Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Người già Nghèo tại Việt Nam hiện nay

Bà lão nhặt ve chai kiếm sống

RFA
2018-01-30

Bà Lê Thị Tươi, 70 tuổi, hằng ngày vẫn miệt mài đi thu nhặt ve chai để phụ tiền điện nước cho đứa con trai út đi làm phụ hồ.
Bà Lê Thị Tươi, 70 tuổi, hằng ngày vẫn miệt mài đi thu nhặt ve chai để phụ tiền điện nước cho đứa con trai út đi làm phụ hồ.
Nhiều người già tại Việt Nam vẫn phải bươn chải kiếm sống nuôi bản thân; thậm chí còn phải phụ thêm cho con cái.

Cuộc sống của bà Hai

Bà Hai là cái tên thân mật người ta vẫn thường gọi bà Lê Thị Tươi, ngụ ở một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7, Tp. HCM.
Ở vào tuổi 70, hằng ngày bà vẫn miệt mài đi thu nhặt ve chai để phụ tiền điện nước cho đứa con trai út đi làm phụ hồ.
Trước đây, bà Hai cũng làm nghề mà con trai út của bà đang làm. Sau nhiều năm làm nghề phụ hồ, đến khi già cả, bà Hai chuyển sang đi lượm ve chai.

Bà đi suốt luôn, đau thì uống thuốc. Mua thuốc mười mấy hai chục ngàn, uống hết rồi đi làm tiếp. Không có nghỉ ngày nào hết.
- Bà Lê Thị Tươi, Quận 7, Tp. HCM
Công việc của bà bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng rong ruổi trên nhiều tuyến đường cho tới giờ ngọ. Sau giờ ăn trưa và nghỉ ngơi, bà lo phân loại những thứ nhặt được vào buổi sáng mang ra vựa ve chai bán.
Giờ bám víu theo thằng út thôi. Kiếm ăn hàng ngày 70-80 ngàn đồng gì đó. Mình bà sống à. Còn út tới tháng nó phụ tiền nhà, bà phụ tiền điện nước. Ngày được 70-80, nhiều khi ta thương ta cho thêm đồ thì bán được 80-90. Sống qua ngày thì cũng đủ con ơi. Tháng 7 thì người ta cho gạo. Bà cũng đi xin gạo về để dành đó, ăn hàng ngày.”
Bà cho biết bị đau khớp đầu gối do trước đây khi đi làm phụ hồ xe quẹt té xuống đường. Bà bị đau khớp nhiều năm nhưng không dám đi khám. Trái nắng trở trời đau ốm, bà cũng chỉ nghỉ chừng 1 ngày, xong lại rong ruổi lượm nhặt chai lọ trên đường vào ngày hôm sau.
Bà đi suốt luôn, đau thì uống thuốc. Mua thuốc mười mấy hai chục ngàn, uống hết rồi đi làm tiếp. Không có nghỉ ngày nào hết.
Nói chung khi nào bệnh bất tử, sốt này nọ thì nghỉ ngày thôi chứ không nghỉ sang ngày thứ hai. Bởi uống thuốc hoài đâu có hết đâu con. Mà giờ bà đi khám thì không dám khám đâu. Khám rồi nhiều chứng bệnh quá rồi đâu có tiền điều trị.”
Theo lời kể của bà Hai thì trước đây gia đình ở quê vì nghèo không có nhà cửa gì nên hai vợ chồng kéo nhau lên thành phố. Chồng bà chết khi bà mới chừng 50 tuổi.
Nơi bà Hai ở là một gian nhà trọ nghèo trong xóm. Nhà bà lỉnh khỉnh đồ đạc, toàn những thứ cũ mèm từ quần áo, xoong nồi. Đến cái bếp duy nhất bà có, cái bếp dầu mua với giá 170.000 đồng cũng muốn hư từ bao giờ. Ve chai, đồ đạc phủ gần hết gian nhà. Vậy nên cái diện tích chưa đầy 10m2 nhà bà chỉ gói gọn lại tầm 50 cm lối đi, dắt vào khu nhà vệ sinh cũ kỹ nằm ngay cạnh nơi vo gạo, rửa rau.

Sống lạc quan

Hoàn cảnh sống như vậy chứ bà Hai yêu đời lắm. Bà Hai yêu ca hát, bà bảo, mai này làm được giấy tờ lại, bà sẽ đi đăng ký thi hát, lên truyền hình, biết đâu có tiền về chữa cái bệnh. Hồi đó, bà mất hết giấy tờ rồi, nên giờ chưa có giấy tờ đi đăng ký thi được.
Bà thì ca hát hổng thua ai. Nói chung già rồi nhưng mà ca cũng được lắm. Bà cũng ao ước rồi chẳng qua giờ chưa có chứng minh nhân dân. Mất lâu quá rồi, giờ sửa soạn đi làm lại đặng đăng ký đi thi chỗ đó mà không biết là chỗ nào. Tính hỏi thăm để bà đăng ký xin đi thi. Nếu được chút đỉnh tiền bà về chữa bệnh chứ không gì hết trơn á. Bà ao ước nhiêu đó thôi.”
Mỗi khi rảnh, bà hát suốt. Chị Oanh, hàng xóm nhà bà Hai tâm sự:
Con cái nhiều khi đối xử với mình không được tử tế thì mình cũng buồn chứ. Rồi mình suy nghĩ lại mình cũng buồn hoài nó cũng vậy thôi con ơi. Già rồi, mình càng buồn chừng nào thì mình càng khổ tâm chừng đấy.
- Bà Lê Thị Tươi, Quận 7, Tp. HCM
Bà khoái hát karaoke lắm. Mỗi lần hát là 2 tiếng đồng hồ mới nghỉ. Mỗi lần có đám tiệc mở nhạc lên là bà qua liền. Bà chỉ khoái chương trình văn nghệ thôi, khoái dữ lắm.
Bà khoái văn nghệ chứ sáng sớm là bà đi lượm ve chai rồi. Đi tới 11 giờ mấy về. Chiều đi tới 5 giờ mấy.
Nhưng mà bà ở nhà trọ một mình, cực khổ, không có ai quan tâm.”
Do mất giấy tờ nên bà Hai chưa có bảo hiểm, cũng chưa được hỗ trợ từ phía người cao tuổi.
“Bà dì của bà chết rồi. Tháng 11 này đem giấy tờ về dưới để xin nhập hộ khẩu với dì Mười. Mấy đứa cháu bảo thôi chị ba về nhập hộ khẩu vô đi để xã người ta giúp cho mấy người cao tuổi. Thành ra tháng 11 này bà mới về dưới, xin hộ khẩu để có cái giấy chứng minh rồi con nó mua cho cái bảo hiểm. Con nhỏ con gái thứ hai, nó ở dưới quê á. Chứ giờ bà ở trên đây tiền đâu mua. Tới 7-800.000 đâu có ít đâu.”
Lắm lúc bà Hai cũng buồn. Sống trong căn nhà có một mình, con trai con dâu đi làm sáng tối. Bà Hai cũng thương thân mình lắm.
Con cái nhiều khi đối xử với mình không được tử tế thì mình cũng buồn chứ. Rồi mình suy nghĩ lại mình cũng buồn hoài nó cũng vậy thôi con ơi. Già rồi, mình càng buồn chừng nào thì mình càng khổ tâm chừng đấy. Chứ cũng buồn chứ.”
Có thể nói cảnh ngộ của bà Hai chẳng phải cá biệt. Không riêng gì ở thành phố Sài Gòn mà khắp mọi tỉnh - thành khác, cũng như tại các miền quê, vùng sâu - vùng xa của Việt Nam; người ta dễ dàng gặp cảnh những cụ già  phải sống neo đơn, không con cái, người thân để nương tựa. Trong khi hỗ trợ từ phía chính quyền chẳng là bao để họ được chút an thân buổi xế chiều cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm