Phi Khanh/Người Việt
QUẢNG NAM (NV) -Người ta thường nói vui rằng, đến Quảng Nam mà chưa ăn mì Quảng thì xem như chưa từng đến. Còn người Quảng Nam hay “nói dóc” rằng, ăn mì Quảng mà chưa từng ăn mì Phú Chiêm thì đừng kể gì hết.
|
Mì Quảng Phú Chiêm ngon, rẻ, 10 ngàn đồng 1 tô. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
|
Thường thì mì Quảng có nhiều loại, cái tên của nó gắn liền với nước nhưn, tên thôn, ví dụ như mì cá lóc, mì gà, mì thịt heo, mì tôm, mì trứng cút, mì thịt bò, mì Phú Chiêm... Nói chung, tùy mỗi vùng miền, điều kiện kinh tế và khẩu vị cũng như thức hàng, gia vị có sẵn để làm nhưn mà tạo ra từng loại mì, từng tên gọi.
Không biết từ bao giờ, người Quảng có thói quen tráng mì mỗi dịp Tết, lễ, cúng làng, đám giỗ, kỵ, chạp mả... Mì Quảng trở thành thức ngon không thể thiếu trong những dịp này, ngoài chức năng là món ăn giúp no bụng, mì Quảng còn là thông điệp về giềng mối tình làng nghĩa xóm, tình quê, lòng hiếu hỉ, thiện chí.
Ðó là những gì cảm nhận được qua tô mì xứ Quảng. Nhưng, khi mà thị trường phì đại, mọi thứ “fast food” được tận dụng tối đa để tiết kiệm thời gian, mì Quảng rơi vào cô đơn, ít ai nghĩ đến trong dịp giỗ, Tết, hiếu hỉ...
Thay vào đó, người ta cũng làm tiệc, nhưng là nấu lẩu, nấu bún giò, nấu cà ri bánh mì... Càng lúc, tô mì Quảng càng vắng bóng trên bàn ăn của người Quảng. Không ngoại trừ chuyện người Quảng chê mì Quảng kém ngon!
Bà Chín Qua, người có thâm niên ba mươi năm nấu mì Quảng, mì Phú Chiêm ở Quảng Nam, chia sẻ: “Bây giờ nghề nấu mì càng lúc càng đi vào ngõ cụt. Vì nó kiếm lãi không nhiều, tiền thuê mặt bằng lại đắt quá, nhiều người mở một quán mì, mấy tháng phải đóng cửa vì thua lỗ.”
“Chỉ có những người nghèo mới tồn tại được bằng nghề bán mì, thậm chí làm giàu lên được nếu biết kinh doanh hoặc gặp may mắn. Chỉ có ngưởi nghèo mới có được gánh mì nước nhưn thơm phưng phức mùi cua đồng, mùi khói rạ, thịt heo, tôm, trứng cút và gia vị xứ nghèo.”
Chúng tôi lấy làm lạ vì thường thì người giàu có luôn đi đôi với tính năng động, mạnh mẽ, tự tin hơn so với người nghèo, nhưng sao lại có chuyện người nghèo thì kinh doanh mì Quảng, mì Phú Chiêm có lãi, mà người giàu lại thất bại?
Bà Chín Qua cười: “Thức ăn nào cũng có hồn vía và số phận của nó, mì Phú Chiêm, mì Quảng gắn với số phận dân nghèo, cái này tui cũng không hiểu vì sao như thế, có lẽ dân nghèo chịu khó, mà quá trình làm nên tô mì, qua nhiều công đoạn vất vả, nếu chỉ một người làm từ ngâm gạo, xay bột, lấy trùng, làm bếp, tráng mì thì tốn công vô cùng, có lẽ do vậy mà người ta bỏ dần, chọn thứ gì dễ làm, nhanh có ăn.”
Hồn cốt xứ nghèo...
Bà Hai Tuyết, một người bán mì gánh Phú Chiêm khác cho biết thêm: “Chỉ có người nghèo mới chịu thương chịu khó làm ra món ăn ít tốn kém nhưng lại ý vị này, chứ người giàu, phần lớn người ta bỏ món này từ lâu nên e rằng khó mà làm cho được tô mì có hồn. Chính vì thế mà người giàu muốn kinh doanh món này kể ra cũng khó, người nghèo thì chỉn chu, nắm rõ hồn cốt của món này hơn.”
“Hơn nữa, mì Phú Chiêm có cái lợi thế là muốn ngon phải là mì gánh, người bán gánh mì đi khắp nẻo, bán giá rẻ, ngon thì mới được. Chính vì vậy, người giàu thường thuê mặt bằng, kinh doanh mì, bán giá trên trời, không mấy người ăn, người nghèo gánh đi bán, giá chỉ có 10 ngàn đồng một tô hiện nay, vẫn có lãi, lấy công làm lãi!”
Chị Sáu Thu, người bán mì gánh Phú Chiêm từ Ðiện Phương (nơi có làng mì Phú Chiêm, thôn Phú Chiêm, cũng là nơi có nhà thờ Phước Kiều, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã ở để truyền giáo và nghiên cứu, hoàn thiện bản chữ cái tiếng Việt vào năm 1651 tại đây) ra tới Hòa Vang-Ðà Nẵng để bán từ sáng sớm đến chiều tối. Cái tên Sáu Thu trở thành “biểu tượng” của mì Phú Chiêm hiện nay đối với người yêu thích món này.
Chị Sáu Thu kể: “Nghề này vui, thật sự vui nếu như người bán mì yêu nghề. Cứ sáng sớm, không cần biết giờ, tùy mùa, Ðông thì muộn hơn, Hè thì sớm hơn, tui gánh gánh mì lên đường, củi lửa reo lách tách, thi thoảng chó sủa, nghe vui tai lắm.”
“Mỗi ngày kiếm được từ 70 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng, ngày nào cũng như ngày nào, kể ra cũng tốt cho những người nghèo như mình, thu nhập cũng tạm ổn định nữa, như vậy là quí lắm rồi, thời buổi khó khăn mà!”
“Thường thì tui gánh đi bộ trung bình mỗi ngày chừng ba chục cây số cả đi lẫn về, đi riết thành quen, chẳng có chi là mệt, thích nhất vẫn là mùa gặt, bà con nông dân gọi mình đến chỗ họ làm, họ ngồi trên rơm rạ, mình làm mì cho họ ăn, nhìn cảm giác ăn ngon lành của những người nghèo giống mình, thấy cảm động lắm!”
“Người giàu cũng có nhiều người hay lắm, họ cũng ăn mì nhìn ngon lành, trả tiền lịch sự và trân trọng mình lắm. Nhưng vẫn thấy thích người nghèo ăn mì của mình hơn. Cái này không lý giải được!”
Trong làng Phú Chiêm, nơi chị Sáu Thu ở, có chừng trên dưới một trăm gánh mì bán khắp nơi từ các huyện ở Quảng Nam đến Quảng Ngãi, Ðà Nẵng. Phần lớn họ có đời sống khó khăn, không nghèo thì cũng cận nghèo. Nhưng có một nét chung dễ nhận biết ở họ là mì của họ có giá 10 ngàn đồng mỗi tô, nhưn mì nước cua, có thịt heo xắt mỏng, tôm, trứng cút trông rất ngon mắt, họ luôn vồn vã, hồn hậu và nói chuyện thật tình.
|
Người bán mì phú Chiêm thường là người nghèo, chịu thương chịu khó gánh đôi quang đi trong nắng mưa. (Hình: Phi Khanh/Người Việt) |
“Chính vì những làng nghề của nhà nước mà người có tâm huyết với nghề đâm ra nản chí và dần dần mất mọi thứ. Ðời sống dân bán mì gánh như chúng tôi càng ngày càng khó khăn, chuyện nuôi con ăn học bắt đầu trở nên nặng nề trên gánh mì. Nhiều người bỏ nghề kiếm sống bằng cách khác để nuôi con ăn học!”
Tâm sự của chị Ba Hiếu cũng là nỗi niềm chung của nhiều người bán mì gánh Phú Chiêm bây giờ. Không biết còn bao lâu nữa, hình ảnh những người mẹ, người chị với gánh mì bốc khói nghi ngút, lửa reo tí tách đi dọc đường quê, tiếng rao dài theo nắng trưa, mưa chiều. Âm thanh rất riêng, một thuở Phú Chiêm!
muốn ăn quá
Trả lờiXóaĂn nổi mấy tô ? hehehe
Xóa