Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Ngày nhà giáo Việt Nam và nỗi buồn của bậc cha mẹ

Ngày nhà giáo Việt Nam và nỗi buồn của bậc cha mẹ

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 2013-11-19

Hoa bầy bán nhân ngày Nhà giáo
Hoa bầy bán nhân ngày Nhà giáo
RFA
Thiếu triết lý giáo dục
Ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm nay ở miền Trung là một ngày chống lũ và khắc phục hậu quả lũ lụt của cả thầy cô và học sinh. Các trường ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và Huế, cho đến thời điểm này, vẫn chưa khắc phục hết hậu quả của lũ lụt, sách vở bị ướt, bàn ghế gãy đổ, mái bị tốc, thậm chí có nhiều trường bị nứt tường do móng nền xê dịch trong lũ lụt. Không khí 20 tháng 11 rất ảm đạm, trong đó có cả tâm lý thất vọng của bậc làm cha làm mẹ trong vấn đề nhân cách và tư cách của giáo viên và tâm lý thất vọng về ngành nghề của giáo viên nói chung.
Cô Nhung, một giáo viên ngoại ngữ ở Quảng Ngãi chia sẻ: “Từ hồi xưa đến giờ rồi, thật ra ngày nhà giáo Việt Nam, ngày đó phải nói là ngày mà người ta sỉ nhục giáo viên nhiều hơn là tôn vinh. Vì những lời chúc tụng thì nó có chớ, nó thành thật từ học sinh cũng có chơ! Nhưng ngày đó để xã hội nhìn vào để thấy ngành giáo dục không làm được gì thì…Thực sự mà nói vậy!”


Cô Nhung nói rằng năm nay, mọi hoạt động chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam có vẻ như không diễn ra ở nơi cô công tác. Điều này giúp cho cô có thời gian rảnh rỗi để đưa con đi thăm thầy cô giáo của nó. Nhưng nếu tình hình nước lũ còn ngập đường nhiều quá thì cô sẽ không cho các con đi đâu cả. Năm nào cũng có học sinh chết do bị nước cuốn vào ngày này, không phải ở Quảng Ngãi thì cũng Quảng Nam, Huế, Quảng Trị.
Thật ra ngày nhà giáo Việt Nam, ngày đó phải nói là ngày mà người ta sỉ nhục giáo viên nhiều hơn là tôn vinh. Vì những lời chúc tụng thì nó có chớ, nó thành thật từ học sinh cũng có chơ! Nhưng ngày đó để xã hội nhìn vào để thấy ngành giáo dục không làm được gì thì…Thực sự mà nói vậy
Cô Nhung
Theo cô Nhung, điều quan trọng nhất để học trò nhớ đến thầy cô chính là nhân cách, phẩm giá của người thầy và chất lượng đào tạo, trong đó gồm cả chương trình hoạt động của nhà trường, của từng giáo viên và của cả ngành giáo dục, nói xa hơn một chút là của cả một bộ máy nhà nước chứ không đơn giản chỉ là chuyện dạy và học.
Phụ huynh mua tặng thầy cô các loại trái cây ngon thay phải đưa phong bì. RFA
Phụ huynh mua tặng thầy cô các loại trái cây ngon thay phải đưa phong bì. RFA
Nhưng chuyện này quá khó để đạt được ở Việt Nam, vì theo chỗ cô thấy, nền giáo dục Việt Nam hiện tại thiếu vắng triết lý về giáo dục, đó mới là cốt lõi để tìm ra phương hướng thực thụ cho giáo dục. Tuy rằng cũng dạy đạo đức, dạy giáo dục công dân, dạy đủ các môn liên quan đến nhân phẩm con người, nhưng dạy như thế nào để khi học xong chương trình, học sinh có thể hình dung cho mình một viễn tượng làm người thì hoàn toàn không có. Bởi mọi tiêu chí, mục tiêu hướng đến của môn đạo đức và giáo dục công dân đều nằm ở chỗ tuyên truyền, nhồi nhét cho học sinh yêu đảng, yêu bác, yêu và tin chủ nghĩa Mác – Lê. Rất tiếc, những thứ đó không phải là bộ khung của một nền giáo dục để đi đến một triết lý giáo dục.
Cô Đào, một giáo viên dạy môn văn ở Trà My, huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, chia sẻ với chúng tôi rằng năm nay, tình hình lũ lụt làm cho vấn đề dạy và học sẽ khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Nếu như hiện tại, sự khó khăn nằm ở hỗ dọn dẹp, khắc phục hậu quả lũ lụt và tìm mua những giáo cụ bị nước cuốn trôi để tiếp tục lên lớp. Thì trong vài tháng tới, chương trình học phải dồn nén, chồng chất, thậm chí phải họ bù nhiều chủ nhật, học tăng tiết mới có thể theo đuổi kịp chương trình, đến kỳ thi, học sinh mới có cái để mà thi.
Cũng theo nhận xét của giáo viên này, chương trình đào tạo, dạy học hiện tại quá nặng nề, dạy lấy dạy để, học lấy họ để nhưng cả học sinh và giáo viên đều không biết mình học và dạy những tiết học đó để làm gì, có tác dụng gì cho kiến thức. Và, chính bởi chương trình quá dồn dập nhưng lại có nhiều bài học chẳng mang lại lợi ích gì, ngay cả vấn đề đối phó với kì thi nó vẫn không có giá trị nên xãy ra tiêu cực trong giáo dục. Hiện tượng giáo viên ém bài để dạy thêm và qua mặt hiệu trưởng bằng cách dạy những bài không cần thiết trên lớp là chuyện xãy ra khắp mọi nơi.
Điều quan trọng nhất để học trò nhớ đến thầy cô chính là nhân cách, phẩm giá của người thầy và chất lượng đào tạo, trong đó gồm cả chương trình hoạt động của nhà trường, của từng giáo viên và của cả ngành giáo dục
cô Nhung
Tình thầy trò cũng thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Một giáo viên khác tên Sửu, dạy môn vật lý cấp phổ thông trung học tại Quế Sơn, Quảng Nam, khoe với chúng tôi rằng nếu siêng dạy thêm, mỗi tháng anh có thể kiếm được từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, con số này không riêng gì anh kiếm được mà hầu hết các giáo viên dạy các môn tự nhiên cấp ba đều có thể kiếm được nếu biết cách điều tiết giữa bài giảng ở lớp và bài giảng ôn thi đại học. Và anh cũng thú nhận là số tiền lương kiếm được trên trường mỗi tháng không đủ để anh uống cà phê và nhậu chơi mỗi cuối tuần. Nếu chỉ bám lương mà sống, anh sẽ bị nhục vì nghèo.
Buôn bán lây lất kiếm tiền nuôi con ăn học. RFA
Buôn bán lây lất kiếm tiền nuôi con ăn học. RFA
Anh nói rằng đó là con số của một giáo viên quèn, không có chức vị kiếm được chứ những con số của hiệu trưởng, hiệu phó kiếm được khủng hơn nhiều nhưng lại không hao hơi tổn tiếng như anh. Những khoảng tiền học sinh phải đóng để bảo trợ, xây dựng nhà trường, rồi tiền mỗi giáo viên muốn biên chế vào trường phải nộp cho hiệu trưởng từ ba mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tất cả các khoản này chỉ có hiệu trưởng nắm trong tay và ăn chia với các thành viên ban giám hiệu.
Anh Sửu chia sẻ: “Nói ra thì bi đát quá, nhưng ngày nhà giáo Việt Nam bây giờ là một gánh nặng. Đặc biệt với những phụ huynh nghèo, mỗi thầy cô giáo ít thì 200 ngàn, nhiều thì 300 ngàn, dao động ở mức đó đó. Ví dụ con học cấp 1 thì 2 cô, cấp 2 thì 10 cô. Ví dụ như tui 3 đứa con thì ngày nhà giáo mất 5- 6 triệu bạc, tui thì không méo mặt chứ nhiều thằng méo mặt. Giải nghĩa như một trò hề, chủ yếu là cái ngày này phụ huynh chạy ào ào, tự nhiên sinh ra kiểu chạy đua giống như kiểu doanh nghiệp chạy lên nhà thằng thuế vậy. Ngày nhà giáo Việt Nam bây giờ với tui bây giờ là hết, chẳng còn cảm xúc gì hết, với tui chỉ là một buổi chiều, chạy hết buổi chiều hôm qua, hơn chục cô, 2 đứa con cấp 1, một đứa cấp 2, mất 4 – 5 triệu bạc. Cô không nói gì, mình cũng không nói gì, tới đưa, chào, cô cười, mình cười, chạy ra, ghi tên, hết!”
Học thêm bây giờ đã thành mốt thời trang của mỗi gia đình, cạnh tranh, thi đua, ganh đua với nhau gọi là thể hiện đẳng cấp thông qua việc chi tiền hằng tháng cho con mình đi học thêm, học kèm, thậm chí có nhà giàu còn mướn cả thầy giáo bộ môn về dạy kèm cho con mình và trả mức lương cao hơn lương nhà trường
Anh Sửu
Anh Sửu cho biết thêm là học thêm bây giờ đã thành mốt thời trang của mỗi gia đình, cạnh tranh, thi đua, ganh đua với nhau gọi là thể hiện đẳng cấp thông qua việc chi tiền hằng tháng cho con mình đi học thêm, học kèm, thậm chí có nhà giàu còn mướn cả thầy giáo bộ môn về dạy kèm cho con mình và trả mức lương cao hơn lương nhà trường. Nhưng con số này thì không nhiều, phần đông người dân phải thắt lưng buộc bụng cho con ăn học, nếu không học thêm thì thua bạn bè, thế thôi!
Một học sinh cấp ba, tức phổ thông trung học, yêu cầu giấu tên, chia sẻ với chúng tôi ngày Nhà giáo Việt Nam đối với em là một cái họa, vì thực tâm mà nói, em chẳng thấy quí mến gì thầy cô, hiếm có thầy cô làm em cảm phục, bởi họ quá tàn nhẫn khi tìm cách này cách nọ để moi tiền của cha mẹ em trong chuyện học thêm. Nhà em thuộc diện nghèo, khi đi học về, em còn phải bắt ốc, hái rau để phụ với mẹ nuôi heo, nuôi gà vịt. Nhưng những khoảng tiền kiếm thêm được nhờ bán heo, bán gà chưa bao giờ đủ để em nộp học thêm. Đôi khi, em thấy thầy cô giáo còn đáng sợ hơn cả nhà buôn. Vì với bà bán cá lóc ngoài đầu xóm, em có thể mua nợ, có thể trả giá thiệt hơn để mua, đỡ được đồng nào mừng đồng đó.
Nhưng với việc học thêm thì không được phép như thế. Mà không đi học thì bị ép, khó mà ngoi lên được. Đó là chưa kể đến ngày nhà giáo, nếu đứa nào không đi tặng quà cho thầy cô thì e rằng càng khó ngoi lên được. Quà bây giờ không phải là một bông hoa mà là một phong bì.
Một học sinh khác, cũng yêu cầu giấu tên, có vẻ lạc quan hơn em học sinh vừa nói, em này cho rằng thầy cô luôn có những cái hay của họ.

Nhưng có lẽ vì một thứ gì đó quá khó nói, ví dụ như số tiền thầy cô bỏ ra để học từ lớp một đến đại học quá nhiều, rồi khi xin việc, cũng tốn kém cả trăm triệu đồng, nên khi đi dạy, họ buộc phải bằng mọi giá lấy lại số vốn đã bỏ ra. Chính vì thế họ phải dạy thêm, phải ép học sinh. Mặc dù em rất ghét chuyện học thêm nhưng em vẫn thấy thầy cô đáng kính, vì họ là những người dạy dỗ cho em, em vẫn mang ơn họ, tuy hơi buồn!
Nhận xét khá tinh tế và sâu sắc của em họ sinh này khiến chúng tôi giật mình và chạnh buồn khi nghĩ đến một sinh quyển giáo dục đầy thực dụng, bán buôn và quá nhiều kẽ hở cho tham nhũng và bất chính.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

1 nhận xét:

  1. Nền giáo dục Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đúng là thiếu hẳn một triết lý giáo dục. Học sinh từ lớp 1 đã bị nhồi nhét những bài học chính trị thô ráp và sặc mùi chính trị. Thử hỏi một nền giáo dục tồi tệ như thế thì làm sao đất nước có được những công dân đúng nghĩa của hai chữ công dân.

    Trả lờiXóa

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm