Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Thảm họa đe dọa hàng không Việt Nam

Thảm họa đe dọa hàng không Việt Nam
Friday, August 15, 2014

HÀ NỘI (NV) - Hai phi cơ của Việt Nam lại vừa suýt đâm vào nhau khi đang bay trên Sài Gòn. Ðó là sự kiện mới nhất khiến người ta e ngại về an toàn hàng không tại Việt Nam.

Cả phi công lẫn kiểm soát viên không lưu tại Việt Nam liên tục phạm những sai lầm khó tưởng tượng. (Hình: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)

Cục Hàng Không Việt Nam vừa loan báo đã thu hồi bằng lái vô thời hạn đối với hai phi công điều khiển chuyến bay HVN 1203 của hãng quốc doanh Vietnam Airlines hôm 7 tháng 8, 2014. Lý do là vì cả hai đã không tuân lệnh của kiểm soát không lưu khiến phi cơ do họ lái suýt đâm vào một phi cơ của hãng hàng không VietJet.

Ngày 7 tháng 8, 2014, chuyến bay HVN 1203 của Vietnam Airlines bay từ Hà Nội vào Cần Thơ. Khi bay ngang khu vực thông báo bay Sài Gòn, kiểm soát không lưu ra lệnh cho phi công điều khiển chuyến bay này giảm độ cao xuống 32,000 feet để tránh một phi cơ đang bay ngược chiều.

Thay vì phải thực hiện ngay lệnh vừa kể thì phi công điều khiển chuyến bay của HVN 1203 của Vietnam Airlines cho phi cơ chuyển sang chế độ “giảm độ cao không xác định.” Do đó, độ cao của chiếc phi cơ thực hiện chuyến bay HVN 1203 của Vietnam Airlines hạ xuống độ cao 30,000 feet, cắt ngang đường bay của một phi cơ thuộc hãng VietJet.

May mắn là hệ thống cảnh báo va chạm của cả hai phi cơ cùng tự động kích hoạt và đưa ra các khuyến cáo để cả hai phi cơ tránh va vào nhau nên thảm họa không xảy ra.

Sau khi điều tra, Cục Hàng Không Việt Nam xác định, hai phi công điều khiển chuyến bay HVN 1203 của Vietnam Airlines đã “nhầm lẫn” khi sử dụng đồng hồ giảm độ cao. Sự “nhầm lẫn” này vi phạm tiêu chuẩn phân cách tối thiểu giữa các máy bay, uy hiếp cao về an toàn bay.

Cả hai bị thu hồi bằng lái vô thời hạn song được hứa hẹn là nếu được huấn luyện lại, hội đủ điều kiện thì sẽ được cấp lại bằng lái. Ðáng chú ý là Cục Hàng Không Việt Nam không cung cấp tên hai phi công, đồng thời yêu cầu thanh tra hàng không xử phạt hành chính hai phi công này (?).

Trước sự kiện vừa kể chỉ hai ngày, vào hôm 5 tháng 8, 2014 từng xảy ra chuyện phi công điều khiển một phi cơ cũng của Vietnam Airlines vi phạm độ cao an toàn tối thiểu khi tiếp cận để hạ cánh tại phi trường Ðà Nẵng.

Tháng trước, vào ngày 27 tháng 7, 2014, một phi công điều khiển một phi cơ của hãng Jetstar Pacific đã không lấy độ cao đúng huấn lệnh của kiểm soát không lưu. Trước nữa một tuần, hôm 20 tháng 7, 2014, một phi công điều khiển một phi cơ của Vietnam Airlines cho phi cơ vào nhầm phi đạo.

Theo một thống kê của Cục Hàng Không Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm nay, trong lĩnh vực hàng không tại Việt Nam đã xảy ra 173 sự kiện bất thường đe dọa an toàn hàng không, tăng 32 vụ so với cùng kỳ năm 2013.

Chẳng riêng phi công mà ngay cả lực lượng kiểm soát không lưu của Việt Nam cũng phạm vô số sai lầm, đe dọa an toàn hàng không. Chỉ trong vòng một tháng, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7, 2014, hệ thống kiểm soát không lưu của Việt Nam phạm ba lỗi không thể tưởng tượng.

Hôm 23 tháng 7, một phi cơ của hãng Jetstar Pacific đã phải lượn hai vòng trên phi trường Vinh vì phi công bị mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu của phi trường này. Sau đó, Cục Hàng Không Việt Nam cho biết, sở dĩ liên lạc giữa phi công với đài kiểm soát không lưu của phi trường Vinh bị gián đoạn là do Kiểm soát viên không lưu... bấm nhầm nút tắt liên lạc với phi cơ.

Vào ngày 27 tháng 6, trong khi một phi cơ của Vietnam Airlines vừa hạ cánh xuống phi trường Ðà Nẵng và đang chạy từ phi đạo vào bãi đậu thì một kiểm soát viên không lưu của phi trường này ra lệnh cho một phi cơ khác của Jetstar Pacific cất cánh ngay trên phi đạo đó. Trong vòng 4 giây, các phi công của cả hai phi cơ phát giác kiểm soát viên không lưu nhầm lẫn và báo lại cho đài kiểm soát không lưu Ðà Nẵng, yêu cầu hủy lệnh cất cánh. Nhờ vậy tai nạn thảm khốc do hai phi cơ đâm vào nhau ngay trên phi đạo đã không xảy ra.

Trước nữa vào ngày 19 tháng 6, khoảng 200 hành khách của hãng hàng không có tên VietJet Air, lên phi cơ ở Hà Nội để đi Ðà Lạt đã được chở đến Nha Trang. Còn 200 hành khách lẽ ra phải lên phi cơ để đến Nha Trang thì vẫn phải ngồi chờ ở Hà Nội.

Theo một vài tờ báo tại Việt Nam, những trục trặc đe dọa an toàn hàng không xảy ra thường xuyên nhưng thường xuyên bị ém nhẹm. Gần đây, Cục Hàng Không Việt Nam mới bạch hóa. Tuy nhiên nỗ lực minh bạch trong thông tin về những trục trặc liên quan tới an toàn hàng không được nhận định, không phải vì thiện chí mà để né tránh trách nhiệm do bưng bít thông tin, bởi tính chất, mức độ của các trục trặc càng ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng, thảm họa hàng không có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Tại Việt Nam, hàng không là một lĩnh vực mà công việc ổn định, lương cao, nhiều cơ hội để kiếm thêm thu nhập. Cách nay một vài thập niên, người ta chỉ chi tiền để được nhận vào các khóa đào tạo tiếp viên của trường hàng không. Gần đây, chạy chọt đã trở thành chuyện phổ biến để được nhận vào các khóa đào tạo những loại việc khác trong trường này, kể cả đào tạo phi công và kiểm soát viên không lưu - những công việc đòi hỏi phải có thể lực và tư chất phù hợp.

Có vẻ như hậu quả của việc nhận hối lộ để tuyển chọn, đào tạo những nghề vốn rất đặc biệt, bởi liên quan đến sinh mạng hàng trăm người đang bộc lộ càng ngày càng rõ. (G.Ð)

 http://www.nguoi-viet.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm