Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Người nghèo miền Trung ở Sài Gòn


Người nghèo miền Trung ở Sài Gòn
Friday, August 31, 2012 6:01:26 PM


Văn Lang/Người Việt

Sài Gòn trong lịch sử hình thành và phát triển của mình chẳng những “dung nạp” đủ ba yếu tố Nam-Trung-Bắc mà còn du nhập nhiều nền văn hóa, sắc tộc của vùng Ðông Nam Á, Á Châu và thế giới.
Ðặc sản của người miền Trung bán ở chợ Bà Hoa, Tân Bình, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập về những mảnh đời của người nghèo miền Trung ở Sài Gòn.
Chú H. vô Sài Gòn khi đó chừng 14-15 tuổi, từ thời Ðông Dương còn thuộc Pháp, số phận đã “run rủi” chứ chú hầu như không lựa chọn.
Từ đó chú H. đã bươn chải đủ thứ nghề để sống và tồn tại được ở Sài Gòn. Cho đến khi tới tuổi lập gia đình thì chú cũng dựng được một mái nhà tuy còn đơn sơ tại vùng Gò Vấp bây giờ mà theo chú H. thì thời đó còn hoang sơ như một vùng quê, ngay cả sau này dưới thời VNCH, Gò Vấp vẫn chỉ được xem như vùng ven đô.
Ðể lấy vợ, chú H. lặn lội về tận Bến Tre để lấy cho được một cô gái quê, vì chú H. sợ gái thị thành ăn chơi, sức chú nuôi không có nổi.
Ai dè, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa mà lại là dừa Bến Tre, bà vợ chú H. bài bạc “số dzách,” cho tới ngày mất (cuối thập niên 80), bà vợ chú H. còn sai con cháu đi ghi cho bà một con số đề, với lời dặn: “Chiều nay nếu trúng thì ngoài phần tang ma, còn dư để ba mầy nuôi mấy đứa bây!”
Chiều nghe kết quả xổ số rồi, biết trúng rồi vợ chú H mới yên lòng “xuôi tay, nhắm mắt.” Ðúng là dân chơi thứ thiệt!
Nay thì chú H. cũng đã về với cát bụi, gia tài chú để lại gần 40 người vừa con, vừa cháu nội, cháu ngoại... Tất cả đều nói giọng miền Nam rặt. Nhớ tới quê nội của chú ngày xưa có lẽ chỉ còn người con trai trưởng với mái đầu cũng đã bạc màu sương gió.
Thời VNCH, khi những năm chiến sự ở miền Trung leo thang ác liệt một số người miền Trung đã vô Sài Gòn, trong số đó có một số người về định cư tại vùng Gò Vấp lúc đó còn đất rộng, người thưa. Ða số sống bằng nghề lao động chân tay, nhiều người làm nghề trồng rau cung cấp cho mấy chợ ở Sài Gòn.
Quán “Hội Quảng” chuyên bán các món ăn Hội An và Quảng Nam ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Dì Mười thời đó còn là một cô gái trẻ đã theo gia đình vô Gò Vấp, thời gian qua đi, những người anh, người chị của dì Mười lần lượt lập gia đình, sinh con. Riêng dì Mười vẫn ở vậy, lần lượt dì theo giúp việc nhà, làm “vú em” cho con của mấy người anh, người chị. Khi những đứa cháu khôn lớn thì mái tóc của dì Mười cũng đã điểm sương.
Ðến khi mấy đứa cháu lập gia đình thì dì Mười vẫn đi giúp việc nhà cho chúng. Dì ít nói, gặp người quen thì chỉ cười gật đầu chào, vẫn giữ thói quen của một bà già miền Trung - hút thuốc rê.
Ngoài một bịch thuốc rê lúc nào cũng mang theo trong người, mỗi buổi chiều khi công việc nhà xong, dì Mười “kẹp nách” một xị rượu đế xuống nhà một đứa cháu ngồi ở hàng hiên ngó mông lung ra một cánh đồng nay đã được quy hoạch thành khu công viên.
Vấn cho mình một điếu thuốc rê thật to, nhả khói và uống rượu “khan” một mình. Những chiều như vậy, đôi mắt của dì Mười thường mang nét u uẩn, không biết vì dì nhớ quê cha, đất tổ, nhớ thời tuổi trẻ của mình hay vì buồn mấy đứa cháu đã không nối chí cha, anh dì thời đi lập nghiệp siêng năng mần ăn, mà nay vì đất đai có giá đã bán đất ăn chơi, cờ bạc đỏ đen đến nỗi bại sản phải quay lại kiếp đi ở nhà thuê...
Làn sóng thứ ba đổ vô Sài Gòn (tạm gọi như thế), đó là khi nhà cầm quyền cộng sản quay sang “kinh tế thị trường,” nới lỏng tối đa việc kiểm soát người bằng quy chế hộ khẩu, tạm trú-tạm vắng. Dân nghèo miền Trung không sống được ở quê vì đất đai quá ít, công nghiệp không phát triển, Ðà Nẵng lại “cấm cửa,” họ đổ vô Sài Gòn.
Trong một buổi chiều trú mưa tại hàng hiên một tiệm sửa xe vỉa hè, chúng tôi gặp một người đàn ông nhỏ con đẩy chiếc xe bán bột chiên vào vá xe. Khi trả tiền vá xe, người đàn ông trạc ngoài 50, cẩn trọng lấy trong bọc tiền lẻ ra tờ mười ngàn, vuốt cho thẳng thớm, hai tay đưa cho ông già sửa xe, không quên gởi kèm lời cám ơn.
Bắt chuyện, người đàn ông bán bột chiên nói giọng Quảng Ngãi cho chúng tôi biết. Hàng ngày anh đẩy xe bán bột chiên vòng vòng mấy con hẻm trong khu Xóm Cháy-Gò Vấp, kiếm được khoảng 150 ngàn đồng một ngày. Ở nhà thuê chung với mấy anh em cùng quê nên tháng chỉ tốn có 300 ngàn tiền nhà, kể luôn tiền điện, nước.
Khi hỏi thăm chuyện gia đình, giọng người đàn ông buồn hẳn xuống, anh cho biết vợ và đứa con gái anh còn ở ngoài quê, làm ruộng. Riêng người con trai lớn theo anh vô Sài Gòn đi phụ hồ, chiều về đi nhậu với anh em, say quá, đã khuya mà còn lấy xe Honda đi uống cà-phê nên bị đụng xe ngay trên con đường trước bệnh viện 175 (nguyên là Tổng Y Viện Cộng Hòa cũ).
Một tiệm ăn chuyên bán các món miền Trung tại khu Tân Bình, Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Người đàn ông cứ nhắc đi nhắc lại mãi câu: “Phải chi có ai mang hắn vô bệnh viện thì hắn đâu có chết!”
Chúng tôi hiểu nỗi đau của người đàn ông mất con không chỉ qua giọng nói, qua đôi mắt đã mờ, ngấn lệ của anh mà còn vì chúng tôi hiểu từ nay đôi chân đẩy xe bán bột chiên qua những con hẻm của anh không còn mạnh mẽ, lâng lâng như trước nữa khi mà gia tài lớn nhất, niềm hy vọng lớn nhất của đời anh đã theo một tai nạn vụt bay xa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm