Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

2013 Những chuyến công du của Trùm mafia đỏ Việt Nam

Những chuyến công du của lãnh đạo Việt Nam năm 2013

Việt Hà, phóng viên RFA 2013-12-19

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Pháp François Hollande tại Phủ Tổng thống Pháp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Pháp François Hollande tại Phủ Tổng thống Pháp
AFP
Nghe bài này
Năm 2013 là một năm của khá nhiều các chuyến công du nước ngoài liên tục của các lãnh đạo Việt Nam, từ Tổng Bí Thư Đảng cộng sản, đến Chủ tịch nước và Thủ tướng. Nhân dịp cuối năm 2013, Việt Hà của đài chúng tôi có bài tổng kết về những thành công cũng như những hạn chế của các chuyến công du này.
Chuyến thăm Trung Quốc
Chuyến công du đáng chú ý nhất đầu tiên của lãnh đạo Việt Nam trong năm 2013 phải nói tới trước tiên là chuyến công du của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc từ ngày 19 đến 21 tháng 6. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Hai bên đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước bao gồm hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, và đặc biệt là vấn đề tranh chấp tại biển Đông. Kết thúc chuyến đi, tuyên bố chung của hai bên khẳng định hai nước sẽ kiên trì phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt. Riêng vấn đề nóng là tranh chấp biển Đông, hai bên cũng nhất trí phải giữ binh tĩnh, kiềm chế và không có hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Tuyên bố chung hoàn toàn lợi cho Trung Quốc còn phía ta lại bị ràng buộc bởi nhiều điểm trong các mục
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
Ngay sau chuyến đi, báo chí Việt Nam ca ngợi đây là một chuyến đi thành công. Tuy nhiên, nhiều bloggers trong nước và một số người quan tâm đến tình hình đã lên tiếng chỉ trích chuyến đi này. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến 1987 có bài viết trên trang Boxit Việt Nam sau đó nhận định : ‘ tuyên bố chung hoàn toàn lợi cho Trung Quốc còn phía ta lại bị ràng buộc bởi nhiều điểm trong các mục’.
Tới Washington
Chỉ vài tuần sau chuyến thăm Trung Quốc, Chủ tịch Trương Tấn Sang lên đường thăm Mỹ từ ngày 24 đến 26 tháng 7, một chuyến đi được các chuyên gia quốc tế đánh giá khác nhau. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn Quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ nhận định đây là một chuyến đi gấp rút:
Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang (Trái) bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh vào ngày 20 Tháng Sáu 2013.
Chủ tịch Nước Việt Nam Trương Tấn Sang (Trái) gặpThủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh vào ngày 20 Tháng Sáu 2013.
GS. Nguyễn Mạnh Hùng: tôi nghĩ là có tính gấp rút và tôi nghĩ đó là ý vọng của Việt Nam nhiều hơn và ông Obama cũng đáp ứng với ý vọng đó vì ông cũng không muốn Trung Quốc có tính toán sai lầm và gây ra những mâu thuẫn có thể cái xẩy nẩy cái ung.
Nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, ông David Brown có cùng nhận xét trên tờ YaleGlobal rằng: ‘quyết định gửi Ô.Sang đến Washington của Bộ Chính trị cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bị lung lay bởi những gì Tập Cận Bình và các đồng sự của ông nói riêng với Ô.Sang và sẵn sàng để hợp tác với Mỹ trên một mối quan hệ quốc phòng thân thiết hơn’.
Tuy nhiên theo Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc, chuyến thăm này đã được chuẩn bị khá lâu:
Quyết định gửi Ô.Sang đến Washington của Bộ Chính trị cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bị lung lay bởi những gì Tập Cận Bình và các đồng sự của ông nói riêng với Ô.Sang và sẵn sàng để hợp tác với Mỹ trên một mối quan hệ quốc phòng thân thiết hơn
David Brown
GS. Carl Thayer: Việt Nam thu xếp các chuyên đi cấp cao qua cơ chế nội bộ của đảng với nhiều quan điểm và đòi hỏi phải cân bằng giữa các nước mà các lãnh đạo sẽ đến thăm và cân bằng giữa các nhà lãnh đạo sẽ đi nước ngoài. Các nhà báo Việt Nam đã nói với tôi cả năm nay về chuyên thăm Mỹ của ông Trương Tấn Sang, cho nên quan điểm của tôi là Việt Nam đã thúc giục Mỹ về chuyến thăm này hơn một năm nay vì nó cũng là khi Việt Nam làm chuyến thăm tới Trung Quốc và như vậy họ có hai chuyến thăm và tạo sự cân bằng mà họ muốn.
Ngay từ trước chuyến thăm Mỹ, đã có nhiều đồn đoán về khả năng Việt Nam và Mỹ sẽ nâng tầm quan hệ hai nước thành đối tác chiến lược mà Việt Nam đang tìm kiếm từ hơn 2 năm qua. Tuy nhiên kết thúc chuyến thăm. Hai phía chỉ đạt được quan hệ ‘hợp tác đối tác toàn diện’. Đánh giá về bước tiến có thể coi là khiêm tốn này trong quan hệ hai nước, Giáo sư Carl Thayer nói:
GS. Carl Thayer: có hai giải thích có thể về việc Mỹ và Việt Nam chọn đối tác toàn diện thay vì đối tác chiến lược. Thứ nhất, đàm phán về đối tác chiến lược đã bế tắc và hai bên đồng ý là một thỏa thuận ít chính thức hơn vẫn tốt hơn là không có được một thỏa thuận nào. Giải thích thức hai là các nguồn tin ở Việt Nam cho biết các lãnh đạo cấp cao bảo thủ của Đảng Cộng sản không thích dùng chữ đối tác chiến lược để miêu tả quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ. Ví dụ, sau khi tuyên bố chung được công bố, Bộ Ngoại giao (Việt Nam) đã chỉ định cho báo chí không được nói quan hệ đối tác toàn diện là nâng cấp của quan hệ hai nước Việt Nam Hoa Kỳ. Báo chí Việt Nam chỉ được đưa tin là quan hệ đối tác toàn diện mà thôi.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) tiếp đón Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi ông đến thăm Ấn Độ, 20/11/13
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) tiếp đón Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi ông đến thăm Ấn Độ, 20/11/13

Trước chuyến đi của ông Sang, đã có những nhận định cho rằng, cản trở lớn nhất trong việc nâng cấp tầm quan hệ hai nước chính là vấn đề nhân quyền Việt Nam hiện nay.
Các nguồn tin ở Việt Nam cho biết các lãnh đạo cấp cao bảo thủ của Đảng Cộng sản không thích dùng chữ đối tác chiến lược để miêu tả quan hệ VN và Hoa Kỳ....Báo chí VN chỉ được đưa tin là quan hệ đối tác toàn diện mà thôi
GS. Carl Thayer
Dù nói thế nào đi chăng nữa, thì chuyến thăm này của ông Sang cũng cho thấy quan hệ hai nước đã có những bước tiến nhất định, nhất là trong hợp tác quốc phòng và kinh tế khi lãnh đạo hai bên cam kết sẽ hoàn tất đàm phán hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP vào cuối năm 2013.
Quan hệ với Pháp và Ấn Độ.
Khác hẳn với chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Mỹ, chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Pháp đã đưa lại kết quả là quan hệ hai nước được nâng lên tầm đối tác chiến lược. Với kết quả này, Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược với 4 nước thường trực Hội đồng bảo an là Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp. Chỉ còn Mỹ là nước vẫn chưa có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Ngoài ra trong chuyến thăm này, Pháp cũng cam kết ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân Quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016, hứa xem xét ủng hộ Việt Nam ứng cử là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Pháp cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU. Nhân chuyến thăm, hai bên cũng đã ký kết 9 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Chuyến đi của TT Dũng tới Pháp đã đưa lại kết quả là quan hệ hai nước được nâng lên tầm đối tác chiến lược. Với kết quả này, VN đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược với 4 nước thường trực HĐ bảo an là Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp. Chỉ còn Mỹ là chưa có quan hệ đối tác chiến lược
Sau chuyến thăm Pháp là là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Ấn Độ từ ngày 19 đến 22 tháng 11. Ấn độ là nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam từ năm 2007. Đánh giá về chuyến thăm này, Giáo sư Carl Thayer viết trên tờ The Diplomat hôm 3 tháng 12 cho rằng đây là chuyến thăm nhằm giúp Việt Nam tận dụng kinh nghiệm và chuyên môn của Ấn Độ trong quốc phòng và giảm thiểu những rủi ro lệ thuộc vào một nguồn cung cấp trang thiết bị quốc phòng từ Nga.
Nhân chuyến thăm này hai nước đã ký kết 8 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực về kinh tế, và quốc phòng. Trong một bước tiến được coi là đáng kể nhân chuyến thăm, Việt Nam và Ấn độ đã ký thỏa thuận phát triển và mở rộng các dự án tìm kiếm khai thác dầu trên khu vực biển Đông. Trước đó nhiều lần Trung Quốc đã lên tiếng phản đối các dự án khai thác dầu của Ấn độ tại khu vực đang tranh chấp này. Ngoài ra, về quốc phòng, Ấn độ cũng hứa sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa quốc phòng và đào tạo đội ngũ. Trước đó, Ấn độ cũng đã đưa ra một đề nghị chưa từng có cho một nước ngoài Nam Á, đó là cung cấp cho Việt Nam tín dụng trị giá 100 triệu đô la để mua các thiết bị quốc phòng.
Khép lại năm 2013 là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Nhật bản theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe. Đây là nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam từ năm 2006 và cũng là nước có các trợ giúp về đào tạo và trang thiết bị cho cảnh sát biển của Việt Nam.
Rõ ràng năm 2013 là một năm rất bận rộn với các lãnh đạo Việt Nam. Đây là năm Việt Nam đã dành được những thắng lợi nhất định trong lĩnh vực ngoại giao thể hiện qua những chuyến thăm này. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức, nhất là trong vấn đề tranh chấp biển Đông trong quan hệ với người láng giềng Trung Quốc và vấn đề nhân quyền với Mỹ. Đó cũng là những thách thức đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm