sơn có chì trong nhà từ năm 1978. Trước khi có lệnh cấm này, lượng chì trog máu của trẻ em ở Mỹ trung bình là 15 microgram trên một deciliter, tức là gấp 3 lần mức cho phép bây giờ. Đến nay đã là 30 năm trôi qua kể từ khi chúng tôi cấm sử dụng chì trong sơn ở nhà, mức chì trong máu của trẻ em Mỹ trung bình là 1 microgram trên một deciliter. Cho nên nó không còn là vấn đề lớn ở Mỹ như trong quá khứ hay so với các nước đang phát triển khác.
Ở Mỹ, sơn có chì vẫn là nguồn chì tập trung chủ yếu mà trẻ có thể bị nhiễm vì có nhiều nhà được sơn từ trước 1978 và có nhiều chì trong sơn, một số sơn có chì nằm ở những phần trẻ có thể ngậm, nhai phải, một số là do khi chúng ta phá, sửa nhà, và các đồ vật trong nhà cũng như đất ngoài đường có thể bị nhiễm chì. Cho nên đó vẫn là nguồn nghiêm trọng dẫn đến nhiễm chí. Ngoài ra còn một số yếu tố khác như ở nhiều tiểu bang, chúng ta vẫn còn dùng ống nước có chì, và điều này có thể làm tăng lượng chì trong máu của trẻ. Các nhà cung cấp nước địa phương sẽ gửi cho người dân hàng tháng về lượng chì đo được trong nước, và nếu lượng chì cao hơn mức EPA quy định thì mọi người cần đưa trẻ đi kiểm tra.
Ngoài ra theo bác sĩ Brown, trẻ cũng có thể nhiễm chì từ đồ chơi, mặc dù Hoa Kỳ cũng có những quy định rất nghiêm ngặt về chì trong các sản phẩm dùng cho trẻ em. Theo quy định của Mỹ, lượng chì cho phép trong đồ chơi của trẻ không được vượt quá 0,009%.
Bác sĩ Brown thừa nhận, tại Mỹ vấn đề nhiễm độc chì từ sơn không còn lớn như trước kia nhưng tại các nước phát triển thì khác:
Đó là một vấn đề mới ở các nước đang phát triển. Họ không sơn nhà trước kia, nhưng bây giờ họ bắt đầu có tiền và họ sơn nhà, và rất nhiều sơn có chì trên thị trường…. vẫn có những nhà sản xuất sơn dạng nhỏ ở các nước đang phát triển, ví dụ họ có thể sản xuất sơn từ một nhà xe, họ trộn linseed oil với màu và chính anh ta cũng không biết là có chì ở trong đó, cho nên đó là vấn đề khó khăn nhất.
Tại Việt Nam, theo website của bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc chì do hấp thụ qua đường tiêu hóa hay gặp do uống các loại thuốc nam, đặc biệt là thuốc tễ không rõ nguồn gốc như mẫu đơn, chu sa, thần sa là các thuốc trong thành phần có kim loại nặng hàm lượng cao. Năm 2012, Việt Nam đã phát hiện một số trẻ bị nhiễm chì do dùng thuốc cam.

Hậu quả của nhiễm độc và phòng tránh

000_Hkg2674437-250.jpg
Trẻ em trong một ngôi làng ở Trung Quốc đang được điều trị tại bệnh viện, ảnh chụp ngày 23/8/2009. AFP photo
Ngộ độc chì được chia làm hai nhóm là ngộ độc cấp tính và mạn tính, trong đó dạng cấp tính thường ít xảy ra và chỉ xảy ra khi bệnh nhân uống phải lượng chì lớn do tai nạn. biểu hiện của ngộ độc chì cấp tính thường xuất hiện sau 2 đến 48 tiếng. Các dấu hiệu dễ thấy là chán ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón. Ngộ độc nặng có thể suy gan, suy thận, mệt mỏi, vàng da. Nặng hơn nữa là co giật, bị ảo giác và có thể tử vong.
Với trẻ bị ngộ độc chì mãn tính, các dấu hiệu bị nhiễm độc chì không dễ phát hiện. Bác sĩ Brown giải thích
Với trẻ em, khi lượng chì trong máu cao, nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ. Các triệu chứng không được biểu hiện một cách nghiêm trọng. PHần lớn trẻ nhiễm độc chì thì lượng chì đến mức cao nhất khi trẻ 2 tuổi. Nó có thể làm trẻ mệt mỏi, khó chịu và chán ăn. Nhưng những triệu chứng này cũng là các triệu chứng thường thấy ở trẻ hai tuổi. vì vậy để biết trẻ có bị nhiễm chì không thì chúng ta cần phải đưa trẻ đi xét nghiệm máu.
Phụ nữ có thai bị nhiễm chì, chì trong máu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này. Bác sĩ Brown nói tiếp:
Cơ thể con người không đào thải chì tốt, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Chì khi nhiễm vào cơ thể sẽ vào sâu trong xương, khi cơ thể mệt mỏi, khi người ta có bầu, cho con bú thì chì có thể chuyển xuống bào thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.
Theo bác sĩ Brown, người lớn có lượng chì trong máu cao, khi lớn tuổi sẽ có thể bị cao huyết áp.
Nói về cách điều trị cho các trường hợp nhiễm chì, bác sĩ Brown cho biết:
Có hai thứ bạn có thể làm. Trước hết bạn phải xác định được chì đến từ đâu và tìm cách ngăn chặn nó, để lượng chì trong máu không lên cao hơn nữa, mục đích là không để tình hình xấu thêm. Cách thứ hai là, chế độ ăn có nhiều sắt nhưng không quá nhiều béo, nhiều sắt và nhiều calcium. Với trẻ có lượng chì quá cao trong máu, hoặc với người lớn cũng vậy, chúng ta có cách điều trị gọi là liệu pháp lấy chì (Chelation therapy) là cách lọc chì ra khỏi máu và đó là cách làm cứu mạng người . Những người thực sự ốm vì chì, có thể dùng cách điều trị này và họ sẽ hết ốm, không bị các triệu chứng co giật hay bất tỉnh. Tuy nhiên với những người đã bị ảnh hưởng rất nặng đến hệ thần kinh, đến thị giác, thì cách này không thể làm đảo ngược được tình hình. Vì vậy bất cứ những tổn thương nào mà họ có trước đó sẽ vẫn còn lại với họ.
Để phòng tránh nhiễm chì, bác sĩ Brown đưa ra lời khuyên chung như sau:
Chì khi nhiễm vào cơ thể sẽ vào sâu trong xương, khi cơ thể mệt mỏi, khi người ta có bầu, cho con bú thì chì có thể chuyển xuống bào thai và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.
- Bác sĩ Mary Jean Brown
Khi bạn mua nhà hay thuê một nơi ở, người bán hay người thuê phải có nghĩa vụ cho bạn biết có chì trong đó không. Khi bạn mua nhà, bạn nên chắc chắn là nhà không được sơn bằng sơn có chì, và nếu nghi ngờ thì bạn có thể thuê người kiểm tra nhà. Đó là điều quan trọng, vì có rất nhiều trẻ bị nhiễm chì, khi cha mẹ mua nhà mới, bắt đầu sửa nhà và bụi chì ở khắp nơi. Không chỉ có trẻ sẽ bị nhiễm chì mà cả cha mẹ và con vật trong nhà cũng bị nhiễm chì. Với những người đang làm sửa chữa nhà ở những nơi có chì thì đừng mang bụi đó về nhà.
Họ cần thay quần áo và giầy trước khi bước vào xe và lái về nhà. Người cha không muốn để trẻ bị nhiễm chì. Chúng tôi thấy có nhiều trường hợp nhiễm chì là do bụi chì có ở trong xe, đó là nơi trẻ bị nhiễm chì, không phải ở nhà nhưng từ xe. Với đồ chơi, có những đồ chơi dán nhãn cho biết có chì hay không có chì trong sản phẩm, nhưng cũng có những sản phẩm không cho biết điều này, và như vậy là rất khó để biết. Tôi nghĩ là tôi sẽ rất cẩn thận với các đồ như vòng nhẫn kim loại nặng tay vì chì thường nặng.
Từ ngày 20 đến 26 tháng 10 vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã thực hiện một chiến dịch loại bỏ chì khỏi đồ chơi và sơn trên toàn thế giới. Theo Liên Hiệp Quốc, sự nguy hiểm của chì đã được nhìn nhận từ năm 1919 nhưng đến bây giờ nó vẫn tiếp tục là mối đe dọa đến sức khỏe toàn cầu. Vì vậy đã đến lúc các quốc gia phải tìm cách loại bỏ hoàn toàn chì khỏi đồ chơi và sơn nhà. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc, đã có 30 nước loại bỏ chì khỏi sơn và đồ chơi. Liên minh loại bỏ chì toàn cầu đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 70 quốc gia loại bỏ chì hoàn toàn khỏi các sản phẩm này.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm