Nghị định 71 gây thiệt hại cho người nghèo
Khánh An, phóng viên RFA
2012-11-26
Việc áp dụng Nghị định 71/CP về xử phạt xe không chính chủ gây bất bình trong dân chúng đã được đem ra mổ xẻ trong các buổi họp của đại biểu quốc hội.Hiện một vài chuyên gia của Bộ Tư Pháp và Bộ Công An đưa ra giải pháp tạm hoãn thi hành nghị định. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây chỉ là phương án “hoãn binh” chứ không phải là giải pháp. Khánh An hỏi chuyện LS. Trần Thu Nam để biết thêm chi tiết.
Trước tiên LS. Trần Thu Nam cho biết về thực trạng quản lý phương tiện giao thông hiện tại:
Thời gian trước, pháp luật Việt Nam đã bỏ lỏng việc đăng ký, quản lý các phương tiện giao thông. Ngoài ra, thực trạng ở Hà Nội cũng như các thành phố khác là để đăng ký một phương tiện giao thông cũng rất khó. Ví dụ những người tỉnh ngoài lên các thành phố lớn để học tập, làm việc, để được đăng ký phương tiện thì họ phải có hộ khẩu. Không có hộ khẩu thì không đăng ký được phương tiện nên họ nhờ những người khác đăng ký hoặc là mua lại những suất đăng ký của những người tại các thành phố đó. Ngoài ra, sinh viên để có được phương tiện thì họ mua những xe máy cũ để sử dụng vào việc học tập, đi lại của mình.
Việc này đã diễn tiến qua một thời gian rất dài, số lượng phương tiện giao thông không chính chủ hiện nay đã lên một con số rất lớn. Những thủ tục hành chính đã cản trở người ta sang tên, mua mới. Cho nên việc đi những phương tiện không chính chủ là cái tất yếu của Việt Nam. Vì vậy cho nên bây giờ ban hành một nghị định để xử phạt việc đó mà trong một thời gian ngắn có hiệu lực thì những phương tiện đó để sang tên chính chủ là bất khả thi.
Khánh An: Như ông đã nói, có những người mua xe sang tên rất nhiều lần, bây giờ để tìm được người chủ đứng tên thì đúng là không khả thi. Vậy những trường hợp đó thì xử lý thế nào (theo quy định)?
LS. Trần Thu Nam: Đây là một câu hỏi khó mà bản thân những nhà lập pháp cũng như chính quyền đang rất bối rối trong những trường hợp như thế này. Hiện nay họ cũng chưa có câu giải đáp đối với những trường hợp như vậy. Thường thì họ nói rằng nếu trường hợp như vậy thì coi như xe không lưu hành được. Đây là câu hỏi mà các nhà lập pháp và hành pháp tại Việt Nam chưa lường trước được và cũng chưa có hướng gì để giải quyết việc này.
Khánh An: Như thế, việc một nghị định được đưa ra mà lại không lường trước được những tình huống xảy ra khiến cho những người thi hành bị bối rối thì ông nhận xét thế nào về điều này?
LS. Trần Thu Nam: Theo quan điểm cá nhân cũng như là của cộng đồng chung thì nghị định 71 đó không khả thi, không có tính thực tiễn. Nó gây ra những hậu quả gây thiệt hại cho những tầng lớp nghèo đi xe máy như những người không có hộ khẩu, sinh viên, người lao động… Thứ hai, nó không thực thi là trong một thời gian ngắn có hiệu lực thì việc xoay chuyển sang tên đổi chủ cũng rất gấp. Ngoài ra về mặt thực tiễn, nghị định 71 không xem xét đến việc một gia đình có thể có một người đăng ký nhưng nhiều người xử dụng xe đó. Vì vậy, chúng tôi cho rằng nghị định đó không thực thi và không thực tế. Có lẽ trước khi ban hành thì phải lấy ý kiến của người dân hoặc có một nghiên cứu về mặt thực tiễn và trước khi thực hiện nghị định thì phải tính đến phương án khi rơi vào những tình huống khó. Đấy là điều không thực tế của nghị định.
Không khả thi
Khánh An: Như vậy, nghị định 71 khi đưa ra đã không có một nghiên cứu thực tiễn hay lấy ý kiến chuyên gia trước khi có hiệu lực thi hành? LS. Trần Thu Nam: Việc thông qua nghị định thì tôi cũng không hiểu là các chuyên gia đã tư vấn, cố vấn để ra nghị định như thế nào, nhưng nói chung khi có việc ban hành nghị định này thì đã vấp phải rất nhiều phản ứng của người dân cũng như một số cán bộ công chức đã phản ứng rất dữ dội. Quan điểm của tôi là nghị định đã được ban hành một cách vội vàng, không nghiên cứu kỹ những tình huống xấu có thể xảy ra để xử lý nó.Khánh An: Vâng. Ngoài việc gây thiệt hại cho người dân, một số ý kiến cho rằng nghị định 71 mâu thuẫn với chủ trương của Việt Nam hiện nay là hạn chế xe máy. Nếu mỗi người đứng tên một xe như vậy thì hóa ra một người phải có một xe phải không?
LS. Trần Thu Nam: Theo quan điểm của tôi thì đây là một nhận định cá nhân chứ nó không gây ảnh hưởng đến việc làm phát sinh nhiều phương tiện. Bởi vì phương tiện phát sinh nhiều hay ít là do nhu cầu của người dân, người sử dụng, chứ không phải do một nghị định mà làm phát sinh ra nhiều xe khác. Về mặt thực tiễn, nghị định này cũng có mặt tích cực của nó về mặt quản lý, chống thất thoát về thuế, quản lý về các phương tiện vi phạm… Tuy nhiên do thời gian trước, chính phủ đã bỏ lỏng việc quản lý phương tiện, cũng như có nhiều chính sách gây cản trở việc sang tên, đổi chủ hoặc đăng ký chính chủ, vì thế bây giờ đưa ra một cái để khắc phục những cái tồn tại trước đây thì chỉ là xử lý phần ngọn chứ không xử lý phần gốc.
Trước khi thực thi thì phải có những phương án xử lý những cái tồn tại do thời gian trước đây. Ví dụ như một người mua xe đã sử dụng lâu ngày rồi, có xác nhận của chính quyền địa phương, có người làm chứng cam kết rằng xe này là hợp pháp, thì cũng phải có chính sách để cho họ sang tên. Không thể nào nói rằng nếu không tìm được chủ thì xe đó không được lưu hành, bỏ đi, thì đó là điều đó mà chúng tôi cho là bất cập.
Khánh An: Như thế với cái nhìn của một luật sư, ông cho là nghị định này mang lại điều tiêu cực hay sẽ gây ra hậu quả tiêu cực nhiều hơn?
LS. Trần Thu Nam: Hiện nay thì mặt tích cực chỉ mới nhìn trên lý thuyết thôi. Thế nhưng chưa nhìn thấy mặt tích cực đâu thì đã thấy mặt tiêu cực là phản ứng dữ dội của người dân trong thời gian ngắn vừa rồi. Nó thể hiện là nghị định không đạt được mục đích khi ban hành ra.
Khánh An: Vâng. Khánh An cám ơn ông đã dành thời gian cho đài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm