Việt Nam: 8 người dân phải còng lưng nuôi 1 quan chức
HÀ NỘI (NV) .- Đổ đồng cứ hơn 8 người dân thì phải còng lưng nuôi một ông cán bộ, quan chức ăn lương của nhà nước CSVN, từ kẻ đang làm việc đến những ông bà đã nghỉ hưu.
Một phụ nữ gánh hàng bán rong trên đường phố Hà Nội, kiếm ăn qua ngày. Cứ hơn 8 người dân lại phải cong lưng nuôi một quan chức. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Trong Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 22 tháng Ba, 2015 trên truyền hình tại Việt Nam, ông Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho hay “Hiện nay cả nước có tới 11 triệu người ăn lương, hưởng lương và mang tính chất lương”, theo sự tường thuật của tờ Đất Việt hôm Thứ Hai 23 tháng Ba, 2015.
Lương tiền quan chức, cán bộ từ trung ương tới địa phương trong guồng máy đảng và nhà nước CSVN đều do tiền thuế của dân đóng góp dưới nhiều hình thức, từ thuế đến phí rất nặng.
Theo thống kê đưa ra hồi năm ngoái, dân số Việt Nam đến cuối năm 2014 ước khoảng 91 triệu người. Như thế, tính trung bình, cứ 8.27 người dân phải còng lưng nuôi một ông cán bộ, đảng viên, bất kể là đang làm việc hay đã về hưu.
Để có tiền nuôi một guồng máy cai trị cồng kềnh và vô cùng đông đảo nhưng kém hiệu quả, hàng trăm loại thuế và phí đã được nhà cầm quyền từ trung ương tới địa phương đẻ ra dù là bất hợp lý. Trong một bản tin hồi Tháng bảy 2014, báo Tuổi Trẻ cho hay nhiều loại thuế, phí, quỹ đánh tên đầu nông dân theo đầu người hoặc theo đầu gia súc, gia cầm, diện tích đất khiến người dân trở nên bần cùng thường trực.
Trước đó, tờ Thanh Niên thuật lời một nông dân than rằng “Tiền lãi suất, tiền phân bón, tiền phí này nọ, tiền quỹ này kia... tùm lum nên khi thu hoạch, bán lúa xong thì trong tay nhà nông không còn được bao nhiêu tiền...”
Cách đây hơn một năm, ông Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng của chế độ nhìn nhận khoảng 30% cán bộ viên chức nhà nước thuộc loại ăn bám “có cũng được mà không cũng được”, sáng xách ô đi tối cắp về. Nhiều độc giả bình luận tin trên báo ở Việt Nam nói không ít những ông bà đó là các thành phần “5C” tức là “Con Cháu Các Cụ Cả”.
Tuy lương bổng của công chức tại Việt Nam chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu tối thiểu của cuộc sống như lời xác nhận của ông phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ngày 9 tháng Ba, 2015, báo Vietnamnet tường thuật, guồng máy hành chính của chế độ vẫn ngày một phình ra to hơn dù năm nào cũng có các cuộc họp về “tinh giản biên chế”. Người ta "chạy chức" mua những chỗ ngồi trong guồng máy cai trị của chế độ để có cơ hội tham nhũng hay ăn hối lộ.
Trong “Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” nói ở trên, ông Nguyễn Thái Bình lại “nhấn mạnh” đến chuyện “ Tinh giản biên chế thực sự đạt kết quả như mong muốn” với các kế hoạch “cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phục vụ nhân dân và cải cách chính sách tiền lương...”
Các kế hoạch này từng được đề cập đến cả chục năm qua trong sự thúc giục thường xuyên của các định chế tài trợ quốc tế nhưng vẫn chỉ là những phiên họp và những lời bàn suông.
Chính ông Nguyễn Thái Bình từng phản bác lại ý kiến của ông Nguyễn Xuân Phúc khi ông cho rằng chỉ có “khoảng 1% cán bộ, công chức không hoàn thành công việc được giao.”
Bây giờ, ông Nguyễn Thái Bình lại cho biết trong cuộc hỏi đáp là “từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng một kế hoạch về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.”
Không biết đến bao giờ thì dự án này sẽ được thi hành và như vậy, bao nhiêu người dân vẫn phải oằn lương cõng một quan chức nhà nước? (TN)
nguồn: người việt online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm