Monday, August 25, 2014



HÀ TĨNH (NV) .- Khoảng 10,000 người Trung cộng sắp được các nhà thầu Trung cộng tại khu kinh tế Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh đưa tới thi công các công trình đang dở dang.




Cơ sở của công ty Formosa ở khu kinh tế vũng Áng, Hà Tĩnh, bị người biểu tình đốt phá hôm 14/5/2014. (Hình: doanhuulong.blogspot)


Tin này được một số tờ báo như Vietnamnet, Đất Việt loan tải gây sửng sốt cho độc giả với nhiều lời bình luận phẫn nộ. Vấn đề công nhân Trung cộng được các nhà thầu ồ ạt đưa vào Việt Nam làm đủ mọi loại công việc trong khi hơn một triệu người ở đây thất nghiệp, từng được đề cập trên mặt báo và không hề có lời giải đáp thỏa đáng.



Theo Vietnamnet dựa vào nguồn tin của ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, “Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa và các nhà thầu đã trình hồ sơ, xin tỉnh chấp thuận số lượng hơn 1 vạn lao động nước ngoài (khoảng 90% là người Trung cộng) đến làm việc tại Formosa.”


Sau vài tuần lễ tiếp theo cuộc biểu tình bạo động chống Trung cộng ở khu kinh tế Vũng Áng, liên tiếp 2 tháng 6 và 7 năm 2014, nơi đây “đã có hơn 30 nhà thầu đang thi công các gói thầu dự án Formosa xin phép được tuyển dụng số lượng gần 11,000 lao động nước ngoài để phục vụ dự án”.


Theo nguồn tin, đại đa số các nhà thầu xin tuyển lao động nước ngoài đợt này đến từ Trung cộng. Một nguồn tin cho biết, trên 90% trong tổng số gần 11,000 lao động tuyển dụng mới mang quốc tịch Trung cộng.


Vietnamnet cho biết “Sau khi các nhà thầu trình văn bản, hồ sơ lao động, ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh báo cáo UBND tỉnh về tình hình sử dụng lao động tại các gói thầu, về cơ bản UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý các gói thầu được tuyển người nước ngoài.”


Nguồn tin nói “Đáng chú ý là văn bản số 1407114 ngày 29/7 của Cty Formosa gửi UBND tỉnh, đề nghị chấp thuận để các nhà thầu của FHS (hoặc nhà thầu phụ) tuyển dụng lao động nước ngoài, thực hiện các hạng mục công trình.”


Tại khu kinh tế Vũng Áng với nhiều dự án gồm cả nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện thép, xây dựng cầu cảng, mà đại công ty Formosa của Đài Loan là chủ đầu tư, tổng cộng có 28 nhà thầu (trong đó có 25 nhà thầu Trung cộng, 3 nhà thầu VN) tuyển dụng 8,426 lao động nước ngoài để thực hiện các hạng mục lò cao số 1, số 2 và các công trình dự án cảng Sơn Dương.


Vietnamnet nói “Sau khi xem xét báo cáo của ban quản lý khu kinh tế, UBND tỉnh đã có văn bản số 3400 ngày 8/8, chấp thuận cho 11/28 nhà thầu, sử dụng 2,063 lao động nước ngoài. Đây là những nhà thầu đã đầy đủ hồ sơ, trình phương án sử dụng lao động. Thông tin mới nhất có được, ban quản lý khu kinh tế cũng mới có văn bản tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cho phép 9 gói thầu tiếp theo được tuyển dụng bổ sung 2,976 lao động nước ngoài để phục vụ các dự án. Hiện còn 8 gói thầu chưa bổ sung hồ sơ.”


Trước khi xảy ra vụ bạo động giữa Tháng 5 vừa qua, chỉ có khoảng 5,000 người Trung cộng hầu hết là người Trung cộng làm ở các dự án trong khu Vũng Áng. Giải thích lý do tại sao lại có tình trạng đòi đưa số người Trung cộng tới đây lên gấp đôi “Một lãnh đạo BQL KKT Hà Tĩnh cho biết, sở dĩ đợt này có số lượng lớn là vì các gói thầu đang trong giai đoạn gấp rút thi công, vả lại sau biến cố ngày 14 tháng 5, nhiều lao động về nước và một số gói thầu bị ảnh hưởng”.


Trái với quy định của nhà cầm quyền CSVN chỉ cho phép những người là chuyên viên trong nước không tìm được mới được tới đây lao động, các nhà thầu Trung cộng hầu như sử dụng người của họ mang từ Trung cộng qua, cho đủ mọi loại công việc, kể cả những việc không đòi hỏi chuyên môn.


Hồi đầu Tháng 7, cuộc hội thảo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê CSVN và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức tại Hà Nội cho thấy, trên cả nước có hơn 162,000 người trình độ tốt nghiệp đại học các ngành nhưng hiện đang thất nghiệp, trong số hơn một triệu người thất nghiệp.


Khi bị ký giả của báo Đất Việt chất vấn về số lượng rất lớn công nhân Trung cộng tràn tới Việt Nam trong khi người thất nghiệp nhiều, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc sở LĐTB-XH Hà Tĩnh cho biết: "Sở không biết gì trước thông tin hơn 1 vạn lao động Trung Quốc sắp vào Việt Nam". (TN)



Nguồn : nguoiviet.com