Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu , mẹo vặt linh tinh ...

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

RFI : Thái Lan, đồng minh lâu đời của Mỹ đang bị Trung Quốc cám dỗ

Thái Lan, đồng minh lâu đời của Mỹ đang bị Trung Quốc cám dỗ

Thủ tướng Thái Yingluck tiếp đón tổng thống Mỹ Obama (REUTERS)
Thủ tướng Thái Yingluck tiếp đón tổng thống Mỹ Obama (REUTERS)

Trọng Nghĩa
Nhân vòng công du Đông Nam Á 17-20/11/2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ghé thăm Thái Lan. Tại thủ đô Bangkok, Tổng thống Mỹ đã mệnh danh nước chủ nhà là « Đầu tầu Khu vực ». Là một đồng minh lâu đời của Mỹ, câu hỏi đặt ra là Thái Lan có thể đóng vai trò gì trong chiến lược chuyển trục qua châu Á của chính quyền Obama.

Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus phụ trách khu vực trước hết điểm lại một số kết quả của chuyến ghé thăm Thái Lan mới đây của Tổng thống Mỹ :
Thái Lan mất dần vai trò khu vực vì khủng hoảng chính trị triền miên

Thông tín viên Arnaud Dubus, Bangkok
 
24/11/2012
 
 
Arnaud : Trong thực tế có một nghịch lý. Như anh nói, Thái Lan là một đối tác rất gắn bó với Hoa Kỳ kể từ thập niên 1950, một quan hệ hình thành từ Mỹ đẩy mạnh phong trào chủ nghĩa Cộng sản châu Á. Thái Lan là một trong năm nước trong vùng đã ký kết hiệp ước liên minh quân sự với Washington, cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Philippines.
Nhưng gần đây, quan hệ Mỹ - Thái Lan đã bị rơi vào vùng trũng. Một ví dụ là thất bại của hai dự án hợp tác song phương vào đầu năm : Một chương trình nghiên cứu khí hậu của cơ quan hàng không không gian Mỹ NASA, và một kế hoạch thiết lập một trung tâm cứu hộ khu vực trong trường hợp thiên tai, đặt tại sân bay quân sự U-Tapao. Các dự án này đã bị buộc phải hủy bỏ vì đã trở thành nạn nhân của các cuộc tranh cãi chính trị nội bộ tại Thái Lan.
Nhân chuyến viếng thăm Bangkok mới đây (ngày 15/11/2012) của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta, một thỏa thuận hợp tác quân sự song phương đã được ký kết. Thế nhưng trong thực tế, văn kiện này chỉ nhằm củng cố các quy định có sẵn, do đó ý nghĩa không đáng kể lắm. Đó thực ra chỉ là một tuyên bố về ý định tiếp tục hợp tác mà thôi.
Ngày nào mà Thái Lan chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ đã kéo dài từ bảy năm nay, ngày đó Thái Lan sẽ không đóng được một vai trò quan trọng ở cấp khu vực.
Ta có thể thấy rõ điều đó tại các cuộc họp ASEAN mới đây tại Phnom Penh : Thái Lan hầu như vắng bóng trong các cuộc tranh luận, về vấn đề Biển Đông, hay thậm chí cả về các vấn đề kinh tế.
Thái Lan cũng xoay trục nhưng về phía Trung Quốc
RFI : Như vậy phải chăng là quan hệ của Thái Lan với Hoa Kỳ đang càng lúc càng giãn ra ?
Arnaud : Trên bề mặt thì không. Hai nước vẫn là đồng minh rất thân thiết, ràng buộc với nhau bằng các hiệp ước quốc tế và một quan hệ lâu đời. Tuy nhiên, bên dưới bề mặt đó, một xu hướng ít lộ liễu đang hình thành : Thái Lan cũng “xoay trục, nhưng về phía Trung Quốc, chủ yếu là về mặt kinh tế. Thái Lan đang xây dựng sự phát triển kinh tế tương lai của mình trên cơ sở chuyển hướng qua Trung Quốc. Thỏa thuận tự do mậu dịch Thái Lan-Trung Quốc, có hiệu lực vào năm 2003, là viên đá đầu tiên của tòa nhà này.
Nhưng sự chuyển hướng đó ngày càng mang tính chất chính trị. Ta có thể thấy điều đó qua việc Bangkok hết sức tránh làm cho Bắc Kinh khó chịu trên tất cả các vấn đề nhạy cảm, từ Tây Tạng đến Đài Loan, từ vấn đề Pháp Luân Công cho đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông.
Nền ngoại giao của Thái Lan luôn luôn mang tính chất cơ hội, gió chiều nào thì xoay chiều đó. Và dù đúng hay sai, thì nhận thức hiện tại của Bangkok là sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực đang làm lu mờ một phần ảnh hưởng của Mỹ.
Tuy nhiên, Thái Lan cũng cẩn thận không đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ. Đó là lý do tại sao Bangkok vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Washington trong khi chuyển hướng về phía Trung Quốc. Thái Lan trở thành đối tác đang mất dần trọng lượng đối với Mỹ
RFI : Anh đã đề cập đến việc Thái Lan vắng bóng trong những cuộc tranh luận tại ASEAN. Vậy mà Thái Lan lại là một trong những thành viên sáng lập của Hiệp hội Đông Nam Á, và trong một thời gian dài từng là động lực chính của khối. Sự thoái trào của Thái Lan bắt đầu từ bao giờ ?
Arnaud : Thời kỳ vàng son của chính sách khu vực của Thái Lan là dưới thời Thủ tướng Thaksin Shinawatra, từ giữa năm 2001 đến năm 2006. Vào lúc ấy, Thái Lan hiện diện khắp nơi, đề ra nhiều sáng kiến ​​kinh tế khu vực, bên trong khối Đông Nam Á và giữa ASEAN với vùng Nam Á. Ngoại trưởng Surakiart Sathirathai lúc bấy giờ là chiến lược gia lớn của nền ngoại giao vừa năng động, vừa có tầm nhìn xa trông rộng đó.
Sau cuộc đảo chính tháng 9/2006, Thái Lan đã bị các nước phương Tây cô lập và không thể đóng được một vai trò trong khu vực. Thế rồi vòng xoáy của các biến cố chính trị liên tiếp vào những năm 2008, 2009 và 2010 đã đẩy đất nước này vào tình trạng hướng nội. Chính phủ thì chỉ điều hành theo kiểu cơm ăn từng bữa mà thôi.
Hiện nay, do việc người đứng đầu chính phủ là bà Yingluck Shinawatra, thiếu kinh nghiệm trong lãnh vực đối ngoại, Ngoại trưởng của bà là ông Surapong Tovichak-chaikul lại có vẻ kém cỏi, Thái Lan trở nên rất thụ động trong các cuộc thảo luận trong khu vực, trong lúc các nước khác lại tích cực hơn, chẳng hạn như Indonesia và Philippines : Jakarta đã cố gắng đứng ra đảm trách vai trò trung gian trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông, còn Manila, ngay từ trước năm 2010, đã có một lập trường rất dứt khoát về Miến Điện.
Lẽ tất nhiên là Washington nhận thức rõ thực tế kể trên. Trong bối cảnh đó, danh xưng “Đầu tầu khu vực” mà Hoa Kỳ tặng cho Thái Lan chỉ là một cách để giúp cho một đồng minh khỏi bị mất mặt. Còn trong thực tế, Thái Lan, ít nhất trong tạm thời, đã trở thành một đối tác đang mất dần trọng lượng đối với Mỹ, ngay vào lúc mà quan hệ giữa Washington với Hà Nội và với Miến Điện đang được thắt chặt thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm